Những đóa hồng trắng

Minh họa: Unsplash

Tháng Năm 1975, thị trấn Chương Thiện chìm vào nỗi im vắng đến lạnh lùng. Buổi sáng, mặt trời không buồn mọc. Mây mù đùn trên cao. Thị trấn lất phất  mưa – những giọt mưa tang tóc , buồn rầu. Chợ búa vắng tanh. Hàng quán đa số đóng cửa. Chỉ có vài cái quán cà phê ọp ẹp lưa thưa khách, đó là những khách thân quen, đang lóng ngóng dò la tin tức thời sự.

Trại lính mở toang hoang. Quân cộng vào chiếm, quân số quá ít, không đủ người để quản lý các cơ sở. Dù quân cộng có thái độ hung hăng, họ cũng không ngăn cản được những tay hôi của chuyên nghiệp của thị trấn. Ðồ hộp, thuốc lá, mùng mền nhà binh, quần áo lính, giày ống… nằm ngổn ngang trong kho, hoặc bị vứt bừa bãi trên lối đi – là mục tiêu khêu gợi nhất cho các tay anh chị vùng này.

Bây giờ, Mẹ tôi đang ngồi bó gối trên chiếc chõng tre, ngóng chờ sự trở về đoàn tụ của bầy con thân yêu. Cách đây mười năm, Ba tôi bỏ xứ ra đi, Mẹ một mình miệt mài nuôi bầy con năm đứa học xong bậc trung học. Mẹ nuôi con ăn học bằng những ly cà phê bán cho lính, bằng những khúc bánh mì xíu mại do chính tay Mẹ bằm thịt, nhồi thịt và chưng cách thủy trong một nồi gang lớn mỗi đêm.

Minh họa: Unsplash

Khuya nào cũng vậy, bên bếp lửa đỏ rực, Mẹ tôi ngồi lặng thinh vò từng viên xíu mại xếp lên mặt vỉ. Tôi ngồi phía đối diện học bài, lắng nghe âm thanh rì rào của đàn muỗi đói bay vo ve trước mặt Mẹ mà thương Mẹ biết chừng nào. Bây giờ, miền Nam đã thật sự rơi vào tay cộng sản. Năm thằng con là năm người lính, đáng lẽ trong giờ phút bức tử cuối cùng, đành buông súng quy hàng. Nhưng chỉ có tôi và thằng em út trở về, sau khi vứt bỏ chiến y theo mệnh lệnh của tướng Dương Văn Minh. Còn người anh cả vẫn chiến đấu cho đến lúc bị tử thương trên đường rút quân ở Quốc lộ 1 kinh hoàng.

Người anh kế và thằng em kế thì nhất định không đầu hàng, anh em tôi theo một nhóm quân do một vị tá cầm đầu, tiến vào mật khu Hỏa Lựu lập phòng tuyến chống cự với cộng quân. Vài ngày sau, thằng em tôi được lệnh cấp trên trở về Vị Thanh, liên lạc với các nhà thuốc tây để được giúp đỡ một số thuốc men và dụng cụ cứu thương, nhằm dự trữ cho trận đánh cướp chính quyền.

Trước tình cảnh này, Mẹ tôi rối bời gan ruột. Ðàn con như đàn gà xao xác trước bóng dáng diều hâu hung tợn. Nỗi đau mất con chưa nguôi, giờ đây lại thêm nỗi lo cho những đứa con đang nổi trôi theo vận nước, đang bấp bênh trên lằn ranh sinh tử. Mẹ vội lấy khăn quàng vai chậm những giọt nước mắt đang tự nhiên tuôn tràn trên má. Bỗng một nhóm người lạ mặt ào ạt tiến vào nhà. Họ đi từ sau ra trước. Có nhóm nữa đi từ trước ra sau. Súng AK lăm le trên tay, một tên chĩa thẳng vào lưng Mẹ tôi, nạt lớn:

-Các con bà đâu? Khai mau! Chúng nó phản động. Chúng nó giấu gì nơi đây, bà biết không?

-Không, con tôi hiền lành, lương thiện. Nó có làm gì gian dối mà phải giấu giếm?

-Tôi sẽ lục soát nhà bà. Nếu có, cách mạnh sẽ không tha thứ bà đâu, nghe chưa?

Vách phên, bàn ghế, giường kệ… bị lật đổ nháo nhào. Giày dép. Quần áo, hộp lọ… bị tháo tung ra lúc khúc. Họ họp nhau đẩy cái tủ chứa lỉnh kỉnh sắt vụn sang một bên, lòi ra tấm ván hình vuông màu đen như màu đồng xám. Họ xúm nhau nậy tấm ván lên, hiện ra trước mắt mọi người một cái hầm chứa đầy thuốc tây và băng cứu thương. Súng AK lại chĩa thẳng vào Mẹ tôi, hất tung khăn quàng vai của Mẹ rớt xuống đất.

-Bà già? Cái này là cái gì? Con bà đem hàng quốc cấm về giấu đây phải không?

Mẹ tôi thản nhiên cúi xuống lượm chiếc khăn rơi, vắt lên vai áo.

-Ðó là hàng hóa mua bán của tôi từ chế độ cũ dư lại cho tới bây giờ.

-Bà nói láo! Ðây là số thuốc men con bà đã gom góp trong thời gian qua để tiếp tế cho quân phiến loạn.

Mẹ tôi bỗng đứng thẳng lên, nhìn vào mặt bọn chúng, dõng dạc nói:

-Không. Ðây là gia tài của tôi, chẳng liên quan gì tới con tôi hết. Nếu các ông nói nó là hàng quốc cấm, tôi sẽ sẵn sàng chịu phạt, chịu tội.

Súng AK lại chĩa thẳng vào Mẹ tôi. Họ bắt Mẹ tôi dẫn đi giữa cơn mưa lất phất lạnh lùng.

Vài ngày sau, Mẹ tôi được thả ra. Trong lúc đó toàn bộ nhóm quân anh hùng nêu trên bị Việt cộng gài bẫy, đưa tất cả vào lao tù. Anh và em tôi không thoát khỏi hoàn cảnh nghiệt ngã đó, đành lãnh nhận bản án mút cà tha, không có ngày ra.

Rốt cuộc, chỉ còn thằng em út là gần gũi với Mẹ. Còn ba anh em chúng tôi, mỗi người bị nhốt mỗi chỗ khác nhau. Mẹ tôi lại phải điêu đứng khổ sở, bữa đói bữa no, làm từng cái bánh bưng bán từng nhà. Mẹ tôi còn ra chợ nhận bất cứ công việc nào mà người ta cần đến, như: Dọn dẹp, làm cá, giữ trẻ, nấu nướng… miễn làm sao có được số tiền để dành dụm đi thăm nuôi anh em chúng tôi.

Ở tù, nhưng mỗi năm chúng tôi cứ chuyển trại liên miên. Từ Cao Lãnh về Sóc Trăng, rồi Cai Lậy, cuối cùng về rừng Xuyên Mộc bạt ngàn. Nơi đâu, dù gian nan cách mấy, Mẹ tôi cũng gồng gánh thăm nuôi đều đặn. Mẹ vượt đường xa, băng qua vùng lũ lụt để đến thăm con ở Ðồng Tháp Mười. Mẹ leo núi trèo non, tối nằm nghe cọp rống bên dòng sông Ðrây dậy sóng, chờ giờ thăm con ở rừng Xuyên Mộc. Mẹ còn trôi nổi ra biển Ðông, xuống tận Bến Giá thăm em tôi bị cùm trong cải-hối-thất. Ôi! Lòng Mẹ bao la như trời biển. Sự hy sinh của Mẹ đối với từng đứa con không bút mực nào có thể tả xiết. Mọi ngôn ngữ trên trần gian hình như không đủ hết ý nghĩa để ca ngợi công đức quá to lớn này.

Có lẽ những tháng năm tù tội oan khiên của tôi động tới lòng Trời, nên tôi được đền bù bằng chuyến HO sang Mỹ định cư. Nghĩ vậy cũng chưa hẳn đúng. Vì ông anh và đứa em kế của tôi cũng tù tội gần 10 năm, cho tới nay vẫn chưa được nhà nước cộng sản xét cho đi nước ngoài.

Họ bảo đó là thành phần chống phá cách mạng, không nằm trong diện HO, nên đành ngậm đắng nuốt cay về quê lêu têu cắm câu. Những ngày tháng dài ở Mỹ, vì mãi chạy theo cuộc sống, nên tôi đã quên bẵng Mẹ. Trái lại, theo lời anh tôi kể lại, cứ đến cuối tuần, sáng sớm, Mẹ kéo ghế ngồi trực ở bàn điện thoại chờ cú phôn tôi gọi về. Hễ mỗi lần nghe tiếng chuông reo, Mẹ mừng rỡ chụp vội ống nghe, reo to a lô a lô. Khi nhận ra không phải tiếng tôi, Mẹ tiu nghỉu bỏ điện thoại xuống, lặng lẽ cầm khăn quàng vai đưa lên mặt, bùi ngùi lau những dòng nước mắt chảy ràn rụa trên má. Có lần tôi vừa bốc điện thoại lên, chuông chưa kịp reo vang, tôi đã nghe tiếng Mẹ a lô trong máy:

-A lô, a lô. Con đó hả? Mẹ đây! Mẹ chờ con từ sáng tới giờ đây!

-Mẹ khoẻ không? Tháng trước, con có gửi tiền về. Mẹ đã xài hết rồi sao?

-Không, Mẹ vẫn còn giữ đây. Mẹ không cần tiền con gửi về, Mẹ chỉ cần mỗi tuần con gọi về cho Mẹ, Mẹ chỉ cần con về thăm Mẹ. Mẹ rất nhớ… con.

Tiếng “nhớ… con” vừa phát ra, tôi đã nghe giọng Mẹ nghẹn ngào trong máy. Gần mười năm trôi nổi xứ người, tôi chưa một lần về Việt Nam thăm Mẹ. Tôi cứ tưởng những đồng đôla tôi gửi về đều đặn, là đủ để xoa dịu, làm Mẹ vui lòng. Tôi đâu biết rằng tình yêu thương Mẹ dành cho con rất bao la, rất vô giá… không có tiền tài vật chất nào có thể khỏa lấp được. Rồi cuối cùng tôi cũng phải trở về, khi nghe giọng nói của Mẹ từ đầu dây bên kia run run, yếu dần:

-Chừng nào… con về… thăm Mẹ…?

-Có lẽ sang năm Mẹ ạ! Con đang thu xếp, xin phép trở về thăm Mẹ một tháng.

-Mẹ sợ… không còn kịp nữa…

Tôi hoảng hốt gào lên:

-Sao? Mẹ nói sao? Bây giờ Mẹ thấy trong người thế nào? Khỏe không?

-Mẹ… vẫn khỏe…

Tôi tức tốc mua vé về Việt Nam, khi ông anh báo cho biết Mẹ phải vào bệnh viện cấp cứu. Vừa xuống phi trường, chưa kịp định thần nhìn lại diện mạo của thành phố Sài Gòn thân yêu, tôi đã ba chân bốn cẳng chạy về Chương Thiện, nhào vô bệnh viện để gặp Mẹ. Trời ơi! Mẹ tôi đây sao? Thời gian và bệnh tật tàn nhẫn quá! Nó đã biến Mẹ tôi từ một người đàn bà đảm đang, luôn luôn che chở và đùm bọc các con – hôm nay trở thành một bà cụ yếu ớt, ốm tong teo như que củi. Nhìn hình ảnh thảm thương đó, tự dưng nước mắt tôi tuôn tràn, nghẹn ngào không nói được lời nào.

Minh họa: Unsplash

Mẹ tôi nằm đó với một thân xác nhẹ tênh, rã rời. Mẹ thều thào, nói không ra hơi, nhìn tôi bằng đôi mắt mệt mỏi. Mẹ cố vươn cánh tay gầy gò ra nắm chặt tay tôi, muốn truyền nỗi vui mừng qua tôi, ở sự nồng ấm cuối cùng. Tôi bóp nhẹ tay Mẹ như nắm níu tia hy vọng mong manh, như ôm lấy tình mẫu tử thiêng liêng vào lòng, mãi mãi tràn ngập trong tim.

Ðám tang Mẹ tôi diễn ra một cách buồn rầu, giữa cơn mưa tầm tã của buổi chiều cuối năm. Quan tài đặt trang nghiêm trong căn nhà ọp ẹp, vách lá trống hoác như cửa một hang động hoang sơ. Bức chân dung thuở hàn vi của Mẹ tôi được chưng lên bàn thờ. Anh tôi muốn vậy, vì thuở đó, Mẹ tôi còn trẻ đẹp, mặc dù phải long đong vất vả vo từng viên xíu mại nuôi con, dưới ánh đèn dầu leo lét.

Ðám tang Mẹ tôi diễn ra trong lúc tôi đã bay về Mỹ, với nỗi buồn tuyệt vọng một cách tận cùng. Những ngày đau thương đó, tôi ôm điện thoại gục đầu xuống bàn, lắng nghe từng chi tiết tóc tang từ Việt Nam gọi qua. Tôi thành khẩn quì dưới chân Thập Giá cầu nguyện, và tưởng nhớ đến hình ảnh Nghi Xuân Tấn Lực, trong câu chuyện cổ tích Phạm Công Cúc Hoa mà Mẹ từng kể cho anh em chúng tôi nghe ngày xưa. Tôi tin vào cổ tích. Tôi tin tình yêu thương của Mẹ dành cho các con luôn bất diệt. Tôi tin linh hồn Mẹ sẽ trở về, dang rộng vòng tay bao la che chở đàn con đang gặp nghịch cảnh cuộc đời.

Bắt đầu mùa Vu Lan tới, trên ngực áo của anh em tôi sẽ không còn những đóa hồng đỏ thắm rực rỡ nữa. Thay vào đó là những đóa hồng trắng tóc tang, mãi mãi ghi dấu ấn u buồn trong tâm khảm anh em tôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: