Tết Việt Nam giữa những tranh cãi

Ảnh: Hong Son/Pexels

Vài năm gần đây, liên tục có những tranh cãi về việc có nên bỏ Tết Nguyên Đán – tức Tết  âm lịch – để hội nhập với đời sống theo lịch phương Tây, cắt bỏ hẳn thói quen truyền thống về việc ăn Tết dài ngày vốn tồn tại trong lịch sử văn hóa Việt Nam hàng trăm năm.

Một trong những người kiên trì kêu gọi bỏ Tết cổ truyền là giáo sư Võ Tòng Xuân. Tuyên bố này của ông xuất hiện từ năm 2006. Trong bài phỏng vấn báo Thanh Niên ngày 15 Tháng Một 2020, giáo sư Xuân nhắc lại:

“Hãy nhìn từ cách ăn Tết của Nhật Bản. Họ đổi cách ăn Tết, từ Tết Ta sang Tết Tây từ thời Thiên Hoàng Minh Trị, đó là năm 1873, tính tới năm 2019 đã là 146 năm. Châu Âu, châu Mỹ, châu Phi đều đón Tết Tây. Tại Singapore phần lớn ăn Tết Tây, có 1/3 dân số nước này là người Hoa, theo phong tục Trung Quốc thì vẫn đón Tết Ta.

“Ở Việt Nam ta, đã ăn Tết Tây, ngày 31.12.2019 vừa rồi, tôi thấy nhiều nơi đốt pháo hoa, đếm ngược, làm lễ tất niên đón năm mới tưng bừng, như thế là ăn Tết Tây rất lớn rồi. Rồi tới Tết Ta, mọi tục lệ lại tiếp tục, như thế rất tốn kém. Tết Ta tính ra đúng là từ ngày 30 Tết tới hết ngày Mùng Ba, nhưng cứ để ý thì người dân Việt Nam đã ăn Tết Ta từ sau Rằm Tháng Chạp (15.12 Âm lịch).

“Công việc trì trệ, người dân uể oải, đường sá kẹt cứng… Đi đâu, có việc gì người ta cũng nói “thôi lo ăn Tết đã”. Và người ta ăn Tết ít nhất sau Rằm Tháng Giêng. Tôi ủng hộ chủ trương là, mình ăn Tết Tây, nhưng đến Tết Ta không phải mình bỏ hẳn đi, mình vẫn kỷ niệm nhưng chỉ khoảng ba ngày thôi”.

Ảnh: Tony Pham/Unsplash

Với những người ủng hộ bỏ Tết cổ truyền, họ lập luận rằng việc ăn Tết dài ngày không chỉ tốn kém, gây khổ cực cho phụ nữ trong việc chuẩn bị và nấu nướng, mà còn không thể “thoát Trung” về mặt chính trị. Tuy nhiên, với những người ủng hộ việc duy trì Tết cổ truyền, họ nói rằng Tết là dịp sum họp gia đình, đặc biệt với những người tha hương đi làm xa, mỗi năm chỉ có vài ngày Tết là được trở về quây quần bên người thân. Trong thực tế, vài nước châu Á vẫn duy trì ngày Tết cổ truyền của dân tộc họ, chẳng hạn Tết Songkran của người Thái Lan (Tháng Tư Dương lịch) hoặc Tết Chol Chnam Thmay của người Campuchia.

Ảnh: Lisanto/Unsplash

Việc tranh luận giữa những người muốn hủy Tết cổ truyền với những người muốn duy trì đến nay chưa ngã ngũ và ngày càng quyết liệt; nhưng trong thực tế, việc tổ chức Tết theo đúng tinh thần của phong tục Tết cổ truyền đã mai một ít nhiều. Trừ chuyện tụ họp ăn uống, rất nhiều sinh hoạt văn hóa của Tết cổ truyền đã gần như biến mất từ rất lâu (chẳng hạn phong tục treo nêu). Rất nhiều gia đình ngày nay cũng chọn việc đi du lịch nước ngoài dịp nghỉ Tết hơn là ở nhà cúng kiếng và gặp gỡ người thân. Ý nghĩa ngày Tết, dù muốn dù không, đã không còn nguyên vẹn. Như bao phong tục và tập tục khác, Tết cũng thay đổi theo thời gian.

Riêng bạn, bạn có muốn duy trì phong tục và sinh hoạt Tết cổ truyền?

Bạn thấy việc cúng đưa “Ông Táo về trời” là cần thiết?

Bạn có cúng cơm Ngày 30, Mùng Một và Mùng Ba, cho dù bận thế nào và sống ở đâu?

Bạn có “hóa vàng” (đốt vàng mã) khi cúng kiếng ngày Tết?

Bạn có thích văn hóa “lì xì” ngày Tết?

“Mồng Một Tết cha; Mồng Ba Tết thầy” - bạn có duy trì tập quán này?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: