Thi hài của vua hài Charlot bị đánh cắp như thế nào?

Cách đây 44 năm, sau khi từ trần, thi hài của vua hài Charlot bị đánh cắp! Ai thực hiện và tại sao?
Charles Chaplin (ảnh: Imagno/Getty Images)

Charlie Chaplin – một trong những nghệ sĩ xuất sắc nhất thế kỷ XX – sinh ngày 16 Tháng Tư 1889 tại Luân Ðôn (Anh). Vào ngày Giáng sinh 1977, Charlie Chaplin (hay còn gọi bằng cái tên quen thuộc Charlot) từ trần, để lại một sự nghiệp điện ảnh khổng lồ và thành công nổi trội mà đến nay chưa có người xứng đáng thay thế. Sau khi Chaplin mất, thi hài ông đã bị đánh cắp. Chuyện xảy ra như thế nào?

Ngày 25 Tháng Mười Hai 1977, Chaplin mất. Hai ngày sau, thi hài ông được chôn tại một nghĩa trang nhỏ gần hồ Geneva (Thụy Sĩ). Trong 25 năm cuối đời, Chaplin đã sống tại nước này, trong ngôi làng Corsier-sur-Vevey. Vài tháng sau khi Chaplin được chôn cất tử tế với sự tham dự của nhiều người thuộc nhiều giới, ngày 2 Tháng Ba 1978, khi những bài viết tưởng nhớ nghệ sĩ vĩ đại này vẫn ào ạt xuất hiện trên các báo, một nguồn tin từ Lausanne đã làm chấn động thế giới: Thi hài Chaplin vừa bị đánh cắp.

Nghĩa trang Corsier-sur-Vevey nhỏ, vuông, được bao phủ bằng bờ tường thấp. Nó nằm ở cuối một con đường hẹp ở cạnh làng. Mộ của Chaplin – nằm sát bức tường gần hàng cây bách – là một trong số khoảng 400 ngôi mộ của dân địa phương trong nghĩa trang này. “Huyệt mộ trống trơn. Quan tài đã biến mất!” – một cảnh sát địa phương kể lại với các phóng viên. Tại căn biệt thự của gia đình Chaplin (cũng ở làng Corsier-sur-Vevey), mọi người đều sửng sốt khi nghe tin.

Mộ Charlie Chaplin và vợ ông, bà Oona Chaplin (ảnh: Francis DEMANGE/Gamma-Rapho/Getty Images)

Cảnh sát Thụy Sĩ cấp tốc mở cuộc điều tra và Interpol cũng được mời đến. Gần như toàn bộ ngôi làng bị xới tung và tất cả những gia đình sống gần nghĩa trang đều bị phỏng vấn. Một người kể rằng tối hôm đó, ông có nghe tiếng cuốc xẻng đào xới trong nghĩa trang nhưng không thể tưởng tượng được thi hài Chaplin là mục tiêu quan tâm của bọn trộm. Tuy nhiên, có một câu hỏi lớn được đặt ra: Ai quan tâm đến thi hài Chaplin; chúng đánh cắp để làm gì; chúng có bao nhiêu tên…? Có thể chúng là những kẻ hâm mộ đến mức điên loạn muốn sở hữu luôn xác của Chaplin chăng?

Lúc ấy, người ta sực nhớ đến Frederick Sands – người từng viết một quyển sách về Chaplin – có nói rằng Chaplin đôi khi bộc lộ niềm ao ước mình sẽ được chôn ở Anh sau khi mất. Nhóm điều tra liên hệ với Sands và ông mới kể thêm rằng mình đã nhận được rất nhiều thư gửi đến, bày tỏ sự phẫn nộ khi Chaplin được chôn ở Thụy Sĩ. Liệu có phải một trong những kẻ phản đối như thế đã trộm thi hài Chaplin để mang về Anh?

Sau nhiều tháng ròng, báo chí vẫn tiếp tục đưa tin về vụ này. Ðến ngày 17 Tháng Năm 1978, người ta mới thở phào khi nghe tin cảnh sát đã bắt được những tên trộm và thi hài Chaplin cũng được tìm thấy. Hai tên trộm là dân Ðông Âu, làm nghề thợ sửa môtô. Ðó là Galtscho Ganev (Bulgaria) và Roman Wardas (Ba Lan), đều lưu trú ở Thụy Sĩ vài năm trước đó như “những kẻ tỵ nạn chính trị”. Ðộng cơ của chúng? Tiền! Chuyện bắt đầu từ khi Wardas tình cờ đọc bài báo nói về một vụ trộm xác lấy tiền chuộc ở Ý. Lúc đó, Wardas trong tình trạng thất nghiệp. Wardas hoạch định kế hoạch và lôi Ganev vào cuộc. Vào đêm 1 Tháng Ba 1978, chúng mất hai tiếng để đào mộ và lôi quan tài Chaplin lên. Sau đó, chúng chở quan tài đến một nông trại ngô cách nghĩa trang 15 dặm. Wardas biết rõ địa điểm này vì hắn thường đến đó câu cá. Chúng mất thêm một tiếng nữa để đào huyệt mới giấu quan tài. Chúng bỏ quan tài xuống huyệt, chụp ảnh và lấp kín.

Hai tên trộm chờ vài tuần rồi gọi điện báo cho gia đình Chaplin. Tại buổi xử án, chúng khai rằng mình đã đe dọa gia đình Chaplin như thế nào. Lúc ấy, Geraldine Chaplin – cô con gái của Chaplin – không dám báo cảnh sát vì Wardas dọa sẽ bắn chết những đứa em của cô. Thoạt đầu, chúng đòi 330,000 bảng nhưng sau đó giảm xuống còn 136,000 bảng. Tuy nhiên, chúng không hề biết rằng cảnh sát đã cài máy nghe lén vào điện thoại nhà Chaplin. Cả Geraldine cũng không biết. Sau vài tuần, chúng lại gọi đến, cho biết sẽ thông báo số tiền chuộc chính xác là bao nhiêu, “lúc 9 giờ 30 vào một buổi sáng nào đó”. Suốt từ ngày đó cho đến vài ngày sau, cảnh sát đã thường trực kiểm tra tất cả những cú gọi từ hơn 200 trạm điện thoại công cộng ở Lausanne. Cuối cùng, Wardas bị thộp.

Khi bị bắt, Wardas kiên quyết không khai tên đồng phạm. Tuy thế, bởi chúng là dân nhập cư nên không khó khăn lắm cho cảnh sát truy lùng ra tông tích Ganev. Chúng bị buộc tội “phá rối sự yên tĩnh của người chết” và “cố tình phạm pháp để đòi tiền chuộc”. Wardas bị xử 4 năm rưỡi lao động công ích và Ganev ôm bản án treo 18 tháng…

Quan tài của Chaplin lại được chôn tại vị trí cũ, trong nghĩa trang Corsier-sur-Vevey. Lần này, công việc được thực hiện trong yên tĩnh, trước khi buổi xử án Wardas và Ganev xảy ra. Chỉ vài người bạn và thân nhân gia đình có mặt trong buổi hạ huyệt lần thứ hai này, vào ngày 23 Tháng Năm 1978. Cũng như lần trước, thi hài của nghệ sĩ vĩ đại Charlot được đặt dưới những hàng bách buồn rũ và quanh những cây Thánh giá sơ sài, trong cái nghĩa trang gần hồ Geneva. Nhưng lần này, ngôi mộ được xây kín bằng bê tông…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: