Chỉ túc cầu mới có thể “cứu rỗi” Argentina!

Cổ động viên Argentina tại Doha, Qatar (ảnh: Francois Nel/Getty Images)

Cứ bốn năm lại có một tháng Argentina sống trong “cơn sốt quốc gia” bao trùm và sự chia rẽ chính trị tan biến khi thành phố Buenos Aires khoác lên mình màu áo quốc gia. Khi đội tuyển quốc gia ra sân, đường phố vắng tanh, các cửa hàng đóng cửa và các nhà máy ngưng làm việc. Học sinh và giáo viên quây quần bên màn ảnh truyền hình. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Jaime Perczyk nói với The Washington Post: “Nếu trận đấu đúng vào giờ học, các trường học phải phát sóng nó. Nếu không, toàn bộ học sinh sẽ ra về!

Với người Argentina, bóng đá là tất cả! (ảnh: Clive Mason/Getty Images)

Soccermania

Đó là một ngày thi đấu bình thường tại câu lạc bộ bóng đá nhỏ Abanderado Grandoli của tầng lớp lao động ở thành phố Rosario lớn thứ ba Argentina. Các gia đình địa phương đóng $1 mỗi tháng để những đứa con trai 4 tuổi của họ được tham gia trận bóng mỗi bên bảy người. Đây là bước đầu tiên mà họ hy vọng con mình sẽ tiến sâu vào sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp, một nỗi ám ảnh của quốc gia Nam Mỹ này.

Trong phòng thay đồ nhỏ có treo một tấm áp phích của một đứa trẻ đã từng ở câu lạc bộ cách nay ba thập niên để làm nguồn cảm hứng cho những cậu bé có ước mơ lớn. Đó là danh thủ bóng đá Lionel Messi. “Nhìn Messi thi đấu ở độ tuổi đó không ai có thể quên được – Chủ tịch câu lạc bộ David Treves, hiện 45 tuổi, nói – Làm sao quên được khi cậu ta từ một đứa trẻ 4 tuổi nhỏ bé, nhút nhát nay đang làm những gì mà cả thế giới thích thú chứng kiến. Messi nhận bóng từ thủ môn và rê bóng qua cầu thủ đối phương cho đến khi ghi bàn. Thật tuyệt vời, rất tuyệt vời!” – dẫn lại từ The Washington Post.

Lionel Messi (ảnh: Glenn Gervot/Icon Sportswire via Getty Images)

Giờ đây, người hâm mộ Argentina đang mong chờ cơ hội cuối cùng để Messi, 35 tuổi, một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thế giới trở thành cầu thủ đoạt chiếc cup vô địch đầu tiên trong giải đấu World Cup cuối cùng của anh. Argentina bắt đầu trận đấu vòng bảng với Ả-rập Saudi vào thứ Ba 22 Tháng Mười Một.

Đối với người dân Argentina, trận khai màn lẽ ra phải đến sớm hơn để giải nhiệt cho một quốc gia 46 triệu dân đang bị tấn công bởi nhiều tin xấu: Lạm phát ước tính 100%, một vụ ám sát vào Tháng Chín nhằm vào Phó Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner và sự cần thiết phải cơ cấu lại gói cứu trợ lớn nhất thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tránh vỡ nợ (cựu tổng thống de Kirchner cũng đang dính vào các vụ kiện tham nhũng kéo dài).

Lionel Messi được xem như “Chúa” (ảnh: Clive Rose/Getty Images)

Các cuộc khảo sát những người Argentina bình thường cho thấy cảm giác bi quan là “đáng kinh ngạc”. Theo số liệu mới nhất từ ​​Caesars Sportsbook, giới cá cược đặt tỷ lệ cược 11-2 là đội Albiceleste (biệt danh của đội tuyển quốc gia, sự kết hợp giữa màu cờ trắng và xanh da trời với màu áo thi đấu) sẽ thắng World Cup.

Tỷ lệ cá cược chỉ đứng sau người hàng xóm và đối thủ không đội trời chung Brazil. Nhiều người Argentina kỳ vọng World Cup là cơ hội để phục hồi sức sống tại một đất nước đang chán nản và tràn ngập cảm giác thất bại. Đó cũng là cơ hội chiến thắng một lần và đạt được sự công nhận trên toàn cầu về trình độ tuyệt hảo của môn bóng đá thay vì thế giới chỉ biết về số tiền quốc gia này còn nợ.

Bóng đá là một phần của văn hóa Argentina. Cristian Pereyra, 48 tuổi, làm việc trong một nhà máy sản xuất bộ phận giảm xóc cho biết ban giám đốc chuẩn bị sẵn một chiếc TV để 500 nhân viên không bỏ lỡ trận đấu nào. “Khi đội Argentina ra sân, mọi hoạt động của nhà máy đều dừng lại”. Hội chứng bóng đá (soccermania) đến từ đầu năm nay đến nỗi chính phủ phải “can thiệp” để sản xuất thêm các bức tượng nhỏ, những miếng dán được người già và trẻ em sưu tầm, khi thị trường bị thiếu.

Từ Maradona đến Messi

Huấn luyện viên Marcos Almada của câu lạc bộ Grandoli nói Messi rất được tôn sùng từ khi còn nhỏ, thậm chí được gọi là “Diego Maradona mới”. Maradona đã dẫn dắt Argentina đến chức vô địch World Cup lần thứ hai và sau đó vượt qua Đức vào năm 1986. Cùng với Pelé của Brazil, Messi được FIFA vinh danh là “Cầu thủ của thế kỷ 20”.

Tại Club Servando Bayo, một câu lạc bộ nhỏ ở Rosario, một nhóm khoảng 150 người tập trung vào đêm 30 Tháng Mười 2022 mừng sinh nhật Maradona. Đối với các tín đồ của Church of Maradona (“Giáo phái Maradona”), đây là năm 62 A.D (After Diego) chứ không phải 2022! Năm 1998, một chục năm sau khi bàn thắng khét tiếng “Bàn tay của Chúa” của Maradona giúp mang chiếc Cúp vô địch về nhà, một nhóm người cuồng tín đã quyết định tôn thờ thần tượng của họ vĩnh viễn.

Họ đưa ra “Mười Điều Răn”, trong đó có những điều như “Bạn phải yêu bóng đá hơn tất cả mọi thứ; Bạn phải tuyên bố tình yêu vô điều kiện dành cho Diego” và nhiều nữa… Thậm chí có cả kinh sách, thơ ca và nghi thức rửa tội mô phỏng bàn thắng bằng tay đưa Argentina vượt lên dẫn 1-0 trước Anh ở tứ kết năm 1986!

Maradona bất tử với người Argentina (ảnh: Gustavo Garello/Jam Media/Getty Images)

Kể từ khi người hùng của họ qua đời vào năm 2020, “giáo phái” tiếp tục phát triển. Hernán Amez, một thành viên sáng lập “giáo phái” cho biết: “Không có Diego, tình yêu của chúng tôi dành cho ông càng sâu đậm hơn. Vào lễ Giáng sinh, chúng tôi trưng bày những bức tranh về những bàn thắng lớn nhất của ông và phát những đoạn video nổi bật trong sự nghiệp của ông”.

Messi là ngôi sao xuất sắc ở châu Âu, nơi anh đã chơi cho Barcelona và Paris Saint-Germain, đồng thời giành được 11 chức vô địch câu lạc bộ và bốn chức vô địch UEFA Champions League. Messi cũng bảy lần (gần đây nhất là năm 2021) giành được Ballon d’Or (Quả bóng vàng, được trao mỗi năm cho cầu thủ bóng đá nam xuất sắc nhất thế giới).

Tuy nhiên, phần lớn danh hiệu quốc gia lại lảng tránh anh! Dù đã giành huy chương vàng Olympic cùng tuyển Argentina tại Bắc Kinh năm 2008, Argentina lại để thua Đức trong trận chung kết World Cup 2014 và thua chung kết Copa América ba lần. Dù vậy, tại World Cup năm nay, hy vọng Argentina mang về chiếc cúp lần thứ ba và lần đầu tiên cho Messi là rất cao. Ezequiel Fernández Moores, một nhà báo thể thao Argentina nhận xét:

“Ở thời kỳ hoàng hôn của sự nghiệp, Messi đến Qatar với tư cách là một trong những cầu thủ hàng đầu thế giới. Tôi chưa bao giờ thấy Messi đỉnh cao như thế trong đội tuyển quốc gia, cả cá nhân anh và bóng đá Argentina. Messi thoải mái và trưởng thành hơn như một thủ lĩnh bẩm sinh của đội”.

Lionel Messi và chiếc cúp Copa America 2021 sau trận thắng Brazil tại sân vận động Maracana ở Rio de Janeiro, Brazil ngày 10 Tháng Bảy 2021 (ảnh: Alexandre Schneider/Getty Images)

_______________

World Cup 2022 chứng kiến sự trình diễn lần cuối những tài năng thượng thặng

Lionel Messi 35 tuổi của Argentina và Cristiano Ronaldo 37 tuổi của Bồ Đào Nha vẫn dẫn đầu một thế hệ cầu thủ vĩ đại trở lại vòng chung kết bóng đá thế giới. Khác biệt lần này là vòng đấu thế giới cuối cùng của họ. Messi và Ronaldo đều nói họ sẽ ngưng tham gia World Cup năm 2026. Luka Modric, người dẫn dắt tuyển Croatia đến trận chung kết World Cup 2018, và Karim Benzema thuộc tuyển Pháp, cũng sẽ tranh cúp lần cuối. Nói cách khác, World Cup Qatar sẽ chứng kiến ​​sự ra đi lớn của các tài năng bóng đá so với bất kỳ giải đấu nào gần đây.

“Không chỉ Messi và Ronaldo mà còn năm hoặc sáu cầu thủ đang ở đỉnh cao sẽ chơi kỳ World Cup cuối cùng – cựu tiền đạo đội tuyển Ý, Alessandro Del Piero nhận định – Giải đấu sẽ rất khác nếu thiếu họ”. Robert Lewandowski (Ba Lan), tiền đạo đá cho CLB Barcelona với hơn 550 bàn thắng trong sự nghiệp, hiện 34 tuổi cũng khó có thể thi đấu thêm bốn năm nữa. Thủ môn Manuel Neuer và tiền đạo Thomas Muller (Đức) từng vô địch World Cup 2014 đã “đủ tuổi” nghỉ hưu. Ngay cả Neymar, số 10 của Brazil, được xem là cầu thủ xuất sắc thứ ba sau Messi và Ronaldo, cũng sẽ biểu diễn điệu nhảy samba cuối cùng tại World Cup 2022.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: