Hầm bà lằng quảng cáo và mua bán online

Chưa bao giờ Việt Nam bị bủa vây bởi những quảng cáo kinh khiếp như thời nay. Chỉ cần mở truyền hình, báo chí, báo mạng, mạng xã hội, YouTube sẽ thấy biết bao nhiêu là quảng cáo, tư nhân có, nhà nước có, tập đoàn có. Rất nhiều trong các quảng cáo đó là thuốc chữa bệnh. Nào là huyết áp, tiểu đường, thấp khớp, gout, tuyến tiền liệt, xuất tinh sớm, cường dương, nở to dương vật, tiền mãn kinh, rối loạn kinh nguyệt, mọc tóc, rụng lông, giảm béo, nhỏ eo, hiếm muộn, mỡ trong máu… cho đến ung thư, chậm lớn, tiểu không ra, ỉa không được, ăn không ngon, thiếu ngủ, thuốc nào cũng do danh y, thần y, lương y có giấy chứng nhận của Bộ Y tế và cả huy chương, giấy khen của nhiều hiệp hội.

“Thần y” nhan nhản!

Người Việt trước đây có thói quen có bệnh, ngoại trừ bệnh phải cấp cứu, thì thường ra nhà thuốc khai và người bán thuốc bán cho mấy thứ về dùng. Bệnh nhẹ, thông thường ho sốt, cảm mạo thì thường lướt qua. Nhưng lối uống thuốc kiểu đó nguy hại vô cùng. Bây giờ thì mở mạng, nặng nhẹ, cấp tính, mãn tính gì cũng đều có hàng chục, hàng trăm thứ thuốc sẵn sàng cung cấp. Chỉ cần nhấp chuột, có người liên hệ ngay, chỉ cần điền tên và địa chỉ, mấy hôm sau có thuốc đến tận nhà. Xem nhiều clip hay, chỉ đôi ba phút sẽ xuất hiện một quảng cáo thuốc, không thể tránh được. Sao thời nay dân tộc Việt có lắm danh y đến thế!

Ngày xưa thời chiến tranh, hệ thống tuyên truyền thường ra rả Việt Nam ra ngõ gặp anh hùng. Giờ hòa bình vào mạng là gặp danh y. Nhà chùa, nhà thờ cũng biến thành nơi quảng cáo thuốc và chữa bệnh. Có ông thầy tu thuyết pháp trước rất đông Phật tử rằng ông sẽ trị bệnh tiểu đường trong vòng bốn ngày không cần thuốc. Trong khi y học cho rằng chỉ số đường huyết trong lúc đói tối đa là 6.5mmol/L hay 120mg/dL và lúc ăn no là 10mmol/L hay 180mg/dL – trên các con số này là đã mắc bệnh. Vậy mà ông thầy tu này cho rằng chỉ số 16mmol/L hay 288mg/dL là bình thường, không nên uống thuốc vì theo ông uống thuốc trị tiểu đường sẽ bị đông máu đưa đến tử vong!

Cũng theo thầy tu này, dịch bệnh Covid không đáng sợ. Chỉ cần đến ông trong vòng tối đa bốn ngày, cũng là bốn ngày, ông nung nóng người bệnh và con virus sẽ chết ngắc, bệnh hết ngay. Thế mà cũng lắm người tin, vỗ tay rào rào. Bên Công giáo cũng có ông cha dùng tay để mang phép đến chữa bệnh cho giáo dân. Tòa Tổng Giám mục không cho phép nhưng ông vẫn hành nghề. Ở các nước tiên tiến, người ta cấm quảng cáo thuốc trên truyền thông. Chỉ có thể được làm điều này trong các tạp chí khoa học hay trong các hội thảo chuyên ngành y học. Đó là một biện pháp rất đúng.

Mại dô, dô đại là té…

Trên không gian mạng, đặc biệt trên Facebook, tình trạng bán hàng online đang nở rộ. Từ đồ gốm cho đến đồ đồng, từ quần áo đến giày dép, từ tượng gỗ cho đến gỗ khối, từ hàng gia dụng cho đến đồ điện tử, từ đồng hồ đắt tiền cho đến loại rẻ như cho, đồ Tây đồ Tàu, đồ Nhật đồ Mỹ ì xèo… Đa số đều bán hàng theo kiểu đấu giá. Người người online, nhà nhà online. Người bán, người mua tấp nập. Và cũng do hình thức đấu giá nên cuộc mua bán diễn ra rất nhanh, người bán xướng giá, đồ vật định bán được đưa ra với mã số, người mua phải quyết định thật lẹ mới chốt được hàng. Những nơi bán hàng đắt tiền sẽ tiến hành theo thời gian nhất định, thường là năm phút cho một món hàng, ai trả giá cao nhất đến hết giờ thì được. Kiểu này dễ có tình trạng cò mồi trả giá để nâng giá, người muốn mua phải trả giá cao hơn mới mua được hàng.

Bán hàng online trực tiếp theo kiểu đấu giá ngay tức thì, hay theo một thời gian nhất định, có cái lợi là người mua ngồi nhà cũng có thể chọn mua bất cứ thứ gì mình cần hoặc những gì mình thích, khỏi phải mất công kiếm tìm. Người bán chỉ tốn nước bọt, trong thời gian rất ít sẽ thanh toán được rất nhiều hàng hóa mà nếu bán ở cửa hàng không bao giờ bán được nhiều món hàng như thế trong thời gian ngắn. Người bán online đấu giá cũng không cần mặt bằng, không cần nhân viên, đặc biệt không tốn tiền đóng thuế. Cũng qua kiểu bán hàng kiểu này, người ta sẽ “giải phóng” được kho hàng trong thời gian ngắn nhất.

Cái khó nghiêng về người mua, thấy hàng đấy nhưng không được sờ tận tay, không được nhìn thực sự, lại diễn ra trong thời gian chớp nhoáng, nên khó hình dung vật mình muốn mua. Chưa kể những khiếm khuyết của đồ vật mà đôi khi người bán không thông báo. Lại thêm, khi chốt xong đơn, người mua phải chuyển tiền vào tài khoản của người bán trong khi không biết địa chỉ cũng chẳng rõ tên tuổi, nhân thân người bán. Có thể đa số người bán đều trung thực, sòng phẳng và có trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu có người xấu thì cũng đành chịu, tiền chuyển đi mà hàng không gởi thì cũng chấp nhận thương đau. Cũng có khi hàng đến nhưng hư, bể hoặc không đúng món mình đã chọn thì việc khiếu nại, trả hàng cũng lắm rắc rối.

Bẫy giăng như mạng nhện

Các trang quảng cáo hàng hóa cũng rộn ràng không kém. Hàng ngày, người sử dụng Facebook thấy tràn ngập quảng cáo đủ thứ thượng vàng hạ cám. Điều đó chứng tỏ hàng hóa bây giờ dư thừa, không còn thiếu thốn như xưa. Có điều lạ là rất nhiều món quảng cáo nhưng không bao giờ ghi giá bán cụ thể mà người mua phải nhắn tin rồi người bán sẽ báo giá. Tôi theo dõi rất nhiều trang bán hàng qua mạng và cũng không hiểu lý do gì mà người bán luôn giấu giá. Cũng có rất nhiều trang bán hàng ghi rõ số điện thoại để liên lạc khi cần nhưng thường là không kết nối được.

Hàng nhận rồi nếu hư hỏng không sử dụng được hoặc người mua không vừa lòng thì cũng chẳng liên hệ được. Hàng nhiều nhưng phần lớn là hàng Trung Quốc, giá tuy rẻ nhưng chất lượng sử dụng thì rất kém. Một điều bất tiện nữa là nhiều shop gởi hàng nhưng không cho mở ra xem. Quái! Nhận hàng mà không cho xem hàng là cái gì, có đúng hàng mình mua không, hư bể chi không? Shipper chỉ là người giao, họ phải tuân theo yêu cầu của người gởi hàng, phải trả đủ tiền thì muốn mở, muốn gói gì cũng được. Nhưng đã trả tiền xong dễ gì lấy lại, khiếu nại thì không liên lạc được hoặc được thì rất nhiêu khê, khổ thế!

Mua trả hàng kiểu “COD” (tức nhận hàng mới trả tiền) còn đỡ chứ mua trả tiền trước từ tài khoản ngân hàng thì gặp rất nhiều éo le, nhất là những shop trên trang mạng nước ngoài. Gởi tiền xong hồi hộp cả tháng. Lại thêm lúc nhận hàng, người ta gởi hàng tào lao cũng đành chịu chết. Gần đây lại thấy có nhiều trang bán hàng có giá trị nhưng giá niêm yết thật rẻ. Ví dụ một món trên Amazon bán cả ngàn đôla Mỹ, ở đây đề giá chỉ 99 đô, giá chỉ 1/10. Ham rẻ nhảy vào, chuyển tiền, bặt chim tăm cá, vài hôm sau đi tìm trang đó thì nó đã bốc hơi chẳng còn dấu vết. Nhất là những trang từ Trung Quốc. Ebay hay Amazon thì tin tưởng hơn vì trả tiền qua trung gian Pay Pal, có gì vẫn vớt vát được. Thế nhưng bây giờ nhiều trang mạng lừa đảo cũng tạo ra trang Pay Pal giả để lấy tiền thiên hạ. Những trang này cũng đề nghị trả qua Pay Pal nhưng là Pay Pal dỏm, bỏ tiền vào là xem như mất.

Lỡ “chết” ai đền?

Đặc biệt trên báo mạng, người ta bắt gặp những bài viết với tít rất kêu, rất gợi với những lời có cánh. Những bài quảng cáo này hình thức giống y một bài phóng sự do phóng viên phỏng vấn, thường là quảng cáo thuốc. Đủ loại bệnh có mặt trên đời đều có thuốc chữa bởi các thần y. Thuốc chỉ bán cho người đặt mua ngay trong bài viết và giá thường rất cao. Các thứ thuốc này không có bán ở các nhà thuốc. Cũng có trang đề nghị người mua mô tả bệnh và cho số điện thoại để tư vấn. Chỉ cần điền vào và nhấn nút, từ lúc đó ra sẽ bị quấy rầy liên tục, hỏi han liên tục và thúc hối mua thuốc liên tục.

Người nào cũng tự xưng là danh y và thuốc hầu như chưa được thử nghiệm lâm sàng cũng như rất ít khi liệt kê những phản ứng phụ. Uống thuốc kiểu này nguy hiểm khó lường. Thuốc không phải là kẹo bánh mà ai uống cũng được. Nó tùy cơ địa mỗi người. Nó cũng còn tùy những chứng bệnh khác có thể tương tác hoặc kháng thuốc. Do vậy không nên mua thuốc kiểu này. Tình trạng quảng cáo kiểu này cũng diễn ra trên truyền hình với hình thức như là một cuộc hội thảo khoa học với nhiều bác sĩ chuyên ngành tham dự để quảng cáo thuốc. Hình thức này khiến người ta rất dễ tin. Nói chính xác là hệ thống báo, đài chỉ biết nhận tiền rồi thổi phồng lên, không cần biết chất lượng cũng như khả năng trị bệnh của thuốc. Họ không cần biết hậu quả như thế nào.

Hệ thống mạng cũng rất nhạy bén, chỉ cần tìm trên Google món nào đó thì ngay sau đó trong trang Facebook của ta sẽ có xuất hiện những trang bán hàng cần tìm. Có khi chỉ cần ta để ý mặt hàng, trang web bán hàng sẽ có mặt ngay. Có nghĩa là con người ngày nay bị bủa vây bởi các loại hàng hóa. Tóm lại, trong thời buổi thượng vàng hạ cám bán buôn như thế này, người tiêu dùng phải tỉnh táo. Nếu không, chuyện tiền mất tật mang, mua trâu vẽ bóng, mua mèo nhận được chuột là chuyện bình thường có thể xảy ra. Và có khi nguy hiểm đến tính mạng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: