Làm những việc lặt vặt không tên trong nhà, hóa ra rất hữu ích

Làm những việc lặt vặt, không tên khiến đầu óc được thư giãn. (minh họa: Unsplash)

Dọn dẹp bàn làm việc, tưới cây hoặc gấp quần áo, là những việc không tên và tốn thời gian, nhưng thực tế nó khiến đầu óc chúng ta thư giãn rất nhiều.

David Robson (*), tác giả bài viết trên BBC, kể rằng, nếu đang đợi một cuộc gọi quan trọng hoặc bí câu chữ khi đang phải viết bài mà hạn chót đã gần kề, thay vì cố rặn ra từng chữ, hoặc loay hoay chờ đợi, anh đi dọn dẹp, sắp xếp lại hồ sơ hoặc dọn sạch giấy tờ nằm vương lung tung trong phòng làm việc. Những việc gọi là lặt vặt như vậy khiến anh cảm thấy thoải mái nhất trong ngày.

Robson cho rằng không chỉ mình anh thấy vậy. Khi đối mặt những căng thẳng của đại dịch, nhiều người cho biết họ bỗng nhiên quan tâm đến việc chăm sóc nhà cửa, như một cách để đối mặt với bất trắc. Các nhà tâm lý học cho rằng có nhiều cách để giải thích lý do làm việc vặt lại đem đến niềm vui hoàn hảo, đầu óc thư giãn. Và dưới đây là những điều David Robson nêu ra sau khi tìm hiểu.

Khi lăng xăng làm những việc vặt, hóa ra rất hữu ích, vì những việc động đậy chân tay này khiến chúng ta không phải động não, do đó bớt nghĩ đến những điều đang lo lắng. Ngay cả khi vật lộn với các hình thức thiền định theo bài, chúng ta vẫn thấy việc nhà cuốn bớt tâm trí. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc điều mà chúng ta đang tập trung tâm vào là gì.

Khi lăng xăng làm những việc vặt, hóa ra rất hữu ích, vì những việc động đậy chân tay này khiến chúng ta không phải động não, do đó bớt nghĩ đến những điều đang lo lắng. (minh họa: Unsplash)

Trong số ít các nghiên cứu để tìm hiểu lợi ích về mặt sức khỏe tâm thần của việc rửa chén bát, các nhà nghiên cứu tại Đại học tiểu bang Florida chia 51 người thành hai nhóm. Một nửa đọc đoạn văn bản khuyến khích họ tập trung suy nghĩ vào những cảm giác do việc rửa chén gợi lên. Nhóm còn lại đọc hướng dẫn về cách rửa mà không yêu cầu tập trung nhận thức vào cảm giác nó tạo ra.

Sau đó, những người tham gia được yêu cầu trả lời bảng câu hỏi về cảm xúc của họ. Những ai tham gia đầy đủ vào kinh nghiệm cảm giác này, thấy tâm trạng của họ tốt lên đáng kể. Nó bao gồm cả chuyện giảm bớt căng thẳng và thậm chí thấy phấn khởi hẳn lên, làm tươi mới tâm hồn họ.

Khi phải ngồi trên computer làm việc, thậm chí không làm việc mà chơi game, hay xem mấy chương trình nhảm nhí, bạn vẫn phải tập trung chú ý vào, nhưng làm mấy việc lặt vặt, bạn có lợi thế là chủ động và giúp tăng ‘kiểm soát được cảm nhận’.

Khi bạn lo lắng, cảm giác bất lực có thể làm tăng phản ứng căng thẳng sinh lý, tăng nồng độ của hormone như cortisol. Về lâu dài, cảm giác bất lực thậm chí có thể gây hại cho hoạt động của hệ thống miễn dịch. Lý tưởng nhất là chúng ta nên đối phó trực tiếp với tình huống khó chịu. Nhưng nghiên cứu cho thấy bạn có thể đạt nhận thức kiểm soát từ các hoạt động ít ảnh hưởng đến những tình huống đang làm ta phiền lòng.

Các nghiên cứu về người cao tuổi của hai trường đại học danh giá đưa ra những bằng chứng lý thú nhất. Hãy xem xét nghiên cứu cổ điển của giáo sư Ellen Langer tại Đại học Harvard và giáo sư Judith Rodin tại Đại học Yale.

Nghiên cứu diễn ra tại một viện dưỡng lão, nơi người tham gia chia thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên được phép biến căn phòng thành của mình: Họ được tùy ý sắp xếp đồ đạc, và họ được đưa cho một cái cây mà họ phải tự chăm sóc. Ở nhóm thứ hai, cư dân nhà dưỡng lão chẳng phải động tay động chân đến bất cứ việc gì, vì nhân viên sẽ làm mọi thứ, kể cả tưới cây.

Trong 18 tháng sau đó, những ai được khuyến khích lãnh trách nhiệm cho căn phòng của họ có sức khỏe thể chất tốt hơn và nguy cơ chết sớm thấp hơn. Có khả năng nhóm người này vận động nhiều hơn người khác một chút. Tuy nhiên, xét nghiên cứu về những tác động tiêu cực của sự bất lực, Langer và Rodin lập luận lợi ích chủ yếu là tâm lý, nó đến từ ý thức kiểm soát ngày càng tăng của họ đối với cuộc sống bản thân.

Nhưng lợi ích không chỉ dừng ở đó. Nếu bạn thích làm việc vặt theo kiểu sắp xếp lại các thứ cho gọn gàng, bạn sẽ cảm thấy khuây khỏa, nhẹ người hẳn lên.

Nhà tâm lý học Ethan Kross của Đại học Michigan viết trong cuốn ‘Chatter: The Voice in Our Heads and How to Harness It’: “Chúng ta được đặt trong không gian vật lý của mình; các đặc tính khác nhau của không gian này kích hoạt tâm lý bên trong, qua đó ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận.”

Nếu bạn nhìn thấy một sự lớp lang, trật tự bên ngoài, bạn sẽ cảm thấy bớt hỗn loạn một chút ở bên trong, ông viết. “Đó là cảm giác dễ chịu, bởi vì nó làm cho cuộc sống dễ dàng hơn và dễ đoán hơn.”

Stacey Bedwell, nhà tâm lý học tại Viện Tâm thần học, Tâm lý học & Khoa học Thần kinh, Đại học King’s College London đưa ra ví dụ cụ thể: Nếu bạn ngồi trước chiếc laptop đặt trên bàn bếp mà xung quanh rất bề bộn, đồ đạc tứ lung tung, não bạn sẽ phải liên tục xử lý các kích thích thị giác, trong lúc bạn đang muốn cố gắng tập trung vào nhiệm vụ trước mặt. Vì thế, sắp xếp, loại bỏ những lộn xộn thị giác, sẽ giúp bạn dễ dàng tập trung suy nghĩ hơn nhiều.

Sắp xếp, loại bỏ những lộn xộn thị giác, sẽ giúp bạn dễ dàng tập trung suy nghĩ hơn nhiều. (minh họa: Unsplash)

Các nghiên cứu hình quét não hỗ trợ cho quan điểm này. Theo đó, não sẽ hoạt động nhiều hơn khi chúng ta tăng số lượng các đồ vật gây mất tập trung xung quanh, mà đồ vật nào cũng muốn thu hút sự chú ý. Điều này có thể khiến bộ não mệt mỏi, khó khăn duy trì sự tập trung trong thời gian dài.

Để giúp trí não tập trung, không nhất thiết phải dẹp bớt đồ, mà chỉ cần sắp xếp lại các thứ cho gọn gàng, ngăn nắp. Bạn có thể sắp xếp đồ vật theo nhóm, ví dụ như theo màu, theo thể loại. Điều này giúp giảm sự rối loạn thần kinh, và nhờ đó cải thiện sự tập trung.

Bằng cách giảm lo lắng, làm dịu phản ứng căng thẳng, tăng sự tập trung và kích hoạt giải phóng endorphin, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người trong chúng ta bắt tay vào việc dọn dẹp nhà cửa hay làm việc vặt ngay khi đang phải đối diện với nhiều mối lo toan, hay bất trắc.

Cũng như mọi hoạt động khác, mức độ ích lợi nhiều hay ít mà việc dọn dẹp nhà cửa đem lại sẽ chịu ảnh hưởng bởi sở thích cá nhân và điều bạn muốn đạt được khi làm các việc đó. Nếu bạn không thích làm việc nhà và chỉ miễn cưỡng cầm cây chổi quét qua quét lại, thì niềm vui của chuyện làm việc vặt có thể sẽ không đến với bạn. Nhưng với người thích làm việc nhà, bạn may mắn đấy, vì sự lăng xăng, chạy tới chạy lui để dọn dẹp có thể là cứu cánh cho những lúc tâm trí bạn đang bị dao động, cần được nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng.

(*) David Robson là nhà văn khoa học và là tác giả của cuốn sách “The Expectation Effect: How Your Mindset Can Transform Your Life” (Hiệu ứng kỳ vọng: Cách tư duy có thể biến đổi cuộc sống của bạn) do Canongate (Anh) và Henry Holt (Mỹ) xuất bản vào đầu năm 2022.

(theo BBC)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: