Nội các Biden: Mỹ sẽ “đánh” Trung Quốc ở mặt trận Mỹ Latin

Dư luận quan tâm đặc biệt đến cuộc so găng Mỹ-Trung tại châu Á nhưng một mặt trận khác mà Mỹ cũng đang nhắm đến để loại bỏ ảnh hưởng tăng dần của Trung Quốc: Mỹ Latin. Suốt 4 năm qua, mặt trận này gần như buông lỏng. Giờ đây, Chính quyền Joe Biden đang muốn dồn hỏa lực vào đây để có thể gây sức ép nhằm vào Trung Quốc ở mọi trận địa…

Trung Quốc tràn vào sân sau của Mỹ

Paraguay là một trong 15 quốc gia duy nhất thế giới hiện vẫn chưa công nhận Chính phủ Bắc Kinh. Năm 1957, nhà độc tài cánh hữu của Paraguay, Alfredo Stroessner (qua đời năm 2006), đã công nhận Đài Loan chứ không phải Bắc Kinh về mặt ngoại giao; và chính sách này đến nay vẫn tồn tại. Đáp lại, Trung Quốc hạn chế thương mại và ngoại giao với Paraguay. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đang làm thay đổi tất cả. Tháng 4-2020, khi COVID-19 bắt đầu tàn phá Mỹ Latin, khối cánh tả tại Thượng viện Paraguay đưa ra dự luật mở rộng quan hệ với Bắc Kinh. Điều này chắc chắn đồng nghĩa việc chấm dứt công nhận Đài Loan. Dự luật bị bác, trong một Thượng viện do đảng cực hữu của Stroessner thành lập vẫn kiểm soát, nhưng các nhà lập pháp đối lập hiện vẫn “đi đêm” với Trung Quốc, với hứa hẹn rằng quan hệ hai nước chắc chắn chuyển biến nếu nếu cán cân quyền lực trong Quốc hội thay đổi.

Cuộc tranh luận chính trị ở Paraguay phản ánh một cuộc chiến rộng hơn đang diễn ra khắp Mỹ Latin về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Khi các quốc gia trong khu vực đối mặt loạt thách thức phát triển kinh tế, họ bắt đầu không nhìn về phía Bắc mà hướng về phía Đông. Trung Quốc đang là đối tác thương mại hàng đầu ở Nam Mỹ. Năm 2019, các công ty Trung Quốc đầu tư 12,8 tỷ USD vào Mỹ Latin, tăng 16,5% so với năm 2018, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng như cảng, đường bộ, đập, đường sắt… Việc mua khoáng sản và hàng hóa nông nghiệp của Trung Quốc cũng giúp Nam Mỹ thoát khỏi tình trạng tồi tệ từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Với ảnh hưởng từ COVID-19, Mỹ Latin một lần nữa phụ thuộc Trung Quốc, nơi bắt đầu nhập liên tục thịt bò từ Uruguay, đồng từ Chile, dầu từ Colombia và đậu nành từ Brazil. “Chúng tôi không muốn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng đâu là giải pháp thay thế?” – Paulo Estivallet, đại sứ Brazil tại Trung Quốc, nói với TIME. “Bán cho họ có lãi hơn bất kỳ nơi nào khác”. Với Trung Quốc, thứ họ thu được không chỉ là lãi thương mại mà còn là lợi nhuận chính trị. Bốn năm qua, Cộng hòa Dominica, El Salvador và Panama đã bỏ Đài Loan để công nhận Trung Quốc. Việc có được liên minh như thế mang lại cho Bắc Kinh những lá phiếu vô giá tại Liên Hiệp Quốc cũng như giúp họ cài cắm được người Trung Quốc vào các tổ chức đa quốc gia. Điều đó còn giúp những công ty như Huawei, ZTE, Dahua và Hikvision – tất cả đều bị Hoa Kỳ trừng phạt – thâm nhập vào hạ tầng khu vực và cho phép Bắc Kinh đưa ra các quy tắc thương mại theo “chuẩn Bắc Kinh”.

Nếu Mỹ cắm cọc ở Thái Bình Dương và biển Đông…

Theo tuần báo TIME (ấn bản in, đề ngày 15-2-2021), tính đến cuối tháng 10, Trung Quốc đã cung cấp hơn 179 tỷ khẩu trang; 1,73 tỷ bộ quần áo bảo hộ và 543 triệu bộ xét nghiệm cho 150 quốc gia và bảy tổ chức quốc tế trên toàn cầu. “Đại dịch đã mở ra một cơ hội ngoại giao mà trước đây Trung Quốc không có” – nhận xét của Benjamin N. Gedan, cựu giám đốc đặc trách khu vực Nam Mỹ thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, hiện làm việc tại Trung tâm Wilson. Tính đến nay, đã có 19 chính phủ Mỹ Latin và Caribe tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Tập Cận Bình, một mạng cơ sở hạ tầng và thương mại xuyên lục địa trị giá 1 nghìn tỷ USD. China Cosco Shipping có trụ sở tại Thượng Hải đang xây một cảng mới trị giá 3 tỷ USD tại Chancay ở Peru; chưa kể kế hoạch mở tuyến đường sắt xuyên lục địa nối bờ biển Đại Tây Dương của Nam Mỹ và Thái Bình Dương của châu Á, từ Brazil đến Chile…

Mỹ Latin từ lâu được xem là “sâu sau” của Mỹ, với lịch sử quan hệ truyền thống và lâu đời, đặc biệt Panama, nơi Hoa Kỳ thống trị thương mại và chính trị suốt thế kỷ 20. Chính quân đội Mỹ là những người làm nên con kênh đào Panama, qua đó giao thương giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương phát triển mạnh. Thập niên 1940, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thành lập một khu mậu dịch tự do ở Colón, thành phố gần lối vào kênh đào. Khu mậu dịch tự do Colón (ZLC) nhanh chóng trở thành cửa ngõ cho các công ty Mỹ như Gillette, Coca-Cola và Pfizer thâm nhập thị trường Mỹ Latin. Bảy thập niên sau, mọi thứ đã thay đổi trong ZLC. Trên diện tích 1.000 hecta với những hải cảng, nhà kho và văn phòng, các công ty Trung Quốc đang chiếm ưu thế. Giovanni Ferrari, giám đốc ZLC, cho biết: “Trung Quốc chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất vào khu vực này, với 40% trong tổng số”.

Trung Quốc từ lâu đã nhắm đến việc giật lại từ tay Mỹ con mồi ngon lành Panama, nơi vốn là địa điểm chiến lược của Mỹ tại khu vực. Năm 2017, Tập đoàn Landbridge của Trung Quốc động thổ một cảng nước sâu và khu liên hợp hậu cần trị giá 1 tỷ USD trên đảo Margarita của Panama, nơi Cảng container Panama Colón quản lý một vùng đất từng là căn cứ quân sự Hoa Kỳ. Chưa đầy một tuần sau vụ động thổ, Chính phủ Panama bất ngờ chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh. Sau năm 2017, Trung Quốc ào ạt hiện diện ở Panama, đặc biệt sau chuyến kinh lý của Tập Cận Bình vào tháng 12-2018. Đây là chuyến viếng thăm ngoại giao đầu tiên của một nguyên thủ Trung Quốc đến Panama. Cùng với đó là 16 thương vụ được đặt lên bàn. Với Bắc Kinh, sự hiện diện ở Mỹ Latin là một thông điệp gửi cho Washington: nếu các ông cắm cọc ở Thái Bình Dương và biển Đông thì chúng tôi cũng có mặt trên sân sau của các ông ở Mỹ Latin.

Không lâu sau sự thay đổi của Panama (bỏ Đài Loan để quan hệ chính thức với Bắc Kinh), Cộng hòa Dominica và El Salvador cũng đi theo. Tại Salvador, Trung Quốc dự tính thành lập một đặc khu kinh tế chiếm đến 14% lãnh thổ và một nửa bờ biển quốc gia này. Đặc khu này được thiết kế để sao cho những công ty Mỹ không thể có mặt. Tại Brazil, nền kinh tế lớn nhất khu vực, thương mại song phương với Trung Quốc đã tăng từ 2 tỷ USD năm 2000 lên 100 tỷ USD năm 2020. Hiện thời, 30% tổng lượng hàng xuất khẩu của Brazil là sang Trung Quốc, với 80% sản lượng đậu tương và 60% quặng sắt. Trung Quốc cũng cung cấp hơn 17 tỉ USD cho Argentina kể từ năm 2007 và là nhà nhập khẩu đậu nành và thịt bò của Argentina hàng đầu thế giới. Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Bắc Kinh lãnh đạo và Ngân hàng Tân Phát triển (NDB) ở Thượng Hải đều mở rộng quy mô hoạt động khắp khu vực.

Biden và một chính sách mới cho Mỹ Latin

Mỹ Latin đã chứng kiến không ít thảm kịch mang lại từ các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư. Ở Costa Rica, một dự án trị giá 1,5 tỉ USD do một công ty Trung Quốc thực hiện nhằm hiện đại hóa và mở rộng một nhà máy lọc dầu ở Moín đã bị hủy vào năm 2016, sau khi giới chức địa phương nhìn thấy tác hại môi trường của nó. Tại Ecuador, một đập thủy điện được xây dựng bởi Tập đoàn Sinohydro, với hỗ trợ từ khoản vay 1,7 tỉ USD của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, đã biến thành thảm họa môi trường sau khi nó được khánh thành năm 2016 (làm xói mòn thượng nguồn, dẫn đến việc dịch chuyển các đường ống dẫn dầu và cuối cùng gây dầu tràn). Hầu hết quan chức Ecuador liên quan dự án trên bị kết tội hối lộ, trong đó có cựu Phó Tổng thống, cựu Bộ trưởng Điện lực và một cựu quan chức chống tham nhũng.

Năm 2018, Mỹ đưa ra sáng kiến ​​América Crece để cạnh tranh trực tiếp với Vành đai và Con đường. Được thiết kế nhằm giúp các nước thu hút đầu tư tư nhân bằng cách thiết lập các quy tắc minh bạch theo thông lệ quốc tế tốt nhất, América Crece hoạt động không mấy hiệu quả. Cho đến thời điểm này, xét thuần túy về tiền, đôla Mỹ vẫn tràn ngập Mỹ Latin. Năm 2019, thương mại Trung Quốc với Tây bán cầu là 330 tỉ USD, vốn FDI là 180 tỉ USD; trong khi đó, thương mại Mỹ với khu vực là 1,9 nghìn tỉ USD và FDI là 250 tỉ USD. Tuy nhiên, vấn đề chính yếu vẫn là chính sách ngoại giao.

Trên toàn cầu, ranh giới cuộc chiến tranh lạnh mới đang được định hình: một bên là Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ và các đồng minh Thái Bình Dương; bên kia là Trung Quốc, Nga, Pakistan, Trung và Đông Nam Á. Thời Tổng thống Donald Trump, Washington nhìn Mỹ Latin chủ yếu qua lăng kính mòn với hình ảnh các ông trùm ma túy, những đoàn lữ hành nhập cư lếch thếch và nạn bạo lực băng đảng. Chuyến thăm duy nhất của Trump tới khu vực là Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Buenos Aires năm 2018 – thời điểm mà Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernández chỉ trích việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ Trung Mỹ liên quan vấn đề nhập cư; trong khi cùng lúc Hernández hoan nghênh “cơ hội” mà Trung Quốc đưa ra cho khu vực.

Với tân Tổng thống Joe Biden, Mỹ Latin là mặt trận quan trọng không thể bỏ qua. Thời làm Phó Tổng thống, Biden đã đến khu vực này 16 lần và ông thường nhắc lại cụm từ “láng giềng tốt” trong chính sách mà Tổng thống Franklin Delano Roosevelt thiết kế. Thời Barack Obama, Biden là nhân vật chủ lực trong chính sách Mỹ Latin, với các sáng kiến ​​chống tình trạng bạo lực và ma túy ở Colombia, khống chế tham nhũng chính trị ở Guatemala… Michael Camilleri, giám đốc Peter D. Bell Rule of Law Program thuộc Đối thoại Liên Mỹ (Inter-American Dialogue), nhận định: “Tổng thống Joe Biden có kiến ​​thức sâu về Mỹ Latin và Caribe hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Mỹ nào kể từ sau Chiến tranh Lạnh”.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên với các nhà lãnh đạo Mỹ Latin vào tháng 11-2020, Biden “nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác sâu sắc hơn nữa để thúc đẩy thịnh vượng kinh tế, chống biến đổi khí hậu, tăng cường dân chủ và quản lý dòng di cư trong khu vực, cùng những thách thức chung khác”. Trước khi ông Joe Biden làm lễ nhậm chức, Fitch Ratings nhận định: “Một chính quyền Hoa Kỳ do Tổng thống đắc cử Joseph Biden lãnh đạo có thể thúc đẩy sự tái gắn kết mang tính xây dựng của Hoa Kỳ với Mỹ Latin”. Ngay từ đầu, Biden đã đặt ra kế hoạch tái lập quan hệ với một tiểu khu vực (sub-region) Mỹ Latin, Trung Mỹ, đặc biệt Honduras, Guatemala và El Salvador, bằng cách cam kết phát triển một chiến lược toàn diện 4 tỷ USD trong 4 năm để giải quyết tình trạng đói nghèo dẫn đến làn sóng di cư đến Mỹ. Ít nhất, cho đến thời điểm này, giới chính trị Mỹ Latin không còn nhìn Mỹ bằng cặp mắt ác cảm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: