Câu chuyện chú bé thuyền nhân Cu Ky

Từ thuyền nhân đến kỹ sư điện, chiến binh quân lực Hoa Kỳ và bây giờ là bác sĩ nội khoa
Minh họa: sean-oulashin-unsplash

Từ trong phòng Cu Ky phóng ra, và khi chạy ngang tới hồ nước phía sau chùa, nó dừng lại, vói tay chụp lấy cái chén nhựa đỏ với đôi đũa trong cái rổ chén bát đang phơi khô, đoạn nhào tới bếp lò chúng tôi đang đứng nấu nướng. Khi nghe bọn tôi cười đùa, vừa cố chen vô trong, nó vừa hỏi:

-Đâu, đâu, mì đâu? Cho con ăn với!

Khi nó chui vào được tới trong thì chảo mì chỉ còn lại tí nước lỏng bỏng cùng vài cọng mì vụn nổi lều bều. Thằng nhỏ buồn tiu ngủi, ngó các chú tản ra với bát mì đầy ắp, nhìn nó miệng cười chọc quê làm mặt nó bí xị.

Trông nó buồn so đi về phòng, tôi gọi giật lại và gắp vài đũa mì chia cho nó. Thế là như cây đang héo được tưới nước, nó tươi lên ngay! Đó là một ngày đói khát năm 1993 của chú cháu chúng tôi trong Chùa Vạn Đức bên trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp.) Lúc ấy nó chừng 10 hay 11 tuổi gì đó.

… Gần mười hai giờ trưa Thứ Bảy, 10 Tháng Hai 1996, Chính phủ Philippines thực hiện đợt cưỡng bức hồi hương đầu tiên nhằm trục xuất thuyền nhân bị từ chối quyền tị nạn về Việt Nam bằng cách bất ngờ ra lệnh giới nghiêm toàn trại và đưa lính thủy quân lục chiến bao vây chặt Chùa Vạn Đức. Họ quy kết chùa là đầu não, là nơi chứa chấp các phần tử lãnh đạo của các cuộc biểu tình chống thanh lọc bất công, chống cưỡng bức hồi hương trong mấy năm qua.

Cu Ky được ba nó; anh Thiên, Phó Ban Đại Diện chùa, bắt im lặng núp trong góc phòng, rồi tắt đèn, đóng cửa lại trước khi anh lên chánh điện, ngồi tham gia với dân chúng từ những khu khác chạy tới bảo vệ chùa, lúc nghe tin chùa sắp bị tấn công.

Mười phút sau, nhận được lệnh của Đại tá Robles, Tư lệnh phó của Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines, binh lính đạp sập cổng chính và hai cổng Thiện Nam, Tín Nữ của chùa rồi hò hét, nhảy vào trong, xông thẳng vô chánh điện dùng báng súng M16 đập phá tượng Phật, chạy ra hậu điện gạt hết hoa quả trái cây trên bàn thờ Tổ Sư Đạt Ma xuống đất, đá đổ bàn linh khiến tro cốt trong hũ rơi vỡ, trộn lẫn với tàn nhang vun vãi đầy nền nhà, chẳng còn biết đâu mà lần. Họ gặp ai đánh đó! Tiếng đàn bà, trẻ em khóc thét vang trời. Cả chánh điện hỗn loạn, hàng trăm người bị dồn vô góc nằm chồng lên nhau. Một đứa bé bị đè đến ngạt thở, nếu không nhờ anh Khánh phụ trách kỹ thuật của chùa kịp thời kéo lên thì có lẽ em đã chết vì ngạt.

Cu Ky cạnh tượng Phật trong Chùa Vạn Đức, Philippines (ảnh: tác giả gửi)

Bên hông chùa lính thủy Phi dùng báng súng phá cửa từng phòng lục soát. Lúc chúng đá cửa phòng anh Thiên bật ra, thấy Cu Ky thấp thoáng trong bóng tối thì không cần biết lớn nhỏ gì, một tên lính lôi nó ra ngoài và xáng cho thằng bé một bạt tai làm nó xính vính, khóc thét lên. Chứng kiến con mình bị đánh, anh Thiên nhảy ra la lớn phản đối và thế là anh bị chúng xúm vào đánh tơi tả. Đoạn chúng lôi anh ra ngoài và đưa lên xe GMC. Anh níu chặt nhánh cây bông sứ nhất quyết không rời đi và bị bọn lính lấy báng súng nện vào bàn tay gãy cả hai ngón xương rồi kéo anh sềnh sệch ra khỏi chùa, khiêng anh quẳng lên xe như người ta quăng miếng giẻ rách chẳng chút thương tiếc.

Trước cảnh một quân đội hung hãn, dùng báng súng, gậy gộc đánh người tị nạn chân yếu tay mềm, đạp đàn bà trẻ em, ốm o gầy gò, tấn công anh Phó Ban Đại Diện chùa một cách thảm thương, tơi tả, mặt mũi sưng vù, mình mẩy đầy máu me, mọi người hoảng sợ, đành thúc thủ, chấp nhận bị bắt đưa qua nhốt bên Bộ Tư lệnh miền của quân đội Philippines, chấm dứt nỗi khát khao được sống đời tự do nơi miền đất hứa. Sau đợt càn quét, tổng cộng có hơn 90 người bị bắt, kể cả Sư cô Thích Nữ Diệu Thảo, Chánh Đại diện của chùa!

Riêng tôi, trước lúc đó không lâu, tôi được Sư cô giao nhiệm vụ ra phố đánh fax thông báo tình hình trại cho tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Ủy ban cứu nguy người vượt biển (BPSOS) để cầu cứu. Tuy nhiên trại bị phong tỏa mọi ngả đường và binh lính Phi đang chặn bắt những người còn lang thang ngoài trại. Giữa khoảnh khắc hiểm nghèo, tôi nhanh chân chạy vào núp kịp trong trụ sở CFSI (The Community and Family Services International). Tại đây, tôi được em Hà Thế Thành, thiện nguyện viên của cơ quan này, không ngại hiểm nguy cho mượn điện thoại của cơ quan gọi trực tiếp sang Mỹ.

Minh họa: juan-rojas-unsplash

Thời gian này ở Mỹ đang là ban đêm nhưng thật may mắn, khi tôi gọi và gặp được anh Thắng ngay. Anh nhiệt thành giúp đỡ người tị nạn trong lúc nguy nan, thức trắng đêm để giữ liên lạc với tôi qua điện thoại, đồng thời khẩn cấp gọi cho các hội đoàn, đoàn thể khắp nơi cũng như cho Hòa thượng Thích Giác Lượng; Viện trưởng Viện Hành đạo (The Chancellor of Institute for the Propagation of Buddhist Practices), Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ trực thuộc Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới (The International Buddhist Bhiksu Sangha Association),  báo tin Chùa Vạn Đức ở Palawan, Phi Luật Tân do ngài thành lập năm xưa đang bị quân đội Phi đàn áp dữ dội.

Thế là cộng đồng người Việt ở Mỹ phối hợp cùng các đoàn thể tôn giáo vội vã viết thỉnh nguyện thư phản đối Chính phủ Philippines dùng quân đội đàn áp người tị nạn cũng như xâm phạm thô bạo nơi tôn nghiêm của Phật Giáo. Bà con ở Mỹ còn tổ chức kéo về biểu tình trước Tòa Đại sứ Phi Luật Tân ở Washington DC vào Thứ Hai đầu tuần sau. Ngoài ra, BPSOS cũng vận động thêm với các tổ chức chuyên lo về nhân quyền như Human Rights, Asia Watch… để tìm thêm sự hậu thuẫn.

Đây là một bất ngờ lớn cho Bộ Tư lệnh miền Tây Phi Luật Tân và chính phủ Manila. Họ cho rằng việc thực hiện vào cuối tuần, lựa lúc bưu điện nghỉ làm việc, sẽ tránh được rủi ro người tị nạn liên lạc với bên ngoài.

Nhưng đúng sáng sớm ngày Valentine, trong khi thế giới tưng bừng mừng Lễ Tình Yêu, trao nhau tình thương nhân loại thì riêng ở một góc trời của Phi, 87 thuyền nhân đau khổ, gồm đàn ông đàn bà, già trẻ, gái trai, lẫn con nít dù tự nguyện hay không tự nguyện, vẫn bị cưỡng bức lên chiếc Airbus 320 vừa được Cao Ủy Tỵ Nạn đưa từ Việt Nam sang. Trên phi trường Puerto Princesa, quân lính dùng vòi rồng và gậy gộc, súng ống trấn áp người lánh cư phản đối cưỡng bức hồi hương, trước sự chứng kiến của giới báo chí quốc tế lẫn địa phương, trong đó có phóng viên Bảo Vũ của đài BBC.

Tuy nhiên, Sư cô Diệu Thảo và cha con anh Thiên được giữ lại vào phút chót, nhờ áp lực của cộng đồng người Việt và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại, cùng sự tham gia biểu tình phản đối mạnh mẽ của chính người dân Phi đang đi lao động ở Mỹ. Mặc dầu vậy, sáng hôm ấy, do quyết liệt chống đối hồi hương lúc bị lôi ra máy bay, anh Thiên đã bị binh lính xúm vào giậm đạp, khiến anh bị dập thêm hai cái ba sườn. Đây là chuyến cưỡng bức về Việt Nam đầu tiên và cuối cùng mà Chính phủ Phi tiến hành theo thỏa thuận đã ký trong Chương Trình Hành Động Toàn Diện (The Comprehensive Plan of Action.)

Phi là quốc gia có hơn 95% dân số theo Thiên Chúa Giáo nên Giáo Hội Công Giáo Phi rất mạnh. Vì thế, lúc nhận được sự kêu gọi giúp đỡ của các hội đoàn và cộng đồng người Việt ở nhiều nơi thế giới, Đức Cha Ramon Arguelles đã thỉnh cầu chính phủ Fidel V. Ramos hãy vì lòng thương xót của người Ki Tô Giáo mà ngưng cưỡng bức và cho họ được ở lại, bởi Chúa Giêsu cũng là người tị nạn! Kết cục, như nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã hân hoan ca vang “lời cầu kinh đã có người nghe, một vòng tay vừa mới mở ra.” Hơn 2,500 con người khốn khổ cuối đường hầm đã được ở lại. Làng Việt Nam được lập ra, tưởng chừng từ nay mọi biến cố đối với thuyền nhân trên đường vượt biển tìm tự do sẽ không còn nữa.

Nhưng không…!

Bởi có quá nhiều dị biệt về cách thức xây dựng làng nên dù được thành lập, Làng Việt Nam cũng không thành công, chẳng phát triển được do ở quá gần mỏ thủy ngân, có lắm rủi ro đến tính mạng. Không ai muốn làm ăn, sinh sống mà bỏ đi buôn bán tứ tán trên khắp nước Phi. Phần trẻ em, dù được đến trường nhưng cũng chỉ học như một “observer,” không được cấp bằng cuối năm. Ngoài ra, không biết đến bao giờ thuyền nhân mới có quy chế thường trú nhân vì đây là một vấn đề mới phát sinh mà Hiến pháp Phi Luật Tân chưa có điều khoản nào để cứu xét cho chuyện này. Ngày nay Làng Việt Nam ở Santa Lourdes, Palawan, chỉ còn tồn tại như một chứng tích lịch sử.

Cu Ky tại quân trường Fort Knox, KY (ảnh: tác giả gửi)

Trước tình trạng ấy, Sư cô Diệu Thảo đành dọn chùa lên Manila và lập ra một Niệm Phật Đường với sự tài trợ của BPSOS ở Merville, Paranaque. Đó cũng là tiền thân của văn phòng luật sư sau này chuyên giúp người lánh cư còn kẹt lại có thể đi định cư đệ tam quốc gia.

… Tại Manila, ngày ngày Cu Ky theo anh em tôi mang áo thun Tommy, Fila, Polo giả, dầu thơm Saigon, giày dép, quần lót, áo ngực nữ mua sỉ ở Baclaran hay Quiapo…, đem bán lẻ dọc lề đường dưới chân tàu điện LRT (Light Rail Transit) để kiếm tiền độ nhật.

Sáng một hôm, khoảng hơn 10 giờ, chú cháu chúng tôi đón xe Jeepney tới Pasay Rotonda, vác bao bị xuống, đi bộ trên hè kiếm chỗ bán hàng. Nơi này lúc nào cũng đông nghẹt hành khách lên xuống xe lửa và là nơi vô cùng tấp nập của dân lao động nghèo. Đến gần những người Phi đang ngồi bán, chúng tôi trải tấm nhựa và dọn hàng. Xế trưa, trong khi mọi người chuyện trò rôm rả thì từ phía trên, một đám đông tay xách nách mang rần rần chạy xuống, miệng la chói lói:

-Police! Police!

Vậy là chẳng ai bảo ai, thiên hạ khiêng đồ chạy. Anh em tôi cũng vội vàng túm bốn góc tấm nhựa chạy theo. Tôi bảo thằng Ky:

-Cu Ky xách bịch giày dép nghe.

Chạy một đổi thấy không còn cảnh sát đuổi theo, bọn tôi mới dám ngừng lại. Thằng nào thằng nấy mệt đừ, đứng thở hồng hộc. Nghỉ ngơi một chặp, mọi người lại bày hàng ra. Khi lấy giày dép ra khỏi bịch thì thấy chỉ còn có hai đôi. Chú cháu chưng hửng. Hóa ra trong lúc chạy, nó đã đánh rơi mất dần.

Đó là những kỷ niệm của tôi về nó. Sau đó, nhờ sự vận động của ông Nguyễn Đình Thắng, cha con anh Thiên và chúng tôi lần lượt lên đường sang Mỹ định cư theo diện “religious workers”. Quá trình lo giấy tờ và vận động với giới hữu trách nước sở tại thì do luật sư Trịnh Hội đảm trách.

Sau thời gian làm việc ở các chùa, chúng tôi dọn về South Carolina làm nail để kiếm sống. Ở đây ngoài thời gian học high school, cuối tuần Cu Ky phải làm nail kiếm tiền phụ ba nó lo cho mẹ và em gái còn ở Việt Nam. Nó làm móng tay rất giỏi, được rất nhiều tiền tuy vậy ba nó vẫn bắt nó học là chính

Xong trung học, nó tiếp tục bốn năm electrical engineer ở USC (University of South Carolina) tại Columbia. Rồi nó được ATI (Arrhythmia Technology Institute) tại Greenville nhận để đào tạo thành chuyên viên lắp đặt “heart pacemaker” và được trả lương hơn $70,000 vì nhờ ra trường với điểm số cao và có hơn hai năm làm thiện nguyện ở một bệnh viện gần đó. Gần một năm sau, Cu Ky được chuyển Washington Hospital, Fremont, California và Biotronik, Inc., Portland, Oregon, với mức lương trên $100,000.

Nhưng rồi nó bất ngờ từ bỏ lương cao, “job thơm” để sang Fort Knox tại Kentucky thụ huấn ba tháng quân trường sau khi ghi danh gia nhập “National Guard” vì muốn thỏa chí tang bồng. Thời trai trẻ, nó từng ước mơ được làm phi công. Hai năm sau, buồn vì không được đi bay, Cu Ky xin giải ngũ với cấp bậc là một “warrant officer” bởi bị chấn thương cột sống do tai nạn tranh banh trong một lần chơi bóng rổ khi còn ở đại học. Trở lại bệnh viện làm một thời gian ngắn, Cu Ky xin nghỉ, ra mở hai cái clinic chuyên điều trị “Sleep Apnea” tại San Jose, California.

Cu Ky với ba Thiên trong ngày lễ ra trường (ảnh: tác giả gửi)

Công việc thuận lợi cho đến năm 2015, lúc các hãng bảo hiểm không chịu trả tiền cho bệnh nhân nữa do có chương trình Obama Care. Công ăn việc làm lâm cảnh trì trệ. Trước viễn cảnh thất bại, nó một lần nữa quyết định dẹp nghề, đi học y khoa với mong muốn làm bác sĩ mổ tim. Nó chuẩn bị suốt cả năm trời để được nhận vào trường y khoa quốc tế AUA (American University of Antigua). Do Covid-19 bùng phát nên chương trình học bị gián đoạn sau năm năm cố gắng cật lực.

Mãi đến hơn một năm sau, khi các phân khoa y mở trở lại thì lúc này nó đã lập gia đình và có em bé nhỏ. Khó khăn trong việc xin trợ cấp, cuối cùng nó chuyển sang trường Avalon University School of Medicine mà tôi cũng đã có dịp kể trong bài “Qua cơn mê đời” trong chương trình thi viết “Muôn nẻo đường đời” do báo Saigon Nhỏ tổ chức (bài viết này sau đó được in trong tuyển tập “Muôn nẻo đường đời” do Saigon Nhỏ xuất bản năm 2022).

Ở trường Avalon, nó nỗ lực hết mình, vượt qua kỳ thi khảo hạch ngay lần đầu tiên và được nhận vào làm sinh viên nội trú (residency position) tại Mountain Vista Medical Center, Mesa, Arizona. Đây là giai đoạn thử thách cực kỳ gian nan và quan trọng của các sinh viên, vì dù có ra trường mà không có nơi nhận làm thì cũng không thể phát triển sự nghiệp. Theo thống kê thì tỷ lệ thành công trong việc tìm kiếm này ở Mỹ là 0.03%.

Cu Ky nhận bằng tốt nghiệp y khoa tại Stambaugh Auditorium ngày 4 Tháng Sáu 2023 (ảnh: tác giả gửi)
Cu Ky với cha mẹ ruột, cha mẹ vợ và vợ con (ảnh: tác giả gửi)
Cu Ky (thứ hai, trái sang) với gia đình tác giả (ảnh: tác giả gửi)

*****

Ngày 4 Tháng Sáu 2023, chúng tôi cũng có mặt trong lễ ra trường (Commencement Ceremony) của Cu Ky tại thành phố lớn Youngstown, Ohio, tiểu bang nơi chúng tôi cư ngụ. Lúc đó tôi mới biết nó là người thứ tư trong năm sinh viên được chọn trên tổng số 1,500 đơn xin mà giáo sư bác sĩ Y.S., Program Director của trường đã đọc trong bài phát biểu (keynote address). Ông tuyên dương Cu Ky ngày nào của chúng tôi – bây giờ là Dr. Michael, Khiêm Bảo Lê – là tấm gương nỗ lực đáng khen ngợi, một ví dụ điển hình của Thuyền Nhân Việt Nam trên con đường học vấn để tiến tới thành công mà giới trẻ nên noi theo.

Đây cũng có thể xem là niềm vinh dự và hãnh diện nói chung cho cộng đồng người Việt trên đất Mỹ và là món quà vô giá nói riêng mà Cu Ky đã dâng tặng ba và gia đình nó trong mùa Father’s Day 2023 này.

Ohio, Father’s Day 2023

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: