Cuộc sống bôn ba của hai chị em nghệ sĩ ở Little Saigon (1)

Kỳ 1-Nỗi đau đầu tiên trên đất khách
Vương Hương và Luân Vũ (bìa phải) trong một đêm biểu diễn nhạc thính phòng. (ảnh: Luân Vũ)

Chị em nghệ sĩ Luân Vũ và Vương Hương, trải qua nhiều thăng trầm trong suốt hơn 23 năm sinh sống tại Little Saigon.

Nghệ sĩ vĩ cầm Luân Vũ định cư tại Little Saigon khi đã mấp mé tuổi 30. Trước khi sang Mỹ định cư, Luân Vũ đã có nhiều năm, cùng với chị gái là nghệ sĩ dương cầm Vương Hương hoạt động nghệ thuật ở Sài Gòn, đi diễn nhiều nơi, và được khán giả yêu mến.

Vương Hương lấy chồng, đi trước. Số phận đưa Luân Vũ đến nước Mỹ vào năm 2000, và người ra đón anh, không ai khác, chính là chị gái của mình.

Hai chị em Vương Hương, 4 tuổi (ngồi trước) và Luân Vũ, 3 tuổi. (ảnh Luân Vũ)

Công việc đầu tiên trên đất Mỹ: Chùi toilet!

Đón em trai tại phi trường LAX, nghệ sĩ Vương Hương nói: “Em qua đây phải chuẩn bị tâm lý là mình sẽ không được chơi nhạc như ở Việt Nam đâu, khó lắm, họ có nhiều trung tâm, có ‘băng nhóm’ hết trơn rồi, muốn thì chơi cho vui thôi, chứ đừng mong sống bằng nghề âm nhạc ở xứ Mỹ.”

Hơn ai hết, đứa em trai hiểu rõ chị mình rất đau lòng khi nhắn gửi câu ấy, nhưng Vũ vẫn đáp lại để chị yên tâm, “dạ, em chuẩn bị tinh thần hết rồi chị”.

Hành trang của Vũ khi qua Mỹ chỉ có cây đàn violin là quý giá nhất. Anh nói với cây đàn này, qua Mỹ mà không tìm được việc làm, không có tiền sống thì đứng giữa đường kéo đàn kiếm ăn thôi. Xác định như thế trước khi đi, nhưng qua tới nơi, phải trôi theo dòng chảy của một xã hội năng động, anh tự nhủ sẽ lo kiếm công ăn việc làm đàng hoàng.

Cây đàn violin của Luân Vũ có được là nhờ bố mẹ bán xôi, bán bánh mì, dành dụm mua cho. (ảnh: Luân Vũ).

Sáng hôm sau, Vũ được chị gái đưa đến Westminster Mall, mua cho một bộ đồ tây, đôi giày tây, và một bộ quần áo và giày thể thao, nói: “Chị có nhiêu đây tặng em, khởi đầu cho cuộc sống mới của em trên đất Mỹ, một bộ đồ tây để em đi diễn (chưa biết bao giờ mới được diễn, nhưng cứ mua sẵn), và một bộ để em đi làm. Chị sẽ cho em ở chung một thời gian.”

Vũ đi xin việc làm, một người chú có phòng tranh trên Laguna Beach nói lên làm cho chú. Nghe tới làm phòng tranh có vẻ “ok” vì nhà anh chuyên về nghệ thuật, Vũ háo hức đi làm. Ngày đầu tiên, anh gặp Daniel Winn – nghệ sĩ danh tiếng người Mỹ gốc Việt, đoạt nhiều giải thưởng cao quý, có phòng tranh bán cho giới thượng lưu Mỹ.

Winn giao việc cho Vũ, là vô toilet chùi rửa cho sạch sẽ. “Vừa làm tôi vừa ứa nước mắt,” Vũ kể. “Ở Sài Gòn, dù gì tôi cũng là nghệ sĩ, sắp là thầy giáo dạy violin cho các em, vậy mà qua đây bị sai đi chùi toilet, nhưng rồi tôi cũng cắn răng chịu đựng. Tôi nhớ hoài những giọt nước mắt đầu tiên ấy, trên đất Mỹ.”

Dọn nhà vệ sinh xong, Vũ được giao đi cùng những nhân viên người Mễ, khiêng vác và chở những bức tượng đồng cho các triệu phú đặt hàng.

Từ chối lời đề nghị ưu ái từ ông chủ người Nhật

Làm ở tiệm tranh không xong, Vũ xin vào một hãng Mỹ chuyên về body xe hơi, vì thấy thông báo sẽ được trả $10/giờ, trong khi làm cho chủ người Việt chỉ được hơn $5/giờ. Ngày đi phỏng vấn, lúc được hỏi có biết gì về xe hơi, Vũ trả lời bừa: “Yes, tôi có từng làm về xe hơi mà!”. Nhờ liều mạng, Vũ được nhận vào làm việc.

Được nhận rồi, Vũ mới thấy lo, vì thật ra anh chưa từng biết gì về máy móc xe hơi. Lúc vô xưởng, người quản lý chỉ cái máy kêu làm, Vũ đứng một hồi, sượng trân, nhìn cái máy như một đống sắt, nhưng nhanh trí, anh giả bộ nói: “Ồ, ở Việt Nam, máy này khác nhe ông, hổng giống cái này, mà cái gì lạ là tui hổng có dám đụng đâu. Thôi, tốt hơn hết, ông làm thử trước, tui sẽ làm được liền hà! For sure!”.

Vũ thật tình: “Tiếng Anh của tôi lúc đó u a u ê lắm, nói lung tung, vậy mà người quản lý cũng hiểu, xong bảo ‘Okay, để tôi chỉ cho chú mày, qua ngày mai chú mày phải tự làm đó, nghe chưa!’ Tôi nghe vậy, mừng hết lớn. Được cái, tôi có trí nhớ, chỉ xem qua ai làm gì một lần là nhớ như in.”

Một thời gian sau, anh được giao quay video hướng dẫn cho nhân viên bên Anh Quốc làm body. Công việc khá ổn định, Vũ có thể tự nuôi sống bản thân, lương đủ trả tiền nhà và các chi phí khác, nhưng trong lòng anh lúc nào cũng ao ước được trở lại nghề, giàu nghèo gì cũng được, miễn không bỏ âm nhạc, không rời xa cây đàn violin.

“Người cứu tôi ra khỏi môi trường làm hãng chính là ca sĩ Ý Lan,” Vũ kể. “Chị Ý Lan biết tôi và chị Hương, là vì trước đó chị em tôi hay đàn ở những bữa tiệc gia đình nhỏ. Bữa đó, tôi nhận được cuộc gọi của chị Ý Lan, hỏi: ‘Vũ ơi, chị rất thích em, em đàn rất có hồn, vậy em có muốn tham gia tour diễn với chị không?’ Tôi nghe thì mừng lắm, nhưng hỏi lại: ‘Dạ, em rất muốn, nhưng đang làm hãng, sao em đi được chị?’ ‘Em yên tâm, mình đi tối Thứ Sáu, sáng Thứ Hai chị để em ở chỗ làm rồi’. Tôi nhận lời!”

Vũ nói anh được đi cùng nhóm của ca sĩ Ý Lan biểu diễn ở khắp các tiểu bang, chủ yếu là để thỏa mãn niềm say mê âm nhạc, còn vẫn “giữ chân” ở hãng, nơi có thu nhập ổn định hơn. Nhưng các tour diễn cuối tuần ở xa, bay về tới Little Saigon thường là quá khuya, hoặc leo qua đầu tuần, khiến anh thường phải “báo bệnh” để nghỉ Thứ Hai.

Ca sĩ Ý Lan và Luân Vũ trong một lần đi show, năm 2002. (ảnh: Luân Vũ)

Một hôm, người quản lý trên hãng kêu Vũ lên hỏi: “Này, chú mày làm cái quái gì mà cứ tới Thứ Hai thì bị bệnh? Mấy tuần liền như vậy rồi đó!” Tưởng chỉ bị cảnh cáo, ai dè hôm sau, anh nhận được lá thơ từ văn phòng, đại loại là anh bị cho nghỉ việc, nhưng rất lịch sự, hãng thông báo sẽ tặng cho anh một tháng lương, đồng thời mời anh tới dự tiệc mừng Chúa Giáng Sinh do công ty tổ chức, cũng là tiệc chia tay anh.

Vũ ngạc nhiên, nhỏ lớn, lần đầu anh mới thấy công ty cho nhân viên nghỉ việc mà còn tổ chức tiệc chia tay. Công ty còn đề nghị người được mời dự tiệc có thể tham gia các tiết mục văn nghệ ‘cây nhà lá vườn’ cho vui. Vũ ghi danh liền, vì đàn violin là “nghề của chàng” mà. Bữa tiệc rất đông, có nhân viên người Mỹ, Đại Hàn, Nhật Bản, Mễ,… Ông chủ hãng là người Nhật, thích quá, cứ hú lên khi xem Vũ biểu diễn.

Gần cuối buổi, người quản lý tới chỗ Vũ, trách: “Tại sao không cho tôi biết chú mày là nhạc sĩ? Ông chủ nói sẽ không đuổi việc chú nữa, thậm chí ổng còn cho chú chọn ngày làm việc, rảnh thì tới hãng làm, muốn nghỉ ngày nào cũng được.”

Vũ về nhà, nằm vắt tay lên trán, suy nghĩ muốn nát óc, nhưng cuối cùng anh đành từ chối “ân huệ” của ông chủ, vì nếu đồng ý, anh sẽ rất áy náy khi được ưu đãi về thời gian, trong khi những đồng nghiệp khác phải làm theo quy định, và quan trọng hơn, làm hãng, anh sẽ không có điều kiện để theo đuổi âm nhạc.

Nghỉ việc ở hãng, dù khi đó mới chỉ dành dụm được chút đỉnh, Vũ rắp tâm lập nhóm nhạc, đặt tên là The Friends.

______________________

Họa sĩ Trịnh Cung và vợ – bà Nguyễn Thị Xinh Xinh – có với nhau ba người con: Vương Hương, Luân Vũ và người con út không theo ngành âm nhạc là Bạch Mai. Sau 1975, ông Trịnh Cung bị bắt đi tù Cộng Sản, ngôi nhà trong Khu cư xá Quân Đội bị lấy mất, bà Xinh cùng các con phải tá túc tại nhà mẹ ruột ở Phú Nhuận, bà mang những quyển sách văn học nghệ thuật của gia đình đem ra bán, nhưng chẳng ai mua. Bà đành bán xôi, bán bánh mì ngoài đường nuôi con ăn học.

Họa sĩ Trịnh Cung biết con mê âm nhạc, trong tù, ông viết thư ra nói làm gì thì làm phải cho con cái học nhạc, vì đó là cứu cánh cho con, Vương Hương thì học piano, Luân Vũ thì học violin, không có tiền, bà gửi Vương Hương vào nhà thờ để học các soeur, ở nhà, bà vẽ 53 phím của piano trên gỗ cho con tập, chờ tới cuối tuần để được vào nhà thờ đánh đàn.

Đám cưới họa sĩ Trịnh Cung và bà Nguyễn Thị Xinh Xinh năm 1968. (ảnh: Luân Vũ)

Năm 1982, Luân Vũ thi đậu Nhạc Viện Sài Gòn, bộ môn violin, trước đó năm 1981, Vương Hương cũng thi vào Nhạc Viện nhưng rớt, vì chọn khoa piano phải cạnh tranh với rất nhiều thí sinh, mấy năm sau chị thi đậu môn sáo tay (flute), học được một năm thì xin chuyển sang khoa piano, năm 1990, chị là một trong bốn học viên khoa dương cầm xuất sắc của Nhạc Viện Sài Gòn.

Luân Vũ và Vương Hương gắn bó với nhau, thường song tấu những nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong các show ở Sài Gòn. Tiền cachet đầu tiên, hai chị em mỗi người được $100, số tiền khá lớn vào năm 1985. Cũng vào năm đó, bà Xinh Xinh phát hiện bệnh ung thư. Khi Việt Nam mở cửa, các khách sạn, nhà hàng lớn hay có các show biểu diễn, hai chị em rong ruổi từ nhà hàng này, tới khách sạn kia, biểu diễn ngoài giờ học, kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ.

Năm 1993, được chủ cây kiểng Út Tài ở Nguyễn Trãi có người con trai bên Mỹ về, thấy chị Hương hiền lành, đàn hay, giỏi giang, muốn hỏi ý ngỏ cưới, bà Xinh Xinh khuyên con gái đi lấy chồng, khi đó bệnh tình bà đã trở nặng. Vương Hương theo chồng sang Mỹ năm 1995. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay năm 1997, bà căn dặn Luân Vũ: “Bây giờ con là trụ cột chính trong gia đình, con đừng bao giờ bỏ chị, hãy tìm đường qua Mỹ mà lo cho chị, và còn phải lo cho em Bạch Mai nữa, ba chị em được sống với nhau, là má vui.”

______________________

The Friends, những ngày đầu chật vật

Khi tới Mỹ, Luân Vũ được nghe câu chuyện chị mình kể lại, đúng hơn là một “nỗi đau” mà chị giữ mãi trong lòng.

Chuyện là, lần nọ, chị được mời đàn trong một chương trình văn nghệ amateur tổ chức tại Nhật báo Người Việt, trên đường Moran. Giữa buổi, có một bác sĩ-ca sĩ (tạm giấu tên) hay hát nhạc cổ điển, lên biểu diễn bài “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng người đệm đàn cho bà vắng mặt, nên nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, vốn mến mộ tiếng đàn của Vương Hương, bèn nhờ chị lên đàn thay.

Biết mình chỉ rành nhạc Việt Nam, nhất là những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, “Tình Ca” là nhạc phẩm dày đặc âm hưởng ngũ cung, lại chưa tập dượt trước với người hát, nên Vương Hương từ chối. Nhưng được nhạc sĩ Quang động viên, chị lên đệm đàn, được nửa bài thì người hát ngưng lại, nói giữa sân khấu: “Đàn thế mà gọi là pianist à! Không biết nhạc Phạm Duy thì coi như là vứt đi!”

Sau bữa đó, Vương Hương lủi thủi ra về, dốc lòng học hỏi thêm phần hòa âm để không bị bất cứ ai buông lời phán xét một cách bất công và vô lý như vậy nữa.

Nghe xong câu chuyện, thấy chị mình buồn tủi, mà vẫn quá mê âm nhạc, Vũ an ủi: “Thôi chị à, chị em mình từng đi biểu diễn ở Sài Gòn, không phải tay ngang, người ta nói gì kệ họ. Bố cũng từng nói âm nhạc sẽ cứu cuộc đời mình mà, nên em sẽ làm mọi cách để chị em mình cùng theo đuổi được con đường âm nhạc, mình tự đệm cho mình, và để được sống trong thế giới của mình. Chị tin em đi!”

Năm 2003, Vũ ra văn phòng Nhật báo Người Việt xin đăng quảng cáo tìm người có cùng sở thích và có kỹ năng về âm nhạc để lập ban nhạc. Nhưng vì không có tiền, Vũ đề nghị với các chị phụ trách Rao Vặt là cứ đăng báo, nếu có dịp, anh sẽ tới chơi nhạc để… trừ tiền quảng cáo. Tất nhiên, Vũ bị từ chối.

“Buồn quá, tôi bước chân ra cửa thì thấy bác Đỗ Ngọc Yến đang ngồi uống trà, nghe được câu chuyện của tôi, bác hỏi tôi chơi đàn gì, đâu vô chơi bác nghe vài bài coi sao, tôi nghe như ‘mở cờ trong bụng’”, Vũ kể lại. “Đàn thì luôn có trong xe, nên tôi chạy ra lấy vô, làm vài bài. Chơi xong, bác ra nói với mấy chị ngoài front-desk: ‘Các cháu cho cậu em này đăng quảng cáo đi, tiền bạc tính sau.”

Nhóm nhạc The Friends được thành lập, lúc đầu, ngoài Luân Vũ (violin), Vương Hương (piano), còn có Sĩ Dự, Lê Hồng Quang, Đặng Trần Thiện,…  Y Sa, ái nữ của nhà báo Lê Đình Điểu làm MC.

Hai chị em Vương Hương và Luân Vũ trong một chương trình nhạc thính phòng ở Little Saigon. (ảnh: Luân Vũ)

Nhắc tới nhà báo Lê Đình Điểu, Vũ quay ngược trở lại quá khứ, kể về người thầy dạy Anh ngữ của mình. Vũ nói gia đình anh và gia đình “thầy Điểu” của anh rất thân với nhau, hồi ở Việt Nam. Gia đình họa sĩ Trịnh Cung sống ở nơi mà người ta hay gọi là “khu ổ chuột”, Vũ còn nhớ như in số nhà có nhiều xuyệt của gia đình mình: 353/12/10 Phạm Ngũ Lão, Quận Nhất, khu vực nổi tiếng có nhiều “đầu trộm đuôi cướp”.

Năm 1982, khi gia đình nhà báo Điểu được bảo lãnh qua Pháp, họa sĩ Trịnh Cung bàn là dọn qua nhà bạn, ở ngay Quận Nhất gần khách sạn Hoàng Gia, để giữ nhà, vì thời ấy, ai đi xuất cảnh đều bị mất nhà. Ngày gia đình ông Lê Đình Điểu ra phi trường thì bị công an chặn lại không cho đi, với lý do là giao nhà cho họa sĩ Trịnh Cung. Nếu đúng theo ‘lệnh’, trong vòng chưa đầy 24 tiếng gia đình Luân Vũ phải ra dọn ra khỏi nhà, trong thời gian ấy, gia đình ông Lê Đình Điểu bị đình chỉ chuyến bay, chờ giải quyết xong mới được lên phi cơ.

“Ngôi nhà có thể bị mất trắng, nên biết tin, bố tôi lập tức kêu cứu một thầy trong Nhạc Viện nhờ can thiệp hoặc cho mượn tiền để giải quyết. Thầy nghèo đâu có tiền, mới nói ông Mười Hải, giám đốc Sở nhà đất có thằng con đang học ở Nhạc Viện, là nó học dở lắm, thầy sẽ ‘lo điểm’ cho nó, ngược lại, ông Mười Hải sẽ lo liệu cho gia đình thầy Điểu,” Vũ kể.

“Nhận được điện thoại của thầy giáo dạy trong Nhạc Viện, ông Mười Hải điện cho công an phường Bến Thành, Quận Nhất, nói trong vòng 2 tiếng sẽ gửi văn bản tới phường về căn nhà của ông Lê Đình Điểu sẽ được giao cho họa sĩ Trịnh Cung, và đề nghị giải quyết cho gia đình ông Lê Đình Điểu lên phi cơ đi Pháp. Một cú điện thoại thôi, giải quyết xong hết! Thấy ghê chưa! Gia đình tôi ở nhà thầy Điểu, sau nhà hóa giá, mua luôn, rồi hợp thức hóa.”

Họa sĩ Trịnh Cung và Luân Vũ tại quán cà phê Factory ở Little Saigon, năm 2022. (ảnh: Luân Vũ)

Trở lại nhóm The Friends, Vũ kể, chương trình đầu tiên được tổ chức ở cà phê Thùy Dương của anh chị Hoàng Trọng Thụy và Louci, trên đường Westminster, góc đường Beach, không tốn tiền thuê chỗ. Hôm đó, có nghệ sĩ khiếm thị chơi guitar Nguyễn Đức Đạt ngồi ở dưới hàng ghế khán giả. Y Sa thấy vậy mời lên diễn giao lưu, Vũ hỏi: “Anh chơi thể loại nào?”, Đạt nói ngay: “Thể loại nào cũng được.” Thế là ba nghệ sĩ: Vương Hương, Luân Vũ, Nguyễn Đức Đạt ráp vô chơi bài Csárdás, tác phẩm nổi tiếng của Vittorio Monti.

“Năm 2004, có lần tôi xém chết, là cái đêm đi dán poster quảng cáo cho nhóm The Friends ngay Little Saigon, 12 giờ khuya, lúc đậu xe ở ngã tư Brookhurst – Bolsa, thì gặp cướp, chúng nổ súng cái đùng, tôi nghe viên đạn xẹt ngang đầu. Bữa đó chỉ trật chút xíu nữa là giờ tôi đâu có ngồi đây nói chuyện với chị được,” Luân Vũ nói, vẻ mặt vẫn khá… bặm trợn, nhưng nụ cười lại rất hiền lành.

(còn tiếp)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: