Chiến tranh truyền thông Trung – Mỹ đã khởi động?

HIẾU CHÂN

Chính phủ Hoa Kỳ đang xem xét khả năng trục xuất một số nhà báo Trung Quốc đang hành nghề tại Mỹ, trả đũa vụ Bắc Kinh trục xuất ba nhà báo của tờ The Wall Street Journal (WSJ) – trong đó có hai người là công dân Mỹ và một công dân Úc.

Một cuộc họp các quan chức cao cấp tại tòa Bạch ốc vào chiều nay thứ Hai 24-02 sẽ quyết định cách mà chính phủ của ông Trump thể hiện cho Bắc Kinh thấy họ chống lại mọi sự hạn chế người Mỹ làm việc ở Trung Quốc. Cuộc họp sẽ do ông Matthew Pottinger, Phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, chủ trì. Ông Pottinger từng là phóng viên của báo WSJ ở Bắc Kinh.

“Đông Á bệnh phu”

Trong khi đó, tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiến (Zhao Lijian) nói rằng Trung Quốc không phải là quốc gia “của bầy cừu câm lặng trước những lời sỉ nhục và bôi bẩn đầy ác ý.” Ông Triệu mới được bổ nhiệm làm Cục phó Cục báo chí Bộ Ngoại giao và đây là buổi họp báo quốc tế đầu tiên của ông; trước đó ông là đại sứ Trung Quốc tại Pakistan. Ý kiến dẫn trên của ông Triệu nói về phản ứng của Trung Quốc đối với một bài báo trên WSJ ngày 03-02 mà họ gọi là “phân biệt chủng tộc”.

Xung đột bắt đầu từ khi báo WSJ đăng bài bình luận của giáo sư Walter Russell Mead, trường Đại học Bard ở New York về những nguy cơ trong hệ thống tài chính của Trung Quốc, dưới nhan đề “Trung Quốc là người bệnh thật sự của châu Á“. Bài báo hầu như không có vấn đề gì, nhưng cái nhan đề làm cho Trung Quốc nổi giận vì nó gợi lại cụm từ “Đông Á bệnh phu” – cụm từ xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, do nhà cách mạng Trung Hoa Lương Khải Siêu (Liang Qichao) sáng tác, để chỉ tình trạng lạc hậu của nước Trung Hoa dưới triều Mãn Thanh, bị các cường quốc bên ngoài xâu xé và đè nén, thời kỳ mà Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc hiện nay gọi là “thế kỷ ô nhục”.

Sau hai tuần lên tiếng phản đối mà không nhận được lời xin lỗi chính thức của báo WSJ, thứ Tư 19-02-20 Trung Quốc đã rút giấy phép hoạt động của ba phóng viên báo WSJ tại Bắc Kinh, buộc họ phải rời khỏi Trung Quốc trong vòng năm ngày. Ba nhà báo bị trục xuất gồm Josh Chin – Phó trưởng văn phòng đại diện WSJ tại Bắc Kinh, phóng viên Chao Deng – hai người này có quốc tịch Mỹ, và phóng viên Philip Wen, quốc tịch Úc. Tuy mang quốc tịch Mỹ và Úc nhưng cả ba đều là người gốc Trung Quốc.

Động thái Bắc Kinh gây ngạc nhiên một phần vì ba nhà báo này không liên can tới bài bình luận trên tờ báo mà họ làm việc, nơi việc biên tập, đặt tựa cho các bài bình luận là công việc thuộc bộ phận khác, độc lập với bộ phận thời sự của các phóng viên; phần khác vì đây là lần đầu tiên có vụ trục xuất nhiều nhà báo của cùng một cơ quan báo chí quốc tế, chưa từng thấy kể từ khi Trung Quốc trục xuất hai phóng viên Mỹ tường thuật vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Giải thích cho quyết định trục xuất này, ông Cảnh Sảng (Geng Shuang) phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói: “Nhân dân Trung Quốc không chào đón những tổ chức truyền thông nói bằng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc, phỉ báng và tấn công Trung Quốc”.

Đáp lại, ông William Lewis, Chủ nhiệm báo WSJ kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Dow Jones – công ty sở hữu báo WSJ, cho biết ông thất vọng với quyết định trục xuất các phóng viên và đề nghị Bộ Ngoại giao Trung Quốc xem xét lại. “Trang Quan điểm của chúng tôi đăng các bài báo thể hiện các quan điểm mà mọi người không tán đồng – hoặc tán đồng – và chúng tôi không có ý định xúc phạm ai bằng nhan đề của bài báo. Tuy nhiên, rõ ràng nhan đề này đã gây tức giận và quan tâm trong người dân Trung Quốc mà chúng tôi lấy làm tiếc,” ông Lewis nói. Nhưng cho đến nay, báo WSJ vẫn chưa sửa nhan đề bài báo trên trang điện tử của mình, cũng không hề đăng lời xin lỗi chính thức như yêu cầu của chính quyền Trung Quốc.

Hai hôm nay, hai tờ báo lớn khác của Mỹ là The Washington PostThe New York Times đưa tin có một thư kiến nghị với chữ ký của 53 phóng viên, biên tập viên của WSJ gửi từ văn phòng đại diện WSJ tại Bắc Kinh tới ông Wlliam Lewis và ông Robert Thomson, Giám đốc điều hành News Corp., công ty mẹ của tập đoàn Dow Jones, yêu cầu ban lãnh đạo tờ báo “xem xét sửa chữa nhan đề [bài bình luận] và xin lỗi độc giả, nguồn tin, đồng nghiệp và tất cả những ai cảm thấy bị xúc phạm”.

Nhà báo Jonathan Cheng, Trưởng văn phòng WSJ tại Bắc Kinh, không ký vào bức thư nhưng gửi một ghi chú riêng nói rằng “việc xử lý đúng đắn vấn đề này là hết sức thiết yếu với tương lai hoạt động của WSJ tại Trung Quốc”.

“Vòng kim cô” trên đầu các nhà báo nước ngoài

Hiện nay, theo báo South China Morning Post, có khoảng 75 nhà báo Mỹ đang làm việc tại Trung Quốc cho nhiều cơ quan báo chí của Mỹ và các nước phương Tây khác trong khi có tới 500 nhà báo Trung Quốc hoạt động tại khắp các tiểu bang của Mỹ, tất cả đều là viên chức nhà nước, phần lớn là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Báo The New York Times nhận xét, các tổ chức truyền thông nước ngoài ở Trung Quốc phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chính phủ Trung Quốc sử dụng chính sách visa và cấp giấy phép hoạt động tác nghiệp như là “vòng kim cô” kiểm soát công việc của các nhà báo nước ngoài. Báo chí nước ngoài phải “lách” những đề tài cấm kỵ như phơi bày tài sản và ảnh hưởng chính trị của các nhà lãnh đạo Trung Quốc cùng thân nhân của họ. Các biện pháp kiểm soát báo chí nước ngoài lại được thắt chặt hơn nữa trong vài năm gần đây, từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Ngoài việc phải có giấy phép hoạt động báo chí, phóng viên nước ngoài còn phải theo sự hướng dẫn của các viên chức Cục Báo chí Bộ Ngoại giao Trung Quốc mỗi khi muốn đi tới các địa điểm lấy tin, tiếp xúc với các quan chức, doanh nhân và thường dân Trung Quốc.

Những nhà báo nước ngoài to gan đụng chạm đến những đề tài nhạy cảm của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ hoặc bị thu hồi giấy phép và bị trục xuất như trường hợp ba nhà báo của WSJ nói trên, hoặc không gia hạn visa khi hết hạn visa – thường chỉ có thời hạn từ sáu tháng tới một năm. Vài tháng trước đây, Bắc Kinh đã từ chối gia hạn visa cho Chun Han Wong – một phóng viên khác của WSJ – chỉ vì anh này cùng với phóng viên người Úc Philip Wen nói trên cùng viết bài tường thuật một cuộc điều tra của chính quyền Úc về hành vi rửa tiền, gian lận di trú và tội phạm có tổ chức diễn ra ở Úc của một người anh em của ông Tập Cận Bình.

Cũng cần lưu ý rằng, phần lớn trang mạng của các cơ quan truyền thông Mỹ như báo The New York Times, The Wall Street Journal, đài CNN, Bloomberg.com… cũng như các mạng xã hội Google, Facebook, Twitter, YouTube đều bị chặn ở Trung Quốc, người dân bình thường không thể vào đọc tin tức, bình luận trên các tờ báo này. Người Trung Quốc sở dĩ biết tới bài báo “Châu Á bệnh phu” nói trên là qua các bài phê phán của báo chí nhà nước Trung Quốc, hiếm người tiếp cận được bài báo gốc của WSJ.

Giết gà dọa khỉ?

Trong một thông cáo hôm thứ Tư 19-02, Câu lạc bộ các Nhà báo nước ngoài của Trung Quốc cho rằng quyết định của chính phủ Bắc Kinh “là một cố gắng cực đoan và rõ ràng của chính quyền Trung Quốc nhằm đe dọa các tổ chức truyền thông nước ngoài bằng cách trả thù các phóng viên của họ hoạt động tại Trung Quốc. Thông cáo cũng cho biết từ năm 2013 đến nay đã có chín nhà báo nước ngoài bị trục xuất hoặc không gia hạn visa.

Chưa rõ chính phủ Hoa Kỳ sẽ có hành động như thế nào trong vụ va chạm mới này, nhưng tuần trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lên tiếng chỉ trích quyết định trục xuất các nhà báo của Trung Quốc. “Những quốc gia trưởng thành, có trách nhiệm đều hiểu rằng một nền tự do báo chí phải tường thuật sự kiện và trình bày quan điểm. Phán ứng đúng đắn là đưa ra lập luận phản bác chứ không phải là hạn chế phát ngôn,” ông Pompeo nói.

Ông John Ullyot, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia trực thuộc Tòa Bạch Ốc, nhận định: “Việc trục xuất các nhà báo Mỹ là một cố gắng nữa nhằm kiểm soát báo chí, ngăn chặn các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà đầu tư tiếp cận những bài báo quan trọng về Trung Quốc. Hoa Kỳ đang xem xét một số phản ứng chống lại hành động quá đáng này”.

Một ngày trước khi Trung Quốc quyết định trục xuất ba phóng viên của WSJ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo sẽ xếp năm tổ chức báo chí của Trung Quốc – gồm hãng tin Tân Hoa xã, mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc CGTN, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc CRI, nhật báo China Daily và nhật báo People’s Daily – vào diện “cơ quan nước ngoài”, phải tuân thủ những quy định về hoạt động tương tự như các phái bộ ngoại giao nước ngoài trên đất Mỹ.

Có người cho rằng, động thái trục xuất phóng viên WSJ của Bắc Kinh nhằm trả đũa quyết định của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhưng thực chất không phải như thế dù Bắc Kinh ngay sau đó đã to tiếng “tố cáo” Washington “có thành kiến ý thức hệ và não trạng thắng-thua của thời Chiến tranh Lạnh”!

Hoa Kỳ là đất nước tự do ngôn luận, hầu hết cơ quan truyền thông là tổ chức tư nhân không chịu sự chỉ đạo của chính phủ Mỹ, trong khi báo chí Trung Quốc đều thuộc sở hữu nhà nước, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc xếp các cơ quan đại diện báo chí của Trung Quốc ở Hoa Kỳ vào diện “nhà nước” là hợp lý, phù hợp với thực tế. Vả lại, cho dù có bị thay đổi “diện” thì các phóng viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ vẫn được tác nghiệp tự do, không bị câu thúc trong khi phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc thì không được như vậy.

Trục xuất qua lại?

Trong khi chúng tôi viết bài này thì báo The New York Times đưa tin về cuộc họp các quan chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ có nội dung chính phủ Mỹ có thể nhắm tới việc hạn chế các nỗ lực thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc bằng biện pháp trục xuất một số nhà báo Trung Quốc có liên hệ với các tổ chức tình báo của nước này.

Sự trả đũa của Hoa Kỳ có thể dẫn tới vòng xoáy leo thang các hành động đối địch trên lĩnh vực truyền thông, liên quan tới các chính phủ, các tổ chức truyền thông nhà nước và tư nhân và cả các cộng đồng tình báo”.

Theo New York Times, các quan chức chính phủ Hoa Kỳ lo ngại rằng, không giống các nhà báo Mỹ, một số các nhà báo Trung Quốc là “viên chức thông tin”, làm việc cho các tờ báo của chính phủ Trung Quốc tại Mỹ và thường xuyên gửi báo cáo cho các cơ quan tình báo của Trung Quốc về những thông tin mà họ thu thập được khi tác nghiệp. Một số nhà báo Trung Quốc bị tình nghi hoạt động hai mặt, vừa là phóng viên vừa là điệp viên tình báo toàn thời gian hay sử dụng vỏ bọc nhà báo để hoạt động gián điệp.

Do số phóng viên của Trung Quốc tại Mỹ quá đông, hơn 500 người, nên theo một quan chức dự họp, chính phủ Trump sẽ không trục xuất hết được mà chỉ trục xuất một số người có bằng chứng rõ ràng vi phạm quy định về hoạt động báo chí. Tuy nhiên, biện pháp trục xuất này có thể gặp phải sự phản đối của giới chuyên nghiệp vì nó đi ngược lại nguyên tắc về tự do ngôn luận, tự do báo chí của xã hội Mỹ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: