Dịch viêm phổi Vũ Hán và kẽ nứt của xã hội Trung Quốc

HIẾU CHÂN

“Nhìn từ bên ngoài, Đảng Cộng sản Trung Quốc có vẻ mạnh mẽ và hiệu quả. Đảng đã siết chặt quyền kiểm soát toàn bộ chính trị và văn hóa, kinh tế và cuộc sống thường nhật của Trung Quốc, đưa ra hình ảnh một xã hội đang dần dần thống nhất. Vụ bùng phát dịch viêm phổi cấp Vũ Hán do coronavirus gây ra đã làm vỡ tung cái bề ngoài đó”. Trên báo The New York Times, nhà báo Lý Viễn (Li Yuan) bình luận.

Theo nhà báo Lý – một bỉnh bút (columnist) của báo New York Times, bên dưới lớp sơn có vẻ ổn định của xã hội Trung Quốc tồn tại nhiều kẽ nứt, nhiều sự phân liệt giữa các tầng lớp dân chúng, giữa người dân và lãnh đạo… Khi lớp sơn bề ngoài này bục vỡ do tác động xã hội của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, ngay những người có quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo Trung Quốc cũng lên tiếng kêu gọi những kẻ nắm quyền hãy thừa nhận và làm sáng tỏ những sự phân liệt đó thay vì cố che đậy chúng.

Ngay đến Hồ Hi Kim, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời báo – tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc có lập trường dân tộc chủ nghĩa, thường xuyên bảo vệ quyết liệt chính quyền Bắc Kinh trước mọi lời phê phán – cũng lên mạng xã hội than thở: “Mức chịu đựng của chính quyền địa phương với những tiếng nói khác biệt trên mạng là rất thấp”. Ông Hồ lấy ví dụ có tám người “cảnh báo sớm” (early whistle-blowers) về sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán đã bị công an triệu tập làm việc, để chứng minh rằng các cơ quan chính phủ Trung Quốc đã làm suy yếu chức năng kiểm tra và cân bằng của truyền thông-báo chí Trung Quốc.

Đến nay, dịch coronavirus đã giết chết 213 người, hơn 8.500 người bị nhiễm bệnh, đa số là cư dân thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc. Sự ứng phó chậm chạp và đôi lúc tùy tiện của chính quyền, cùng với tình trạng bị động, quá tải của hệ thống chăm sóc y tế, cạn kiệt nguồn trang bị y tế v.v… cho thấy Trung Quốc có đầy những điểm yếu, những bất cập trong việc bảo đảm cuộc sống an toàn cho người dân.

Tình trạng đó khiến nhiều người chợt tỉnh, và suy nghĩ lại về cuộc “trao đổi lớn” giữa nhân dân Trung Quốc với đảng Cộng sản, theo đó người dân từ bỏ các quyền cá nhân của mình để đổi lấy cuộc sống trong một xã hội ổn định và thịnh vượng. “Hệ thống hiện hành nhìn có vẻ mạnh mẽ, nhưng nó đã bị phá vỡ hoàn toàn bởi một cuộc khủng hoảng về quản trị… Chúng ta từ bỏ quyền của mình đổi lấy sự bảo vệ. Nhưng kiểu bảo vệ nào thế này? Sự thờ ơ với chính trị kéo dài đã lâu sẽ dẫn chúng ta tới đâu?” một người dân viết trên mạng xã hội Vi Bác (Weibo) – một bản sao của Facebook ở Trung Quốc; bài viết được chia sẻ 7.000 lần và được 27.000 “like” trước khi bị cơ quan kiểm duyệt xóa bỏ.

Sau thời gian ngăn chặn thông tin về nạn dịch, đến khi dịch bùng ra ngoài tầm kiểm soát, chính phủ Trung Quốc vội vã ban hành những biện pháp quyết liệt nhưng không chắc có hiệu quả như phong tỏa cùng lúc hàng chục thành phố và thị trấn, tiến hành xây dựng hai bệnh viện dã chiến hơn 2.000 giường bệnh chỉ trong 10 ngày. Người nước ngoài kinh ngạc trước việc Trung Quốc có thể huy động nguồn lực và xây dựng nhanh chóng như vậy, thậm chí nhiều người cho rằng các chính phủ dân chủ trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, không thể nào một sớm một chiều “phong tỏa” một khu vực địa lý rộng lớn, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, làm tê liệt mọi hoạt động thường nhật của khoảng 56 triệu dân một cách dễ dàng như Trung Quốc đã làm. Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc càng ra sức tô vẽ những biện pháp này như là sự thể hiện quyết tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc khống chế sự lây lan của dịch và chăm lo sức khỏe người dân.

Nhưng thực tế, những biện pháp quyết liệt và duy ý chí đó khiến người dân, xã hội và môi trường phải trả giá không hề nhỏ.

Cư dân địa phương ở Vũ Hán than phiền rằng tình trạng phong tỏa thành phố, giao thông đình trệ đã khiến cho họ không thể đi làm việc, mua bán, hay đi khám bệnh chữa bệnh – biện pháp này có thể đã ngăn cản những nỗ lực phòng bệnh hơn là giúp ngăn ngừa nạn dịch. Biện pháp phong tỏa Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc đã biến người dân tỉnh này thành “kẻ không được chào đón” trong mắt những đồng bào của họ ở khắp Trung Quốc. Người nói giọng địa phương Hồ Bắc bị cản không cho đi máy bay, bị đẩy ra khỏi các khách sạn, thậm chí bị xua đuổi khỏi các làng quê!

Người dân Trung Quốc từ trước tới nay được dạy rằng, hãy cứ lo làm giàu, mọi việc khác có đảng và chính phủ lo. Nhiều người an phận với lối suy nghĩ đó vì tin rằng Đảng Cộng sản luôn coi trọng quyền lợi của người dân. Đại dịch bùng phát đã đe dọa làm thay đổi não trạng ấy.

Trong thời gian đầu phát dịch – thời kỳ tối quan trọng để xác lập và ngăn chặn sự phát tán của virus gây bệnh – chính quyền Vũ Hán đã coi thường mối đe dọa và ngăn chặn thông tin trong lúc dịch bắt đầu lây lan khắp thành phố, khắp nước và ra cả nước ngoài. Đến khi chính quyền cô lập thành phố Vũ Hán thì đã có hơn năm triệu người, gần một nửa dân số thành phố, về quê nghỉ tết hoặc đi du lịch khắp nơi – nhiều người mang trong mình mầm bệnh. Tại sao Vũ Hán không công khai thông tin, chậm công bố dịch để giới chuyên môn và người dân chuẩn bị đối phó, không tích lũy thuốc men và vật dụng y tế sẵn sàng cho một thảm họa đang tới? Nên để ý rằng Vũ Hán có trung tâm thí nghiệm và nghiên cứu virus tối tân nhất Trung Quốc, mới khánh thành năm 2017, nên việc xác lập sớm nguồn gây bệnh, bản chất của virus… không phải là việc ngoài tầm tay.

Ở đây chỉ có thể nói rằng, quan chức lãnh đạo Vũ Hán cố tình ém nhẹm thông tin, truy bức những người cảnh báo về bệnh dịch chỉ nhằm bảo vệ quyền lực của Đảng, quyền lợi của chính họ, bất chấp sự an nguy của hàng triệu người dân mà lẽ ra họ phải coi trọng hơn cả. Nhà báo Trương Âu Á (Zhang Ouya), phóng viên lão thành của nhật báo tỉnh Hồ Bắc do nhà nước điều hành, bình luận trên mạng Vi Bác: “Hồ Bắc phải thay ngay lập tức các quan chức cầm đầu”. Ý kiến của ông đã sớm bị xóa nhưng ảnh chụp màn hình của nó đã được lan truyền rộng rãi tới mức báo Hồ Bắc phải gửi công văn chính thức xin lỗi các quan chức Vũ Hán và hứa hẹn rằng các phóng viên của báo sẽ chỉ viết những “tin tích cực”.

Rồi khi bệnh biến thành dịch, người Trung Quốc giật mình khi thấy các bệnh viện nhanh chóng cạn kiệt thuốc men và vật dụng y tế. Người dân xếp hàng từ ngày này sang ngày khác chờ được làm xét nghiệm; bệnh nhân nằm tràn ra các hành lang; còn các y bác sĩ thì mệt mỏi đến ngã quỵ, nhiều người bị lây bệnh phải tự cách ly ở nhà vì bệnh viện không còn chỗ… “Tôi luôn nghĩ rằng chúng ta có một hệ thống ưu việt do nhà nước điều hành, có khả năng tập hợp và phân bổ nguồn lực rất nhanh chóng,” một người dùng mạng Vi Bác tên là Mạnh Xương (Meng Chang), cựu phóng viên ở Bắc Kinh, viết. Nhưng thực tế đã làm Mạnh thất vọng não nề: “Cái hệ thống ưu việt đó đâu rồi?” ông viết.

Và thay vì ngồi chờ tiếp viện của nhà nước “theo đúng quy trình”, nhân viên các bệnh viện cùng những người dân Trung Quốc khác lên mạng internet kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội, của cộng đồng người Hoa ở nước ngoài và của chính phủ các nước khác. Khủng hoảng càng lan rộng thì lời kêu gọi giúp đỡ, cần nhất là khẩu trang, quần áo bảo hộ, kiếng bảo hộ y tế càng trở nên cấp thiết.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như sống ở một thế giới khác, không liên can gì tới thực tế khốn khó của người dân. Phải đến ngày 21-01-2020 khi virus corona đã phát tán tới Quảng Đông và Bắc Kinh, khi Vũ Hán đã có 136 ca bệnh và một số người chết thì Nhân Dân nhật báo – tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mới đăng dòng tin đầu tiên về bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus “lạ” gây ra. Rồi khi nạn dịch đã trở thành một vụ khủng hoảng tầm quốc gia, mới tuần trước Nhân Dân nhật báo hết lời ca ngợi sự lãnh đạo của đảng mà không hề đề cập tới Vũ Hán. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc phát liên tục các chương trình mừng đảng mừng xuân đến nỗi một người dân Vũ Hán thấy tủi thân: “Vũ Hán đã đến mức này mà cả nước dường như vẫn tràn đầy niềm vui sướng. Tôi buồn khi xem chương trình gala Hội Xuân tối hôm qua,” một phụ nữ tên Cửu Tửu (Jiujiu) nói với đài phát thanh Cố Thủy (Gushi FM). Chương trình gala trình chiếu một buổi dạ tiệc do các nhà lãnh đạo Trung Quốc chủ trì để ca ngợi thắng lợi của đất nước mà không đề cập gì tới nỗi khổ của người dân trong vùng ổ dịch.

Trung Quốc là nơi phát xuất nhiều đại dịch trong thời gian gần đây, từ dịch viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) 17 năm trước, tới dịch tả heo châu Phi mới đây, nhưng dường như người ta không học bài học của quá khứ. “Không phải đất nước này có trí nhớ kém mà vì những người cầm quyền không muốn người dân ghi nhớ,” một người Trung Quốc viết trên mạng. Quả thật, ở một đất nước mà lịch sử thường xuyên được viết lại để phục vụ cho quyền lợi của đảng cầm quyền thì bài học của quá khứ dễ dàng bị lãng quên.

Và bao trùm lên tất cả là một nỗi sợ hãi. Trong vài ngày qua, công an ở nhiều vùng của Trung Quốc đã phạt hoặc bắt giữ khoảng 40 người về tội “phao tin đồn thất thiệt” mà những người này nói họ chỉ viết trên mạng những con số ca bệnh đã được xác nhận tại địa phương họ sống.

Nỗi sợ hãi bị trấn áp bao trùm tới nỗi các y tá bác sĩ trực tiếp chăm sóc và chữa trị bệnh nhân cũng không dám đề cập tới bệnh dịch. Vương Hạc Nham (Wang Heyan), phóng viên điều tra của tờ Tài Kinh (Caixin) nổi tiếng, chuyên điều tra nạn tham nhũng của quan chức hàng đầu Trung Quốc, phải than thở trên mạng WeChat rằng bà và các đồng nghiệp không thể nào thuyết phục được các nhân viên y tế ở Vũ Hán trả lời phỏng vấn, dù đã hứa giữ bí mật danh tính của họ, bởi vì các nhân viên này lo sợ bị trả thù. “Nếu như tất cả nhân viên y tế đều không dám nhận một chút rủi ro để nói lên sự thật và báo chí không thể tường thuật sự thật thì cuối cùng tất cả mọi người, kể cả các bác sĩ, đều trở thành nạn nhân,” bà Vương viết. Một phóng viên tờ Tin Bắc Kinh (Beijing News) có cùng tâm sự; anh than phiền trên mạng xã hội rằng mặc dù anh có mặt ngay trung tâm của nạn dịch, anh vẫn không thể viết chữ nào về những gì mình được biết!

Khi nào người dân Trung Quốc sẽ vượt qua nỗi sợ để nhận ra dưới lớp vỏ phồn vinh và ổn định, xã hội Trung Quốc đang rạn nứt dưới một thể chế độc tài toàn trị hiểm ác, mà hai ngàn năm trước Khổng Tử – triết gia Trung Quốc vĩ đại nhất – từng nhận định: “Chính thể hà khắc còn tàn bạo hơn hổ dữ” (Hà chính mãnh ư hổ dã!). Cuộc biểu tình đòi dân chủ kéo dài bảy tháng ở Hong Kong, cuộc bầu cử dân chủ ở Đài Loan dường như chưa đủ sức làm cho người dân Trung Quốc lục địa thức tỉnh, có thể nào con virus corona chết chóc sẽ giúp họ nhìn ra chăng?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: