Làm gì để xóa bỏ bất bình đẳng trong giáo dục đại học?

Những người ủng hộ việc duy trì các chính sách hành động khẳng định tập trung bên ngoài Tòa án Tối cao ở Washington, D.C. vào ngày 31 Tháng Mười 2022. (ảnh: Getty Images)

Khi Tòa án Tối cao cân nhắc lệnh cấm Hành động Khẳng định (Affirmative Action), sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự đa dạng trong khuôn viên trường học.

Trong Tháng Sáu này, Tòa án Tối cao dự kiến ​​sẽ ra phán quyết về hai trường hợp tại Đại học Harvard và Đại học North Carolina, có thể cấm xem xét vấn đề chủng tộc trong tuyển sinh đại học, hủy bỏ lịch sử 45 năm của Hành động Khẳng định (Affirmative Action), kể từ năm 1978.

Trong 45 năm qua, rất nhiều trường học coi chủng tộc là một yếu tố trong việc đánh giá các ứng viên của họ, khẳng định rằng điều này là cần thiết để xây dựng một khuôn viên đa dạng. Các tiểu bang nơi “hành động khẳng định” trong tuyển sinh đại học bị cấm, như California, đã thử các biện pháp khác để mở rộng khả năng tiếp cận cho các sinh viên thiểu số, nhưng có vẻ như không có gì hiệu quả bằng hành động khẳng định dựa trên cơ sở chủng tộc.

Các chuyên gia từ một số tổ chức tiếp cận đại học và quyền công dân hàng đầu trong nước tham gia cuộc hội thảo qua Zoom, do Dịch vụ Truyền thông Sắc tộc tổ chức hôm 26 Tháng Năm, giải thích tác động của phán quyết pháp lý sắp xảy ra và thảo luận về các giải pháp thay thế để đạt được sự đa dạng nếu không có công cụ quan trọng này.

Tham dự hội thảo có hơn 80 nhà báo ở các nơi trên toàn quốc, và những diễn giả được mời là: Bà Lisa Holder, Chủ tịch Hiệp hội Công lý Bình đẳng (Equal Justice Society-EJS); ông Thomas A. Saenz, Chủ tịch kiêm Tổng cố vấn của Quỹ giáo dục và bảo vệ pháp lý người Mỹ gốc Mexico (Mexican American Legal Defense and Educational Fund-MALDEF); ông John C. Yang, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tổ chức Thúc đẩy Công lý cho Người Mỹ gốc Á (Asian Americans Advancing Justice-AAAJ) và bà Michele Siqueiros, Chủ tịch The Campaign for College Opportunity.

Hàng trên từ trái: Bà Lisa Holder, ông Thomas A. Saenz. Hàng dưới, từ trái: Ông John C. Yang, bà Michele Siqueiros. (ảnh chụp qua màn hình Zoom)

“Những người cấp tiến, những người yêu nước và những người có tư tưởng tự do thuộc mọi màu da, tín ngưỡng và khuynh hướng tình dục cần phải đoàn kết trong cuộc đấu tranh để bảo vệ các nguyên tắc cốt lõi của Hoa Kỳ về sự hòa nhập và nền dân chủ đa văn hóa,” luật sư dân quyền Lisa Holder, Chủ tịch Hiệp hội Công lý Bình đẳng (EJS), ở Oakland, California, diễn giả đầu tiên, cho biết. “Affirmative Action là cách tốt nhất để xóa bỏ di sản lịch sử của sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử trong giáo dục đại học.”

Holder ghi nhận sự đồng thuận giữa các nhà khoa học xã hội rằng môi trường giáo dục đa dạng có năng suất cao hơn 35% so với những môi trường đồng nhất.

Những sinh viên làm chứng trước tòa án cấp cao trong cả vụ kiện ở Harvard cũng như một vụ án riêng liên quan đến University of North Carolina, nhấn mạnh những lợi ích của việc trở thành một phần của tập thể sinh viên đa dạng.

Trong phán quyết của Cơ quan Quản lý Đại học California (Regents of University of California) kiện Bakke năm 1978, Tòa án Tối cao phán quyết rằng việc các trường sử dụng chính sách Hành động Khẳng định để tăng cường sự đa dạng của sinh viên là hợp hiến.

Thomas A. Saenz, Chủ tịch kiêm Tổng cố vấn của Quỹ giáo dục và bảo vệ pháp lý người Mỹ gốc Mexico (Mexican American Legal Defense and Educational Fund-MALDEF) và là cựu thành viên của Hội đồng giáo dục quận Los Angeles – nơi ông đã phục vụ trong 20 năm, tỏ ra lo lắng tòa án sẽ lật ngược tiền lệ lâu đời đó.

Ông cũng dự đoán những người phản đối Affirmative Action sẽ tìm cách mở rộng cơ sở lý luận của tòa án. “Bất kỳ ai khẳng định điều ngược lại đều đang lừa dối bạn,” Saenz nói. “Bạn sẽ nghe những người cánh hữu khẳng định rằng bằng cách nào đó, quyết định của Tòa án Tối cao này cũng có nghĩa là các nghiên cứu về sắc tộc, thậm chí cả lý thuyết chủng tộc phê phán, phải bị loại bỏ khỏi trường học.”

Những người ủng hộ việc duy trì các chính sách hành động khẳng định tập trung bên ngoài Tòa án Tối cao ở Washington, D.C. vào ngày 31 Tháng Mười 2022. (ảnh: Getty Images)

Tại hội thảo, John C. Yang, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tổ chức Thúc đẩy Công lý cho Người Mỹ gốc Á (Asian Americans Advancing Justice-AAAJ) nhắc lại rằng các tòa án cấp dưới không tìm thấy bằng chứng phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Á trong quy trình tuyển sinh của Harvard, vốn là cơ sở của vụ kiện.

“Một quy trình tuyển sinh xem xét chủng tộc… vẫn cần thiết để bảo đảm rằng các sinh viên có trình độ như nhau từ các cộng đồng da màu có quyền tiếp cận giống như các sinh viên da trắng có đặc quyền,” Yang nói.

Ông lưu ý, 28% tân sinh viên Harvard là người Mỹ gốc Á và số lượng của họ đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 1978. “Bất kỳ gợi ý nào cho rằng người Mỹ gốc Á đang bị phân biệt đối xử bằng cách nào đó đều bị phản bác bởi những sự thật đơn giản này,” Yang tiếp tục. “Nếu ‘hành động khẳng định’ bị đảo ngược, sự đa dạng trong khuôn viên trường Harvard sẽ giảm từ 14% xuống 6% đối với người Da đen và từ 14% xuống 9% đối với người Latinh.

Michele Siqueiros, Chủ tịch The Campaign for College Opportunity, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại California, cho biết: “Đừng nên coi ‘hành động khẳng định’ là ‘liều thuốc chữa bách bệnh’. Chúng ta phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để mang đến cho tất cả học sinh cơ hội bình đẳng để theo học đại học.” Bà cho biết thêm rằng với phán quyết của Tòa án Tối cao đã được dự đoán trước, sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo đảm các trường đại học không phân biệt đối xử với học sinh da màu.

Một giáo sư đang selfie với sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Harvard hôm 25 Tháng Năm 2023. (ảnh: Craig F. Walker/The Boston Globe via Getty Images)

Siqueiros cũng chỉ ra rằng những người phản đối bảo thủ của Hành động khẳng định không có gì để nói về việc tuyển sinh kế thừa – có thể chiếm một phần tư hoặc nhiều hơn tổng số tuyển sinh tại các trường Ivy League như Harvard – hoặc về việc các nhà tuyển dụng chỉ đến thăm các trường trung học giàu có, và chủ yếu là người da trắng. Siqueiros nói: “Có rất nhiều thông lệ trong giáo dục đại học cần được thách thức và loại bỏ. Thật không may, ngày nay, Affirmative Action lại là thứ đang bị nhắm tới.”

Nhiều người ủng hộ hành động của các trường khẳng định việc xem xét vấn đề chủng tộc trong tuyển sinh đại học là điều cần thiết để khắc phục tình trạng bất bình đẳng, đồng thời bảo đảm đa sắc tộc trong môi trường đại học.

Nhưng các chuyên gia tin rằng đa số bảo thủ, những người nắm giữ lợi thế 6-3, sẽ ra phán quyết chống lại các trường học, có thể phá bỏ tiền lệ pháp lý hàng chục năm ủng hộ việc cân nhắc chủng tộc trong tuyển sinh đại học. Tùy thuộc vào cách tòa án quy định, tác động đến sự đa dạng trong giáo dục đại học có thể là rất đáng kể.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: