Ngũ Giác Đài nhức đầu với nạn quấy rối tình dục trong quân đội

Trong nhiều thập niên, nạn quấy rối tình dục vẫn tràn lan trong quân đội Mỹ dù nhiều đời lãnh đạo quân đội hứa cải cách. Phụ nữ chỉ chiếm 16.5% trong quân đội nhưng gần ¼ nữ quân nhân cho biết họ từng bị tấn công tình dục.
Poster do tổ chức SHARP (Sexual Harassment/Assault Response & Prevention) thực hiện nhằm nâng cao nhận thức vấn đề quấy rối tình dục trong quân đội Hoa Kỳ (Wikipedia)

Hơn phân nửa từng bị quấy rối (theo phân tích từ 69 nghiên cứu được công bố năm 2018 trên tạp chí Trauma, Violence & Abuse). Một lý do chính khiến người bị hành hung hiếm khi tìm được công lý là phương thức điều tra và truy tố thường có lợi cho kẻ bị tố cáo. Theo Bộ luật Quân pháp (Uniform Code of Military Justice), các chỉ huy quân đội giữ quyền quyết định có cần điều tra và truy tố hay không; trong khi bên dân sự, quyền này thuộc về cơ quan thực thi pháp luật chuyên trách. New York Times vừa lật lại hồ sơ về tình trạng này…

Câu chuyện của Maya Guzdar, sinh viên năm cuối Đại học Stanford, cựu thực tập sinh tại Bộ Quốc phòng

Tôi (Guzdar, hiện là thực tập sinh tại Hội đồng Lãnh đạo Phụ nữ thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia) bắt đầu bị một nam nhân viên cấp cao lớn tuổi hơn nhiều “theo dõi” sát nút. Ông ta bám sát khi tôi đi từ nhóm này sang nhóm khác. Cuối cùng, ông ta dồn tôi vào chân tường, hỏi tôi về loại đồ uống có cồn mà tôi thích, thị hiếu tiệc tùng và sắc tộc của tôi, cùng nhiều thứ khác nữa.

Bất kể phản ứng không thoải mái của tôi, ông ta vẫn sáp lại gần, tì vào và thốt ra những lời sặc mùi tình dục. Gần nửa đêm, tình hình còn tệ hơn, ông ta đột nhập vào nhóm bạn của tôi và lao về phía tôi. May mắn, một sĩ quan trung niên đã can thiệp kịp thời. Một người khác gom các sinh viên thực tập lại và chở chúng tôi về. Trên xe, chúng tôi bàn bạc xem có nên báo vụ việc với cấp trên. Một người cảnh báo là “chỉ phí công vì sẽ không mang lại kết quả gì”.

Là thực tập sinh tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng (nơi được giao nhiều trọng trách, gồm cả viêc giải quyết các hành vi tình dục không đúng đắn trong quân đội), từng nghiên cứu các số liệu thống kê, tôi thấy, trong số hơn 6,200 báo cáo về tấn công tình dục trong năm 2020, chỉ có 50 vụ (tức 0.8%) dẫn đến bản án cho bị cáo, chiếu theo Bộ luật Quân pháp.

Ba chị em Vanessa Guillen, Lupe (phải) và Mayra trong buổi họp báo trước tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ để tái giới thiệu “Đạo luật I Am Vanessa Guillen” giúp cho phép những nạn nhân bị quấy rối tình dục trong quân đội báo cáo sự việc ra bên ngoài khuôn khổ hệ thống cấp bậc chỉ huy – Washington DC, ngày 13 Tháng Năm 2021 (ảnh: Tom Williams/CQ-Roll Call, Inc/ Getty Images)

Dù là người trọng sự nói thẳng, nhưng bản năng tự vệ buộc tôi phải giữ im lặng, không báo cáo lên cấp trên, trong nỗi sợ sẽ gây hại cho kỳ thực tập, khi sự nghiệp tương lai mới chỉ bắt đầu. Tôi cũng ngại làm tổn thương mối quan hệ tốt đẹp đã xây dựng được tại Văn phòng Bộ. Nhưng câu hỏi lớn nhất vẫn là: “Ai sẽ tin một thực tập sinh như tôi?”.

Một nghiên cứu mới đã phát hiện có gần 1/4 nữ quân nhân Mỹ thú nhận từng bị tấn công tình dục trong quân đội. Các thủ phạm vẫn an toàn. Động lực chính khiến tôi nhận được “phản ứng tích cực” là những năm gần đây, quân đội bị chỉ trích nặng nề về cách ứng xử trước các hành vi tình dục sai trái. Vấn đề của tôi được giải quyết nhanh vì có thể nhờ thâm niên, giới tính và cấp bậc của viên sĩ quan “can thiệp”, giúp thuyết phục những người còn lại trong Văn phòng Bộ, về mức độ nghiêm trọng của hành vi quấy rối.

Năm 2017, một nhóm 223 phụ nữ làm việc trong các cơ quan an ninh quốc gia ký một bức thư ngỏ làm chứng về “Các hành vi sai trái tình dục và phân biệt giới tính một cách có hệ thống” tại Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh Nội địa và tại các cơ quan khác. Sau đó, một số phụ nữ ký tên đã thành lập Hội đồng Lãnh đạo Phụ nữ. Tôi ngưỡng mộ các đồng nghiệp nữ lớn tuổi của tôi, những người đã gắn bó với sự nghiệp ngay cả sau ngày bị tấn công.

Câu chuyện của Florence Shmorgoner tại một căn cứ Thủy Quân Lục Chiến

Florence Shmorgoner thức dậy vào một buổi chiều năm 2015 và nhận ra mình đang nằm trên giường của người khác và trong phòng của người khác. Có cái gì đó không đúng ở đây!

Cô gái 19 tuổi đã chơi trò chơi điện tử trong căn phòng của bạn mình tại căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Twentynine Palms ở California với cánh cửa mở (theo quy tắc của căn cứ là nếu nam và nữ ở cùng phòng thì cửa không được đóng). Dù là giữa trưa nhưng cô ngủ thiếp đi trên giường của anh ta lúc nào không biết. Rồi cánh cửa bất ngờ đóng lại và Shmorgoner cảm thấy đang có gì đó xảy ra. Người bạn trai cởi quần áo của cô và… Shmorgoner bước xuống giường: “Anh đã làm điều tôi không muốn ”. Hắn trả lời tỉnh queo: “Anh biết chứ!”.

Shmorgoner trở về phòng, và không nói cho ai biết. Cô là phụ nữ duy nhất trong khóa đào tạo kỹ thuật viên sửa chữa máy tính và điện thoại. Lúc đó cô không biết Thủy Quân Lục Chiến có bộ phận chuyên giải quyết những trường hợp bị tấn công tình dục và bảo vệ nạn nhân. Không lâu sau, Shmorgoner rơi vào trầm cảm và ám ảnh. Cô nhìn thấy kẻ tấn công mình vài lần một tuần nhưng hắn làm như không có chuyện gì xảy ra (họ sống trong cùng một tòa nhà và sử dụng cùng phòng tập thể dục). Ác mộng khiến cô sợ sẽ bị tấn công lần nữa, bởi hắn ta hoặc ai khác. “Bao giờ tôi cũng ở trong thế phòng thủ với hy vọng sẽ vượt qua tất cả những đàn ông gặp trên đường đi và luôn chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu” – Shmorgoner nói.

Chẳng bao lâu, nỗi sợ hãi nhường chỗ cho sự tự ghê tởm bản thân. Shmorgoner thức dậy vào mỗi buổi sáng trong sự tức giận vô lối và bắt đầu tin rằng… mình đáng bị tấn công, và thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu không có mình. Cô nói: “Tôi nghi ngờ bản thân tôi. Nó không mạnh mẽ và không nhanh như tôi tưởng. Đó là lỗi của tôi. Tôi là người xấu, là gánh nặng và nên biến mất khỏi thế giới này!”. Trong bốn năm tiếp theo, Shmorgoner tự sát sáu lần, để lại những vết sẹo tự cứa trên cổ tay sau đó được hình xăm phủ lên.

Shmorgoner tiếp tục chịu đựng nỗi đau và chấn thương bị cưỡng hiếp mà không nói với ai, khi được điều đến Bahrain, Nhật Bản và Úc với tư cách kỹ thuật viên máy tính và điện thoại, trước khi quay lại Mỹ làm việc cho Trạm Không quân Thủy Quân Lục Chiến Miramar ở San Diego. Năm 2017, cô gặp Ecko Arnold, một nữ Thủy Quân Lục Chiến khác cũng từng bị tấn công tình dục lúc đang tại ngũ.

“Tất cả những gì cô ấy kể lại chính là phản chiếu chính bản thân tôi” – Shmorgoner nói. Cuối cùng cô phá vỡ sự im lặng. Arnold khuyến khích cô nên tố cáo vụ cưỡng hiếp. Nghe lời khuyên, Shmorgoner đệ trình “báo cáo hạn chế” (loại báo cáo cho phép người khiếu nại tiết lộ vụ việc của mình để yêu cầu được tư vấn và chăm sóc sức khỏe, nhưng nội dung chi tiết phải giữ bí mật) vào Tháng Mười 2017 lên cơ quan chức năng. Tuy nhiên, không có cuộc điều tra nào.

Một tháng sau, cô lại đệ trình một bản báo cáo không hạn chế khác và Cơ quan Điều tra Hình sự Hải quân (Naval Criminal Investigative Service-N.C.I.S.) mới chính thức mở cuộc điều tra. Shmorgoner kể lại nhiều lần với nhân viên điều tra một cách chi tiết và tỉ mỉ những gì cô nhớ vào buổi chiều hôm đó. Lúc này, kẻ tấn công cô đang ở Hawaii, và N.C.I.S. tổ chức và ghi âm cuộc điện thoại giữa cô và hung thủ để xem anh ta có thú nhận hành vi hiếp dâm hay không.

Trong cuộc trò chuyện làm như tình cờ, cô hỏi anh ta về Hawaii và công việc đang làm. Sau đó, mới nhắc lại vụ quấy rối lúc trước. “Tôi nói với anh ta: chuyện anh làm thực sự khiến tôi đau lòng vì tôi không muốn và chúng tôi không có quan hệ tình cảm. Cuối cùng anh ta xin lỗi. Một nhân viên N.C.I.S. theo dõi cuộc điện đàm cho biết là họ đã nhận đủ thứ họ cần và có thể kết thúc cuộc gọi”. Shmorgoner nghĩ rằng vụ việc đã rõ ràng và phía điều tra đã có bản thú tội được ghi âm. Tuy nhiên, cô vô cùng thất vọng khi N.C.I.S. thông báo, là “một nhân chứng đã nói những điều tốt đẹp về anh ta. Ngoài ra không có bằng chứng cụ thể chứng minh vụ cưỡng hiếp thật sự xảy ra”. Họ cảnh báo Shmorgoner nếu mở phiên tòa sẽ chỉ gây khó khăn cho cô và khó có một bản án.

Sau đó, Shmorgoner yêu cầu N.C.I.S. “ít nhất phải có biện pháp hành chính” đối với thủ phạm. Nhưng một lần nữa, họ trả lời là không thể! Cuộc điều tra hiếp dâm kết thúc vào năm 2018 và kẻ tấn công cô vẫn an toàn đến khi xuất ngũ trong… danh dự.  Buồn chán và tuyệt vọng, cô nói: “Cái nhìn của tôi về Thủy Quân Lục Chiến thay đổi kể từ đó. Họ là một tổ chức chỉ biết bảo vệ những người của mình chứ không bảo vệ mọi người”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: