Một cuộc chiến khác trong lòng nước Nga

Một người biểu tình chống Putin bị bắt tại Quảng trường Pushkinskaya; Moscow, ngày 27 Tháng Hai 2022 (ảnh: Konstantin Zavrazhin/Getty Images)

Cuộc chiến xâm lược của Putin ở Ukraine đã vạch ra một “chiến tuyến” ngay bên trong lòng nước Nga. Có một sự thất vọng thực sự trong thế hệ trẻ, dù họ chỉ là thiểu số, dưới 10% dân số Nga.

Những tiếng nói chống đối

Khi một bộ phận người Nga cảm thấy xấu hổ và đau buồn trước cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin, nhà tuyên truyền trung thành nhất của ông, Tổng biên tập Đài truyền hình nhà nước RT, bà Margarita Simonyan, đã trấn an họ trên Twitter: “Nếu cảm thấy xấu hổ vì mình là người Nga, bạn không có gì phải lo lắng, vì bạn… đâu có phải người Nga!”… Cuộc xâm lược của Putin đã giúp thống nhất hơn bao giờ hết NATO và châu Âu thì cùng lúc nó đang làm chia rẽ xã hội Nga. Một bên là tầng lớp trung lưu thành thị hướng ngoại, những người thường đi nghỉ ở châu Âu và gửi con cái đến các trường đại học ưu việt phương Tây. Bên đông hơn là thành phần trung thành với Putin, trong đó có nhiều người Nga học vấn thấp và người lớn tuổi vốn lậm vào máu tuyên truyền thời Liên Xô.

Tại làng Kamenka ở vùng Rostov phía Nam, gần biên giới Ukraine, Alexei Safonov, 47 tuổi, đã sửng sốt khi nghe tin Nga phát động cuộc xâm lược và muốn phát bệnh khi thấy đồng nghiệp phấn khích ăn mừng. Đêm đó, Safonov viết một bài đăng trên mạng xã hội với tâm trạng đau khổ và than thở về “nỗi kinh hoàng và xấu hổ trước một cuộc chiến thảm khốc”. Lập tức bài viết nhận được những bình luận công kích. Một người bạn cảnh sát địa phương khuyên nên xóa nó. Hôm sau, tại nơi làm việc, tổng giám đốc của khu phức hợp xông vào, la hét và chửi bới anh. “Ông ta nói ‘hoặc là xóa bài đó đi hoặc chúng tôi không cần bạn ở đây’. Sau đó, ba cảnh sát mang súng máy đến nhà bắt anh vì tội “thiếu tôn trọng đối với xã hội và Liên bang Nga”. Chưa hết, Thứ Sáu tới, Safonov sẽ ra… tòa, tội “vi phạm quyền tự do ngôn luận”!

Truyền hình nhà nước tiếp tục ra rả nhồi vào đầu khán giả: “Các lệnh trừng phạt chứng tỏ phương Tây ghét người Nga”. Không phận châu Âu bị đóng cửa, Nga bị cấm khỏi các môn thể thao, cờ vua, khúc côn cầu trên băng, bóng đá, đua xe. Hiệu ứng domino diễn ra nhanh ngoài dự báo. Google đã chặn các kênh YouTube kết nối với truyền thông nhà nước Nga RT và Sputnik. Ngay cả các lãnh đạo cực hữu châu Âu cũng tham gia làn sóng chống Nga. Đồng rúp Nga mất giá mạnh và Ngân hàng Trung ương Nga ngừng giao dịch trong hai ngày, do Putin cấm người Nga gửi ngoại hối vào tài khoản hoặc gửi ra nước ngoài. Khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại Hội nghị Giải trừ Quân bị Geneva (Geneva Disarmament Conference) hôm Thứ Ba, hầu hết đại biểu đứng dậy tẩy chay và rời hội trường. Khi quan chức cấp cao Nga Vyacheslav Volodin bay về nước sau một chuyến công du vào cuối tuần, máy bay của ông ta bị cấm vào không phận Thụy Điển và Na Uy.

Báo chí thế giới tràn ngập tin tức cuộc xâm lược Ukraine nhưng tại Nga cuộc tấn công Ukraine được diễn dịch theo một kiểu khác (ảnh: Edward Smith/Getty Images)

Những người “cuồng Putin”

Cho đến nay, sự chỉ trích Putin vẫn là nhỏ giọt ở một đất nước luôn xếp người bất đồng chính kiến là “phản bội” và “đặc vụ nước ngoài”. Chỉ một số nhà tài phiệt quyền lực lên tiếng dù phản ứng của họ không có trọng lượng. Oleg Deripaska, một tỷ phú công nghiệp, kêu gọi “hòa bình càng sớm càng tốt”. Tờ Financial Times đưa tin tỷ phú Mikhail Fridman gốc Ukraine viết thư cho nhân viên với nội dung “Chiến tranh không bao giờ là câu trả lời”. Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Ivan Urgant cho đăng một hình vuông màu đen lên Instagram vào ngày xâm lược, với dòng chữ “Sợ hãi và đau đớn. Không nên để xảy ra chiến tranh” (hậu quả là chương trình của ông bị hủy vào hôm sau). Con gái của Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng đăng một biểu ngữ đen trên mạng xã hội với dòng chữ “Không chiến tranh” (nhưng sau đó nhanh chóng xóa đi).

Ngày 1 Tháng Ba, bà Anissa Nouai, Giám đốc điều hành Maffick, một công ty có liên kết với RT và là một trong những fan trung thành nhất của Putin suốt nhiều năm, tuyên bố “cắt đứt mọi quan hệ với RT” và đăng một biểu ngữ màu đen trên Twitter với dòng chữ “Nước Nga không có Putin”. Những người theo chủ nghĩa phi chính trị cũng lên tiếng. Peter Svidler, kiện tướng cờ vua Nga, viết trên trang 24 Chess: “Không thể im lặng được nữa. Không chiến tranh! Tôi không đồng ý với cuộc chiến đất nước tôi đang tiến hành ở Ukraine. Tôi không tin Ukraine hay người dân Ukraine là kẻ thù của tôi, hoặc của bất kỳ ai”.

Theo nhóm nhân quyền OVD-Info, hơn 6,500 người đã bị bắt khi tham gia biểu tình ở hàng chục thành phố từ khi Nga xâm lược Ukraine nhưng không vụ giam giữ nào được truyền hình nhà nước đưa tin. Ký vào một lá thư ngỏ phản đối chiến tranh, có bác sĩ, kiến ​​trúc sư, nhà báo, diễn viên, sử gia, nhà lập trình máy tính, đạo diễn, giáo sĩ Chính thống giáo. “Nếu Putin không thay đổi hướng đi, nước Nga sẽ trở thành quốc gia xâm lược, bất hảo và phải chịu trách nhiệm về tội ác của mình trong nhiều thế hệ” – phát biểu của nhà bất đồng chính kiến ​​Alexei Navalny hiện ngồi tù sau khi bị đầu độc, trong một video kêu gọi “tiến hành một chiến dịch quốc gia chống lại thông tin sai lệch”. Đến sáng 1 Tháng Ba, tại Moscow, đã có hơn một triệu chữ ký được thêm vào bản kiến ​​nghị Change.org bằng tiếng Nga phản đối cuộc chiến Ukraine.

Tuyên truyền một chiều

Tuy nhiên, chính quyền Nga chẳng những không dịu giọng mà còn cứng rắn hơn trong luận điệu chống phương Tây. Ngày 1 Tháng Ba, trong một tweet, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đặt câu hỏi: “Liệu quá trình phi hạt nhân ở Đức sau khi Thế chiến II kết thúc có thực sự hoàn tất hay không?”, ám chỉ quyết định bất ngờ của Đức gửi vũ khí cho Ukraine. Nhà lập pháp Andrei Klimov kêu gọi khép tội phản quốc bất cứ ai “hợp tác với các trung tâm chống Nga ở nước ngoài, gây tổn hại cho an ninh quốc gia”.

Trong khi đó, thế hệ già vốn ngưỡng mộ Putin vì sự ổn định mà ông ta mang lại sau thập niên 1990 hỗn loạn hậu Xô Viết vẫn tiếp tục ủng hộ ông ta. Trên đường phố Moscow, cảnh sát và xe bọc thép án ngữ tại các giao lộ chính trong tư thế sẵn sàng chống bạo động. Quảng trường Pushkin, nơi thường diễn ra các cuộc biểu tình, nay được vây quanh bởi hàng rào thép. Chính phủ cảnh báo “cái giá phải trả cho việc tham gia biểu tình là bị bắt và mang tiền án suốt đời”.

Biểu tình chỉ được tổ chức nếu gửi đơn xin phép trước từ 10-15 ngày nhưng gần như chắc chắn không được chuẩn thuận. Truyền thông, từ báo chí, trang web đến truyền hình nhà nước, vẫn khua trống đều đặn và “giải thích” cho người dân lý do tại sao thân nhân họ phải ra trận và có thể chết cách xa hàng trăm dặm. Putin gần như đã nghiền nát các phương tiện truyền thông độc lập và đang bịt miệng những gì còn sót lại. Mười ấn phẩm độc lập nhận được thư từ cơ quan giám sát truyền thông cấm sử dụng các từ “xâm lược”, “tấn công”, “tuyên chiến” và nên tìm thông tin “chính thức” về “chiến dịch quân sự đặc biệt” được cung cấp miễn phí trên các trang web chính phủ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: