Myanmar: Trả tiền điện, hay nộp mạng sống!

Người dân, rải rác từng nhóm nhỏ ở vài nơi, vẫn liên tục xuống đường biểu tình chống chế độ quân phiệt đang cầm quyền; trong ảnh là cuộc biểu tình ngày 4 Tháng Mười Hai 2021 tại Yangon (ảnh: Santosh Krl/SOPA Images/LightRocket/Getty Images)

Kinh tế Myanmar nát bét và ngân sách cạn kiệt đến mức chính quyền nước này phải điều quân đội đến gõ cửa từng nhà dân, chĩa súng vào đầu họ: Nộp ngay tiền điện, không thì có thể bị bắn! Phóng sự New York Times (ngày 15-1-2022) cho thấy một bức tranh ảm đạm bao phủ Myanmar.

Cô giáo vừa ra khỏi giường thì nghe lính đập cửa. Họ thông báo: hóa đơn tiền điện nhà cô đã quá hạn và cô phải đến ngay văn phòng điện lực để nộp tiền. Cô giáo Daw Thida Pyone hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu từ chối? “Một người lính chĩa súng vào tôi trả lời: ‘Nếu bà muốn giữ tiền hơn là mạng sống thì cứ việc không thanh toán hóa đơn”- cô Daw Thida Pyone kể lại. Cô giáo sợ toát mồ hôi hột và vội vàng vơ tiền đi thẳng đến văn phòng điện lực, thậm chí không kịp thay bộ đồ ngủ!

Sau khi quân đội Myanmar giành chính quyền trong cuộc đảo chính ngày 1 Tháng Hai 2021, hàng triệu người đã bỏ việc để phản đối. Hàng triệu người cũng bắt đầu từ chối trả tiền điện, một hành động bất tuân dân sự nhằm tước bỏ nguồn thu quan trọng của chính quyền. 11 tháng sau cuộc đảo chính, quân đội vẫn chưa “sụm” như người dân mong đợi. Giờ đây, họ tung lính ra để “đòi nợ”. Trong nhiều tuần, lính đến từng nhà, cùng với nhân viên điện lực, để bắt bà con nộp tiền. Với quân đội Myanmar, họ chẳng e ngại trong việc hào phóng “tặng” viên đạn vào đầu những người chống lại. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết, chính quyền đã giết ít nhất 1,466 thường dân, trong đó có gần 200 người chết khi bị tra tấn. Ít nhất 85 thanh niên đã bị bắn toác đầu tại các cuộc biểu tình.

Cuộc đảo chính và cuộc trấn áp nặng tay sau đó khiến nền kinh tế Myanmar đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Mọi thứ tê liệt. Hàng triệu người bỏ việc để phản đối, từ bác sĩ, kỹ sư, nhân viên ngân hàng, nhân viên điện lực đến công nhân đường sắt. Đến nay, hầu hết vẫn không trở lại. Nền kinh tế trước đây được dự báo tăng trưởng vào năm 2021, nhưng với cuộc đảo chính và đại dịch Covid-19, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng kinh tế nước này đã giảm hơn 18%.

Rào chắn bảo vệ một trụ sở cảnh sát tại Yangon; Tháng Mười Một 2021 (ảnh: Santosh Krl/SOPA Images/LightRocket/Getty Images)

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc dự đoán tỷ lệ nghèo đô thị sẽ tăng gấp ba vào đầu năm 2022, theo một báo cáo vào Tháng Mười Hai dựa trên cuộc khảo sát 1,200 hộ gia đình. Kanni Wignaraja, giám đốc văn phòng châu Á và Thái Bình Dương của cơ quan này, cho biết: “Sự sụt giảm tỷ lệ nghèo ở quy mô này có thể đồng nghĩa với sự biến mất của tầng lớp trung lưu – một điềm xấu cho bất kỳ sự phục hồi nhanh chóng nào sau cuộc khủng hoảng”. Tiền Myanmar, đồng kyat, đã giảm mạnh kể từ cuộc đảo chính, xuống còn chưa đến một nửa giá trị, khiến giá hàng nhập khẩu như nhiên liệu và dầu ăn tăng vù vù.

Nguồn cung tiền mặt thiếu do người dân không còn tin vào ngân hàng. Họ không gửi nhà băng. Nhiều cây rút tiền ATM trống rỗng. Khách hàng muốn rút tiền phải lấy mã thông báo trực tuyến hoặc đặt lịch hẹn qua điện thoại mà cả hai dịch vụ hầu như không hoạt động. Người ta rút tiền mặt từ tài khoản mình thông qua môi giới và trả hoa hồng lên tới 7%… U Hein Maung, nhà kinh tế tại Myanmar, cho biết: “10 tháng qua, đất nước này đã mất tất cả những gì thu được 10 năm qua. Chi phí kinh doanh tăng. Bên cạnh đó, nền kinh tế phi chính thức liên quan buôn bán ma túy, khai thác gỗ lậu, rửa tiền và các hoạt động bất hợp pháp khác lại bùng nổ”.

Người dân xếp hàng rút tiền tại Ngân hàng CB Bank, Yangon; Tháng Tư 2021 (ảnh: Myat Thu Kyaw/NurPhoto/Getty Images)

Việc thất thu tiền điện cũng như thuế má lẫn viện trợ quốc tế đã khiến chế độ đương nhiệm mất khoảng một phần ba doanh thu mà chính phủ trước đây từng nhận được. Nhiều dịch vụ công, như chăm sóc sức khỏe và trường học, hầu như không hoạt động và chính quyền Myanmar phải dừng nhiều chương trình dài hạn vốn dựa vào tài trợ nhà nước, chẳng hạn các dự án cơ sở hạ tầng. Hein Maung nói rằng chế độ hiện tại chẳng khác gì cái xác sống, hoạt động cầm chừng một cách tối thiểu nhất có thể. Tuy nhiên, quân đội dù có là cái xác sống thì nó vẫn… sống! Và họ sống tốt hơn so với người dân.

Lực lượng chính trị đối lập trong bóng tối, Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), đã kêu gọi công chúng ngừng trả tiền điện. Tháng Chín, NUG cho biết, 97% người dân ở Mandalay và 98% ở Yangon đã thực hiện chiến dịch này, gây thất thoát $1 tỷ cho chính quyền vào thời điểm đó. Tuy nhiên, sau cuộc giằng co, người dân bắt đầu đầu hàng. Ko Si Thu Aung, 24 tuổi, sống bằng nghề bán quần áo trực tuyến, đã “cóc thèm” thanh toán hóa đơn kể từ Tháng Hai để ủng hộ phong trào bất tuân dân sự. Tuy nhiên, mới đây, vào Giáng sinh, lính đến nhà anh gõ cửa cồm cộp. Họ ra về sau khi cắt đường dây điện. Sau hai ngày sống thiếu điện, Ko Si không còn lựa chọn nào khác là đi nộp tiền.

Dù thế nào, người dân Myanmar – sau thời gian sống trong môi trường chính trị dân chủ – đã “khôn ra” nhiều. Họ biết cách “chơi” với chính quyền. Họ tẩy chay bất kỳ dịch vụ nào của quân đội và chính quyền khi có thể, chẳng hạn không đi gia hạn bằng lái xe hoặc đăng ký giấy phép lưu hành xe. Họ cũng không “ngu gì” mua vé số. Doanh thu xổ số nhà nước đã giảm gần bằng 0. Họ tẩy chay các công ty thuộc sở hữu quân đội, vốn điều hành hai tập đoàn lớn với hơn 120 công ty con (nhà máy bia; ngân hàng, nhà máy thuốc lá, khách sạn du lịch, công ty bảo hiểm và công ty điện thoại di động Mytel – một liên doanh với Bộ Quốc phòng cộng sản Việt Nam).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: