Nga đưa các điều khoản hòa bình ‘không thể bỏ qua’

Sau khi đánh phá tan nát đất nước láng giềng, Nga nói Ukraine phải chấp nhận “đổi đất lấy hòa bình” – điều mà tất nhiên người Ukraine không thể chấp nhận. Ảnh nhân viên cứu hộ tìm người trong đống đổ nát sau khi Nga bắn phi pháo vào một trường trung học ở Mykolaivka hôm 28/09/2022. Ảnh Andriy Andriyenko/SOPA Images/LightRocket via Getty Images

Theo báo Newsweek, Dmitry Peskov, Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với các phóng viên hôm thứ Ba về một cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng với Ukraine và nêu rõ một số điều kiện mà Nga không thể thương lượng.

“Có một số thực tế đã trở thành chuyện nội bộ ở Nga – tôi muốn nói tới các lãnh thổ mới của Nga… Có Hiến pháp Liên bang Nga mà không ai có thể bỏ qua và Nga sẽ không bao giờ từ bỏ,” ông Peskov được hãng truyền thông Tass do nhà nước Nga kiểm soát trích dẫn. 

“Đây là những thực tế rất quan trọng. Và cũng có những mục tiêu nhất định của Liên bang Nga, mà chúng tôi thực hiện trong SVO [spetsialnaya voennaya operatsiya, hoặc chiến dịch quân sự đặc biệt].”

Kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 Tháng Hai năm 2022, các quan chức Nga vẫn cương quyết khẳng định bán đảo Crimea của Ukraine mà Putin sáp nhập vào năm 2014 phải là một phần của Nga trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai. Ngoài ra, Điện Kremlin còn khẳng định rằng bốn vùng lãnh thổ mà nước này sáp nhập bất hợp pháp vào Tháng Chín vừa qua cũng phải được công nhận là của Nga.

Trong khi đó, Ukraine nói rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải vô hiệu hóa bốn vụ sáp nhập gần đây và bán đảo Crimea phải được coi là một phần của Ukraine.

Hiện tại, triển vọng một thỏa thuận hòa bình dường như vẫn còn xa vời. Sau thất bại của các cuộc đàm phán được tổ chức trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, hai bên đều không có vẻ sẵn sàng gặp lại nhau.

Nga đổ lỗi cho việc đàm phán thất bại là do Ukraine và các đồng minh phương Tây. Vào Tháng Một 2023, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng các nước phương Tây đã thuyết phục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đừng đàm phán hòa bình với Nga. “Ai cũng biết chúng tôi ủng hộ đề xuất của phía Ukraine sớm đàm phán về hoạt động quân sự đặc biệt và đến cuối Tháng Ba năm ngoái, hai phái đoàn đã thống nhất nguyên tắc giải quyết cuộc xung đột này”, ông Lavrov nói với truyền thông trong chuyến thăm Nam Phi mới đây, theo Associated Press.

“Ai cũng biết và đã được công bố rộng rãi rằng các đồng nghiệp của chúng tôi ở Mỹ, Anh và một số nước châu Âu đã nói với Ukraine rằng còn quá sớm để đi tới thỏa thuận và những nguyên tắc đã thống nhất gần như không bao giờ được chế độ Kiev xem xét lại,” ông Lavrov nói thêm.

Về phía mình, Ukraine nói rằng Nga không thực sự muốn đàm phán, còn các quan chức Mỹ khẳng định Putin có quyền chấm dứt chiến tranh bất cứ lúc nào. Ngày 18 Tháng Hai vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong một cuộc hội thảo rằng “nếu Nga rút quân hôm nay, chiến tranh sẽ kết thúc. Còn nếu Ukraine ngừng chiến đấu hôm nay, Ukraine sẽ kết thúc”.

Theo lời ông Peskov, chính ông Zelensky là người chưa sẵn sàng gặp mặt để đàm phán hòa bình.

Peskov ám chỉ rằng Nga có thể cởi mở với một số yêu cầu của Ukraine, nếu các cuộc đàm phán diễn ra trong “tình hình thuận lợi” và với “thái độ phù hợp của chế độ Ukraine.” Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, “điều chính yếu là đạt được mục tiêu của chúng tôi. Đây là ưu tiên tuyệt đối của chúng tôi,” Peskov nói.

Mark Katz, giáo sư tại Trường Chính sách và Chính phủ Schar của Đại học George Mason, nhận xét với Newsweek rằng lời của Peskov có thể phản ánh một “tuyên bố chân thực về nguyện vọng của chế độ Putin” nhưng cũng có thể Moscow nuôi hy vọng phương Tây sẽ sẵn lòng để Ukraine “đổi đất lấy hòa bình”. “Về căn bản, việc đưa ra triển vọng ‘đổi đất lấy hòa bình’ là một nỗ lực nhằm chia rẽ phương Tây và làm suy yếu sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine,” ông Katz nói.

Bộ Ngoại giao Ukraine chưa bình luận về phát biểu mới của Peskov.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: