Putin thừa nhận tổn thất, EU sắp cấm nhập dầu khí Nga

Tổng thống Nga V. Putin họp trực tuyến với các quan chức hàng đầu chính phủ và các tập đoàn dầu khí, thừa nhận khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh website Điện Kremlin.

Cuộc chiến tranh Ukraine là một thảm họa khủng khiếp cho Ukraine, nước bị xâm lược, nhưng cũng gây tổn hại khủng khiếp cho nước Nga, kẻ gây hấn và hôm nay thứ Năm 14 tháng Tư, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phải lần đầu tiên thừa nhận thực tế đó.

Ukraine đã phải chịu đựng hầu hết những thảm họa của cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24 tháng Hai vừa qua: hàng chục nghìn người thương vong cả binh lính và dân thường, nhiều thành phố thị trấn bị san bằng trong một cuộc tàn phá trên diện rộng; hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, tản cư đi nơi khác, kể cả ra nước ngoài, hàng triệu cuộc sống bị đảo lộn, bị đe dọa… Nhưng cuộc kháng chiến của Ukraine cũng mang lại cho Nga những tổn thất nghiêm trọng. Quân đội Nga – thường được Moscow ca ngợi là đội quân mạnh nhất nhì thế giới – đã phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề bất ngờ về người và thiết bị, ngay cả soái hạm chỉ huy hạm đội Hắc Hải tân tiến nhất của Nga cũng bị hỏa tiễn đối phương đánh chìm; nền kinh tế Nga – có quy mô chưa bằng một nửa tiểu bang California – bị lung lay và suy thoái nặng nề khi đối mặt với các lệnh trừng phạt chưa từng có do Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt và do đó cuộc sống của người dân bình thường Nga trở nên khó khăn hơn bao giờ.

Hôm thứ Năm 14 tháng Tư, ông Putin đã phải thừa nhận một số tổn thất đó trong một hội nghị truyền hình với các quan chức chính phủ hàng đầu và giám đốc điều hành các tập đoàn dầu khí “nhằm giải quyết những vấn đề mà các công ty trong lĩnh vực này phải đối mặt do hậu quả các hành động [cấm vận] của các quốc gia không thân thiện”. Trang web của Điện Kremlin tường thuật, ông Putin cho rằng vấn đề nghiêm trọng nhất là “sự gián đoạn mạng lưới xuất cảng” trong ngành dầu khí và “sự suy giảm các khoản thu từ xuất cảng năng lượng của Nga. Các ngân hàng từ các nước không thân thiện đang trì hoãn việc chuyển tiền thanh toán”.

Nhiên liệu hóa thạch là sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Nga, là một phần quan trọng của nền kinh tế Nga sử dụng hàng triệu người lao động và cung cấp cho chính phủ phần lớn doanh thu cần thiết để phục vụ guồng máy. Theo Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) năm 2021, doanh thu từ xuất khẩu năng lượng đóng góp tới 45% ngân sách liên bang của nhà nước Nga. Nhiều nhà phân tích cho rằng, muốn ngăn chặn bàn tay đẫm máu của Putin thì cần “khóa” ống dẫn dầu khí của Nga, cấm nhập cảng và tiêu thụ dầu khí Nga, không cho Putin bán tài nguyên để duy trì cuộc chiến tranh xâm lược. 

Sau khi Nga nổ súng xâm lược Ukraine, Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu (EU) đã quyết định loại các ngân hàng và tổ chức tài chính Nga ra khỏi mạng SWIFT – mạng thông tin tín dụng toàn cầu phục vụ việc chuyển ngân giữa các ngân hàng – khiến cho Nga không thể tiếp tục giao dịch bằng đồng đô la Mỹ hoặc đồng euro châu Âu. Ông Putin đã đưa ra một quyết định bất ngờ là yêu cầu các khách hàng mua dầu khí của Nga phải thanh toán bằng đồng rúp (ruble) nhưng điều đó chưa thực hiện được do trái với quy định trong hợp đồng mua bán giữa các công ty Nga và khách hàng phương Tây. Mới hôm qua, Moscow còn thông báo sẽ bán dầu khí cho “các quốc gia thân thiện” với Nga với giá thật thấp miễn là họ thanh toán bằng đồng rúp hoặc đổi hàng – cũng là một cách kiếm tiền và xả kho dầu khí đang ứ đọng của Nga. 

Sau đó, Hoa Kỳ quyết định cấm nhập cảng dầu và khí đốt của Nga, đồng thời vận động các đồng minh làm như vậy. Tuy nhiên, Mỹ là một nước sản xuất và xuất khẩu năng lượng, EU thì không được như vậy mà vẫn phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp dầu khí của Nga nên các nước EU không thể mạnh tay như Mỹ. Cho đến nay, chỉ có ba nước nhỏ vùng biển Baltic là Latvia, Lithuania và Estonia quyết định dừng nhập cảng khí đốt của Nga, hai nước Đức và Ba Lan cam kết ngừng nhập cảng trong năm nay, còn các nước khác trong EU mới chỉ có quyết định ngừng nhập cảng than đá của Nga, vẫn tiếp tục mua dầu khí để duy trì hoạt động của các nhà máy công nghiệp, cung cấp xăng dầu cho người dân, kể cả dịch vụ sưởi ấm nhà cửa trong mùa lạnh.

Nhưng hôm nay thứ Năm 14 tháng Tư các quan chức và các nhà ngoại giao châu Âu cho biết khối này đang tiến tới việc cấm nhập khẩu dầu của Nga, nhưng lệnh cấm sẽ không thực thi đột ngột mà được cắt bỏ dần trong nhiều tháng để cho phép các nước thu xếp nguồn cung cấp thay thế. Họ cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau ngày 24 tháng Tư, sau khi Pháp tổ chức cuộc bầu cử tổng thống. Giá xăng dầu tăng có thể làm tổn hại đến triển vọng đắc cử của Tổng thống Emmanuel Macron và làm lợi cho đối thủ cánh hữu của ông, bà Marine Le Pen, người đã ca ngợi ông Putin và thậm chí vay tiền của Nga để tài trợ cho chiến dịch tranh cử.

Chính phủ Đức, quốc gia có ảnh hưởng nhất trong EU, đã đặc biệt miễn cưỡng cắt giảm nhiên liệu của Nga, điều này sẽ có chi phí cao và có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt. Tuy nhiên, áp lực từ các đồng minh và những bằng chứng về hành động tàn bạo của Nga ở Ukraine đã từng bước vượt qua sự kháng cự đó. Đức đã từ chối cho phép đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 gần như đã hoàn thành, trị giá $10 tỷ đi vào hoạt động, ủng hộ lệnh cấm than và giờ đây dường như đang có lệnh cấm vận dầu mỏ.

Moscow đang đối mặt với việc mất thị trường châu Âu về nhiên liệu hóa thạch, vốn đang cung cấp hàng tỷ đô la mỗi tháng để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh. Tại cuộc họp nói trên, ông Putin tự tin nói rằng “Không có sự thay thế hợp lý nào cho khí đốt của Nga ở châu Âu. Đúng, có thể thay thế nguồn khí đốt của Nga nhưng không phải ngay lúc này, ai cũng thấy rõ như thế”. Và ông cảnh báo châu Âu sẽ phải mua khí đốt trôi nổi trên thị trường với giá cao hơn rất nhiều lần, “có tác động xấu tới mức sống của người dân và sức cạnh tranh của nền kinh tế châu Âu”.

Các nhà lãnh đạo châu Âu không phải không lưu ý tới những tác động tai hại đó. Việc cấm dầu mỏ đi kèm với lệnh cấm nhập khẩu than của Nga đã được công bố trước đó. Tổng hợp lại, các bước trừng phạt này chắc chắn sẽ làm tăng giá nhiên liệu và điện ở châu Âu, có khả năng làm gián đoạn nền kinh tế và gây ra phản ứng chính trị nhưng đó là cái giá mà EU phải trả để ngăn chặn mưu toan xâm lược của Putin, bảo vệ một châu Âu hòa bình, toàn vẹn trước chính trị cường quyền của Moscow.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: