Cà Mau: Người đàn ông bắt con lịch bằng chân

Những con lịch bắt bằng tay hay chân bán được giá hơn vì sống lâu hơn, vận chuyển xa được – Ảnh cắt từ video của Dân Việt

Tương tự như con lươn, cách chế biến các món ăn cũng tương tự, nhưng con lịch nhỏ hơn, sống được ở vùng nước mặn lẫn nước ngọt, trong khi lươn chỉ sống ở vùng nước ngọt. Con lươn hiện đã được nông dân Việt Nam ươm giống và nuôi, nhưng con lịch phải tìm bắt (hoặc câu) trong tự nhiên.

Trong khi nhiều người dân Cà Mau chọn cách đi câu con lịch thì ông Ngô Minh Quyền (65 tuổi, ngụ xã An Xuyên, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) lại tìm bắt con lịch bằng tay hoặc bằng chân trên các vuông nuôi tôm hoặc trên sông.

Con lịch chỉ sống trong tự nhiên, chưa nuôi được như con lươn nên được chuộng – Ảnh cắt từ video của Tuổi Trẻ

Từ khi chưa được 10 tuổi, ông Quyền đã theo cha chú trong vùng đi học bắt con lịch, và không ngờ ông đeo đẳng cái nghề này gần hết cuộc đời, giúp ông nuôi sống một gia đình gồm bảy người.

Hơn 50 năm mưu sinh bằng nghề bắt con lịch, ông Quyền chỉ cần nhìn mặt nước hay nhìn bờ vuông tôm là biết chỗ nào có con lịch. Mỗi ngày ông treo cái thùng nhựa lên chiếc xe đạp cà tàng và đi tìm những vuông tôm mới.

Chiếc can nhựa được ông khoét lỗ một bên thân là dụng cụ hành nghề chính, được ông kéo đi khắp các vuông tôm ở Cà Mau. Khi ông bắt được con lịch bằng tay hay chân thì ông sẽ cho con lịch vào cái lỗ trên miệng thùng rồi chốt lại. Miễn có con lịch thì lòng vuông tôm (hay sông) sâu cạn thế nào ông cũng bắt được.

Biệt tài hiếm có của ông Bảy Quyền là bắt con lịch bằng ngón chân – Ảnh: Báo Cà Mau

Trao đổi với báo Dân Việt ngày 7 Tháng Mười Một 2023, ông bảo nghề này có một quy tắc: Đó là khi được chủ vuông tôm cho phép vào thì ông giữ lời hứa, chỉ chăm chú tìm con lịch, không mảy may tơ hào đến thứ gì khác trong vuông tôm của họ.

Mỗi một vuông tôm ông chỉ đến một lần trong năm. Trong một năm đó là thời gian cho con lịch sinh trưởng.

Con lịch có làn da trơn trượt, khó nắm bắt, thế nhưng ông Quyền có biệt tài hiếm thấy là bắt con lịch bằng chân, nên không cần lặn sâu xuống hang lịch để mò tìm giống như những người săn lịch khác.

Hằng ngày, khi ông lội xuống nước hay bùn, những nơi hang lịch cạn thì ông dùng tay mò bắt, còn khi hang lịch sâu thì một chân ông chặn cửa hang, một chân ông lùa vào hang lùa lịch ra và dùng ngón chân kẹp con lịch lôi lên.

Trầm mình dưới nước từ ba – bốn tiếng một ngày, ông bắt được khoảng 3 – 4 ký lịch đem về bán, thu được 300,000 – 400,000 đồng/ngày ($12.3 – $16.4).

Nghề này phải chịu được lạnh và có sức khỏe mới dầm mình trong nước và bùn lâu được – ông Quyền nói – Ảnh cắt từ video của Dân Việt

Trong video của Tuổi Trẻ ngày 2 Tháng Mười Một, ông Quyền so sánh: Dưới nước thường có một hang cá, một hang chem chép, một hang con lịch, phải có kinh nghiệm thì mới mò đúng vào hang con lịch. Ngày xưa vàng có giá 250,000 đồng/chỉ, có ngày ông “mần” mua được một chỉ vàng, giờ thì vàng cao quá, tiền bán con lịch không so được nữa, dù có ngày hên, số con lịch ông bắt được nhiều, bán được cả triệu đồng.

Báo Cà Mau cuối Tháng Mười 2023 mô tả ông Quyền (thường gọi Bảy Quyền) có tướng người nhỏ con, làn da cháy nắng, hằng ngày ông bắt đầu công việc từ 8 giờ sáng đến khi mặt trời đứng bóng.

Ông Bảy Quyền cho biết nghề này phải có sức khoẻ tốt và chịu lạnh, vì phải trầm mình hàng giờ dưới nước và trong bùn để mò hang.

“Thường mỗi hang lịch có hàng chục ngách nhưng chỉ có một con ở. Biết thì thụt chân vài ngách là đụng lịch rồi, dân chuyên nghiệp mới biết, còn dân “yếu yếu” thì không làm được” – ông chia sẻ.

Vì không có đất sản xuất như người ta, ông Bảy Quyền chỉ đi bắt con lịch để sống.  Hiện nay con lịch rất được ưa chuộng vì chưa ai nuôi được, nghề săn lịch ở vuông, ở sông rất nhiều người làm, nhưng bắt lịch bằng chân như ông Bảy là rất hiếm.

Hơn 50 năm hành nghề đơn độc, ông Bảy Quyền mỗi ngày tìm đến những vuông tôm mới để săn con lịch – Ảnh: Tiền Phong

Trong khi dân bắt lịch bằng tay hành nghề đơn độc như ông Bảy Quyền thì dân đi câu lịch thường đi thành nhóm ít nhất hai người.

Ngày 11 Tháng Mười 2023, Báo Cà Mau theo chân các thanh niên làm nghề câu lịch ở Cà Mau. Họ dùng xuồng đi vào sông hoặc vuông tôm, tìm hang lịch ở những nơi có bùn nhão.

Ở Cà Mau, thanh niên đi câu lịch sẽ dùng sợi dây cước (dài khoảng 2m) có mắc lưỡi câu, buộc vào phao rồi đi câu lịch. Mồi dùng để câu lịch thường là tôm, vì có mùi tanh thu hút lịch.

Người câu lịch cũng phải trầm mình dưới nước, mò từng hang lịch và cho mồi vào. Hang lịch thường nằm cặp mé bờ, bên cạnh cây mắm, cây đước.

Nghề câu lịch phải đi xuồng và theo nhóm ít nhất hai người – Ảnh: Báo Cà Mau

Một thanh niên là anh Phạm Hoàng Hiển (ngụ ấp Hồng Phước, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi) chia sẻ: “Thường hang lịch có độ nhẵn bóng nhất định, giống hang cá bống sao, đòi hỏi người câu phải có kinh nghiệm nhiều năm mới nhận biết được”.

Mỗi chuyến đi câu lịch, nhóm thanh niên thường chuẩn bị cả trăm phao cho vào từng hang lịch, nếu kiếm được 10 ký con lịch thì cũng thu về hơn một triệu đồng.

Nghề câu lịch là một cách cải thiện cuộc sống cho nhiều gia đình vùng mặn Cà Mau.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Trồng khoai lang
Khoai lang rất tốt cho sức khỏe nhờ cung cấp nhiều chất xơ và vitamin, là loại củ có rất nhiều công dụng trong chế biến ẩm thực. Ngoài việc…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: