Chùa Nghệ Sĩ bị xoá sổ vì “không đúng quy chế của nhà nước”

Chùa Nghệ Sĩ sau khi thay tên thành nghĩa trang.

Chùa Nghệ Sĩ, một nơi để hương khói và đón tiếp, lưu giữ các hài cốt của các nghệ sĩ sân khấu tại quận Gò Vấp, Sài Gòn, nay theo lệnh của chính quyền, phải đổi tên thành Nghĩa Trang Nghệ Sĩ, và sắp tới hoạt động của ngôi chùa tại nơi này cũng sẽ bị dẹp bỏ, không còn được hoạt động như thường lệ.

Chùa Nghệ Sĩ (Nhựt Quang Tự, hoặc Phật Quang Tự) tọa lạc tại 116/6 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, Sài Gòn. Chùa là địa chỉ quen thuộc với người dân thành phố vì nơi đây có mộ và tro cốt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như soạn giả cải lương Hoa Phượng, Hà Triều, Thu An, Năm Châu,  Phùng Há, Ba Vân, Út Trà Ôn, Thanh Nga, Hoàng Giang, Trường Xuân, Bảy Cao, Đức Lợi, Khánh Linh, Quốc Hòa, Tô Kiều Lan, Thanh Thanh Hoa, Tấn Tài, Minh Phụng, Lương Tuấn, Lê Vũ Cầu, lớp trẻ thì có diễn viên Lê Công Tuấn Anh…

Hiện nay, bảng ghi chữ “Chùa Nghệ Sĩ” đã được thay bằng tấm biển mới, phía trên là dòng chữ nhỏ ghi “Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Hồ Chí Minh” và phía dưới là dòng chữ lớn “Nghĩa trang Nghệ sĩ”.

Tin từ nội bộ cho biết từ năm 2015, chính quyền đã muốn xoá sổ Chùa Nghệ Sĩ, tuy nhiên, lúc đó mọi thứ vẫn còn ngại ngùng vì sự phản đối của giới nghệ sĩ. Nhưng đến lúc này, các nghệ sĩ cộm cán vẫn đứng đầu nhóm phản đối như Kim Cương, Bạch Tuyết… thì đã hoàn toàn được “làm việc tư tưởng” nên gần như không còn ai lên tiếng nữa.

Báo Một Thế Giới ghi lại cuộc tìm hiểu về sự kiện này với ông Trần Đại Phú, người lâu nay vẫn tổ chức hoạt động và chăm sóc Chùa. Ông kể rằng trước khi chùa bị đổi tên thì Hội Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM đã cử người đến chùa họp bàn nhiều lần, đến chiều 18 Tháng Sáu thì có một nhóm người đến tháo bảng hiệu cũ và gắn bảng hiệu mới lên khiến cho nhiều người ở chùa vô cùng ngỡ ngàng. Dĩ nhiên hành động có sự hậu thuẫn của chính quyền như vậy, thì không ai trong chùa dám ngăn cản.

Bảng tên Chùa Nghệ Sĩ bị đục xuống.

Chùa Nghệ Sĩ cũng chính thức ngừng hoạt động, vì có lệnh miệng của Ban Ái Hữu, với những thành viên luôn đồng ý với chính quyền. Ông Trần Đại Phú khẳng định “Ban Ái hữu nghệ sĩ đã không cho chùa tổ chức các hoạt động, như không cho bật đèn chánh điện lên, không cho thắp nhang…”.

Theo lý giải của những người hiểu biết về sự kiện Chùa Nghệ Sĩ, việc tồn tại một ngôi chùa không nằm trong hệ thống kiểm soát Phật Giáo của nhà nước, và sinh hoạt hoàn toàn độc lập là điều không thể chấp nhận được. Một người thường sinh hoạt ở chùa, xin giấu tên,  nói rằng trong một cuộc họp gần đây, người của chính quyền đã nói huỵch toẹt rằng “chùa hoạt động không đúng quy chế của nhà nước”.

Giới nghệ sĩ hết sức xôn xao, tuy vậy cho đến lúc này thì hoàn toàn im lặng trên bề mặt công luận vì mọi thứ là chuyện đã rồi. Một nghệ sĩ cải lương, nay đã dọn ra Bình Dương sinh sống, giấu tên và nói rằng “Chùa và nghĩa trang có phần sở hữu của nghệ sĩ Phùng Há, sau đó chuyển qua nhờ tập thể nghệ sĩ trông coi. Chính quyền thay đổi mà không cần hỏi han đến ai hết là hết sức bậy bạ. Đã vậy còn dám để tên Hội sân khấu vào đó”.

Lúc chùa Nhựt Quang còn hoạt động, năm 1958, nghệ sĩ cải lương Phùng Há đã vận động hội Ái hữu nghệ sĩ mua mảnh đất lớn tại ở sau chùa, nay là quận Gò Vấp với mục đích làm nơi chôn cất cho các nghệ sĩ sau khi qua đời. Tuy nhiên vào lúc đó, bà Phùng Há chỉ mua một phần đất, và còn lại một phần đất lớn ở đằng sau vẫn là của chùa vẫn để trống. Lâu nay đã có tin tranh chấp ở phần đất đó, mà nhà nước muốn sử dụng, nhưng chùa không đồng ý. Mọi thứ cũng rắc rối trong một thời gian dài.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: