Công nhân đình công: Bức tranh ảm đạm của nền kinh tế sản xuất Việt Nam

Công nhân công ty Green River Furnitur ở Bình Dương đã quay lại làm việc sáng 8 Tháng Bảy 2023, sau ba ngày đình công – Ảnh: Lao Động

Sau ba ngày đình công để phản đối công ty giảm 50% tiền thưởng tháng 13, ngày 8 Tháng Bảy, hơn 1,500 công nhân làm việc tại nhà máy Green River Furniture (phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã quay trở lại làm việc.

Lao Động ngày 8 Tháng Bảy dẫn lời bà Nguyễn Kim Loan, chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, 1,527/1,620 công nhân công ty Green River Furniture đã quay lại nhà máy làm việc. Số còn lại là nghỉ thai sản, nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng…

Trước yêu cầu của công nhân không giảm 50% tiền thưởng tháng 13 vào cuối năm 2023, ban giám đốc công ty đã đồng ý và đang liên hệ với các đối tác để tìm kiếm thêm đơn hàng, bảo đảm có công việc ổn định cho công nhân.

Từ ngày 5 Tháng Bảy – 7 Tháng Bảy 2023, hàng trăm công nhân của công ty này đã đình công khi có thông tin công ty thay đổi chính sách thưởng cuối năm.

Họ cho rằng trong nửa năm qua đã cố gắng lao động với mức lương không thay đổi, trong khi giá cả mọi thứ đều tăng khiến đời sống của họ khó khăn hơn. Vì vậy, ai cũng trông vào tiền thưởng tháng 13 để có thể sắm sửa đón Tết và về thăm quê nhà.

Trong ba ngày đình công, công nhân kiến nghị công ty không giảm tiền thưởng tháng 13 của năm nay. Còn sang năm 2024, nếu tình hình kinh tế tồi tệ hơn nữa, công ty có thể cắt giảm nhưng nên thông báo trước cho công nhân.

Công nhân Green River Furniture đình công trong ba ngày và yêu cầu của họ đã được công ty đồng ý – Ảnh: Lao Động

Theo Tiền Phong, việc thiếu đơn hàng và tình hình kinh doanh sa sút khiến công ty Green River Furniture thông báo về việc thưởng cuối năm 2023 vào ngày 1 Tháng Bảy như sau: năm nay công nhân chỉ được nhận 50% tiền thưởng tháng 13 và tiền thâm niên, đến năm 2024 khi đơn hàng ổn định, công ty sẽ thực hiện chế độ thưởng như trước đây.

Khi biết tin, công nhân đã phản đối bằng cách đình công, Liên đoàn Lao động tỉnh và thị xã Tân Uyên đã đến làm việc với ban giám đốc công ty. Tại buổi làm việc này, đại diện ban giám đốc công ty cho biết vì thiếu đơn hàng, nguồn thu giảm dẫn đến thua lỗ, ban đầu họ có dự định không tái ký hợp đồng đối với khoảng 500 lao động.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc trên tinh thần không muốn người lao động bị thất nghiệp, công ty đưa ra phương án giữ nguyên số lao động, thay vào đó giảm 50% tiền thưởng tháng 13, nhưng tiền thâm niên của công nhân vẫn giữ nguyên.

Chiều ngày 7 Tháng Bảy, công ty Green River Furniture đã ra thông báo mới, đồng ý với nguyện vọng của người lao động và sáng 8 Tháng Bảy, công nhân đã trở lại nhà máy để làm việc.

Công ty Green River Furniture đã hoạt động bình thường sáng 8 Tháng Bảy – Ảnh: Lao Động

Trong ba ngày công nhân đình công, Liên đoàn Lao động tỉnh đã xuống làm việc với ban giám đốc công ty, vận động người lao động “chia sẻ khó khăn với công ty và quay trở lại làm việc”, trên tinh thần “đối thoại và thương lượng”, đồng thời “không được tụ tập đông người”.

So với những công ty đang nợ lương hoặc xù lương người lao động, thậm chí sa thải họ, thì việc Green River Furniture giữ nguyên số lao động đã là một cố gắng hiếm thấy trong tình hình hiện nay.

Theo ghi nhận của Lao Động, từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều công ty ngành gỗ ở Bình Dương như Green River Furniture đã bị thiếu đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Thậm chí, một số công ty phải đóng cửa nhà máy, ngưng hoạt động.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Liêm, chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho hay, đến đầu Tháng Bảy 2023, tình hình đơn hàng của công ty ngành gỗ vẫn chưa khả quan. Đa số công ty ngành gỗ đều phụ thuộc vào xuất cảng, doanh thu xuất cảng là chính (có công ty chiếm hơn 80% doanh thu), nên khi đối tác nước ngoài ngưng hoặc giảm đơn đặt hàng là sản xuất đình đốn ngay.

Đã thế, tình hình trong nước cũng ảm đạm khi lãi suất ngân hàng trong nước cao, ngành bất động sản đình trệ, dẫn đến việc xây dựng mới và doanh thu mua sắm nội thất của người dân sụt giảm.

Giảm đơn hàng, thua lỗ, kinh doanh sa sút là tình trạng chung của nhiều công ty Việt Nam hiện nay, tiềm ẩn sự gia tăng tranh chấp giữa người lao động và chủ công ty – Ảnh: Lao Động

Ông Liêm so sánh: Các công ty FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) thì đơn hàng và công suất hoạt động mới đạt được 50-60%, còn các công ty Việt Nam (như công ty Lâm Việt mà ông Liêm làm chủ tịch hội đồng quản trị) thì chỉ hoạt động với công suất khoảng 35-40%, đã vậy chỉ toàn đơn hàng ngắn hạn, không có đơn hàng dài hạn.

Còn theo nhận định của Sở Lao động tỉnh Bình Dương, do đơn hàng giảm, các công ty ở Bình Dương đều phải giảm giờ làm việc, hoặc cho nghỉ luân phiên. Số lao động ngành gỗ bị thất nghiệp không ít, phải tự xoay sang nghề khác (chạy xe công nghệ hay buôn bán) để kiếm sống.

Dự đoán của Sở này là từ nay đến cuối năm 2023, tình hình sản xuất của nhiều công ty ở Bình Dương sẽ tiếp tục khó khăn, tiềm ẩn sự gia tăng tranh chấp lao động giữa công nhân và chủ công ty.

Theo VietnamPlus hồi Tháng Năm 2022, Bình Dương có 41 khu, cụm công nghiệp, thu hút gần 42,300 công ty trong nước và trên 3,750 dự án FDI. Toàn tỉnh có trên 1.3 triệu lao động, trong đó lao động đến từ các tỉnh, thành khác chiếm khoảng 85%. Thu nhập trung bình của người dân Bình Dương hiện đạt 152 triệu đồng/người/năm ($6,422/người/năm) thuộc Top dẫn đầu cả nước.

Thanh Niên ngày 2 Tháng Bảy 2023 dẫn nguồn của Tổng cục Thống kê cho biết trong quý II/2023, Việt Nam có hơn 217,000 người lao động bị mất việc. Trong đó, Bình Dương chiếm khoảng 83,200 người, cao nhất nước, còn Sài Gòn có 30,400 người.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: