Du khách quốc tế đến Sài Gòn chi tiêu ít

Laurine và mẹ mua tượng trưng một số món đồ lưu niệm trong chợ Bến Thành – Ảnh: VnExpress

Mặc dù mua sắm được xem là sản phẩm chính của ngành du lịch Sài Gòn, song tỷ lệ chi tiêu cho mua sắm của du khách quốc tế còn thấp so với các quốc gia ASEAN khác.

Tại Sài Gòn, du khách quốc tế chỉ dành 17% tổng chi tiêu cho mua sắm, trong khi ở Bangkok (Thái Lan) họ dành 23%, còn Singapore dành 28% và Kuala Lumpur (Malaysia) dành 32%!

Theo ghi nhận của Sở Du lịch Sài Gòn, du khách quốc tế đến thành phố thường mua sắm tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, nhưng sức mua rất thấp.

VnExpress ngày 19 Tháng Chín 2023 dẫn lời các chuyên viên du lịch đánh giá: Nạn nói thách là một phần nguyên nhân khiến mức chi tiêu cho mua sắm của du khách quốc tế khi đến Sài Gòn thấp so với khu vực.

Tờ báo này tường thuật câu chuyện của vài du khách quốc tế để dẫn chứng.

Chẳng hạn cô Laurine, du khách Pháp lần đầu đến Việt Nam và Sài Gòn. Trước chuyến đi, Laurine đã tham khảo tư vấn mua sắm tại Sài Gòn và được nhắc nhở nếu đến chợ Bến Thành thì phải trả giá thấp hơn ít nhất một nửa khi mua đồ ở đây.

Khi đến chợ Bến Thành, cô Laurine thấy hấp dẫn vì chợ có đủ loại hàng hóa lẫn dịch vụ, từ ăn uống, đến nông sản, đồ lưu niệm. Tuy nhiên, cô nhận xét sao cùng một mặt hàng nhưng “mỗi gian lại có mức giá khác nhau”!

Laurine hỏi mua vài thứ như hạt tiêu, nón lá trưng bày, tranh thêu nhỏ, mỗi món đều được chủ sạp báo giá trên 200,000 đồng. Cô Laurine thử trả giá mỗi món đồ bằng 50-70% mức mà chủ cửa hàng đưa ra.

Khi người bán hàng không đồng ý, cô quay người “giả vờ bỏ đi”, và được gọi lại bán với giá chỉ 40,000-80,000 đồng mỗi món.

Tổng chi sau một buổi mua sắm của Laurine ở chợ Bến Thành chưa đến 300,000 đồng.

Thành quả sau một buổi mua sắm của Ash là những đồ lưu niệm giá trị không cao – Ảnh: VnExpress

Chia sẻ với VnExpress, cô nói không thấy sốc khi bị nói thách, vì nói thách là điểm chung của nhiều khu chợ truyền thống tại nhiều nước châu Á. Tuy nhiên, cô chỉ không rõ giá trị thật của món đồ là bao nhiêu, có xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không.

Một nữ du khách New Zealand là Ash, cũng lần đầu đến Sài Gòn và được trải nghiệm “mặc cả khi mua đồ” ở các chợ truyền thống như Bến Thành, Tân Định và cả khu Saigon Square – vốn khởi đầu là khu chợ chuyên hàng Việt Nam gia công xuất cảng còn dư, nay toàn hàng Trung Quốc.

Cô nói ở điểm mua sắm nào cô cũng phải mặc cả và vì e ngại bị mua hớ, cô chỉ chọn vài món đồ lưu niệm ở chợ với giá chưa đến 200,000 đồng.

Để tránh bị nói thách, Ash chọn vào trung tâm thương mại vì giá đã được niêm yết, cô so sánh: “Ở New Zealand, dù ở chợ nhỏ lẻ hay trung tâm thương mại, giá đều như nhau, tôi không phải nài nỉ mặc cả như đi du lịch ở Việt Nam”.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, phó giám đốc Sở Du lịch Sài Gòn, cho biết sáu tháng đầu năm thành phố đón 1.9 triệu lượt khách quốc tế, trong đó hoạt động mua sắm của du khách quốc tế chỉ đóng góp 9% tổng thu của ngành du lịch Sài Gòn!

Theo bà Hiếu, tình trạng nói thách của một số tiểu thương chợ truyền thống được lan truyền trên các trang mạng xã hội gần đây ngoài gây thiệt hại trực tiếp đối với chính họ, còn “ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch thành phố”.

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Vietravel, tình trạng nói thách có thể ảnh hưởng đến sức chi của du khách quốc tế khi đến Việt Nam, vì thế bà Hoàng đề xuất Sài Gòn nên xây dựng một “hành lang giá” thống nhất.

Đồng thời, thành phố phải quy hoạch và xây dựng các khu phố mua sắm khác nhau: chẳng hạn hàng thủ công mỹ nghệ, hàng qua mùa (factory outlet), hàng miễn thuế (downtown duty free).

Ngoài nạn nói thách, Sài Gòn cũng giống như Hà Nội, có rất ít hoạt động dành cho du khách quốc tế vào ban đêm, dù từng được mệnh danh là “thành phố không ngủ”.

Phố đi bộ Bùi Viện, con phố duy nhất dành cho du khách quốc tế vui chơi buổi tối ở Sài Gòn – Ảnh: VnExpress

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu chỉ ra nhu cầu chi tiêu của du khách quốc tế vào ban đêm tại Sài Gòn chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong một đường tour, còn mức chi tiêu ban ngày chỉ chiếm 30% bởi khách chủ yếu đi tham quan các địa danh, ăn uống theo chương trình có chi phí trọn gói.

Đến buổi tối, du khách mới có thời gian tự do để khám phá các hoạt động khác.

Hiện nay Sài Gòn có năm nhóm sản phẩm du lịch giải trí, hoạt động về đêm, bao gồm: biểu diễn văn hoá, nghệ thuật tổ chức thường xuyên tại các sân khấu, trung tâm và khu vui chơi giải trí; không gian văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại các khu phố chia theo từng quận; hoạt động mua sắm, giải trí đêm ở trung tâm thương mại; hoạt động tham quan thành phố về đêm; và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp.

Bên cạnh đó, thành phố còn có gần 32,000 cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng có địa chỉ cố định và các quán ăn đường phố.

Thế nhưng, theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng đánh giá, những sản phẩm du lịch đêm kể trên hiện có vẫn quá ít so với một đô thị lớn như Sài Gòn, đa số lại chỉ mở cửa đến 22giờ, trong khi nhu cầu du khách quốc tế vui chơi giải trí sau 22 giờ rất lớn, mức chi tiêu cho các dịch vụ này cũng rất cao.

Bà Hoàng kể ra, du khách quốc tế có rất ít chọn lựa: tour khám phá trung tâm thành phố (city tour), trải nghiệm xe buýt hai tầng; đi thuyền ăn tối trên sông Sài Gòn hoặc đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc; vui chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đêm Bùi Viện, phố đêm chợ Bến Thành; thưởng thức múa rối nước, vở kịch xiếc.

Phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu, một trong tuyến đường thuỷ kết hợp du lịch đã đưa vào khai thác ở Sài Gòn với hy vọng kéo thêm du khách quốc tế – Ảnh: VnExpess

Nhìn chung, Sài Gòn thiếu các chương trình nghệ thuật giải trí đêm. Tại Sài Gòn, vở kịch xiếc “À Ố show” đã rất thành công, thu hút hàng triệu lượt khán giả, nhưng từ năm 2013 đến nay đã 10 năm mà Sài Gòn chỉ có một vở “À Ố show” cho du khách quốc tế, thật quá nghèo nàn!

Bà Hoàng nhấn mạnh: “Hoạt động về đêm và giải trí nghệ thuật là sản phẩm rất quan trọng để níu chân du khách. Do vậy, những show diễn nghệ thuật phải vừa có chiều sâu văn hóa, lịch sử nhưng cũng vừa có độ hoành tráng và mới mẻ thì mới tạo ra khác biệt cho kinh tế đêm”.

Liên quan đến du lịch, cũng VnExpress ngày 2 Tháng Tám 2023 cho biết, với lượng du khách quốc tế thấp, công suất phòng khách sạn tại Sài Gòn chưa phục hồi nổi.

Trong nửa đầu năm 2023, Sài Gòn đón 18 triệu lượt khách, nhưng du khách quốc tế chỉ chiếm 11%, khoảng 1.9 triệu lượt khách, chỉ phục hồi khoảng 46% so với năm 2019, thấp hơn mức hồi phục cả nước là 66%.

Theo thống kê của Savills Việt Nam, tính đến Tháng Sáu 2023, Sài Gòn có 15,662 phòng khách sạn từ 110 dự án, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, có 404 phòng đóng cửa từ sau dịch COVID-19 nhưng chỉ 45% số phòng đang được sửa chữa.

Do lượng du khách quốc tế ít, công suất khai thác phòng của các khách sạn tại Sài Gòn chỉ đạt 64% trong sáu tháng đầu năm 2023. Riêng quý II/2023, công suất phòng khách sạn ở Sài Gòn chỉ đạt 60%, giá phòng cũng giảm 2% so với quý I/2023.

Báo cáo của Savills cũng chỉ ra tỷ lệ khách lưu trú qua đêm ở Sài Gòn chỉ đạt khoảng 19%, thấp hơn so với các điểm đến khác.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: