Gia đình anh Bùi Văn Thuận bị công an xã dẫn người đến quấy rối

Gia đình của chị Nhung (từ trái qua): Anh Bùi Văn Thuận, con gái và chị Trịnh Nhung

Chị Trịnh Nhung, vợ của anh Bùi Văn Thuận vừa cho biết gia đình chị bị công an xã dẫn hai phóng viên truyền hình nhà nước, đến ghi hình và tìm cách lấy thông tin bất minh, cho âm mưu nào đó trong thời gian tới.

Theo lời kể của chị Nhung, vào khoảng 10 giờ sáng 5 Tháng Mười 2021, trước nhà chị đột nhiên xuất hiện ba người với “hành động khá bất thường”. Dẫn đầu nhóm người này là công an xã, nhưng không xưng tên và nói rõ công việc là gì. Anh này dẫn theo hai người (một nam, một nữ) đến nhà, cầm theo máy quay phim, tìm đến cách bắt chuyện với gia đình chị. “Nhìn qua, tôi thấy trên máy quay của họ có dán logo “An Ninh TV”, và đoán chắc là họ đang là một phóng sự gì đó có liên quan đến anh Bùi Văn Thuận, chồng tôi. Cả hai người này không tự giới thiệu thẻ nhà báo, cũng tránh không nói tên của họ với tôi”.

Cả ba người dừng xe rất xa nhà chị Nhung, rồi cùng đi bộ vào. Họ xông vào giả vờ hỏi tìm nơi để quay cảnh đồng lúa ở nông thôn. Sau đó người phụ nữ lại xin mua bánh của mẹ chị Nhung đang làm để bắt chuyện, rồi lại xin đi nhà vệ sinh. Trong lúc đó họ bấm máy quay gia đình chị Nhung thì bên ngoài, một flycam do người khác ngồi trên xe hơi điều khiển, quay toàn bộ phía ngoài ngôi nhà gia đình chị.

“Dù tôi từ chối không cho ghi hình, nhưng tôi biết họ cũng lén quay được tôi, bằng thủ thuật của người chuyên nghiệp, và có thể sau đó sẽ ‘nhét vào’ miệng tôi những điều gì đó ngụy tạo và bất hợp pháp trong đoạn video nào đó của họ”, chị Nhung kể.

Ảnh từ trái qua: (1) Xe của nhóm người bất minh đậu ở xa và điều khiển flycam (2) Xông vào nhà tìm cách bắt chuyện ghi hình

Đáng nói, trong cuộc cuộc trò chuyện, người phụ nữ làm phim còn mở lời khuyên chị Nhung đừng nên mời luật sư vì tốn kém lắm, cô ta nói “nhà nước sẽ có luật sư cho chồng em”. Người quay phim thì cố tìm những điều đau khổ hay tuyệt vọng của chị Nhung để đưa vào khung hình. Không tìm được, họ còn thay nhau hỏi chị có “mệt mỏi hay khó khăn gì từ lúc anh Thuận bị bắt không?”. Máy quay chĩa thẳng vào mặt chị Nhung và rình rập, nhưng sau khi không thể khai thác được gì, thì những người này ra về.

Trước diễn biến này, chị Trịnh Nhung gửi đi lời nhắn đến các cơ quan truyền thông tự do, cậy nhờ việc loan báo tuyên bố của chị như sau:

“Tôi được tin rằng trường hợp của chồng tôi, anh Bùi Văn Thuận, đang được đệ trình lên Ủy ban Chống bắt người tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD), và sự kiện đang được mổ xẻ ở nhiều góc độ về luật pháp Việt Nam cũng như những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Việc quay hình này, cũng có thể là một trong những bước biện minh và tuyên truyền cho việc bắt giữ anh Thuận.

Tôi khẳng định rằng, tôi không hề phát biểu khi nói bất cứ điều gì liên quan về vụ án của chồng tôi cũng như không nhận định bất kỳ điều gì bất lợi cho chồng tôi, khi có sự xuất hiện của ba người của nhà nước vào sáng ngày 5 Tháng Mười 2021.

Do gia đình tôi đơn chiếc, nên những người xuất hiện có đi nhờ nhà vệ sinh, tôi không biết rằng họ có cài đặt camera quay lén, hay để lại điều gì đó bất lợi trong gia đình tôi hay không. Nên tôi khẳng định rằng từ ngày 5 Tháng Mười 2021, mọi bằng chứng được tìm thấy không liên quan gì đến gia đình tôi, và không được thừa nhận.

Tôi cũng có yêu cầu rằng chuyện chồng tôi, anh Bùi Văn Thuận, bị bắt là một vấn đề được coi là nằm trong lý lẽ luật pháp và đối diện với chính quyền, nên gia đình tôi cũng cần được đối diện một cách minh bạch với chính quyền trong mọi sự việc về sau, chứ không thể lén lút làm những hành động như vậy đối với gia đình tôi, vốn chỉ còn người phụ nữ và trẻ nhỏ”.

Anh Bùi Văn Thuận, sinh năm 1981, người thường có những bài viết chỉ trích mạnh mẽ đối với chế độ tại Việt Nam, bị bắt ngày 30 Tháng Tám 2021, theo quyết định khởi tố của Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Tỉnh Thanh Hóa.

Công an cáo buộc anh Thuận vi phạm Điều 117-Bộ Luật Hình sự năm 2015: “Tàng trữ tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Điều luật này đã bị các tổ chức theo dõi nhân quyền cho là mơ hồ, tùy tiện mà Nhà nước Việt Nam sử dụng nhằm dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến, đàn áp quyền tự do biểu đạt. Người bị kết án vi phạm Điều 117 có thể phải đối diện mức án từ một năm đến 20 năm tù giam.

Điều kỳ lạ là sau đó, chị Nhung lên công an phường nơi chị cư trú để xác nhận tên họ và cấp bậc của viên công an đã đưa người xuống nhà chị thì bị đối xử rất bất thường. Viên công an vừa thấy chị đã rời bàn làm việc chạy trốn. Còn Trưởng công an phường tên là Cao Quang Hiệu thì quát nạt và đuổi chị về sau khi cố ý nói không rõ tên viên công an vừa bỏ trốn.

Cao Quang Hiệu nói với chị Nhung rằng chị không có quyền được hỏi tên người đang làm nhiệm vụ của chính quyền. Và ông Hiệu cũng nói rằng với người dân đang cư trú trên địa bàn này thì công an có quyền vào nhà dân bất cứ lúc nào cũng không cần thông báo!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: