Muốn đi Đài Loan ‘đổi đời’ nhưng bị dụ qua Campuchia

Nghi phạm Trương Văn Chung (28 tuổi, quê huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) – người môi giới năm nạn nhân cùng quê sang làm việc tại Đài Loan qua ngả Campuchia – Ảnh: VietnamPlus

Trong “cơn khát” việc làm, nhiều người trẻ Việt Nam đã bị chính người Việt dụ dỗ đưa sang nước ngoài làm việc nhưng thực chất là bắt cóc để đòi tiền chuộc.

Mới đây nhất, một nhóm thanh niên ở nhiều tỉnh phía Bắc đã đào thoát khỏi động bắt cóc ở Campuchia và nhập cảnh trái phép vào tỉnh An Giang với đầy dấu thương tích vì bị tra tấn trên người.

VietnamPlus ngày 7 Tháng Chín 2023 cho biết Công an tỉnh An Giang đang phối hợp cùng Cục Cảnh sát Hình sự, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và lực lượng chức năng Campuchia điều tra vụ án “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”, truy bắt các nghi phạm liên quan đến hành vi giết người, cướp tài sản và bắt cóc người Việt tại tỉnh An Giang và tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia.

Trước đó, nửa đêm ngày 25 Tháng Tám, đội tuần tiễu của đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình (bộ đội biên phòng An Giang) tại khu vực Tân Khánh (thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đã phát giác nhóm thanh niên vượt biên trái phép.

Nhóm bốn người, bao gồm Lê Minh Hoàn (32 tuổi, quê tỉnh Bắc Giang), Nguyễn Hữu Linh (32 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa), Nguyễn Văn Tuấn (41 tuổi, quê tỉnh Hải Dương), Phạm Thị Tình (39 tuổi, quê tỉnh Ninh Bình) đã vượt sông nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam.

Vì trên cơ thể của bốn thanh niên có nhiều vết thương nên đội tuần tiễu đã đưa về trạm y tế chăm sóc.

Từ trái sang: Các nghi phạm Hoàng, Chung, Thoại, Toàn, Út bị Công an tỉnh An Giang khởi tố và tạm giam – Ảnh: Công an

Khi tỉnh táo, cả bốn thanh niên này khai được chủ tài khoản Facebook “Bin Bo” (hiện sống ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) dụ dỗ sang Đài Loan tìm việc làm.

Tin theo người này, cả bốn thanh niên cùng với một thanh niên khác là Hoàng Văn Mùa, quê tỉnh Hải Dương, tập trung tại thị trấn Long Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang) để được đưa sang Campuchia.

Họ được đưa vào khu nhà trọ ba tầng tại Campuchia (không rõ địa chỉ) và bị hơn 10 người (đeo khẩu trang, mang súng, dao, gậy) đánh đập, tra tấn, tống tiền, yêu cầu liên hệ người nhà chuyển tiền vào số tài khoản do các đối tượng cung cấp. Trong số nạn nhân, thanh niên Hoàng Văn Mùa đã bị đánh chết.

Đến 21:30 ngày 25 Tháng Tám, lợi dụng sự sơ hở của bọn buôn người, cả bốn thanh niên cùng chạy trốn, bơi qua sông Bình Di (hay còn gọi là sông Châu Đốc) trở về Việt Nam thì bị đội tuần tiễu đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình phát giác.

Từ trái sang phải: Các bị can Nguyễn Thanh Hoàng, Nguyễn Thanh Toàn, Trần Thiết Thoại và Huỳnh Thị Út tại cơ quan điều tra – Ảnh: VietnamPlus

Ngày 30 Tháng Tám, Công an An Giang đã khởi tố và bắt tạm giam Trần Thiết Thoại (41 tuổi), Huỳnh Thị Út (43 tuổi, vợ của Thoại), Nguyễn Thanh Hoàng (56 tuổi), Nguyễn Thanh Toàn (31 tuổi, là con của Hoàng) – cùng ngụ tại huyện An Phú, tỉnh An Giang, và Trương Văn Chung (28 tuổi, ngụ huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) để điều tra về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.

Từ lời khai của bốn nạn nhân và nhóm năm người “tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” sang Campuchia cho thấy sự việc bắt đầu khoảng giữa Tháng Tám 2023, khi Trương Văn Chung (tài khoản Facebook là “Bin Bo”) nhận được tin nhắn qua ứng dụng Messenger của một phụ nữ lạ với nội dung: “Có dịch vụ đưa công dân Việt Nam vượt biên trái phép sang Đài Loan bằng đường tàu biển, xuất phát từ An Giang hoặc Bà Rịa-Vũng Tàu, với giá $6,500/người”.

Chung gọi Messenger trao đổi cụ thể với người phụ nữ này và được hứa nếu đưa một người qua Đài Loan trót lọt thì bà này sẽ trả công cho Chung 7 triệu đồng/người ($290).

Nghe hấp dẫn, Chung đã đăng thông tin trên Facebook để tìm “khách hàng”. Đến ngày 21 Tháng Tám,  Hoàn và Linh đã liên hệ với Chung để nhờ sắp xếp chuyến sang Đài Loan tìm việc làm.

Vì Hoàn đã quen biết Chung khi cả hai cùng làm thuê bên Đài Loan nên Hoàn, Linh đã rủ thêm Tình, Tuấn và Mùa cùng đi.

Theo hướng dẫn của Chung và người phụ nữ, sáng sớm 25 Tháng Tám, nhóm năm thanh niên từ các tỉnh phía Bắc đã tập trung tại một khách sạn ở Sài Gòn, sau đó được Chung cho xe đến đón, chở đến gần cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Tại đây, hai cha con Hoàng và Toàn đã thuê hai vợ chồng Thoại và Út dùng xe gắn máy chở lần lượt nhóm năm thanh niên sang Campuchia bằng đường bộ, với giá thuê là 100,000 đồng/người.

Khi sang đến trước cổng casino Yong Yuan, năm nạn nhân được một xe hơi đến đón và đưa về một căn nhà tại TP.Sampeou Poun, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia.

Tưởng là về nhà trọ chờ đi Đài Loan, ai dè các nạn nhân bị nhóm người hung tợn bịt khẩu trang, đem theo súng, dao, gậy tới khống chế, trói chân, tay rồi đánh đập dã man vào đầu, lưng, đùi, thậm chí ép họ cởi áo rồi đốt túi nylon cho nhựa cháy rơi từng giọt vào người…

Bọn buôn người đã đốt bọc nylon và cho nhựa cháy chảy từng giọt lên người các nạn nhân – Ảnh: Tuổi Trẻ

Trong lúc tra tấn, bọn buôn người dùng điện thoại của nạn nhân gọi về gia đình của họ, ép buộc phải chuyển tiền chuộc qua tài khoản mà bọn chúng chỉ định.

Thân nhân của các nạn nhân Linh, Hoàn, Tình đã chuyển tổng số tiền hơn 499 triệu đồng theo yêu cầu của bọn cướp. Còn hai nạn nhân Tuấn (bị ép chuyển 300 triệu đồng) và Mùa (bị ép chuyển 500 triệu đồng) không có tiền chuyển.

Trong số các nạn nhân, Mùa bị đánh nặng nhất, đến chấn thương sọ não, do không được cấp cứu kịp thời nên đã tử vong, hiện thi thể đã được đưa về Việt Nam mai táng.

Không chỉ đánh đập, bọn buôn người còn cướp hết tài sản mà các nạn nhân mang theo người, bao gồm điện thoại và tiền mặt.

Phối hợp với lực lượng chức năng của Vương quốc Campuchia, Công an Việt Nam đã trích xuất các camera quanh khu vực nhà trọ – hiện trường nơi xảy ra vụ án, phát giác và tịch thu nhiều điện thoại di động, máy tính xách tay và các tang vật có liên quan.

Điều bất ngờ là đa số các đối tượng gây án, đánh đập các nạn nhân đòi tiền chuộc đều là người Việt Nam, một số từng đi lao động ở Đài Loan!

Tuổi Trẻ cùng ngày dẫn lời kể của một nạn nhân là ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết cả nhóm tưởng được sang Đài Loan làm việc, chi phí mỗi người $6,500, khi xuất cảnh trót lọt mới thanh toán.

Khi được đưa đến một tòa nhà ở Campuchia, cả nhóm năm người đều ngỡ chỉ lưu trú tạm chờ tàu đưa sang Đài Loan làm việc, ai dè bị bọn buôn người xông vào, chia năm người vào nhiều phòng khác nhau, vừa đánh đập dã man vừa quay video gửi về cho gia đình nạn nhân đòi tiền chuộc từ 300 – 500 triệu đồng/người ($12,456 – $20,760/người).

Khi thân nhân của ba trong số năm nạn nhân đã chuyển tiền xong thì bọn buôn người vẫn không thả người. Một trong năm nạn nhân bị đánh chấn thương sọ não đã tử vong tại chỗ, khiến cả bốn người còn lại khiếp sợ. May mà họ tự cởi trói được và chạy trốn trong đêm về lại Việt Nam.

42 nạn nhân đào thoát khỏi địa ngục ở Campuchia hồi Tháng Tám 2022 được bố trí ăn ở tạm tại Trung tâm Văn hóa xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang trước khi về quê – Ảnh: Dân Trí

Hồi cuối Tháng Chín 2022, Tuổi Trẻ phỏng vấn ông Nguyễn Huy Tăng, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia về nạn buôn người và phương án giải cứu lao động Việt Nam bị lừa đảo.

Ông Tăng cho biết trong sáu tháng đầu năm 2022, công an Việt Nam cùng với lực lượng chức năng của Campuchia đã giải cứu gần 500 người Việt Nam bị lừa “việc nhẹ lương cao”. Tuy nhiên, ông Tăng không thống kê được còn bao nhiêu người Việt bị ép buộc làm việc lừa đảo trên mạng ở Campuchia, mà theo ông, có thể lên đến hàng ngàn người.

Vị đại sứ này nhìn nhận là rất khó tiếp cận các địa điểm “làm ăn” đó, vì “kín cổng cao tường”, ngay cả cảnh sát sở tại muốn vào khám xét cũng phải có thông tin chính xác.

VnExpress ngày 23 Tháng Tám 2022 dẫn thông tin từ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết “Hàng ngàn người Việt có thể đã bị đưa sang Campuchia lao động cưỡng bức và việc giải cứu họ rất khó khăn”.

Trước đó, ngày 18 Tháng Tám 2022, có 42 người Việt bị ép lao động cưỡng bức “lừa đảo trên mạng” phải vượt sông Bình Di trốn khỏi địa ngục ở Campuchia, may nhờ có hai người dân An Giang lấy thuyền máy ra giữa sông vớt họ. Vụ việc này gây chấn động dư luận lúc đó, vì ngoài số người được cứu thoát còn có một thiếu niên 16 tuổi quê Gia Lai bị chết đuối trên sông.

Những vết thương trên cơ thể người lao động Việt do té ngã khi đào tẩu và bị quản lý đánh trong thời gian làm việc tại Campuchia – Ảnh: Dân Trí

Chia sẻ với VnExpress, Thượng tá Khổng Ngọc Oanh (trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự) cho biết mặc dù Việt Nam và Campuchia đã có Hiệp định song phương về phòng chống buôn bán người thì chỉ khi nào phía Việt Nam có đủ vật chứng và nhân chứng thì mới có thể nhờ cơ quan chức năng Campuchia truy tìm, xác minh và cung cấp hồ sơ.

Tình trạng xuất cảnh sang Campuchia trái phép, với hy vọng có việc làm thường xảy ra với thanh thiếu niên ở các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên và biên giới Tây Nam. Thậm chí trong số đó cũng có cả sinh viên muốn “đổi đời nhanh”, tin theo lời mời chào trên mạng, trốn gia đình đi nên việc tìm kiếm thông tin các em rất khó.

Những kẻ đóng vai người tuyển dụng thường liên lạc với các em qua mạng xã hội, thậm chí ứng trước tiền lộ phí cho các em, đợi khi có việc sẽ “trả sau”.

Kẻ cầm đầu các ổ nhóm buôn người này được xác định là người Trung Quốc, có sự giúp sức của người Việt Nam đang sống tại Campuchia.

Còn các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản tại Campuchia tập trung ở các khu như Bà Vẹt, tỉnh Svaytieng; Banteay Meanchay, tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukvile, tỉnh Preah Shihanouk; Chrey Thom, tỉnh Kandal và ngay tại thủ đô Phnom Penh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: