Vòng ba của nữ DJ nứt toác vì đặt túi độn

Bác sĩ Tống Hải cho biết đặt túi độn mông là đại phẫu, một kỹ thuật khó, cần được thực hiện tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế cấp phép – Ảnh: Bệnh viện

Một nữ DJ (phối nhạc) cảm thấy tự ti vì vòng ba bị lép, đã đến một thẩm mỹ viện tư nhân ở Hà Nội để đặt túi độn mông.

Sau vài tháng đặt túi độn mông tăng kích thước vòng ba bằng kỹ thuật nội soi – túi độn được đưa vào hai bên mông qua khe mổ, nữ DJ không thể ngồi, phải nằm sấp trong tình trạng mảng da mông bị nứt toác, sưng đỏ, đau đớn.

Truyền thông trong nước ngày 2 Tháng Mười 2023 dẫn thông tin từ TS.BS. thẩm mỹ Tống Hải, chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, bệnh viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) nhận định: Sau khi mổ đặt túi độn, vết mổ của bệnh nhân không liền lại, lâu ngày toác rộng, hở một mảng lớn ở mông.

Bệnh nhân đã bị biến chứng, phải ghép da, sau đó chỉnh sẹo, cắt ổ sẹo lõm, chuyển vạt hai bên khâu lại. Việc điều trị sẽ diễn ra trong thời gian dài, vì sau 6 tháng, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật chuyển vạt nếu sẹo xấu, tức cắt ổ sẹo xấu, chuyển vạt hai bên để khâu lại.

Đẹp đâu không thấy, phải mổ đi mổ lại là phiền rồi. Vừa hại sức khỏe, vừa mất thời gian nằm viện, lại tốn đống tiền!

Về kỹ thuật nâng mông bằng túi độn, BS Hải cho biết đây là giải pháp giúp cải thiện kích thước, hình dạng vòng ba, bên cạnh cấy mỡ tự thân… Tuy nhiên, cả hai phương pháp đều có biến chứng nếu phẫu thuật không đúng kỹ thuật, vì mông là vị trí ngồi.

Một miếng độn mông đang thịnh hành tại các cơ sở thẩm mỹ – Ảnh: Internet

Khi nâng mông bằng túi độn, đường mổ nằm phía sau vùng xương cùng cụt nên vết mổ chậm liền, thậm chí gây biến chứng như phải tháo túi mông, hoặc phẫu thuật che phủ. Một số biến chứng khác bao gồm lệch, lộn túi, đặt không đúng vị trí gây tụ máu. Một số trường hợp đặt túi quá thấp chèn dây thần kinh hông, làm tê bì đau tức chân.

“Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng sớm khác như chảy máu gây tụ máu (phải phẫu thuật cầm máu, lấy máu tụ), viêm nhiễm khuẩn (phải tháo túi), vết mổ bị toác, không liền (do đường mổ ở phía sau vùng xương cùng cụt nên khi phẫu thuật, vị trí này dễ bị thiểu dưỡng)…” – BS Hải nói thêm.

Do đó, BS Hải khuyến cáo nâng mông bằng túi độn là trường hợp đại phẫu, quy trình phức tạp, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật có tay nghề và phải có công nghệ hỗ trợ. Phương pháp này cần được thực hiện tại bệnh viện thẩm mỹ đã được Bộ Y tế cấp phép.

Đặc biệt, BS Hải khuyến cáo nữ giới không nghe theo lời quảng cáo tiêm filler với số lượng lớn để nâng ngực, độn mông. Tiêm filler chỉ nên áp dụng cho những vùng tiêm nhỏ như gốc mũi, môi, thái dương và cằm…

Với các bệnh viện thẩm mỹ được cấp phép, sau khi đặt túi độn mông, bệnh nhân cần được cho nằm sấp và theo dõi sát lượng dịch và tiến trình liền vết thương hằng ngày. Có những trường hợp đặc biệt, BS có thể áp dụng kỹ thuật hút áp lực âm để chủ động hút dịch hoặc tăng tuần hoàn giúp vết mổ nhanh liền.

Kỹ thuật hút áp lực âm là phương pháp giúp tiến trình liền vết thương nhanh, loại bỏ dịch tiết, giảm phù nề, cải thiện dòng máu đến mô. Phương pháp này đã được ứng dụng rộng rãi trong điều trị các vết thương mãn tính, khó lành.

Hồi Tháng Tám 2020, một cô gái 25 tuổi ở Hà Nội sau khi độn mông ở spa bằng cách tiêm “mỡ nhân tạo” đã xuất hiện nhiều cục u lổn nhổn gây đau và chảy nước. Nữ bệnh nhân này đã phải đến bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng vùng mông phù nề, xen kẽ nhiều vết loét đã chảy mủ ra ngoài.

Hình ảnh vùng mông của bệnh nhân 25 tuổi ở Hà Nội có rất nhiều cục u lổn nhổn, rò và chảy nước – Ảnh: Bệnh viện

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa phẫu thuật – tạo hình – thẩm mỹ bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, cho biết có hàng trăm khối u bằng silicone cùng với hiện tượng viêm lan tỏa trong lớp da cơ mông và thâm nhiễm cả đến gần hậu môn, trong phim CT Scan vùng mông của nữ bệnh nhân.

Ngoài ra, khi cấy mủ vùng mông, các BS phát hiện bệnh nhân đã bị nhiễm một loại vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng hầu hết các loại kháng sinh thông thường.

Hóa ra cái gọi là “mỡ nhân tạo” (có nơi còn gọi là “chất làm đầy magic”) mà một spa bơm vào mông nạn nhân chính là silicone, một chất lỏng đã bị cấm dùng trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ.

Nữ bệnh nhân này đã phải điều trị hơn sáu tháng sau đó, trải qua một cuộc đại phẫu cắt bỏ hết các mảng hoại tử da và cơ mông, loại bỏ tối đa các khối u silicone, đồng thời phối hợp đa kháng sinh trị liệu liều cao để giết vi khuẩn, nhưng phải theo dõi sát chức năng gan vì thuốc rất độc.

Phải nói là gần 100% các ca phẫu thuật thẩm mỹ bị biến chứng ở Việt Nam là thực hiện tại các spa và thẩm mỹ viện không phép. Khi gặp biến chứng thì chả có ai bắt đền được spa hay thẩm mỹ viện không phép mà đều phải chạy vào các bệnh viện để chữa trị.

Ngày 11 Tháng Bảy 2023, trong một kỳ họp HĐND TP.HCM, giám đốc Sở Y tế thành phố Tăng Chí Thượng cho biết Sài Gòn có hơn 7,000 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ, nhưng chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm chưa đến 15% trong tổng số cơ sở)!

Như vậy, còn lại hơn 85% cơ sở là do UBND quận huyện và TP.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận (chỉ cần xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh – hộ kinh doanh hoặc công ty), với đăng ký dịch vụ là chăm sóc da – theo quy định không cần cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép.

Nghĩa là có đến 85% cơ sở làm đẹp ở Sài Gòn “làm gì cũng được” và không ai kiểm tra! Hà Nội chắc cũng chả khác chi.

Điều này theo ông Thượng đã tạo ra ba thách thức cho ngành y tế: đó là tình trạng quảng cáo “một tấc lên đến trời” đúng sai không ai kiểm tra;  hoạt động hậu kiểm các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ chưa được quan tâm, chỉ được thực hiện khi nơi đó làm chết người hoặc gây biến chứng nặng cho khách hàng; các cơ sở thẩm mỹ không phép ngày càng có xu hướng ẩn mình trong nhà trọ, khách sạn… để thực hiện dịch vụ làm đẹp có gây tê và gây chảy máu, nên ngành y tế càng khó kiểm soát.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: