Cảnh sát viên tập sự gốc Việt ở Connecticut thắng kiện kỳ thị sau 12 năm

HARTFORD, Connecticut (NV) – Một cảnh sát viên tập sự gốc Việt ở Hartford, Connecticut, thắng vụ kiện kỳ thị kéo dài 12 năm sau khi anh bị sa thải vào năm 2011.

Theo the Register Citizen hôm Thứ Sáu, 14 Tháng Bảy, Tối Cao Pháp Viện Connecticut hôm Thứ Năm, 13 Tháng Bảy, bác bỏ phán quyết của Tòa Kháng Án Connecticut, đưa ra phán quyết mới và cho cảnh sát viên tập sự Khoa Phan thắng vụ kiện kỳ thị.

Vụ kiện này được đưa ra trước Tối Cao Pháp Viện Connecticut ngày 17 Tháng Hai. Các thẩm phán tập trung vào chuyện Trung Sĩ Steven Kessler có ảnh hưởng đến quyết định sa thải anh Khoa Phan của các giám sát viên bằng cách lăng mạ anh hay không.

Nhật báo Người Việt liên lạc với anh Khoa Phan và luật sư đại diện là ông James Sabatini, nhưng chưa có hồi âm.

Thành phố Hartford cho biết ông Kessler không phải là người huấn luyện anh Khoa, cũng không trực tiếp giám sát anh, và ông chỉ đề nghị anh được huấn luyện lại, chứ không phải sa thải.

Một giám sát viên khác thì nói anh Khoa không hiểu lệnh của cấp trên, rồi đối chất và cãi nhau với họ. Hồ sơ tòa án còn cho thấy một giám sát viên khác cho hay anh Khoa thường gặp khó khăn khi phải đưa ra quyết định và không hiểu được những tình huống phức tạp.

Ủy Ban Nhân Quyền và Cơ Hội (CHRO), đại diện cho anh Khoa Phan, cho rằng Trung Sĩ Kessler và các giám sát viên của anh quen biết nhau, và thái độ kỳ thị của trung sĩ đối với anh Khoa ảnh hưởng đến cách nhìn của nhiều cảnh sát viên khác, sau đó còn ảnh hưởng đến cả cảnh sát trưởng của thành phố Hartford.

Bà Megan Grant, luật sư của CHRO, viết thư gửi đến tòa án: “Bằng chứng cho thấy lý do nguyên đơn sa thải anh Khoa là không đúng, mà bằng chứng đó dựa theo cách nhìn của một nhân viên có quan điểm kỳ thị.”

Anh Khoa bị sa thải nhiều năm trước khi ông Jason C. Thody trở thành cảnh sát trưởng của Hartford. Khi được hỏi về những cách ngăn chặn kỳ thị, ông trả lời: “Sự việc này xảy ra cách đây hơn một thập niên rồi, và tôi chỉ có thể nói sở cảnh sát này đang ưu tiên chuyện tuyển người đa sắc tộc, và còn ưu tiên tạo ra một văn hóa làm việc không chấp nhận kỳ thị.”

Khi còn thực tập, anh Khoa Phan được đánh giá tốt sau khi hoàn tất khóa huấn luyện tại hiện trường, sau đó còn được nhiều giám sát viên đánh giá tốt, trong đó có cả Trung Sĩ Kessler.

Phán quyết của tòa án cho biết có hai lần trong năm 2011, ông Kessler nói về anh Khoa sau khi tốt nghiệp học viện cảnh sát và hoàn tất khóa huấn luyện tại hiện trường, trong đó có một số lời không hay về sắc tộc và trình độ giáo dục của anh, và còn hỏi không biết cư dân Hartford có hiểu anh nói gì khi tiếp xúc hay không.

Cũng theo phán quyết, vào ngày 23 Tháng Giêng, 2011, ông Kessler hỏi anh Khoa là người nước nào, và anh trả lời mình là người Việt Nam. Nghe vậy, ông nói: “Người Việt hay người Hoa đều giống nhau.”

Đến ngày 4 Tháng Hai, 2011, ông chỉ trích văn phạm và khả năng viết báo cáo của anh Khoa, còn nói “tội phạm cười sau lưng anh vì giọng nói tiếng Anh” của anh.

Phán quyết còn cho hay khi anh Khoa nói sẽ viết đơn khiếu nại ông Kessler, ông vẫn tiếp tục có những lời kỳ thị, đuổi anh ra khỏi văn phòng và nói “anh nên cẩn thận những gì nói với tôi, nếu không thì sẽ không ở đây được lâu đâu.”

Sau đó, ông Kessler gửi thư đến chỉ huy của học viện cảnh sát, cho biết anh Khoa “hay chất vấn và cãi vã,” và từ đó nhiều cảnh sát viên bắt đầu coi anh như vậy.

Nhiều cảnh sát viên kỳ thị anh Khoa, có một người nói anh không nộp báo cáo hằng ngày, và một số người khác còn nói anh làm mất một phần của bộ đồng phục.

Vẫn theo phán quyết, anh Khoa bị chất vấn về sự trung thực khi các giới chức biết được anh khai báo sai về đồng phục bị mất, nhưng thật ra có một cấp trên ra lệnh cho anh khai gian vào bản báo cáo.

Nhiều lời khai của anh còn bị báo cáo lại sai lệch khi được hỏi về chuyện tại sao không dùng súng điện Taser để bắn một nghi can đang giằng co với mình và đồng nghiệp. Lúc đó, anh kể mình không thể bắn được và không nghe ai ra lệnh cả.

Phán quyết cho biết cảnh sát viên chất vất anh tố cáo anh nói dối và gửi thư đến chỉ huy học viện cảnh sát, cho hay anh không tuân theo lệnh của cấp trên, dẫn đến chuyện một cảnh sát viên khác bị thương.

Vào ngày 18 Tháng Sáu, 2011, ông Daryl Roberts, cảnh sát trưởng Hartford lúc đó, sa thải anh Khoa Phan chỉ vài tuần trước khi hết giai đoạn thử việc. Anh viết đơn khiếu nại với CHRO, sau đó được tòa án cho thắng kiện.

Sở Cảnh Sát Hartford sau đó kháng án, cho rằng anh Khoa không chứng minh được kỳ thị trong chỗ làm, và những bằng chứng anh đưa ra không chứng minh được sự kỳ thị là có chủ ý.

Tòa Kháng Án sau đó cho Sở Cảnh Sát Hartford thắng kiện, bác bỏ quyết định của tòa trước đó. Sau đó, Tối Cao Pháp Viện Connecticut phát hiện quyết định đó dựa theo bằng chứng không đáng tin, ra quyết định lật ngược phán quyết.

Sự việc với anh Khoa Phan không phải lần đầu tiên Trung Sĩ Kessler bị tố cáo kỳ thị. Ông từng bị kỷ luật vì những lời nói kỳ thị với người khác, và điều đó được Tối Cao Pháp Viện Connecticut nhắc đi nhắc lại.

Tờ báo Hartford Courant cho biết vài năm sau khi sa thải anh Khoa, ông Kessler từng bị cho nghỉ việc một thời gian, sau đó bị đuổi khỏi đội phục vụ cộng đồng vì gọi một nhóm người gốc Phi Châu là “khỉ đột” khi nói chuyện bằng máy bộ đàm của xe cảnh sát.

Đến Tháng Hai, 2022, ông bị bắt tạm nghỉ việc lần nữa, sau đó bị sa thải, nhưng không rõ lúc nào.

Cuối cùng, về phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Connecticut, ông James Sabatini, đại diện cho anh Khoa Phan, cho biết thân chủ rất hài lòng, và CHRO sẽ quyết định cách bồi thường.

Ông Michael E. Roberts, một luật sư nhân quyền của vụ kiện này, cho hay CHRO cũng rất hài lòng với phán quyết và rất mừng vì vụ kiện kéo dài nhiều năm đã chấm dứt.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Matcha
Trong những năm gần đây, một loại trà xanh đặc biệt, được gọi là matcha trở nên phổ biến, một phần vì loại trà rất có lợi cho sức khỏe.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: