Bức tượng Thầy Bông

Giáo sư Viện trưởng Nguyễn Văn Bông năm 1969 trong ngày khánh thành Đài Tưởng Niệm Cựu Sinh Viên QGHC đã đền nợ nước trong khi thi hành công vụ cùng với Ban Chấp Hành Hội CSV/QGHC/VN – nhiệm kỳ 1969-1970 (ảnh: tác giả gửi)

Trời giữa trưa nắng gắt, không một ngọn gió lay, anh em chúng tôi ăn mặc thật chỉnh tề tụm nhau dưới bóng cây, mồ hôi nhễ nhại, đang chờ người hướng dẫn vốn đã cẩn thận viết cho mỗi người lái xe một mảnh giấy nhỏ ghi rõ chi tiết lộ trình di chuyển, nhưng cuối cùng chị lại đến sau.

Anh Giáp trưởng lão trong nhóm đang tranh thủ giương máy ảnh, nhanh nhẹn chụp một vài pô hình để làm kỷ niệm. Chừng nửa giờ sau, chị Diễm mới đến nơi cười xin lỗi rất tươi và sau đó cùng nhau vào nhà thăm cụ Diệu Trung năm nay vừa tròn 107 tuổi.

Trước đó độ hai tuần, chị Diễm gọi điện thoại cho tôi đề nghị số người thăm viếng khoảng mười người vì nhà cửa chật, hơn nữa cụ vừa mới xuất viện về nhà còn yếu nên không tiện tiếp đông người.

Đến ngày đi thăm, câu lạc bộ 12 lại tổ chức đón vợ chồng chị Hở từ miền Đông có dịp đến quận Cam, rồi từ San Jose chị Kim Quy cùng chồng được tin có bạn học cũ vừa sang nên cũng tức tốc lái xe vượt đường trường về gặp bạn cùng khóa. Tất cả đều muốn đi thăm cụ, cho nên ngoài anh Thiệu và tôi còn lại hơn mười người là các anh chị thuộc khóa 12 hiện đang cư ngụ tại quận Cam.

Cô con gái út của cụ ra đón chúng tôi tận cửa, mời vào phòng khách, chỉ đứng thôi cũng đủ kín căn phòng. Mọi người bắt đầu hỏi han về sức khỏe của cụ sau khi xuất viện, nói chung sức khỏe của cụ ổn định đối với người đã ngoài bách niên giai lão. Được biết mấy mươi năm nay, cô con gái út không lập gia đình ở vậy chăm sóc cho cụ.

Nhà một mẹ một con đơn chiếc, nhìn quanh ai cũng thấy chạnh lòng và nôn nóng muốn vào ngay phòng của cụ. Tôi thật sự xúc động khi tận mắt nhìn thấy cụ đang nằm co ro trên giường, khi cô Nguyệt kề tai cụ nói lớn có khách đến thăm, cụ đột nhiên chuyển mình và muốn ngồi bật dậy, cô Nguyệt vội vàng đỡ cụ lên. Mọi người quá đỗi ngạc nhiên suýt bật kêu lên thành tiếng. Tôi lặng người.

Bốn mươi bốn năm về trước, lần đầu tiên tôi gặp cụ là hôm đám tang người con thứ tư của cụ vừa mới qua đời tại Sài Gòn. Suốt mấy ngày tham dự đám tang, tôi thấy cụ, lúc bấy giờ đã là một cụ già ngoài 60 tuổi có gương mặt thật hiền từ, im lìm lặng lẽ, chỉ biết cúi đầu cám ơn khi có người đến trước mặt cụ nói lời chia buồn, dù đó là người dân thường hay vị nguyên thủ quốc gia.

Con của cụ vị quốc vong thân, mất năm 42 tuổi, một tuần lễ trước khi nhậm chức Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa năm 1971. Giáo sư Thạc sĩ Nguyễn Văn Bông.

Tôi may mắn được học với GS Bông ở Trường Luật môn Luật Hiến pháp. Lúc ghi danh, số sinh viên rất đông nên trường chia ra làm hai lớp A và B, môn học như nhau nhưng thành phần giáo sư giảng huấn khác nhau, tôi thuộc lớp B nên được học với thầy.

Lúc bấy giờ, ngoài việc giảng dạy, thầy còn là Phó khoa trường Đại học Luật Khoa và là Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh (QGHC). Một con người mà tài năng và đức độ đã vang danh khắp miền Nam nhưng lại rất đơn sơ. Người tầm thước, bước đi chậm, khoan thai. Thầy thường mặc áo sơ mi trắng ngắn tay khi giảng dạy.

Năm sau, tôi thi đậu vào Học viện QGHC nên có dịp gặp gỡ thầy nhiều hơn. Càng gần gũi với thầy càng mến phục. Từ thời niên thiếu nhà nghèo, thầy rời làng quê Kiểng Phước, Gò Công lưu lạc khắp nơi vừa làm đủ mọi ngành nghề lao động chân tay vừa đi học. Đến tuổi trưởng thành, nhờ người quen giới thiệu vào làm thư ký ở trường học, sau đó xuất dương du học ở Pháp, đậu bằng Thạc sĩ Công Pháp. 

Bông và phu nhân cùng với sinh viên tốt nghiệp, 1968 (ảnh: tác giả gửi)

Sau gần mười lăm năm đèn sách, khi thành tài thầy nhất quyết trở về phục vụ đất nước, mặc dù có rất nhiều trường đại học mời thầy ở lại để giảng dạy hoặc làm việc tại Pháp, hơn nữa lúc bấy giờ tình hình chính trị tại miền Nam vô cùng rối loạn và cuộc chiến tranh Quốc – Cộng đang đến hồi quyết liệt.

Về nước được vài năm, thầy sáng lập Phong trào Quốc gia Cấp tiến. Phụng sự tổ quốc chưa đầy tám năm thì bị cộng sản ám sát chết trên đường về nhà. Lần đầu, Tháng Mười Một 1968, cộng sản đặt chất nổ tại văn phòng làm việc của thầy, nhưng may mắn thầy thoát nạn. Lần thứ hai, cũng vào Tháng Mười Một năm 1971, đặc công cộng sản quăng chất nổ cực mạnh dưới gầm xe của thầy, khi xe đang dừng lại chờ đèn xanh ở ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản và thầy đã tử nạn. 

Anh Bông mất đi không phải vì là một người con chí hiếu, cũng không phải vì là một người chồng, người cha gương mẫu, lại càng không phải vì là Giáo sư Viện trưởng Học viện Quốc Gia Hành Chánh… mà Giáo sư Bông mất… vì là Chủ tịch Phong trào Quốc gia Cấp tiến. Sinh thời Giáo sư Bông đã hoạt động chung với các chiến hữu của mình. Nay mất đi xin được quàn tại trụ sở của Phong trào…”

GS. Huy, người chiến hữu thân cận của GS Bông đã cố gắng thuyết phục mọi người trong gia đình cũng như quí vị giáo sư, sinh viên và các chiến hữu thuộc Phong trào có mặt tại Bệnh viện Đô thành Sài Gòn ngay hôm chiều ngày tử nạn khi di hài của thầy còn nằm tại đây.

Tối hôm đó, Ban đại diện Sinh viên QGHC lập tức tổ chức ngay “Đêm Không Ngủ” tại khuôn viên của trường cùng với sự tham dự ngoài sinh viên Học viện còn có đông đảo sinh viên các phân khoa khác thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Một tấm băng rôn lớn màu đen với hàng chữ “Tinh Thần Bất Khuất Nguyễn Văn Bông Sống Mãi” được căng trên cao che lấp hàng chữ nổi bằng đồng đúc Học viện Quốc gia Hành chánh.

Đến nửa đêm khi nghe sinh viên có tổ chức đêm không ngủ, bà Nguyễn Văn Bông đã đến ngay tại sân cỏ Học viện xúc động tặng bức tranh sơn mài vẽ chân dung của thầy để ban đại diện trang trọng đặt trên bàn thờ giữa sảnh đường ngay tòa nhà chính. 

Sau đó, tang lễ đã được cử hành trọng thể tại trụ sở Phong trào Quốc Gia Cấp Tiến (QGCT) số 242 ter đường Phan Đình Phùng, Sài Gòn.

Đám tang thầy có rất nhiều người tham dự gồm đủ mọi thành phần trong xã hội. Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ký Sắc lệnh truy tặng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương cho GS. Bông và sau đó trong lễ viếng tang, đích thân TT. Thiệu đã gắn huân chương trên chiếc gối nhỏ màu đỏ đặt trên bàn thờ trước di ảnh của GS. Bông trong tiếng kèn hiệu với đầy đủ lễ nghi quân cách.

Suốt trong ba ngày linh cữu quàn tại trụ sở Phong trào QGCT, lần lượt Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và các Tổng Bộ trưởng cũng như các Nghị sĩ và Dân biểu Quốc hội đã đến viếng tang. Đến hôm lễ động quan, Phó Tổng thống Trần Văn Hương đã đến tiễn đưa lần cuối. Hình ảnh cụ Hương mang kiếng đen, cầm gậy đứng lặng thinh trước cửa trụ sở Phong trào QGCT dõi theo linh cữu đang được chuyển từ từ ra xe tang khiến cho mọi người xúc động đến rơi lệ.

Bắt đầu di quan, các sinh viên QGHC sắp hàng tư mang vòng hoa phúng điếu theo sau xe tang và tiếp đến là đoàn người đi đưa, ngược đường Phan Đình Phùng về hướng Chợ Lớn rồi quẹo phải trên đường Cao Thắng sau đó dừng lại năm phút ở ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản, nơi thầy tử nạn. Tôi còn nhớ khi đoàn xe tang đã di chuyển trên đường Phan Thanh Giản rồi mà đoàn người đưa tiễn vẫn còn dậm chân ở tại trụ sở Phong trào. Di hài thầy được an táng tại Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, Sài Gòn. 

Từ sau đó, Học viện QGHC lấy tên thầy đặt tên cho giảng đường tầng trên của Thư viện là Đại giảng đường Nguyễn Văn Bông và hơn hai năm sau, một bức tượng bán thân của thầy đã được trang trọng khánh thành đặt trong khuôn viên Đài tưởng niệm, trước cổng Thư viện Học viện QGHC dưới sự chứng kiến của gia đình, trong đó có cụ Diệu Trung. 

Vụ ám sát GS Nguyễn văn Bông năm 1971

Sau khi về nước, GS. Bông được chính phủ cấp nhà công xá là một ngôi biệt thự nhỏ nằm trên đường Phan Thanh Giản, đối diện ngay trước cổng trường Nữ Trung học Gia Long để toàn bộ gia đình sinh sống tại Sài Gòn. May mắn lớn nhất của GS. Bông là được phụng dưỡng mẹ già trong suốt thời gian tám năm ngắn ngủi nhưng đã để lại tiếng thơm muôn đời là một người con chí hiếu. 

Đến ngày 30 Tháng Tư năm 1975 khi bộ đội cộng sản chiếm được Sài Gòn, họ đã đập phá các tượng đài trong thành phố trong đó có tượng GS. Bông trong khuôn viên Học viện QGHC. Bà quả phụ Nguyễn Văn Bông cùng các con đã di tản qua Mỹ trước ngày đó và rồi lần lượt các thân nhân của GS. Bông cũng sang định cư tại Mỹ trong đó có cụ Diệu Trung, nay đã trở thành Phật tử tu tại gia kể từ ngày GS. Bông mất.

Ba mươi bốn năm sau, trong dịp Đại hội Cựu Sinh viên QGHC toàn thế giới năm 1999 tại Virginia, Hoa Kỳ, Tổng Hội Cựu SV/QGHC đã khánh thành tượng bán thân GS. Bông (bằng thạch cao) vào đêm tiệc liên hoan ngày 5 Tháng Bảy năm 1999. Kể từ đó dấy lên phong trào đòi đúc lại tượng thầy của hầu hết các tổ chức CSV/QGHC tại hải ngoại, cho nên Ban Chấp hành Tổng hội QGHC đã mở một cuộc quyên góp lập quỹ đúc lại tượng hthầy bằng đồng đen.

Gần một năm sau, ngày 15 Tháng Tư năm 2000, anh Nguyễn Văn Tiết ở Canada đã thay mặt Tổng hội tiếp nhận tượng do điêu khắc gia Phạm Thế Trung thực hiện. Tượng thầy để ở nhà anh Tiết một thời gian khá lâu sau đó mới được chuyển thẳng về Nam California cho Tân ban chấp hành của Tổng hội QGHC. 

Vấn đề khó khăn nhất trong chủ trương đúc lại tượng thầy là không biết an vị tại đâu. Rất may mắn khi cụ Diệu Trung còn sống và có duyên tu hành nên thỉnh thoảng có đi chùa, lại được biết một môn sinh của thầy có trụ sở tu hành tại Nam California nên cụ ngỏ ý muốn đặt tượng thầy ở đây.

Lễ an vị được tổ chức trọng thể vào ngày 5 Tháng Năm 2002 tại Tổng hội Cư sĩ, Nam California do anh Huỳnh Tấn Lê điều hành dưới sự chứng kiến của cụ Diệu Trung cùng với gia đình và sự tham dự đông đảo của các cựu sinh viên QGHC trong vùng Little Saigon.

Chân dung GS Nguyễn văn Bông 1967

Hơn mười năm, sau khi an vị tượng thầy Bông ở Tổng hội Cư sĩ, Nam California, cụ Diệu Trung không còn nghe và thấy được nhiều, thỉnh thoảng có người đến thăm chỉ nhờ người con gái tiếp chuyện. Hôm chúng tôi đến trò chuyện với cô Nguyệt ngay bên giường, tôi thấy tuy cụ nằm bất động, mắt nhắm nghiền, nhưng tay vẫn luôn luôn lần chuỗi.

Sau khi chị Diễm đại diện anh chị em nói lời chúc cụ chóng ổn định sức khỏe và trao cho cô Nguyệt một gói quà gồm mấy bao bột dinh dưỡng dành cho người cao niên, chúng tôi lần lượt đến bên cụ nhìn mặt và chào lần cuối trước khi ra về.

Riêng BS. Ẩn chồng chị Kim Quy còn nán lại đề nghị với gia đình nên sớm quyết định để bệnh viện dùng phương pháp phẫu thuật đưa thực phẩm trực tiếp vào dạ dày giống như các bệnh nhân đã mất chức năng ăn uống, chứ như hiện nay thì xem ra cụ đang mất nước và thiếu dinh dưỡng trầm trọng.

Nhưng theo tôi được biết do cô Nguyệt nói riêng, gia đình đã từ chối và sẽ săn sóc mọi việc cho cụ như trước đây, mặc dù cách nay hơn một tháng, BS cũng đã đề nghị như vậy khi phát hiện cụ bị viêm phổi nặng và chuyển vào cấp cứu ở bệnh viện, mọi người đều lo lắng với tuổi cao, sức yếu rất khó qua khỏi, thế mà cụ đã dần dần tỉnh lại và sau đó được xuất viện về nhà.

Trên đường về, tôi bỗng nhớ đến ngày Lễ an vị di cốt GS. Bông vào lúc 12 giờ trưa ngày 9 Tháng Bảy 2005 tại Nghĩa trang Memorial Park, Falls Church, Virginia, Hoa Kỳ có đông đảo cựu sinh viên QGHC tham dự và hôm ấy cũng có nhiều ý kiến về nơi an vị tượng thầy sao cho thật uy nghi, trang trọng, trong số đó có một anh bạn còn hy vọng đi xa hơn… là có khi sẽ xây dựng lại tượng thầy và đặt trong khuôn viên Học viện QGHC như trước kia. Sao lại không?

Nhưng chắc chắn lần nầy sẽ không có cụ Diệu Trung. Tất cả chỉ còn trong tâm tưởng vì ngày về “quang phục” quê hương vẫn hãy còn xa. Đành thôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: