Vé vào đời: Chọn học nghề hơn là đại học

Minh họa: pexels-andrea-piacquadio

Ngày càng có nhiều sinh viên rời bỏ trường đại học để học nghề, không chỉ các ngành chân tay mà còn cả các ngành “đầu óc”. Thực tế cho thấy, một số chương trình đào tạo nghề dành cho giới văn phòng có đầu vào khó, đặc biệt khi chúng liên quan đến các trường đại học thuộc nhóm “thượng lưu” Ivy League.

Wall Street Journal thuật vài trường hợp. Mùa Xuân năm ngoái, Dina Sosa Cruz cùng cha mẹ và chị gái cân nhắc hai lựa chọn: Vào Đại học University of the District of Columbia hay học nghề trong ngành bảo hiểm. Chọn vế trước có nghĩa là sau bốn năm, Cruz, hiện 22 tuổi, sẽ có bằng đại học kèm theo một khoản nợ nhỏ và không có kinh nghiệm làm việc. Còn chọn học nghề (vừa học vừa làm) sẽ có mảnh bằng hai năm, có một khoản tiền trong ngân hàng và nhất là được sống với nghề cô yêu thích. Cuối cùng, gia đình Cruz thống nhất chọn nghề. Người mẹ nói: “Học nghề con sẽ không phải lo lắng về tài chính”.

Quyết định của Cruz không còn là cá biệt mà đang lan ra khắp nước Mỹ, khi các học sinh trung học tính toán lại các lựa chọn tương lai sau khi đại dịch thúc đẩy những học kỳ nghỉ nhiều hơn học và học từ xa. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi mô hình “college-for-all” (đại học cho tất cả) đã tồn tại nửa thế kỷ ở Mỹ sang các chương trình học nghề.

Ngày nay, tại Mỹ, các trường cao đẳng và đại học tuyển sinh khoảng 15 triệu sinh viên và cho ra trường nhiều triệu người có bằng đại học mỗi năm, trong khi các công ty tuyển dụng cần khoảng 800,000 người có tay nghề rõ ràng. Trong thập niên qua, số tuyển sinh đại học đã giảm khoảng 15%, trong khi số người học việc đã tăng hơn 50% (theo số liệu của liên bang và của Robert Lerman, nhà kinh tế học lao động tại Viện đô thị kiêm đồng sáng lập tổ chức Apprenticeships for America).

Các chương trình đào tạo nghề đang tăng cả về số lượng lẫn sự đa dạng. Tiến sĩ Lerman cho biết: “Khoảng 40% người học nghề không thuộc lĩnh vực xây dựng truyền thống. Các chương trình nghề đang mở rộng sang các ngành văn phòng như ngân hàng, an ninh mạng và tư vấn tại các công ty, gồm cả McDonald’s Corp., Accenture PLC và JPMorgan Chase & Co. Chương trình học việc của Aon mà Dina Cruz đăng ký đã thu hút 1,100 ứng viên cho 90 suất tuyển vào năm ngoái”.

Học nghề có nhiều hình thức nhưng nhìn chung học sinh được ghép nối với một khóa học tập trung vào một nghề nghiệp cụ thể và trải nghiệm làm việc thực tế dưới sự giám sát của người hướng dẫn. Thông thường, người sử dụng lao động trả chi phí học việc và tiền lương. Một số chương trình ở những trường đại học thuộc Ivy League có sức thu hút cao, với tỷ lệ nhập học cạnh tranh.

Minh họa: pexels-andrea-piacquadio

Khoảng cách đầu vào giữa các sinh viên lên đại học và số sinh viên chọn học nghề đang thu hẹp lại khi nhiều nhà tuyển dụng chật vật tìm người lao động trong thị trường việc làm khan hiếm nhất trong nửa thế kỷ qua. Nhiều sinh viên nêu lý do không muốn đăng ký vào đại học vì sợ mắc nợ và nhận được mảnh bằng không mang lại cho các em một công việc tốt trong thị trường lao động thay đổi nhanh.

Một số nhà tuyển dụng cho biết có sự “lệch pha” giữa các kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần và những môn sinh viên được học tại các trường cao đẳng và đại học. Để giải quyết sự lệch pha, nhiều công ty đã bỏ yêu cầu về bằng cấp đối với một số công việc. Các tiểu bang cũng xây dựng lại lộ trình giáo dục nghề nghiệp bị xem nhẹ trong hai thế hệ trước khi quốc gia thúc đẩy vào đại học cho tất cả học sinh. Các công ty như Google của Alphabet Inc, Delta Air Lines Inc và International Business Machines Corp phản ứng trước sự thay đổi bằng cách bỏ yêu cầu bằng đại học đối với một số vị trí và chuyển hướng tuyển dụng nhiều hơn vào kỹ năng và kinh nghiệm.

Tiểu bang Pennsylvania đã bỏ bớt yêu cầu về bằng đại học đối với một số công việc của tiểu bang còn Maryland đặt mục tiêu trên toàn tiểu bang sẽ có 45% học sinh tốt nghiệp trung học vào trường nghề trong năm 2031.

“Hiện chỉ có khoảng một phần ba học sinh tốt nghiệp trung học Maryland lấy được bằng cao đẳng cộng đồng hoặc bằng đại học bốn năm ở tuổi 25 – Thượng nghị sĩ tiểu bang James Rosapepe, người ủng hộ các chương trình học nghề lưu ý – Đây là bằng chứng cho thấy mô hình đại học cho tất cả không thành công. Việc học không đi đôi với nhu cầu của quốc gia là một vấn đề của thông tin. Rất ít thông tin được chia sẻ về tất cả các ngành nghề. Hệ quả là chỉ có một phần ba học sinh tốt nghiệp có tấm vé vào đời và hai phần ba còn lại lang thang không mục đích! Thực tế đó là không công bằng và rõ ràng là không hiệu quả về mặt kinh tế”.

Công ty bảo hiểm Zurich North America cho biết đã tuyển 92 nhân viên học nghề vào năm ngoái trong hơn 800 ứng viên, nhiều em đã tốt nghiệp trung học và đang học tại các trường cao đẳng cộng đồng. Al Crook, người đứng đầu chương trình học nghề của công ty, nhận xét: “Các học viên làm việc tại các văn phòng trên khắp đất nước, ở các bộ phận khác nhau như bảo lãnh phát hành, khiếu nại, kiểm toán, báo cáo thống kê, công nghệ thông tin, an ninh mạng và tái bảo hiểm”.

EJ Crespo, 20 tuổi, hiện làm việc trong bộ phận kiểm toán thanh toán tại văn phòng của Zurich ở Schaumburg, ngoại ô Chicago thuộc tiểu bang Illinois kể câu chuyện của mình: “Tôi phải tự điều chỉnh để có thể làm việc trong một văn phòng với những người đồng nghiệp mới. Nay tôi đã thành thạo về phân tích dữ liệu và Excel so với lúc mới vào”. Hiện Crespo kiếm được khoảng $40,000 một năm. Anh học tại một trường cao đẳng cộng đồng và làm việc 24 giờ một tuần trong học kỳ và toàn thời gian vào mùa Hè. “Tôi thực sự không biết gì khi mới đến đây. Họ đã dạy tôi tất cả những kỹ năng này” – anh nói.

Minh họa: pexels-george-pak

Chương trình học việc Aon PLC mà Dina Sosa Cruz đăng ký bắt đầu vào năm 2016 với 40% số người nộp đơn được tuyển. Năm ngoái, có đến 1,100 ứng viên ứng tuyển cho 90 vị trí. Năm nay, số lượng ứng viên tăng lên 1,500 cho 100 vị trí. Tỷ lệ trúng tuyển chỉ 7% làm cho chương trình khó ở đầu vào không thua gì Đại học Cornell và Đại học Dartmouth.

Bridget Gainer, phát ngôn viên công ty dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu Aon có trụ sở tại thành phố Chicago, nhận xét: “Có đông đảo ứng viên đến đây là nhờ truyền miệng. Những người học việc đầu tiên đã tốt nghiệp được bốn năm và đang kiếm được nhiều hơn từ 15% đến 25% thu nhập so với khi mới bắt đầu. Họ cũng khó mất việc hơn”.

Nhưng nghiên cứu từ các quốc gia khác cho thấy thành công của chương trình học nghề có thể mai một theo thời gian. Eric A. Hanushek, nhà kinh tế học của Đại học Stanford, cảnh báo:

“Những kỹ năng học được trong học nghề có thể không giúp ích nhiều cho công việc lâu dài khi nghề trở thành lạc hậu. Học nghề sẽ có kỹ năng cụ thể hơn so với học đại học nên dễ sớm có việc làm hơn, nhưng dần dần các kỹ năng của họ sẽ không còn cần thiết nữa.

Vì vậy, khi đến tuổi 45, 50 hoặc 55, những người học một nghề ít có khả năng tiếp tục sống với nghề vì kỹ năng của họ ít có giá trị hơn trước. Ngược lại, bằng đại học cung cấp cho chúng ta một nền giáo dục tổng quát, rộng hơn nên dễ thích nghi hơn và tiếp thu dễ hơn các kỹ năng mới sau này khi nền kinh tế thay đổi”.

Việc tuyển học viên nghề thường gồm ba đến bốn bước. Các ứng viên thường làm các bài kiểm tra để đo lường khả năng chú ý đến chi tiết, kỹ năng viết và toán cũng như khả năng làm việc theo nhóm. Tại Indiana, tỷ lệ vào đại học của nam sinh tốt nghiệp trung học đã giảm chỉ còn 53% vào năm 2020 từ 65% của năm 2015 (theo Ủy ban Giáo dục Đại học Indiana).

Modern Apprenticeship, một tập đoàn gồm các doanh nghiệp ở Indiana, đã giúp triển khai một chương trình thu hút học sinh trung học đăng ký học nghề hai hoặc ba năm. Addison McKown, phát ngôn viên của Modern Apprenticeship và là sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Butler nhận xét: “Có rất nhiều bạn trẻ ở các trường đại học mà quan sát cho thấy sự hiện diện của họ ở đó không phải là sự đầu tư đúng. Cho nên, hãy cho họ một sự chọn lựa khác”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: