Một giai thoại với nhà thơ Bùi Giáng

Nhân kỷ niệm ngày giỗ của ông (7 Tháng Mười)
Đại thi sĩ Bùi Giáng

Cả thời thơ ấu tôi sống ở Ngã Năm Bình Hòa thuộc tỉnh Gia Định. Lớn hơn tí xíu thì về nhà nội ở Ngã Ba Cây Thị nên rất gần gũi với những ngôi chùa, trong đó có Chùa Bảo An, Sắc Tứ Tập Phước Tự (chùa được vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh ban sắc tứ năm 1802 nhằm trả ơn che chở cho ẩn trú khi trên đường trốn chạy quân Tây Sơn). Xa hơn chút, hướng về Gò Vấp thì có Tịnh Xá Ngọc Phương, Chùa Già Lam. Bên đường Nguyễn Văn Đậu (Ngô Tùng Châu cũ,) đoạn đi chợ Cây Quéo thì có Chùa Pháp Vân vì vậy toàn bộ khu vực Ngã Tư Xóm Gà, Ngã Ba Cây Trường… tôi thuộc như lòng bàn tay mình.

Sau năm 1975, mọi người cùng lao đao, khổ sở nên phong trào vượt biển lên đến đỉnh điểm. Tôi được ra tù sau một lần vượt biên thất bại và bị bắt vào năm 1983. Để tránh đôi mắt cú vọ luôn soi mói, dò xét, rình mò theo dõi người dân của công an khu vực nên mỗi lúc đi ra ngoài tôi thường chọn đi trong các con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, dẫn ra đường Nguyễn Văn Đậu hay Lê Quang Định nhằm tránh trụ sở công an phường nằm trước ngõ trên đường Nguyên Hồng.

Nhà tôi có hai chiếc xe đạp nhôm mà thời đó rất là quý hiếm và cũng là cả một gia tài nho nhỏ bởi đã có lắm người khá giả lăm le hỏi mua nhiều lần nhưng ba tôi nhất quyết không bán. Một chiếc đòn dông dành cho đàn ông và một chiếc xe đầm dành cho phụ nữ. Trưa một hôm, tôi đạp chiếc xe đòn dông ra Sài Gòn chơi nhưng khi vừa quẹo ra khỏi con đường nhỏ tới hẻm lớn hơn tôi đã phải thắng gấp lại vì giữa đường có một ông già ăn mày nằm chắn ngang khiến tôi không chạy được.

Sau vài lần gọi ông dậy không xong, tôi đến gần thì thấy ông đang ngon giấc ngáy o o. Nhìn kỹ, hóa ra là ông già ăn mày mà mới chiều hôm qua tôi thấy ông đội cái quần lót trắng trên đầu, áo vá chùm vá đụp đủ màu, vai vác cái bị, tay cầm nhánh cây múa lung tung, miệng thì nói huyên thuyên ở trước chợ Ngã Năm Bình Hòa đây mà.

Ngẫm nghĩ giây lát, tôi đành đưa vai qua sườn ngang của chiếc xe đạp, vác nó lên vai rồi rón rén bước nhẹ qua người lão ăn mày. Tôi leo lên xe, nhón chân đạp chưa được bao xa sau khi qua tới bên kia ông, thì lão ăn mày bỗng ngồi bật dậy vỗ tay đen đét, nhìn tôi cười toe toét, miệng la lớn:

-Thấy chưa, xe chở người thì có khi người cũng phải cõng lại xe thôi. Hôm nay anh đừng tưởng anh có quyền là anh ngon nha. Kiến ăn cá thì cũng có ngày cá ăn kiến thôi. Đời mà, c’est la vie!

Tôi dừng lại chưng hửng nhìn ông một đỗi trước khi đạp xe đi. Tuy lòng có bực bội nhưng cũng vô cùng ngạc nhiên trước sự hài hước mà sâu sắc này. Chiều hôm ấy trong lúc tôi đang ăn cơm thì cô họ của tôi nhà ở kế bên sang chơi. Khi nghe tôi kể lại chuyện gặp ông già ăn mày hồi trưa thì cô tôi cười và ngắt ngang:

-Ủa, con không biết ông này hả? Ổng là nhà thơ Bùi Giáng, thầy cô đó. Hồi xưa cô học triết với ổng. Tội nghiệp, bây giờ ông “khùng” dữ lắm!

Nói xong, cô chép miệng thở dài cho một kiếp người bất hạnh trước sự kinh ngạc tột độ của tôi. Bởi cô tôi là luật sư trước năm 1975 thì cũng có thể gọi là dân trí thức mà giờ cô bảo ông già ăn mày kia là thầy thì ắt hẳn ông phải giỏi lắm. Tôi lẩm bẩm bảo bụng “hèn nào mà ông biết tiếng Tây!”

Từ đó tôi bắt đầu tìm sách vở, tài liệu đọc để biết về ông. Càng hiểu về ông tôi càng thắc mắc cho số phận kỳ lạ của ông nhưng cũng kính trọng bậc thức giả hơn những khi gặp mặt. Năm tháng trôi qua, ông mất đã lâu và tất cả đã trở thành quá khứ. Tuy nhiên bài học dí dỏm năm xưa của ông dù chỉ vay mượn lại của tiền nhân nhưng xem ra vẫn đúng với thế thái buồn vui nhân tình ấm lạnh bây giờ.

Hôm nay trong cái không khí lành lạnh của gió thu, hồn buồn phơn phớt, lòng nghĩ ngợi, tản mạn miên man, tôi xin ghi lại một giai thoại nhỏ tôi có với ông như nén nhang lòng kính dâng bậc dị nhân nhưng vô cùng xuất chúng trong việc “xuất khẩu thành thơ” của nền văn học thơ ca cận đại nước nhà nhân ngày giỗ ông.

Ohio, Lạp thu 2023

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: