Nhớ đường Chi Lăng, Phú Nhuận

CON ĐƯỜNG XƯA TA ĐI
Đường Chi Lăng, với hàng cây sao, đoạn gần tới đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Nguyễn Văn Đậu) của xã Bình Hòa (manhhai flickr)

Sống ở Phú Nhuận lâu năm, dù đã quen thuộc với tên đường Phan Đăng Lưu, tôi vẫn tiếc cái tên Chi Lăng là tên đường cũ hồi tôi còn nhỏ. Chi Lăng, cái tên nhắc lại hiểm địa Lạng Sơn,  nơi Lê Hoàn (Lê Đại Hành) phá quân Tống và nơi anh hùng Lê Lợi giết tướng Liễu Thăng của Nhà Minh vào thế kỷ 15, cái tên đánh dấu một vùng đất oai hùng của dân tộc. 

Con đường đó mang nhiều kỷ niệm, với những lần đi qua đoạn cua cong cong để thấy những cây gòn cao trong nắng sớm và những đêm Tết Nguyên đán đi từ Phú Nhuận lên Bà Chiểu viếng lăng Ông. Nhắc đến con đường này, chị Kim Dung, nhà ở cư xá Thủ Hiến trên đường Thái Lập Thành (nay là Phan Xích Long) viết thư cho tôi: 

“Đó là đường đi học của mấy chị em những năm 1960. Buổi sáng có xe thổ mộ chở đầy hoa và rau cải xuống khu vực chợ Bà Chiểu. Anh em trong nhà có việc đi làm hoặc đi chợ trên đường này vẫn đi bằng xe ngựa. Có khi ông anh chở chị bằng xe đạp đi học thêm buổi tối, đi ngang qua khu nghĩa địa Đất Thánh Tây với ánh đèn đường vàng vọt, gió thổi lạnh gây cảm giác sờ sợ. Lúc đó có xe buýt màu vàng lưu thông. Đường sá chỉ mở rộng khi quân đội Mỹ sang, không còn xe buýt và thay thế bằng xe lam, taxi. 

Gần trường Ngoại ngữ Dương Minh ngày nay, trước năm 1975 có phòng trà Lệ Liễu. Các ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn cũng đến đây hát. Ngân hàng Đông Á bây giờ trước kia là siêu thị Chi Lăng, một nhánh của siêu thị Nguyễn Du tại Sài Gòn lớn nhất miền Nam. Qua khỏi góc Thái Lập Thành có một tòa nhà của quân đội Mỹ, đi thẳng tới khoảng trăm mét là Cục Mãi Dịch thuộc Bộ Quốc phòng quân đội VNCH, bây giờ là văn phòng Big C và cửa hàng SatraFood”. 

Chị Dung kể, những năm 1980, ngoài lề đường thành phố có nhiều chỗ mua bán đồ cũ tấp nập. Có lần đi ngang qua đường Phan Đăng Lưu, chị thấy tại khu nhà cất theo kiểu Pháp góc đường Thích Quảng Đức ngày nay có bày bán chai lọ thủy tinh rất đẹp, có cả những lon guigoz sữa hộp bằng thiếc rất tiện dụng. Quần áo cũ bán xôn lúc đó không nhiều như ngày nay và giá cả cũng cao, lúc đó vô cùng quý. Nhìn món gì cũng thèm nhưng không có tiền mua vì phải lo bữa ăn hàng ngày.

Đường Phan Đăng Lưu, chỉ riêng đoạn Phú Nhuận từ ranh giới quận ở phường 7 đến ngã tư Phú Nhuận chỉ dài 1,340 mét, đi ngang qua các phường 5, 3, 7, 2 và 1. Tài liệu xưa cho biết thời thuộc Pháp cuối thế kỷ 19, đường này mang tên Tỉnh lộ số 1 kép – 1bis (cuối thế kỷ 19), băng ngang khu Vườn Nhãn (phường 7) nay đã mất dấu vết. Đến thập niên 1930-1940, đường mang tên Đường Liên Tỉnh 22 nằm trong “Vòng Hạt lớn” (còn gọi là Vòng Gia Định), từ chợ Thị Nghè đi vào Chợ Lớn. Con đường Liên Tỉnh này rất dài, nằm gọn trong tỉnh Gia Định, chia thành năm đoạn mang tên khác nhau và đường Phan Đăng Lưu là một trong số bốn đoạn của Đường Liên Tỉnh thuộc Gia Định. 

Đường Chi Lăng ở đoạn đầu ngã tư Phú Nhuận (manhhai flickr)

Ông già bà cả hồi đó gọi đoạn đường băng ngang Phú Nhuận là “Đường Hàng Sao” vì hai bên đường có hàng cây sao cao vút, trong khi phía Bà Chiểu có hàng cây thị và hàng cây keo già nên mới có tên cho Xóm Hàng Keo, Bót Hàng Keo v.v… Có người kể rằng trong xóm Hàng Keo (phường 7), nằm giữa trường Mỹ Thuật Gia Định và trường Đạt Đức (nay là trường trung học cơ sở Châu Văn Liêm), có một con rạch nhỏ quanh co vòng ra Cầu Bông, nay đã cạn, sau để lại vài cái bàu khá rộng. Tương truyền vào thời quân Nguyễn Ánh vào Gia Định, đây là nơi tắm hàng ngày cho các đàn voi. 

Trước năm 1975, vài anh thanh niên xóm tôi mơ mộng chuyện du học kể nhau nghe trên đường Chi Lăng, số nhà 243 có văn phòng của Sài Gòn Lữ Hành chuyên lo giấy phép xuất ngoại và lưu trú. Họ còn tổ chức du lịch tập thể trong và nước ngoài, bán vé máy bay, thủ tục xuất ngoại cho du học sinh. Đó là chuyện khá viễn vông với cái xóm nghèo phía sau nhà thờ Nam nầy, dù cũng có một hai anh lên đường sang châu Âu học giữa thập niên 1960 theo học bổng Colombo. 

Trong hồi ký, nhà văn Nguyễn Thụy Long kể phía đầu đường Nguyễn Huệ – Chi Lăng, có các nhà văn từng thuê nhà ở đó là Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Viên Linh… Căn nhà trọ của Nguyễn Thụy Long cũng gần đó. Ông làm việc ở phi trường Tân Sơn Nhất, bạn bè đeo đuổi nghề báo nghề văn nhưng cũng bữa đói bữa no, phải kiêm luôn nghề kèm trẻ tư gia để kiếm ăn.

Có lần, buổi chiều trời sẩm tối ông đi dạo dưới hàng cây sao bên lề đường Chi Lăng, bỗng gặp nhà văn Viên Linh đi lang thang một mình. Ông hỏi: “Sao cậu không ở nhà?”, Viên Linh than nhà bé bằng cái lỗ mũi, lại đông đảo bạn bè quá nên rủ ra quán cà phê Bằng. Quán này ở khu nhà mười căn bên cạnh cư xá Chu Mạnh Trinh, đầu ngã tư Phú Nhuận. Khu cư xá đó là nơi cư ngụ của nhiều văn nghệ sĩ thành danh. Cà phê Bằng có căn nhà dưới và trên lầu. Buổi tối hôm đó, Viên Linh vừa uống cà phê vừa đọc thơ: 

Sáng ở đầu sông nhớ núi.

Đêm về trong núi nhớ sông

Có tin về hôm giáp Tết

Sống bây giờ long đong

Nhờ Nguyễn Thụy Long sống ở đó, nên mới có những đoạn văn hay ông viết: 

“Con đường Chi Lăng ở tỉnh Gia Định xưa ngắn ngủi, có thể coi bắt đầu từ tòa tỉnh trưởng Gia Định chạy dài đến ngã tư Phú Nhuận là dứt. Con đường giữa dành cho xe hơi, hai bên có đường phụ dành cho xe đạp. Trên hai con đường phụ đó trồng cột điện và hàng cây sao rợp bóng mát… Ấp Đông Ba, Đông Nhì là những xóm ngoại thành, cây cối la đà. Những căn nhà tranh vách đất, những ngôi chùa ẩn mình dưới rặng tre xanh. Những ngọn điện vào được những căn nhà trong xóm đó còn rất hiếm hoi. Đường đất như những lối mòn trong xóm làng. Cái ồn ào của phố thị chỉ huyên náo ngoài lộ chính”. 

Ngã tư Phú Nhuận – nhìn từ góc chụp ở đường Võ Tánh: quẹo trái là Chi Lăng, quẹo phải là Võ Di Nguy (manhhai flickr)

Sau này, ông quay lại và thấy nhà cửa san sát đã khác xưa, làm ông nhớ tiếng ễnh ương kêu ở một vũng nước nào đó bên vườn chùa trong đêm, nhớ lại căn nhà ở ấp Đông Ba sống nửa đời người, nơi quy tụ bạn bè, nơi làm nên những tác phẩm rồi theo nghề viết lách. Còn có những đoạn xúc động: 

“Tháng này là tháng xá tội vong nhân. Nhiều nhà sửa soạn cúng cô hồn, những quán cơm chay bên đường Nguyễn Văn Đậu (Ngô Tùng Châu cũ) bắt đầu đông khách. Những tay nghề bẫy chim đem bán làm chim phóng sinh ở cổng Lăng Ông-Bà Chiểu hoạt động mạnh. Khách thập phương giầu lòng nhân ái bỏ tiền ra mua bầy chim tội nghiệp ấy thả bay lên trời xanh để rồi chúng lại bị bắt trở lại ở mẻ lưới khác. Lại được bầy bán ở cổng lăng, cổng chùa. Người ta vê mãi mà vẫn không tròn quả phúc. Nếu có người nào đó đánh dấu vào chân những con chim chim mình phóng sinh sẽ thấy rằng chúng trở lại lồng của người bán chim để được bán nữa. Vẫn có người mua để phóng sinh cầu phước, tỏ với Trời Phật lòng nhân đức của loài người”. 

Mùa mưa lại về trên đất Phú Nhuận. Mùa mưa khiến tôi nhớ người anh lớn đã mất mấy năm nay. Khoảng cuối thập niên 1980, anh làm hiệu trưởng trường Cao Bá Quát (hồi xưa là trường Chi Lăng 2) trên con đường này. Một buổi chiều mưa Tháng Sáu, tôi đến trường đón anh bằng chiếc xe Honda dame của anh mà tôi mượn trước đó.

Anh em tôi ghé cái quán đầu cư xá Chu Mạnh Trinh ăn món bò viên rất ngon, vừa ăn vừa nhắc lại chuyện hồi tôi còn nhỏ đi theo anh từ nhà lên Lăng Ông một đêm Giao thừa và tôi đòi về sớm vì không chịu nổi mùi khói nhang trong Lăng. Kỷ niệm chỉ có vậy, nhưng khi nhắc lại, tôi quá đỗi nhớ những năm tháng nay đã quá xa và con đường Chi Lăng cong cong, có mấy cây gòn ngay khúc cua có ngôi trường Chi Lăng 2 ngày xưa. 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: