Bánh mì Phượng, nỗi đau của Hội An

Ảnh: Bánh Mỳ Phượng – Hội An | Facebook

“Tính đến chiều 14 Tháng Chín, ngành y tế tỉnh Quảng Nam ghi nhận có ít nhất 141 người có triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng (số 2B Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Đây là con số ngoài dự đoán, cho thấy tầm quan trọng của vụ việc.”

Vài dòng ngắn ngủi nhưng bản tin có sức mạnh khiến những người quan tâm tới nền ẩm thực Việt Nam lo lắng, trước lo cho sự an toàn thực phẩm, sau lo cho những thương nghiệp gây dựng được chút tiếng tăm với thế giới nay đã trở thành một điểm “không nên đến”.

Thực vậy, Bánh mì Phượng là thương hiệu đặc sắc của Hội An. Đó là sản phẩm gây “thương nhớ” không những cho người địa phương mà từ lâu nó đã lan nhanh nhiều nước thế giới. Không những người Việt khắp nơi với khẩu vị cực kỳ chính xác khi ăn một ổ bánh mì đã khẳng định đây là tiệm bánh mì ngon nhất Việt Nam mà cái miệng tinh quái của vua ẩm thực Anthony Bourdain công khai giới thiệu ổ bánh mì Phượng trên đài CNN rằng nó là một bản hòa âm tuyệt vời thì thiết tưởng không còn gì để bàn cãi.

Từ năm ấy, 2007 cho tới nay, Hội An đón nhận không biết bao nhiêu khách ngoại quốc phải ghé mỗi lần tới Việt Nam chỉ để xếp hàng mua cho bằng được ổ bánh mì mà họ cho rằng không đâu ngon bằng. Con số người mua ngày một tăng dần, từ vài trăm ổ một ngày lên đến hơn 2,000 ổ là chuyện bình thường. Ổ bánh mì Phượng chưa khi nào bị mang tiếng là giảm chất lượng mặc dù vật giá ngày càng cao. Một cách nào đó người Hội An có quyền tự hào vì địa phương mình đã góp phần vào trong kho tàng văn hóa ẩm thực thế giới.

Ảnh: Bánh Mỳ Phượng – Hội An | Facebook

Rồi chuyện gì đến đã đến. Hơn 140 người trong đó 1/3 là du khách ngoại quốc bị ngộ độc sau khi ăn ổ bánh mà họ yêu thích. Tính đến nay chưa có ai chết, nhưng rõ ràng thương hiệu Bánh mì Phượng đang chết và người Hội An nhìn nó hấp hối mà không cách nào cứu vãn.

Ngộ độc thực phẩm không phải là chuyện lạ tại Việt Nam nhưng với tính cách của một cửa hiệu lên tầm thế giới người dân không tin rằng họ lơ là trong vấn đề chọn lựa nguyên liệu cũng như bảo quản cho phù hợp với yêu cầu của quy định an toàn thực phẩm. Cho tới nay sau bốn ngày sự việc xảy ra, chính quyền sở tại vẫn chưa tìm ra đầu mối dẫn đến tình trạng ngộ độc và dĩ nhiên cơ sở Bánh mì Phượng là nơi đầu tiên cần kiểm tra từ những khâu nhỏ nhất.

Kết quả vẫn chưa có nhưng câu chuyện chưa ngừng.

Vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay trên toàn quốc khó cho nhà nước đã đành mà đối với người dân hiểu biết nhất cũng không cách nào bảo vệ được chính mình và gia đình. Thuốc kích thích tăng trưởng đã và đang làm cho xã hội cuống cuồng và vẫn chưa kết thúc. Bên cạnh đó là việc sử dụng cám tăng trưởng trong chăn nuôi để lại biết bao di chứng cho sức khỏe người dùng vẫn giậm chân tại chỗ không cách gì kiểm soát vì hộ gia đình chăn nuôi vẫn tham lam muốn thành quả của mình đạt đến điểm cao nhất.

Những hóa chất cấm trong chế biến nông thủy sản và sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa thịt, cá ôi thối vẫn tiếp tục ẩn mình dưới những công ty hoành tráng chỉ khi nào có đơn vị thanh tra tới nơi mới chấm dứt rồi sau đó đâu vẫn hoàn đấy.

Quy trình chế biến đang là mối đe dọa toàn xã hội mà các căn bệnh ung thư ngày một lan rộng trở thành nhất nhì thế giới không phải là không có cơ sở. Môi trường sản xuất không đảm bảo vệ sinh, sử dụng nước thải sinh hoạt trong chế biến là trạng thái bình thường đến kinh ngạc. Nếu hình ảnh người dân vùng sông nước sinh hoạt hằng ngày bên chiếc cầu tõm đã thành bình thường trong mắt người Việt thì việc dùng nước ao tù chỉ qua sơ chế để sản xuất thực phẩm thì câu chuyện sẽ ra sao?

Ảnh: Bánh Mỳ Phượng – Hội An | Facebook

Người dân biết rõ nước thải chăn nuôi để tưới rau làm cho các hàm lượng kim loại nặng và các vi sinh vật gây bệnh trong rau, củ, quả cao hơn nhiều so với quy định, hoặc thực phẩm không được rõ nguồn gốc… là nguyên nhân chính ngộ độc thực phẩm nhưng làm sao kiểm tra hay chí ít không mua bán, tiêu thụ. Hồi gần đây người dân tin vào hệ thống siêu thị thu mua rau quả sạch nhưng nếu ở thôn quê thì sao?

Trước Bánh mì Phượng năm ngày, ngày 9 Tháng Chín, tại chợ phiên Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa, Điện Biên), 11 người phải nhập viện cấp cứu. Ông Điêu Chính Thanh – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cho biết, vụ việc liên quan đến chất lượng bún tại một quán ăn ở chợ phiên Tả Sìn Thàng: “Phát hiện có nhiều người bị ngộ độc từ bún lấy từ cơ sở sản xuất tại TP Điện Biên Phủ liên quan đến vụ ngộ độc khiến 15 người phải cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên”.

Bánh mì Phượng đóng cửa là vết thương ẩm thực của Việt Nam. Đến một ngày nào đó mọi thứ từ Phở tới Bún bò Huế, từ Cao lầu tới Mì Quảng… những món ăn danh tiếng làm nên bộ mặt ẩm thực của đất nước mà du khách ngoại quốc ăn vào bị ngộ độc thì thử hỏi còn có món ngon nào giới thiệu chúng ta đến với người nước ngoài? Nên nhớ, ẩm thực luôn đứng đầu tiên khi du khách ngoại quốc tới thăm một nơi nào đó trên thế giới. Khi Việt Nam mang tiếng là thường xảy ra ngộ độc thực phẩm thì ai là người dám liều mạng tới thăm một đất nước mà khi bụng đói không dám ăn bất cứ một thứ gì?

Bánh mì Phượng trước mắt đang là nạn nhân của cái xã hội mà nó không thể nào không hòa đồng vào. Hòa đồng nhưng bị lệ thuộc mà không có cách nào kiểm soát được mọi thứ nguyên liệu cần phải mua về để làm chiếc bánh mì quen thuộc. Ngay cả nơi cung cấp thịt, rau, củ quả cho Bánh mì Phượng cũng bó tay khi chính bản thân những doanh nghiệp nhỏ ấy chỉ là nạn nhân của một chuỗi dây chuyền cung cấp thực phẩm khắp nước.

Vai trò của nhà nước thật mờ nhạt vì không thể kiểm soát một cách hiệu quả từ khâu đầu tiên, chỉ khi nào sự cố xảy ra mới chạy đến điều tra thì khác nào bệnh viện chỉ trang bị duy nhất một nơi được gọi là nhà xác?

Người dân Hội An rồi đây sẽ thương nhớ Bánh mì Phượng. Người dân Việt sẽ còn thương nhớ nhiều thứ khác nếu tình trạng an toàn thực phẩm vẫn thả nổi như hiện nay.

___________

Hội An: Số người ngộ độc vì bánh mì Phượng lên đến con số 141

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: