Bí quyết duy trì nhận thức của các superager

Hình minh hoạ: pexels-tristan-le

Những người “siêu già” (SuperAger) nhưng trí óc còn minh mẫn đã giúp chúng ta hiểu hơn về tương quan giữa tuổi tác và sức khỏe. 

Ba quỹ đạo của lão hoá

Lão hóa thường đi kèm với suy giảm nhận thức, nhưng các “SuperAger” đang cho chúng ta thấy “những điều tốt đẹp khó tin” trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời họ. 

Washington Post thuật, bà Emily Rogalski (nhà thần kinh học nhận thức tại trường y Feinberg thuộc Northwestern University và là Phó giám đốc trung tâm Mesulam Center for Cognitive Neurology and Alzheimer’s Disease) nói: “Các SuperAger giống như ‘Betty Whites’ của thế giới, họ đang cho chúng ta thấy, với lối sống lành mạnh, kết nối xã hội và khả năng phục hồi, chúng ta có thể giảm nguy cơ suy giảm nhận thức ở tuổi già”. 

Rogalski là thành viên của nhóm nghiên cứu đặt ra thuật ngữ “SuperAgers” cách nay 15 năm để chỉ những người trên 80 tuổi có trí nhớ tốt như những người trẻ 20, 30 tuổi, thậm chí có lúc tốt hơn! 

Những gì các nhà nghiên cứu học được từ các SuperAger và cách phòng ngừa chứng mất trí nhớ có thể mở cánh cửa để họ khám phá các yếu tố bảo vệ mới trong lối sống, di truyền và khả năng phục hồi đối với những thay đổi phổ biến do lão hóa. Rogalski nói: “Thật phấn khích khi biết rằng có những quỹ đạo tích cực của quá trình lão hóa để người gia có thể vừa sống lâu vừa sống có chất lượng”. Nhưng quỹ đạo lão hóa tích cực có diện mạo thế nào? 

Rogalski cho biết có ba quỹ đạo chính liên quan đến tác động của lão hóa đối với nhận thức: Thứ nhất, quỹ đạo bệnh lý; thứ hai, quỹ đạo bình thường và thứ ba, quỹ đạo SuperAgers. Trong quỹ đạo bệnh lý, nhận thức suy giảm nhanh khi tuổi cao dần, như trường hợp sa sút trí tuệ. 

Mitchell Clionsky, một bác sĩ tâm thần kinh, người đã cùng với vợ, bác sĩ Emily Clionsky viết cuốn “Dementia Prevention: Using Your Head to Save Your Brain” nhận định: “Thực tế cho thấy, nguy cơ lớn nhất của mất trí nhớ là lão hoá”. Một báo cáo năm 2023 của Hội Alzheimer (Alzheimer’s Association) ước tính cứ ba người Mỹ trên 85 tuổi thì có một người mắc bệnh Alzheimer (dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất). 

Hình minh hoạ: pexels-andrea-piacquadio

Nhưng có tia hy vọng, nghiên cứu cũng phát hiện ra nhiều yếu tố rủi ro khác có thể giảm thiểu bằng cách thay đổi lối sống. Một báo cáo năm 2020 đăng trên tờ The Lancet ước tính có đến 40% trường hợp sa sút trí tuệ có thể phòng ngừa được. Ở quỹ đạo bình thường hoặc trung bình, nghiên cứu cho thấy, trí nhớ và khả năng nhận thức có thể bắt đầu suy giảm từ độ tuổi 30 đến 40. 

Rogalski giải thích: Ở hầu hết người 80 tuổi, trong một số bài kiểm tra trí nhớ, họ có thể nhớ được khoảng một nửa so với lúc họ 50 tuổi. Dù kém nhạy bén hơn, những người lớn tuổi ở quỹ đạo bình thường vẫn có thể hoạt động (và phát triển) trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, có rất nhiều biến động cá nhân. Chính các biến động này đã tạo ra những người đi theo quỹ đạo thứ ba: Các SuperAger, dù ngoài 80 tuổi vẫn có trí nhớ nhạy bén như những người ở độ tuổi 50, 60; thậm chí trẻ hơn. 

Rogalski lưu ý: Chúng ta không biết có bao nhiêu phần trăm dân số đủ điều kiện gia nhập nhóm SuperAgers, nhưng có vẻ rất hiếm. Ngay cả khi các nhà nghiên cứu chỉ sàng lọc những người tin chắc họ có trí nhớ tốt, thì vẫn chưa đến 10% đáp ứng được định nghĩa này. Từ dùng mô tả nhóm này là kiên cường. Điều thú vị là nhiều SuperAger đã phải sống trong khó nghèo, mất gia đình từ lúc còn bé hoặc bước ra từ các tập trung Holocaust”. 

Theo thời gian, các nhà nghiên cứu theo dõi những người đăng ký SuperAger, kiểm tra sức khỏe, chụp ảnh não, ghi lại lịch sử cuộc đời của họ và yêu cầu họ hiến tặng não để nghiên cứu sau khi chết. Họ phát hiện ra các SuperAger có các mối quan hệ xã hội tích cực mạnh mẽ và thích nghi rất tốt với các lứa tuổi khác. 

Rogalski dẫn chứng: “Có một SuperAger sống với con gái và người cháu gần như không biết gì về Frank Sinatra hay Franklin Delano Roosevelt. Để duy trì quan hệ tốt, ông chỉ hỏi chúng về các thần tượng thế hệ chúng như Taylor Swift và Chance the Rapper và tìm thấy niềm vui khi cố gắng hoà đồng với những gì con cháu ông quan tâm thay vì xem đó là quá xa tầm với hoặc là một gánh nặng. Cách tiếp cận phi tuổi tác rất đáng yêu và hiệu quả”.

Ảnh minh hoạ: exels-yaroslav-shuraev

Vậy điều gì làm cho bộ não của SuperAger đặc biệt và có thể học hỏi được gì?

Theo tuổi tác, não thường teo lại, đặc biệt ở vỏ não (phần tiến hóa sau cùng của não). Với các SuperAger thì không như vậy mà bộ não của họ vẫn trẻ trung ở những khu vực liên quan đến trí nhớ và khả năng điều hành. 

Tại vùng vỏ não vành đai phía trước quan trọng đối với các chức năng nhận thức, gồm cả sự chú ý và trí nhớ, SuperAger có lớp vỏ não dày hơn so với những người trên 80 tuổi khác và thậm chí cả người 50 tuổi có nhận thức bình thường. 

Các SuperAger cũng có tế bào thần kinh lớn hơn, khỏe hơn ở vùng vỏ não entorhinal khá quan trọng với trí nhớ so với những người trẻ hơn 20 đến 30 tuổi. Điều thú vị nữa là SuperAger cũng có rất nhiều loại tế bào não đặc biệt được gọi là tế bào thần kinh von Economo kích thích các hành vi giao tiếp xã hội. 

Nghiên cứu cho thấy số tế bào thần kinh von Economo nhiều hơn 4-5 lần ở vỏ não vành đai phía trước của các SuperAger so với những người cùng tuổi, thậm chí cả những người trẻ hơn hàng chục tuổi! Đồng thời, bộ não của SuperAger dường như có thêm khả năng bảo vệ chống lại các biểu hiện sinh học báo hiệu bệnh Alzheimer, có ít mảng bám beta amyloid (một sản phẩm chất thải của tế bào) hơn và ít nút rối sợi thần kinh. 

Trở thành SuperAger một phần do may rủi di truyền, nhưng có nhiều yếu tố về lối sống mà chúng ta có thể sửa đổi để kéo dài sức khỏe nhận thức khi chúng ta già đi. “Đừng lo lắng về chứng mất trí nhớ nữa, hãy bắt đầu hành xử một chiến binh phòng ngừa – Emily Clionsky khuyên – Chính cách tiếp cận tích cực sẽ tạo ra sự khác biệt. Và không bao giờ là quá muộn để thay đổi lối sống. Bệnh nhân lớn tuổi nhất của tôi đã hơn 100 tuổi và tuổi trung bình những bệnh nhân thấy được lợi ích của thay đổi là 70”. 

Theo các nhà nghiên cứu, không có gì bảo đảm quá trình lão hóa nhận thức sẽ không làm giảm tư duy, nhưng nếu chúng ta bắt đầu loại bỏ những rủi ro sa sút trí tuệ và tăng cường các yếu tố bảo vệ, chúng ta có thể mang lại những tác động tích cực. 

Dưới đây là một số lời khuyên: Ăn như một người trăm tuổi bằng cách kết hợp các loại thực phẩm giàu chất xơ và các loại hạt vào chế độ ăn uống. Tập thể dục. “Hầu hết mọi người đều biết tầm quan trọng của việc đứng dậy và di chuyển, nhưng không phải lúc nào cũng làm theo. Đây chính là vấn đề – Mitchell Clionsky nói – Hãy tự hỏi bạn có vấn đề gì với tập thể dục và phát hiện những thứ cản trở nó”. Tập thể dục não. “Não luôn thích thử thách, vì vậy hãy tạo cơ hội cho não bằng cách thực hiện các hoạt động mang tính tập trung cao. Giữ liên lạc với người thân và bạn bè. Sự cô lập và cô đơn với xã hội làm tăng nguy cơ gây ra chứng mất trí nhớ, trong khi tiếp xúc xã hội có tác dụng bảo vệ” – Emily Clionsky nói. 

Ảnh minh hoạ: pexels-denys-gromov

Tăng cường khả năng phục hồi. “Khi gặp điều gì đó tồi tệ, hãy chấp nhận thử thách vì đây có thể là cơ hội để học tập và trau dồi bản lĩnh, thậm chí là khởi đầu cho một bước ngoặt?” –Rogalski nói. 

Các SuperAger không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về sự già đi của con người mà còn hình dung được những gì tuổi già có thể đẩy lùi được. Rogalski kết luận: “Tôi nghĩ chúng ta nên nuôi dưỡng những kỳ vọng mới về quá trình lão hóa và đánh giá đúng giá trị của những người lớn tuổi thay vì xem nhẹ họ”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: