Bị gia đình bạn trai chê xấu quá!

(Minh họa: Ilyasick Photo/Pexels)

Con có đọc báo Sài Gòn Nhỏ, và có thấy email address của cô nên con gửi thư này đến cô. Con có điều suy nghĩ trong lòng, hy vọng kể ra, cô và quí độc giả sẽ cho con lời khuyên.

Con năm nay 21 tuổi, năm sau sẽ ra trường và đi làm RN (y tá). Người yêu của con 25 tuổi, anh ấy vẫn còn đang học, và khoảng hai năm nữa sẽ ra trường. Chúng con yêu nhau rất chân thành đã được hơn một năm. Tuy nhiên, ba mẹ anh ấy tỏ ra không bằng lòng và nói lý do là vì con xấu quá! Nói không đẹp thì con chịu được, nhưng ba mẹ anh hay có những lời khiếm nhã về vẻ bề ngoài của con rồi còn khuyên nhủ anh tìm người con gái khác xinh hơn.

Anh một mực từ chối, và nói anh quen con vì tính tình chứ không quan tâm chuyện nhan sắc. Ba mẹ anh tỏ ý bất lực và thất vọng vì nói hoài mà anh vẫn quen con, nên giận và đã làm một số hành động cứng rắn như muốn anh ra khỏi nhà, từ chối để tài sản cho anh sau này. Cũng chưa hết, em gái của anh cũng khoảng tuổi con, cô ấy cũng có ác cảm với con vì anh luôn buột miệng khen con trước mặt cô ấy. Anh cũng đã dẫn con về ra mắt gia đình phía ngoại. Ngược lại với ba mẹ anh, ông bà ngoại và mấy dì lại thích con, điều ấy cũng làm con đỡ lo phần nào.

Phần mình con luôn tỏ cố gắng để lấy lòng ba mẹ anh. Nhưng thỉnh thoảng con cảm thấy rất tủi thân, vì mình đâu quá xấu xí mà bị ba mẹ anh chê bai, và em gái anh khinh thường như vậy. Từ nhỏ đến giờ, con ít khi đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài, nên chuyện này là một cú shock đối với con. Bây giờ mà chia tay để anh yên lành với ba mẹ anh thì con sẽ rất buồn, nhưng tiếp tục quen nhau thì con luôn cảm thấy mặc cảm tự ti. Xin cô giúp con vượt qua. Cảm ơn cô. (Ph. Kh.)

GÓP Ý 

-Cô Bảy

Cô đọc hết thư con và không ngạc nhiên khi biết rằng mặc dù bố mẹ không bằng lòng, em gái ác cảm, nhưng bạn trai vẫn yêu con.

Một cô gái mới 21 tuổi, sang năm sẽ trở thành y tá, một ngành nghề đòi hỏi người theo phải có lòng từ ái, tính kiên nhẫn, nghị lực… Theo cô, con chẳng cần làm gì cả, con cứ sống bình thường như bấy lâu nay. Thời gian sẽ là đồng minh thuyết phục gia đình thương mến con.

Có một câu định nghĩa về cái đẹp rất hay là “Đẹp không phải là hút người vào mà là giữ người ở lại,” và con đã giữ được bạn trai con ở lại.

-Cô Thuỳ

Việt Nam mình có câu “Cái nết đánh chết cái đẹp” còn Tây phương thì có câu “Beauty is in the eyes of the beholder.” Bạn trai cháu đã nghĩ là “You are beautiful to me” thì cháu cứ vững tin là cháu đẹp. Ý kiến của bạn trai cháu là quan trọng hơn ý kiến của những người khác.

Hơn nữa nhan sắc thì không bền lại dễ thay đổi. Các minh tinh màn bạc, ca sĩ nổi tiếng thời 1950-1960 bây giờ hiếm ai còn đẹp. Các cô dâu ngày cưới đi trang điểm có chút xíu mà trông đẹp hẳn lên. Đó là chưa kể các người đẹp do “dao kéo” cắt xén. Chuyện hôn nhân là do duyên nợ. Nếu cháu có duyên với anh ta thì không ai gièm pha nổi. Còn nếu không có duyên với anh ta, thì người như cháu cũng sẽ có gia đình khác.

-Hồng

Cô Kh ơi! Xưa nay mẹ chồng nàng dâu mà cô. Dù cô có đẹp mấy đi nữa thì trong mắt mẹ chồng cô cũng xấu à. Còn em dâu thì có gì đâu mà lạ, đương nhiên là họ ghét mình. Cô Kh cứ căn cứ theo người bạn trai của mình, anh ấy bằng lòng thì tốt rồi. Nếu tốt đẹp thì làm dâu còn không thì ra riêng. Cô có nghề vững chắc sợ gì không sống một mình được. Mấy lời góp ý cùng cô vậy thôi.

-Cún con

Chào chị Kh, đọc thư chị mà cứ tưởng ai đó viết tâm trạng của em. Vợ chồng em ở chung với cha mẹ chồng. Em làm gì cũng bị mẹ chồng chê, cái gì cũng chê, mà ra riêng thì không có điều kiện.

Chị biết không, có hôm trước mặt mẹ, chồng em phải làm bộ la mắng em tới tấp cho mẹ vui, và sau đó vào phòng riêng thì hai vợ chồng khóc với nhau. Thấy chồng tội quá mà em bỏ qua chứ nhiều khi em muốn la hét cho đỡ tức. Còn mấy cô em thì tâm địa ác độc, ăn uống lúc nào cũng bày bừa ra đó, chẳng một chút thương người chị dâu đi làm suốt ngày tối về còn dọn rửa đến khuya. Tại sao mấy bà mẹ chồng như vậy, tại sao họ không nghĩ đến con gái họ khi lấy chồng cũng bị hành hạ và ghét bỏ.

(Minh họa: Malachi Cowie/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Tôi là một cựu quân nhân VNCH. Sau năm 1975, tôi đi tù gần 10 năm trời, nhà tôi phần phải tảo tần nuôi bầy con năm đứa. Phần thì phải bới xách cho tôi tận miền Bắc.

Dạo bị tù tôi cứ phải đổi chỗ hoài, thư từ thì không liên lạc được, thế mà chỗ nào tôi đến là thế nào nhà tôi cũng tìm ra được. Tôi rất nhớ ơn và kính phục nhà tôi. Tôi hiểu rất rõ công lao khó nhọc của nhà tôi. Lòng tôi khi nào cũng tâm niệm ăn ở phải đạo để đền đáp tấm lòng của nhà tôi.

Tuy nhiên, chuyện đã quá lâu. Cũng không phải tôi không nhớ, nhưng mà nếu cứ nhắc hoài chuyện thăm nuôi, khó khăn, cam khổ, nhường miếng ăn cho người tù thì thật điên cái đầu. Nhà tôi không chừa một cơ hội nào để kể lể chuyện xưa! Nhiều khi bạn bè anh em gặp nhau, nhắc lại chuyện trong tù, dù là nhắc những chuyện khổ, nhưng chúng tôi kể bằng giọng vui hay giễu cợt nhau.

Tụi tôi thường tranh nhau kể những kỷ niệm trong tù, nhiều khi cười ra nước mắt. Nhưng bao giờ câu chuyện cũng theo chiều hướng tích cực. Nhưng lần nào cũng như lần nào, nếu nhà tôi có mặt thì thế nào nhà tôi cũng lái câu chuyện sang hướng “thăm nuôi.” Và câu chuyện bao giờ cũng là những lần gồng gánh, ngủ bờ ngủ bụi để mang thức ăn cho chồng. Lần nào cũng ‘nhà chỉ có lạng thịt, mẹ con thèm nhưng phải dành để bới cho chồng”.

Đồng ý là nhà tôi khổ thật, các con tôi khổ thật, nhưng đâu phải lỗi tại tôi đã để nhà tôi như vậy. Tại sao cái thằng VC ở đẩu đâu mà tôi cứ phải nghe hoài chuyện bới xách. Qua những lời vợ kể, tôi có cảm tưởng tôi là người ăn ngon nhất nhà, bao nhiêu thứ ngon đều chỉ cho mình tôi. Trong khi đó vợ con phải nhịn thèm.

Ban đầu mới về, nghe chuyện, tôi cảm động lắm cứ nhủ lòng phải làm mọi thứ để đền đáp 10 năm khó khăn của vợ con. Nhưng giờ đây, tôi sợ nghe, sợ nhắc lại chuyện cũ. Chính xác là tôi sợ thái độ “kể công” của nhà tôi. Nhiều lúc tôi muốn hét lên: “Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi” nhưng may quá tôi kềm lại được.

Tôi phải làm sao để nhà tôi đừng nói mãi chuyện “thăm nuôi.” Xin cô Nguyệt Nga và độc giả chỉ cho cách. (Ông HO)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: