Có nên gắn bó với người quá thực dụng?

(Minh họa: Pixabay/Pexels)

Chào cô Nguyệt Nga, tôi là độc giả thường xuyên của mục “Biết tỏ cùng ai,” trước hết tôi gửi lời thăm sức khỏe đến cô Nguyệt Nga. Tôi rất thích mục này trên báo Sài Gòn Nhỏ, qua trang báo tôi hiểu thêm được đôi chút về suy nghĩ cũng như tâm lý của người đời.

Hiện tại tôi có chút chuyện riêng tư mà không biết bày tỏ cùng ai để giải quyết cho việc của mình, mong được cô và độc giả có đôi lời góp ý.

Tôi là phụ nữ đã ngoài 50, sống độc thân chưa từng lập gia đình, có công việc làm tương đối ổn định, sống giản dị và độc lập, rất sợ nhờ vả đến người khác.

Cách đây ba năm, tôi có quen một anh bạn ở tiểu bang khác, anh đã ly dị vợ gần 20 năm và có hai con đã trưởng thành. Vì cách xa nhau về mặt địa lý, chúng tôi chỉ liên lạc với nhau qua email mỗi ngày. Nhìn chung anh là người thẳng tính, có hiểu biết, sống ở Mỹ cũng hơn 30 năm nên có những suy nghĩ rất sòng phẳng đến phũ phàng, khi anh đề nghị với tôi làm tôi thấy rất tự ái và không hiểu có nên gắn bó với anh nữa không?

Anh muốn lập gia đình với tôi nhưng đề nghị tiền ai nấy xài để tránh mất lòng, vì anh biết tôi hay giúp đỡ người thân còn ở Việt Nam. Tôi thấy suy nghĩ này của anh không đúng, anh có con riêng tôi đã không ngại gắn bó với anh vì anh có chắc rằng anh sẽ không bao giờ giúp đỡ con cái khi chúng gặp khó khăn không? Còn việc tôi giúp đỡ người thân ở Việt Nam chỉ có tính cách quà biếu vì người thân cũng có hoàn cảnh khó khăn và một khi đã lập gia đình thì tôi cũng biết phải điều chỉnh lại, đâu cần anh phải đặt điều kiện với tôi?

Anh còn nói nửa đùa nửa thật là tôi cần viết giấy cam đoan không đòi nhận tiền trợ cấp nếu cả hai chia tay nhau vì cả hai đều lớn tuổi không ai có thể chu cấp cho ai. Tôi nghe thật buồn cười có phần chua chát. Quen anh đã gần ba năm nay, tôi không có một chút nào của tính thực dụng, chưa từng đòi hỏi cũng như nhận bất kì một món quà nào từ anh, vậy mà anh sợ đủ thứ chuyện trên đời nên tôi cảm thấy vừa tự ái vừa không còn hứng thú ý nghĩ sẽ gắn bó với anh nữa.

Cô Nguyệt Nga thấy tôi nên trả lời với anh bạn tôi như thế nào? Có phải mọi người sống ở Mỹ lâu năm đều có cách suy nghĩ như anh bạn tôi phải không? Nếu là vợ chồng mà đặt vật chất, tiền bạc ở giữa, tôi thấy cuộc sống nó quá nặng nề và quá căng thẳng, nên tôi đang rất lưỡng lự.

Mong được sự góp ý của cô và quý độc giả. Xin chân thành cảm ơn! (Cô Thuỳ)

GÓP Ý

-T. Tran

Cô Thuỳ à , cô đã trên 50 rồi, đã hơn nửa đời người rồi. Sống được như vậy thì tiếp tục
luôn đi, thêm chi cho phiền và cho suy nghĩ? Cô mà về chung một nhà còn phải thêm nặng gánh lo. Nếu cô muốn, cô vẫn có thể làm bạn “xa xa” như vầy là đủ rồi. Chưa chung nhà mà đã thấy tâm tư cô xáo trộn rồi. Cô thấy chưa???

-Yến Khương

Cùng là phụ nữ, cháu hiểu sự ngỡ ngàng với ít nhiều bẽ bàng của cô trước những đề nghị hôn nhân của người đàn ông đã theo đuổi cô từ ba năm qua.

Sau khi đọc nhiều lần thư của cô, cháu xin được góp ý vài điều như sau.

Thứ nhất, như thư cô cho biết, vì khoảng cách địa lý nên cô và bạn chỉ liên lạc với nhau qua email mỗi ngày. Sự kiện này theo thiển ý của cháu sẽ mang lại cho cô rất nhiều bất trắc, một khi hai người chính thức chung sống hàng ngày với nhau. Bởi vì thư từ thường có cái quyến rũ riêng của nó, mà khi bước vào thực tế thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác hẳn. Cháu không nghĩ có trên 20% điều tốt đẹp sẽ bước từ trong thư ra ngoài đời.

Thứ nhì, sự sòng phẳng của người bạn cô đưa ra, nào là tiền ai nấy tiêu, phải viết giấy cam đoan, cho dù là nửa dùa nửa thật thì ngay những người Mỹ thực tế nhất, họ cũng không làm với người bạn đời của họ.

Một cặp vợ chồng sẽ không bao giờ có thể thực sự là vợ chồng, nếu họ có những giao ước như người bạn của cô đề nghị. Cô nên suy nghĩ chính chắn hơn nữa trước khi quyết định. Chúc cô may mắn!

– Oanh Th.

Thưa cô, ngay người Mỹ thực tế nhất, họ cũng không có một “khế ước hôn nhân” như vậy. Em muốn nói, không phải vì người bạn của cô sống lâu năm trên nước Mỹ mà có những suy nghĩ như vậy đâu thưa cô.

Đối với một vài cặp tài tử trước khi kết hôn, họ nhờ luật sư soạn thảo một “khế ước hôn nhân” với những điều khoản nhằm bảo vệ tài sản của họ phòng hờ khi ly dị. Nhưng thưa cô, cả hai bên, họ đều là những triệu triệu phú. Nghĩa là họ nằm trong thành phần 5% giàu có nhất nước Mỹ, chứ trong số 95% dân Mỹ còn lại thì hầu như không ai làm như vậy cả.

Hôm nào cô cũng nửa đùa nửa thật nói với anh ấy rằng, chúng ta làm giấy cam kết người nào chết, người ấy tự lo, coi thử anh ta nói gì.

– Tân Nguyễn

Tôi xin góp ý với cô thế này, mới nghe qua thì cũng khó chịu, người mà lý tài coi đồng tiền to bằng bánh xe lửa cũng rất khó sống. Nhưng nói đi thì cũng phải coi lại.

Tôi thấy nhiều trường hợp người đàn ông ly hôn, lúc ra khỏi nhà họ trắng tay, nhất là họ ở Mỹ. Cả đời họ làm lụng chắt bóp, tằn tiện xây dựng nên gia đình, đến khi ly hôn toà xử họ trắng tay. Biết đâu anh bạn của cô ở trong trường hợp đó. Anh ấy như con chim bị nạn sợ cành cây cong. Tôi nghĩ thà mất lòng trước được lòng sau. Thà thế còn hơn khi ra toà mới bộc lộ ra bao nhiêu tính ti tiện xấu xa.

Theo tôi, cô nên coi lại lý do tại sao bạn trai của cô như thế để khi kết luận được công bằng hơn.

-Thu Huyen

Mấy người đàn ông mà đặt nặng đồng tiền thì bỏ càng sớm càng tốt, mới quen nhau mà đã vậy, sau này lấy nhau về hắn còn chỏ mũi vô bao thứ nữa, chẳng hạn như “:Lương của em, nào đến giờ cứ vậy hoài há, sao không thấy lên hay là em giấu?,” hay như “Tháng này em xài bớt điện lại tui thấy bill điện lên đó nghe, nếu còn vậy chắc mình cưa đôi cho công bằng…”

Cứ vậy chịu sao thấu, đàn ông là phải rộng rãi chứ kiểu này thì bó tay. Cô bỏ ổng đi, chắc chắn ổng không kiếm được ai đâu.

– Vui Ph.

Tôi là một cao niên, xin góp một chút ý kiến về chuyện của cô.

Thứ nhất là tôi thông cảm với cô và ông bạn trai. Cả hai đều có lý riêng.

Về phía người bạn, ông ta đã ly dị một lần, con cái đã trưởng thành mà bây giờ mới nghĩ tới hôn nhân thì cũng là điều đáng lưu ý. Có thể ông chỉ muốn có một người bạn đường hoặc có thể ông đã bị cuộc hôn nhân đầu làm ông sợ vì “tán gia bại sản” nên không muốn đi xa hơn.

Nếu cô mà cũng thấy rằng với tuổi của hai người, chỗ dựa nhau là quý nhất, có một người để tâm sự lúc vui buồn là quú nhất, thì cô tiến tới. Còn những điều kiện ông đưa ra toàn là vật chất, khó xử thì cô thoái lui. Quá dễ!

(Minh họa: Dominika Roseclay/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Thưa chị Nguyệt Nga,

Năm nay tôi đã 50, vì hoàn cảnh gia đình, nói đúng ra là do mồ côi cha mẹ, tôi phải lo cho các em để bù đắp sự thiếu thốn của chúng. Nay các em tôi đã có gia đình yên ấm. Tôi có một bussiness nho nhỏ, không giàu có hơn ai, nhưng tôi sống thoải mái, cũng có dư tiền để khi muốn cho các cháu cũng không lấy gì làm khó khăn.

Tôi định ở vậy không lấy chồng, nhưng duyên số đưa đẩy khiến tôi quen anh. Anh li dị vợ đã 20 năm, có ba con gái, anh nuôi con nên tình cha con của họ rất thắm thiết. Các em tôi không đồng ý, nói rằng khi không rước hoạ vào thân, ăn yên ở yên không muốn.

Các em nói thì kệ chúng nó, chúng tôi vẫn tiến đến chuyện sống chung. Tôi chính thức ở với anh từ hơn một năm nay. Tôi vui lắm, ngày xưa tôi sống một mình, chiều buôn bán về nhà thui thủi, nay có anh, chuyện trò nhà ấm cúng hẳn lên. Ở đời nếu mọi chuyện cứ trôi thế thì nói làm gì.

Anh ở với tôi chừng ít lâu thì bố anh bệnh, anh đi thăm, ở với ông già một tháng thì về lại. Về chưa được bao lâu thì bố anh vào nhà thương, anh lại đi, và vì gần cuối năm nên anh ở lại ăn Tết luôn với bố. Sau Tết anh về, bố lại bệnh, anh lại đi lần thứ ba. Tôi cũng xin thưa là, ông già ảnh năm nay 85 tuổi, ông đang bệnh ung thư kỳ cuối, hiện ở với bà vợ thứ hai cũng xấp xỉ 80. Họ có hai con chung cũng ở gần đó, chồng tôi là con trai cả, con của bà trước.

Anh nói với tôi, anh mồ côi mẹ từ thuở bé, anh muốn trả hiếu cho cha, anh không muốn khi cha già mất mà anh không có mặt. Tôi biết nói sao đây. Tính đến hôm nay là anh đã đi hơn năm tháng. Tôi vì nhớ anh nên đã bỏ tiệm đi thăm bố anh khoảng một tuần. Nhưng tôi không thể đi hoài được, buôn bán càng ngày càng khó khăn. Mỗi lần đi, đâu phải chỉ là tiền vé, còn trăm thứ tiền, quà cáp, biếu xén… bà con thì quá đông, ai cho ai bỏ, nên có lẽ tôi chỉ đi lần nữa khi ông già mất.

Năm hết Tết đến, vậy mà anh vẫn phải hầu cha, không thấy nói năng gì chuyện về với tôi. Hỏi đến thì cứ nói, “Bố cần anh, bố không tin mấy đứa em.” Tôi biết ăn nói làm sao đây? Chúng tôi về với nhau mới hơn một năm mà anh đã thăm bố ba lần, tổng cộng gần tám tháng. Vậy là sao? Tôi thật hết sức muốn nói với anh, Tết này mà không về với tôi thì đi luôn đi.

Đó là chưa kể lúc anh ở với tôi, vì cũng gần nhà một cô con gái, chỉ đi bộ năm phút là đến, nên chiều nào dọn dẹp từ tiệm về là anh cũng chèo kéo tôi qua nhà con gái ăn cơm và chơi với cháu. Tôi thì phần mệt vì suốt ngày buôn bán, phần muốn về nhà nằm nghỉ để chuẩn bị ngày mai ra tiệm. Anh nại cớ tới nhà con ăn thì tôi khỏi phải nấu.

Tôi làm sao để thay đổi được tình trạng này. Tôi nghĩ chắc vì vậy mà anh không lấy ai được trong suốt 20 năm li dị vợ. Cái kẹt là tôi yêu và nhớ ảnh. (Hồng Khánh)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: