Lên đỉnh Everest, và mãi mãi ở lại

Những người đi bộ trên đường đến điểm cắm trại của Everest gần Lukla, Nepal vào ngày 21 Tháng Tư, 2022. (ảnh: Zakir Hossain Chowdhury/ Getty Images)

Rất nhiều người tham gia chinh phục “nóc nhà thế giới” và mãi mãi nằm lại là điều ngày càng trở nên phổ biến.

Những thi thể đông cứng mãi nằm lại trên đỉnh Everest. Trong chuyến hành trình chinh phục Everest của mình hồi năm 2019, nhà leo núi Elia Saikaly kể lại với Business Insider rằng ông chứng kiến nhiều thi thể rải rác ở khắp nơi dọc đường đi. “Tôi không thể tin vào mắt mình trước cảnh tượng ở đó,” Saikaly nói.

Đó không phải là lần đầu, Saikaly, 44 tuổi, chinh phục “nóc nhà thế giới”, mà là lần thứ ba. Nhưng sau chuyến đi đó, Saikaly khẳng định sẽ không bao giờ quay lại nơi này nữa, vì chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng và quá đau lòng.

Lhakpa Sherpa, người phụ nữ từng 10 lần chinh phục Everest, cho biết cô từng bắt gặp bảy thi thể trong hành trình leo lên đỉnh núi năm 2018. “Những thi thể đó nằm rất gần đỉnh núi,” Sherpa nói. Nghĩa là họ gần như chinh phục được, nhưng thất bại. Trong nhiều năm qua, thi thể có tên “Giày xanh” nằm tại một hang động cách đỉnh khoảng 340 mét đã trở nên nổi tiếng trong giới leo núi.

Thi thể “Giày xanh” an nghỉ cách đỉnh Everest khoảng 340 mét. (ảnh: Twitter/Whoacity)

Năm 2015, một trận lở tuyết cướp đi sinh mạng của ít nhất 19 người đi chinh phục Everest. Mùa xuân năm 2019, 11 người tử nạn cũng trong chuyến leo lên “nóc nhà thế giới”. Mùa leo núi năm 2021, thêm ba người chết trên ngọn núi này. Việc đưa thi thể người xấu số từ trên đỉnh Everest xuống đồng bằng là rất khó khăn. Chi phí vận chuyển có thể lên tới $70,000, kèm theo nhiều rủi ro chết người. Năm 1984, hai nhà leo núi Nepal đã bỏ mạng khi cố gắng đưa một thi thể xuống núi. Đó là lý do mà thi thể các nạn nhân ở trên núi thường bị bỏ lại.

Alan Arnette, nhà leo núi chinh phục Everest, nói với CBC: “Việc đưa thi thể ra khỏi vùng này là không chỉ nguy hiểm, rất tốn kém mà còn có nhiều rủi ro, đặc biệt đối với người Sherpa chuyên dẫn đường lên đỉnh. Họ phải tiếp cận thi thể, đôi khi sẽ đặt thi thể lên xe trượt tuyết, nhưng thường thì cuốn bằng vải và buộc dây thừng, sau đó kéo xuống. Tôi không muốn cơ thể mình được xử lý như vậy.” Đó là lý do Arnette ký vào các giấy tờ yêu cầu thi thể của mình được “an giấc vĩnh viễn” trên núi trong trường hợp mất mạng trong chuyến đi.

Bất chấp các cảnh báo, nhiều người quyết tâm cao đến mức mạo hiểm mạng sống,. Thông thường, những khách du lịch này chi khoảng $25,000-$75,000 để hoàn thành chuyến leo núi “một lần trong đời”.

Một chiếc phi cơ cất cánh từ đường băng của phi trường Tenzing-Hillary, được mệnh danh là phi trường nguy hiểm nhất thế giới, cũng là cửa ngõ vào vùng núi Everest ở Lukla. (ảnh: Skanda Gautam/SOPA Images/LightRocket/Getty Images)

Mùa leo núi Everest rơi vào khoảng Tháng Tư, Tháng Năm, là thời gian trên đỉnh Everest trời quang đãng, ít mây. Do đó, mọi người sẽ cố gắng leo núi trước khi mùa mưa bắt đầu vào cuối tháng. Tháng Năm, 2019 chỉ có khoảng năm ngày trời nắng đẹp và phù hợp cho việc leo núi, thay vì bảy đến 12 ngày như mọi năm, khiến hàng trăm nhà leo núi đồng loạt xuất phát.

Jennifer Peedom, nhà làm phim kiêm đạo diễn từng bốn lần leo Everest, cho biết cảm giác ly kỳ khi chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới giờ đây không còn nữa. Hiện tại Everest vô cùng đông đúc, ngày càng nhiều người hơn mỗi năm, và nguy hiểm thì vẫn rập rình. Những nhà leo núi phàn nàn về tình trạng ùn tắc nguy hiểm tại độ cao trên 8,000 mét, được gọi là “vùng tử thần” của ngọn núi, nơi không khí loãng đến mức nguy hiểm, buộc hầu hết người leo núi phải sử dụng mặt nạ dưỡng khí để giữ an toàn.

Everest cao hơn 29,000 feet (8,848 mét) là đỉnh núi cao nhất trên Trái Đất so với mực nước biển. Đường lên đỉnh Everest là biên giới giữa Nepal và vùng Tây Tạng, Trung Quốc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: