Kinh doanh trên ‘nỗi lo âu’

(minh họa: Gift Habeshaw/Unsplash)

Các công ty trợ giúp sức khỏe tâm thần đang rộ lên như nấm khi nhu cầu tăng cao tại Mỹ, nhất là sau đại dịch COVID-19.

Tìm kiếm cụm từ “giảm lo âu” trên Google bạn sẽ được rất nhiều liên kết về các chất bổ sung ở dạng thuốc viên, miếng dán, kẹo dẻo hay thuốc xịt miệng. Có cả những thiết bị rung đeo quanh cổ “làm dịu dây thần kinh lo âu (vagus nerve)”. Rồi thú nhồi bông nặng, quả bóng căng chứa đầy hạt và sách tô màu được quảng cáo là “sẽ mang lại sự bình an cho tinh thần”. Các ứng dụng trị liệu bằng trò chuyện trực tuyến cũng xuất hiện nhan nhản trên truyền thông xã hội.

 ‘Hái ra tiền’ nhờ nhiều người… lo âu

Jessica Terry sống ở Northhampton, Massachussetts lần đầu tiên được chẩn đoán mắc chứng lo âu cách đây nhiều năm. Cô nói, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch ập đến và cô thường ra xe hơi khóc để các con không nhìn thấy. Cô bắt đầu gặp bác sĩ trị liệu trực tuyến miễn phí trong thời gian đại dịch thông qua công ty bảo hiểm của mình, nhưng ngay sau đó, bác sĩ trị liệu thông báo chuẩn bị trả phí.

Terry thú nhận là không đủ khả năng chi trả. Điều đó đã tạo thuận lợi cho một ngành công nghiệp ăn theo sự lo lắng nằm ngoài khu vực y tế và sức khỏe tâm thần truyền thống phát triển mạnh, gồm cả các sản phẩm bổ sung và các nhà điều trị sức khỏe tâm thần nghiệp dư. Việc có nhiều người Mỹ trở nên lo lắng đã tạo cơ hội cho một loạt các công ty lâu đời hoặc mới thành lập và cả nhà trị liệu kiếm tiền bằng đủ “sáng kiến”, kể cả những phương pháp không được chứng minh!

Sự lo lắng đã trở thành tâm điểm trên khắp đất nước một phần do căng thẳng của đại dịch COVID-19 và nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần; một phần do việc sàng lọc bệnh ở trường học và tại phòng mạch bác sĩ được làm tốt hơn.

Theo Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia (National Center for Health Statistics), trong một cuộc khảo sát liên bang gần đây, 27% số người Mỹ được hỏi cho biết họ có các triệu chứng rối loạn lo âu, tăng từ 8% của năm 2019. Những người Mỹ tìm kiếm sự giúp đỡ tâm thần phát hiện ra nguồn cung các nhà trị liệu có trình độ và có sẵn không đáp ứng kịp nhu cầu.

Khoa học hỗ trợ cho việc điều trị “ngoài luồng” này không rõ ràng. Trong một số trường hợp bị các nhà khoa học và nhà nghiên cứu nghi ngờ về hiệu quả. “Khả năng chống lo âu” của hầu hết các sản phẩm này không có sự giám sát của liên bang hoặc cơ quan quản lý trong khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đòi hỏi các chất bổ sung phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, được sản xuất tốt và dán nhãn chính xác.

Ngoài ra, các chất bổ sung có thể tương tác xấu với các loại thuốc khác. Các thiết bị đeo chăm sóc sức khỏe không bị quản lý cũng rất nguy hiểm, vì chưa có nghiên cứu quy mô lớn để đánh giá những sản phẩm có khi tốn hàng trăm đôla.

Một số người ủng hộ ngành trị liệu “thay thế” đang phát triển này biện bạch mục tiêu của họ chỉ là lấp đầy khoảng trống mà các điều trị chính thống để lại.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu NIQ, doanh số bán nhiều loại thực phẩm bổ sung “có tác dụng hỗ trợ chứng lo âu” đã tăng vọt sau đại dịch. Một trong những chất bổ sung phổ biến được cho là giúp kiểm soát sự lo lắng là ashwagandha, một loại cây đã được sử dụng trong y học Ayurveda truyền thống hàng ngàn năm. Theo NIQ, số lượng sản phẩm ashwagandha đóng gói được bán trong năm qua đã tăng gấp 4 lần so với năm 2019.

‘Liệu pháp chống lo âu hiệu quả’ có mặt khắp nơi

Trong ba năm kể từ khi bắt đầu đại dịch ở Hoa Kỳ, có 3% bệnh nhân vào cơ sở chăm sóc sức khỏe được chẩn đoán mới bị chứng rối loạn lo âu. Theo công ty phân tích và chăm sóc sức khỏe Truveta, tỷ lệ đó cao hơn ung thư hoặc tiểu đường.

Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu chính thống gồm liệu pháp hành vi nhận thức, trong đó bệnh nhân học cách tiếp cận các tình huống khiến họ phải lo lắng và chịu đựng. Các loại thuốc chống trầm cảm như Prozac và Lexapro cũng thường được kê đơn. Benzodiazepin như Xanax và Klonopin có thể làm dịu ngay các triệu chứng lo âu, nhưng nhiều bác sĩ không khuyên dùng vì nguy cơ gây nghiện và dễ bị lạm dụng.

Theo nghiên cứu khoa học, sau một đợt điều trị CBT, chỉ khoảng một nửa số người mắc chứng rối loạn lo âu nhận thấy cải thiện đáng kể về lâm sàng. Khoảng 40% những người dùng thuốc chống trầm cảm phổ biến nhất để điều trị rối loạn lo âu nhận được rất ít lợi ích. Một số phải dừng lại thuốc vì tác dụng phụ. Thuốc ảo giác đang thu hút sự chú ý (và tiền đầu tư) như “phương pháp điều trị tiềm năng” cho một loạt vấn đề sức khỏe tâm thần, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm.

Sherry Frey, phó Chủ tịch bộ phận chăm sóc sức khỏe toàn diện tại NIQ, cho biết các cuộc khảo sát đã phát hiện ra rằng người tiêu dùng xem trọng các vitamin và chất bổ sung hơn cách ăn kiêng và tập thể dục trong việc quản lý sức khỏe tâm thần.

Bác sĩ tâm thần Daniel G. Amen có 1.9 triệu người theo dõi trên trang TikTok @docamen gợi ý những người theo dõi ông nên dùng theanine, magie, ashwagandha và một chất bổ sung có tên GABA để giảm lo âu (ashwagandha lưu hành dưới dạng viên nang, kẹo dẻo, chất phết và đồ uống).

Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), GABA chứa một nhóm steroid tự nhiên có một số tác dụng chống viêm và chống oxy hóa trong cơ thể con người. Trong các chất bổ sung được quảng cáo giúp giảm lo âu, chiếm ưu thế là vitamin D3, magie, axit béo omega-3, hoa cúc và kava. Những người đang tìm kiếm cách chữa trị lo lắng chắc chắn sẽ không xa lạ với kẹo dẻo, dầu, trà và các sản phẩm khác có chứa cannabidiol hoặc CBD. CBD có nguồn gốc từ cần sa, thường là từ cây gai dầu. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2017 trên tạp chí JAMA, CBD có thể chứa hàm lượng THC gây cảm giác phê cần sa.

(Minh họa: Anthony Tran/Unsplash)

Một loạt thiết bị đeo và ứng dụng được cho là có khả năng chế ngự lo lắng đã khiến Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (American Psychiatric Association-APA) gần đây phải chế ra một công cụ để đánh giá tính hữu dụng thực sự của chúng. Trong số thiết bị đeo có Apollo Neuro giá $325 sử dụng sóng rung mô phỏng phản ứng tự nhiên, êm dịu của cơ thể. Tiến sĩ Dave Rabin, đồng sáng lập và Giám đốc y tế của Apollo Neuroscience, cho biết ý tưởng đằng sau các thiết bị đeo đến từ nhiều thập niên nghiên cứu cho thấy sự tiếp xúc vật lý có thể giúp con người khôi phục lại cảm giác an toàn và khả năng kiểm soát. Sensate là một thiết bị trị giá $299 đặt trên bụng và những rung động vo ve của sản phẩm báo hiệu dây thần kinh phế vị (chạy từ não đến hệ tiêu hóa) ở trong tình trạng thư giãn. Băng đô thiền Muse trị giá $250 quảng cáo “có thể theo dõi sóng não và hoạt động như một huấn luyện viên thiền”. Muse cho biết các tổ chức nghiên cứu gồm cả Mayo Clinic và Đại học Harvard đã sử dụng sản phẩm của công ty trong hơn 200 nghiên cứu giảm căng thẳng được công bố.

Những chiếc chăn có trọng lượng (đã được chứng minh là làm giảm lo lắng trong một số tình huống nhất định trong một số nghiên cứu nhỏ), hiện được tiếp thị dưới dạng thú nhồi bông nặng, giá $25, áo hoodie $160 và bộ đồ ngủ giá $100. Nhiều loại đồ chơi thần kinh dùng giải trí đã bùng nổ thành những thứ có thể bật, nhai, xoay, bóp, hút để giảm căng thẳng.

Điều trị trên không gian ảo

Nhu cầu về chăm sóc sức khỏe từ xa ngày càng tăng đã dẫn đến sự gia tăng số huấn luyện viên sức khỏe tâm thần làm việc với khách hàng trực tuyến mà đáng chú ý là Headspace, công ty vận hành một ứng dụng thiền phổ biến và bán các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần từ xa cho người sử dụng lao động và các chương trình bảo hiểm sức khỏe dưới thương hiệu Ginger. Headspace có cả một chương trình điều trị lo lắng được Ủy ban Huấn luyện Sức khỏe & Sức khỏe Quốc gia (National Board for Health & Wellness Coaching) công nhận và bắt đầu tổ chức kỳ thi cấp chứng chỉ cho các học viên tham gia vào năm 2017. Đã có hơn 9,000 huấn luyện viên sức khỏe được cấp chứng chỉ sau khoá học trên 75 giờ (quá ít so với số năm đào tạo cho các nhà tâm lý học và nhân viên xã hội).

Vào Tháng Giêng vừa qua, UnitedHealthcare đã triển khai chương trình huấn luyện dành cho các nhà trị liệu chứng lo âu tổng quát, lo âu xã hội và trầm cảm trong số năm triệu thành viên đăng ký. Trước tình hình bùng nổ, Nicole Pope, Giám đốc điều hành của Ủy ban Huấn luyện Sức khỏe & Sức khỏe Quốc gia lưu ý: “Các huấn luyện viên không được phép chẩn đoán và điều trị bệnh. Thay vào đó, vai trò của họ chỉ là giúp khách hàng áp dụng các hành vi hỗ trợ sức khỏe, như ngủ đủ giấc, tập thể dục và đầu tư vào các mối quan hệ lành mạnh”. Huấn luyện viên sức khỏe tính phí từ $50 đến $150 cho một buổi tập kéo dài một giờ trong khi mức lương dành cho các nhà tâm lý học lâm sàng có kinh nghiệm có thể lên tới $300 cho một buổi học kéo dài 45 phút.

Hiện vẫn có rất ít nghiên cứu khoa học độc lập về hiệu quả của việc huấn luyện sức khỏe tâm thần đối với chứng lo âu. Các bác sĩ lâm sàng về lo âu cảnh báo: “Nguy cơ là bất cứ ai cũng có thể tự gọi mình là huấn luyện viên sức khỏe tâm thần để tìm kiếm khách hàng”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: