Cuộc chiến Việt Nam qua những trang sách

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều “mọt sách” nên chuyện thật bình thường là tôi có cơ hội làm quen với những trang sách khá sớm, thích đọc nhất là sách về Thế chiến II từ khi còn là thiếu niên. Biến cố lịch sử 30 Tháng Tư 1975 ập đến khiến tôi có khoảng một thập niên phải rời xa sách, nhưng may sao cũng đã sớm có trở lại những dịp được bay xa mà chọn mua sách hay, sách quý, nhất là những cuốn về đề tài Chiến tranh Việt Nam.

The Vietnam War (Cuộc chiến Việt Nam), theo cách lịch sử Mỹ khắc ghi, được biết và nhớ đến nhiều hơn qua những phim truyện. Nổi tiếng nhất có Apocalypse NowGardens of Stone của Francis Ford Coppola; Hamburgur Hill của John Irvin; Full Metal Jacket của Stanley Kubrick; The Deer Hunter của Michael Cimino; Good Morning Vietnam của Barry Levinson và bộ ba phim của Oliver Stone gồm Platton; Born on the Fourth of JulyHeaven and Earth. Gần đây hơn, vào năm 2017, có The Post của Steven Spielberg kể về những ngày thời sự nóng bỏng ở tòa báo Washintgon Post khi ban biên tập quyết định tiết lộ kế hoạch bí mật của chính phủ Mỹ về việc can dự vào chiến cuộc Việt Nam.

Bây giờ, thời hiện đại, cứ gõ Google thì biết có cả ngàn tựa sách về cuộc chiến này, kể cả sách về thời chiến tranh Đông Dương với lính viễn chinh Pháp và Việt Minh. Tuổi mới lớn, tôi đã mê mẩn lật cuốn La Rue Sans Joie (Street Without Joy) phát hành lần đầu năm 1961 mà tác giả là Bernard Fall, một nhà báo người Pháp (nhưng chào đời tại Vienna, Áo, trong gia đình Do Thái), học đại học bên Mỹ và từng tình nguyện sang Việt Nam hành quân cùng lính Pháp trong cuộc chiến Đông Dương 1945-1954 và sau này là phóng viên chiến trường thời Mỹ tham chiến.

Năm 2021, PenbookCenter.com đã chọn cuốn này vào Top 27 Sách Chiến tranh Việt Nam xuất sắc nhất mọi thời. Được xếp vào danh sách này không phải là những cuốn thuần túy lịch sử mà là những công trình nghiên cứu sử dụng nhiều tư liệu, phỏng vấn nhiều người từng sống thời chinh chiến, chẳng hạn Vietnam – A History của Stanley Karnow; The Road Not Taken của Max Boot; Vietnam – An Epic Tragedy (1945-1975) của Max Hastings hay Hue 1968 của Mark Bowden…

PenbookCenter chọn những chuyện kể về những điều mắt đã thấy, tai đã nghe bởi những người lính bình thường, sĩ quan chỉ huy, nhà báo, nhiếp ảnh gia chiến trường và cả cựu chính khách hàng đầu (Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara với cuốn In Restrospect – The Tragdey and Lessons of Vietnam, phát hành Tháng Ba 1996); nạn nhân chiến sự (nổi tiếng nhất và cũng được dựng thành phim là When Heaven And Earth Changed Places: A Vietnamese Woman’s Journey From War To Peace của Le Ly Hayslip và Jay Wurts)… Và cũng có cả Dirty Works của Larry Brown, phát hành năm 1988 là một tiểu thuyết về hai cựu binh Thủy quân lục chiến Mỹ, bị thương nặng và kể cho nhau nghe về những gì đã trải qua ở chiến trường Việt Nam; The Sorrow of War (tức Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh, hoặc cuốn The Sympathizer của Viet Thanh Nguyen.

Ngoài ra, PenbookCenter cũng nhắc đến hai cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng là A quiet American của nhà văn Anh Graham Greene (đã được chuyển thành phim với tài tử gạo cội Michael Caine người Anh cùng với Brendan Fraser người Mỹ và diễn viên Mai Hoa người Việt); và cuốn Matterhorn: A Novel of the Vietnam War của Karl Marlantes, một cựu Trung úy Thủy quân Lục chiến thực sự nếm mùi khói lửa ở vùng núi Nam Việt Nam những năm cuối thập niên 1960. Phát hành năm 2009, Matterhorn (tên thực của một ngọn núi tuyết cao nhất ở Thụy Sĩ) được giới phê bình khen là một trong những cuốn mô tả thực nhất cuộc chiến của Thủy quân Lục chiến Mỹ và đã có dự án dựng thành phim nhưng đến nay chưa thấy tiến triển. Cũng phải kể đến Once We Were Soldiers and Young của cựu Trung tướng Harold G. Moore và cựu phóng viên chiến trường Joseph L. Galloway. Cuốn này mô tả cuộc đụng trận đầu tiên giữa bộ binh Mỹ với bộ đội chính quy Bắc Việt, trận Đà Răng, năm 1965 và đã được dựng thành phim với Mel Gibson trong vai chính.

Ngoài ra, còn có hai quyển đáng chú ý: American Tragedy của David Kaiser và The Secret War Against Hanoi của Richard H. Shultz Jr. Cả hai quyển trên đều nói về chính sách của John F. Kennedy và Lyndon Johnson trong chiến lược tấn công Ðông Dương bằng nhiều hình thức. Trong khi Kaiser nhấn mạnh đến việc leo thang chiến tranh ở Việt Nam thì Shultz quan tâm đến các hoạt động bí mật của Mỹ đánh phá Bắc Việt Nam. Có thể thấy rằng vấn đề đánh giá lại cuộc chiến Việt Nam trở nên phức tạp như thế nào qua cách nhìn vấn đề khác nhau của từng nhà nghiên cứu. Ở trường hợp này, ngài Tổng thống Kennedy của Kaiser thể hiện một sự dè chừng về cuộc chiến Việt Nam, luôn miễn cưỡng trong việc nới rộng sự tham chiến của Mỹ; trong khi đó, Shultz xem Kennedy là con diều hâu, đặc biệt khi Kennedy bật đèn xanh cho các cuộc phá rối Hà Nội.

Trong American Tragedy, sau khi cung cấp thông tin nền về đối sách Việt Nam thời Dwight Eisenhower, Kaiser theo chân Kennedy vào Toà Bạch Ốc năm 1961 và kết thúc quyển sách vào giữa năm 1965, trước thời gian mà Lyndon Johnson bắt đầu tung ra các đợt dội bom ác liệt xuống Bắc Việt Nam đồng thời đổ quân tới tấp vào Nam Việt Nam. Kaiser cho rằng Kennedy đã chịu nhiều sức ép trong nội các trong việc leo thang chiến tranh và gửi quân Mỹ sang Việt Nam. Quyển sách của Kaiser dựa vào nhiều tài liệu giải mật nhằm chứng minh rằng Kennedy luôn chống lại việc bổ sung quân Mỹ sang Việt Nam, đồng thời bày tỏ sự hoài nghi về khả năng duy trì sự ủng hộ của công chúng trong nước cho cuộc chiến của Mỹ ở Ðông Nam Á.

Cây bút phê bình nổi tiếng Fredrik Logevall (tác giả quyển Choosing War: The Lost Chance for Peace and the Escalation of War in Vietnam) đã viết trên tờ Los Angeles Times rằng Kaiser chỉ dựa vào nguồn tư liệu Foreign Relations of the United States thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên không thể xem ghi nhận của Kaiser là một nghiên cứu lịch sử hoàn chỉnh. Tuy nhiên, theo Fredrik Logevall, Kaiser đã đúng khi cho rằng Kennedy muốn chọn con đường ngoại giao hơn là giải pháp súng ống. Tuy thế, Kaiser đã đi quá xa khi cho rằng Kennedy không dính dáng vào vụ đảo chính anh em Tổng thống Diệm. Ðiểm yếu của American Tragedy là sự tự hạn chế tầm nhìn của tác giả. Trong một cuộc chiến lớn như cuộc chiến Việt Nam, Kaiser không đá động đến chiến lược của cộng sản Bắc Việt, cũng không nói đến ảnh hưởng trên bình diện thế giới của Bắc Kinh, Moscow, Tokyo…

Với The Secret War Against Hanoi, Richard H. Shultz Jr lần đầu tiên tiết lộ một số hoạt động bí mật của Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam. Shultz đã kết nối các sự kiện rời rạc và thêm thông tin để vẽ lên bức tranh về một cuộc chiến bí mật ít được đề cập. Trong phần điểm sách của Amazon.com, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Caspar W. Weinberger (thời Reagan) viết: “Ðây là quyển sách cực kỳ quan trọng, được nghiên cứu sâu sắc bởi một tác giả có tài…, kể chi tiết một câu chuyện hoàn chỉnh nhất và chắc chắn là kinh hãi nhất chưa từng được nói về âm mưu của chúng ta trong việc tung ra những chiến dịch đặc biệt bí mật chống lại Bắc Việt…”. Tướng Wayne Downing – Cựu tham mưu trưởng, chỉ huy trưởng Các chiến dịch đặc biệt của Mỹ – cũng nói: “Ðây là một phân tích tỉ mỉ và chưa từng có về vài trong số những bí mật được giữ kín nhất của cuộc chiến Việt Nam…”.

Ngoài hai quyển nói trên (American Tragedy và The Secret War Against Hanoi), còn có Feet to the Fire : CIA Covert Operations in Indonesia, 1957-1958 của Kenneth Conboy và James Morrison; Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam của Kenneth Conboy và Dale Andrade; hoặc Choosing War : The Lost Chance for Peace and the Escalation of War in Vietnam của giáo sư sử Ðại học Santa Barbara Fredrik Logevall (nói ở trên)…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: