Speaker of the House

Tiếng Anh theo dòng thời sự
Bà Nancy Pelosi và cái búa quyền lực của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ (ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Speaker of the House, Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, là chức vụ cao thứ nhì trong chính quyền Mỹ, sau Phó Tổng Thống. Thật ra, vào thuở lập quốc Speaker of the House chỉ là một chức vụ mang tính cách giữ gìn trật tự hơn là có quyền sinh sát như ngày nay.

Chủ tịch Hạ Viện của Mỹ có nguồn gốc từ vai trò Speaker trong hệ thống Nghị Viện (Parliament) bên Anh từ thế kỷ 14. Thời bấy giờ, House of Commons, còn gọi là Lower House mà ta dịch là Hạ Viện, đề cử một người đại diện để nói chuyện với nhà vua những khi cần. Ngược lại, người này cũng có bổn phận thay mặt nhà vua để công bố những quyết định của Hoàng gia cho Parliament biết. Sau vài thế kỷ, vai trò của người Speaker được thu nhỏ lại và họ không còn làm trung gian cho nhà vua nữa.

Khi các nhà Quốc Phụ của Mỹ soạn thảo bản Hiến Pháp, họ cũng thiết kế Quốc Hội (Congress) theo mô hình lưỡng viện (bicameral) của Anh. House of Lords được gọi là Senate (Thượng Viện), nhưng khác Anh ở chỗ Senators được người dân bầu lên chứ không nhất thiết thuộc giới quý tộc. House of Commons (đại diện thường dân ở Anh) trở thành House of Representatives. Điều I, Khoản II của bản Hiến Pháp ghi:

The House of Representatives shall chuse their Speaker and other Officers…”

Chữ “chuse” là cách đánh vần ngày xưa của chữ “choose” nghĩa là “chọn”. Căn cứ vào đó, mỗi hai năm, tất cả dân biểu phải cử ra một người đại diện để chủ tọa (chair) các cuộc họp hành, bầu bán trong Hạ Viện. Người này có trách nhiệm điều hành các buổi tranh luận tại Hạ Viện – tiếng Anh gọi là “debate on the House floor”, dịch sát là “cãi nhau trên sàn Nhà”. Ai muốn phát biểu điều gì đều phải xin phép Speaker trước khi mở miệng; người nào ăn nói dông dài sẽ bị Speaker cúp micro; ai nói sàm có thể bị tống cổ ra ngoài… Họ còn là người xếp lịch làm việc cho Hạ Viện và là người quyết định dự luật nào sẽ được mang ra bàn thảo trước, cái nào sẽ bị ngâm tôm v.v. Đại khái là một chức vụ chuyên trách thủ tục điều hành Hạ Viện.

Là chủ tọa, họ có bổn phận đại diện tiếng nói của toàn thể Hạ Viện chứ không chỉ cho đảng chiếm đa số. Hiến Pháp không quy định họ phải thuộc đảng nào (thời đó các đảng phái chính trị chưa ra đời). Thậm chí, chiếu theo văn bản thì người Speaker cũng không nhất thiết phải là một thành viên của Hạ Viện, tức không phải là Dân Biểu do người dân bầu lên. Họ chỉ cần được các Dân Biểu tại vị đề cử, và người nào được Hạ Viện chấp thuận với đa số quá bán là trở thành Speaker.

Cũng cần nói thêm rằng tại Hạ Viện hiện nay, tuy 218 là đa số quá bán, nhưng người được bầu làm Speaker không nhất thiết phải có đủ bao nhiêu đó phiếu. Luật Hạ Viện chỉ nói rằng người đó phải giành được “đa số phiếu của những Dân Biểu có mặt để bỏ phiếu”. Trường hợp này xảy ra gần đây nhất vào năm 2021. Dân Biểu Nancy Pelosi (DC-Cali) chỉ được 216 phiếu thuận những vẫn đắc cử vì có ba Dân Biểu bỏ phiếu trống. Bà Pelosi cũng là phụ nữ đầu tiên được bầu vào chức vụ này năm 2007, và là một trong bảy chủ tịch tái đắc cử sau khi bị tước ghế vì đảng mình mất đa số nhưng vài năm sau tái chiếm được quyền kiểm soát Hạ Viện.

Theo thời gian, chức Speaker of the House biến thành một công cụ thao túng chính trường cho các đảng phái tại Quốc Hội. Ngày nay đảng chiếm đa số tại Hạ Viện gần như bao giờ cũng chọn người lãnh đạo của đảng họ làm Chủ tịch. Sau vụ bầu cử bán kỳ qua, đảng Cộng Hoà đã lấy được ít nhất 218 ghế và giành lại quyền kiểm soát Hạ Viện. Do đó lãnh đạo của họ là Kevin McCarthy (CH-Cali) đã được đề cử vào chức chủ tọa hôm thứ Ba vừa qua. Nhưng điều khiến nhiều người trong đảng Cộng Hoà lo lắng là McCarthy chỉ kiếm được 188 phiếu trong số 219 Dân Biểu Cộng Hoà của Hạ Viện mùa sau. Nghĩa là có đến 33 đảng viên Cộng Hoà đã không đề cử ông ta mà lại chọn một người nào khác.

Dĩ nhiên phải đợi đến khi toàn thể Hạ Viện nhóm họp vào đầu năm 2023 để chính thức bầu lên người Speaker ta mới biết McCarthy có đủ 218 phiếu hay không. Từ giờ đến đó ông ta có đến hai tháng để vận động đảng viên của mình. Có thể mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Nhưng cũng có khả năng đảng Cộng Hoà đã bị phân hóa (có người gọi là “MAGA hóa”) đến độ không ai đủ phiếu để thay thế đương kim chủ tịch Hạ Viện. Trong trường hợp ấy chuyện gì sẽ xảy ra?

Câu trả lời ngắn gọn nhất là các Dân Biểu phải tiếp tục bầu cho đến khi nào có người thắng. Năm 1856, Hạ Viện phải mất hơn hai tháng để bỏ phiếu cả thảy 133 lần trước khi chọn được người Speaker là ông Nathaniel Banks của Massachusetts. Ông này nổi tiếng là vị Dân Biểu từng đại diện cho bốn đảng khác nhau: Democrat, American Party, Republican, Independent. Massachusetts cũng là tiểu bang có nhiều Dân Biểu làm Speaker of the House nhất trong lịch sử: tám người!

Tính đến nay đã có 54 người làm Chủ tịch Hạ Viện. Người giữ chức này lâu năm nhất là Dân Biểu Sam Rayburn của Texas, thuộc đảng Dân Chủ. Ông Rayburn làm Dân Biểu 24 nhiệm kỳ liên tiếp từ 1913 đến 1961. Trong thời gian đó, ông được bầu làm Speaker ba dịp khác nhau: 1940-1947; 1949-1953; 1955-1961 – tổng cộng là 17 năm làm Chủ tịch Hạ Viện. Ngày nay tên ông được đặt cho một xa lộ lớn vùng Bắc Dallas.

Ngược lại, người giữ ghế này ngắn nhất là ông Theodore Pomeroy của New York: Vỏn vẹn đúng một ngày! Ông Pomeroy được đồng nghiệp bầu lên vào ngày cuối cùng của phiên Hạ Viện 1867-1869 chỉ để biểu lộ sự kính nể của họ đối với ông.

Người lớn tuổi nhất được bầu vào chức vụ này lần đầu là ông Henry Rainey từ Illinois, khi ấy mới có… 72 tuổi. Đương kim Chủ tịch Nancy Pelosi, năm nay 82 tuổi, vừa tuyên bố bà sẽ không ra tranh cử Chủ tịch Hạ Viện nữa.

Trong những vị Chủ tịch Hạ Viện từ thuở lập quốc đến nay, chỉ có một người về sau lên làm tổng thống, đó là ông James K. Polk (1845-1849) đến từ Tennessee. Nhiều người đồn đoán rằng nếu Kevin McCarthy không đủ phiếu để giành ghế chủ tọa lần này, biết đâu đảng Cộng Hòa sẽ đề cử và bầu Donald Trump lên làm Speaker of the House. Nếu chuyện (hi hữu) đó xảy ra, Trump sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên làm nên lịch sử tại Hạ Viện Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, chuyện này chắc không thể xảy ra. Thứ nhất vì Donald Trump không rành lề luật của Hạ Viện cũng như không biết cách điều khiển các buổi họp hành. Thứ nhì vì Trump là người thích nói nhưng lại không thích làm, trong khi cái job Chủ tịch Hạ Viện rất bận rộn nên thì giờ đâu nữa để… đi đánh golf!?

Chưa kể là Trump vừa tuyên bố ông ta sẽ ra tranh cử tổng thống thêm lần nữa. Đây là lần thứ tư Trump chính thức tranh cử tính từ năm 2000, không kể hai lần ông ta dọa suông hồi năm 2004 và 2012. Pat Paulsen, một nhà hài hước (comedian) từng ra tranh cử tổng thống năm lần – từ 1968 đến 1992, có câu phát biểu rất nổi tiếng, dùng cho “Chủ tịch Hạ Viện Trump” có lẽ rất hợp: “If nominated I will not accept. If elected I will not serve!”

__________

Tiếng Anh theo dòng thời sự

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: