Dư luận trước ngày xử vụ án Đồng Tâm

Ngày 7-9-2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ “đổ xăng thiêu chết 3 chiến sĩ công an ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội”. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày. Hiện có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa. Đây là vụ án được quan tâm đặc biệt và dư luận phản ứng cực kỳ gay gắt với sự kiện này. Dưới đây là một số ý kiến:

Luật sư Lê Văn Hòa

“Trang 13 Cáo trạng nêu: Cụ Kình đã nhiều lần có hành vi tấn công lực lượng chức năng: dùng tuýp sắt gắn dao nhọn tấn công làm sướt da một chiến sỹ, không xác định danh tính (lần 1), dùng tuýp sắt gắn dao nhọn tấn công một chiến sỹ khác nhưng không bị thương (lần 2), có thể là người ném lựu đạn từ trong phòng ra nhưng không nổ (lần 3)… do vậy, lực lượng chức năng đã phải bắn để tiêu diệt.

Khi chết, tay phải cụ Kình vẫn cầm một quả lựu đạn chưa nổ. Tuy nhiên, cần xem xét lại thực tế rằng, kể từ sau khi bị đánh gãy chân vào năm 2017, cụ Kình chủ yếu ngồi xe lăn do ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng. Thời gian sau này (khoảng vài tháng trước khi xảy ra sự kiện ngày 09/01/2020), cụ Kình đã không cần dùng tới xe lăn nhưng đi lại phải chống gậy; do vậy, việc cho rằng cụ Kình một tay giữ cây gậy sắt để giữ thăng bằng, một tay cầm dao tuýp để tấn công lực lượng chức năng là thiếu cơ sở thực tế”.

Võ sư Đoàn Bảo Châu

Sự việc Đồng Tâm khiến tâm người tan nát. Ngày mai bắt đầu phiên toà xét xử 29 người dân ở Đồng Tâm. Tôi chỉ xin nhắc lại là trước khi bị những đồng chí của mình bắn chết tại nhà, cụ Kình vẫn là một đảng viên gần 60 năm tuổi đảng và 29 con người bị bắt vẫn là những người nông dân không hề có tiền án, tiền sự gì trước đấy. Chính quyền đã chủ động tấn công họ trước. Tôi tin rằng nếu vụ việc này được xử lý bởi những người có năng lực, có tâm hơn thì hậu quả đã không đau lòng như vậy. Nếu người dân sai một, chính quyền đã sai mười trong vụ việc này.

Những người đã từng quan tâm với những vấn đề ở Việt Nam thì không lạ gì với những bất công thường đổ lên vai những người dân trong những phiên toà. Gần đây đã có nhiều vụ việc người bị xử oan đã tự vẫn ngay tại tòa. Phiên toà chỉ là một cách vẽ vời cho đủ mắt mũi của một bộ mặt được gọi là nền tư pháp ở Việt Nam. Sự áp đặt, sự giả dối, sự lạm quyền thô bỉ đã lấn át công lý. Các luật sư có tranh biện đến vỡ họng thì kết quả cũng đã được định trước.  Và báo chí cũng sẽ luôn là một cái loa được tắt bật theo chỉ đạo. Người dân luôn cô đơn trong một xã hội “dân chủ” giả hiệu và quyền lực đã bị tha hoá, miệng nói do dân, vì dân nhưng thực chất chỉ vì bộ máy cai trị. Tất cả đều theo câu “còn đảng còn mình”. Chính vị vậy, sự quan tâm của công luận là quan trọng, là điểm bấu víu cuối cùng của những người cùng khổ. Xin mọi người quan tâm tới họ!

Nhà báo Nguyễn Thông

Gần 70 năm trước, xứ này chịu nạn, vướng tấn bi kịch khủng khiếp, tới giờ vẫn còn ám ảnh sau bao thế hệ. Đó là trận cuồng phong tàn phá tận gốc xã hội và con người, chính quyền gọi nó bằng cái tên cuộc cách mạng long trời lở đất, nói nôm na là cuộc cải cách ruộng đất. Nhà cầm quyền làm gì họ cũng cho là đúng, không có sai. Khi họ tổ chức đấu tố và bắn giết, hệ thống báo chí vừa ca ngợi “chính nghĩa cách mạng”, vừa a tòng a dua với súng đạn, lên án các bị cáo, góp phần không nhỏ vào sự giết người man rợ. Mỗi chữ như một đọi máu. Nhan nhản những bài kiểu “Địa chủ ác ghê”. Trong hoàn cảnh ấy, không ai có thể cãi lại được chuyên chính vô sản và báo chí một giọng. Tới khi cải cách ruộng đất hiện nguyên hình là cỗ máy chém tàn bạo, phải sửa sai, người ta nhận ra rằng báo chí đã tự bôi gio trát trấu vào mặt nó, vết nhơ đầy máu không thể nào rửa sạch.

Chả biết sau gần 2/3 thế kỷ, báo chí có rút ra được bài học gì không, hay nó lại là cái loa cho chính quyền trong vụ Đồng Tâm, bất cần chính nghĩa, công lý, đúng sai; lại bôi những vết nhơ máu mới khi vết cũ vẫn chưa sạch. Tẩy chay những tờ báo cùng giọng với bạo quyền về vụ Đồng Tâm là điều cá nhân tôi nghĩ tới và thực hiện. Chỉ có được, chứ chả mất gì, nếu có mất chỉ mất sự bực bội…

Một vết nhơ đáng xấu hổ, đầy máu và nước mắt như vụ Đồng Tâm mà còn bới ra, lôi ra xét xử, bất chấp phải trái, bất chấp dư luận và lòng người, thì các vị đừng có dẻo mồm kêu gọi dân chúng cùng đi tiến lên xã hội công bằng dân chủ văn minh với các vị nữa. Nếu giỏi, hãy tổ chức xử những người dân Đồng Tâm ngay ở làng Kình cho dân địa phương bày tỏ thái độ với các bị cáo, công khai cho cả nước biết “tội ác” của họ, các vị có dám không. Tòa ở trong lòng dân chứ không phải trong vòng vây của cảnh sát.

Nhà báo tự do Đỗ Ngà

Chúng ta thường thấy hệ thống tư pháp Việt Nam hay dùng cách xử lưu động như là một phương cách “làm gương” tốt, có tính răn đe, giáo dục, giúp người dân có cơ hội tiếp cận và trang bị cho họ những kiến thức pháp luật cần thiết để tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật. Nghe tưởng như đúng nhưng thực ra chính quyền hoàn toàn sai, ít nhất là có đến ba cái sai:

Cái sai thứ nhất, đó là không có một điều luật nào quy định chính quyền có quyền xử lưu động. Mà như ta biết, nhà nước chỉ làm những gì luật cho phép nên với với cách làm này chính quyền CS đã chà đạp lên luật pháp;

Cái sai thứ nhì, đó là việc xử lưu động là một hình thức xâm phạm quyền con người của bị cáo nghiêm trọng. Bị cáo nếu có phạm tội thì họ đã trả giá cho tội của họ bằng bản án, ngoài điều đó ra không ai có quyền tự cho mình cái quyền tự ý phạm tội với họ chỉ vì họ là tội phạm;

Cái sai thứ ba, đó là luật pháp quy định trẻ em dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án trừ trường hợp triệu tập. Thế nhưng xử lưu động thì ai cũng có thể chứng kiến, trong đó có những trẻ em tuổi còn rất nhỏ. Như ta biết, trẻ vị thành niên là lứa tuổi đang trong giai đoạn học hỏi để hình thành nhân cách. Tuổi càng nhỏ thì khả năng chọn lọc càng kém, đó là lý do tại sao luật pháp cấm trẻ em dưới 16 tuổi vào phòng xử án. Được biết, việc xét xử lưu động thường có cảnh diễn tả những hành động man rợ, thậm chí còn có thể có dựng hiện trường diễn lại hình thức phạm tội trước công chúng thì rõ ràng, đây là tấm gương xấu cho trẻ vị thành niên. Việc này rất nguy hiểm cho xã hội.

Ngày mai, chính quyền CS đưa 29 nông dân ở xã Đồng Tâm ra tòa xét xử với tội danh “giết người”. Cho đến nay, người ta không thể định nghĩa nổi cuộc tấn công của lực lượng công an vào thôn Hoành xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 09/01/2020 như thế nào cả. Là cưỡng chế ư? Nếu là cưỡng chế thì phải đưa quân vào khu đất tranh chấp chứ sao lại tấn công vào nhà dân, nơi mà cách khu vực tranh chấp đến 3 km? Vả lại, luật pháp quy định không được cưỡng chế từ 22 giờ đếm đến 6 giờ sáng ngày hôm sau và không được cưỡng chế vào ngày lễ ngày nghỉ. Vậy thì cuộc tấn công vào rạng sáng được định nghĩa thế nào đây? Rất khó.

Nếu định nghĩa là “cưỡng chế” thì rõ ràng cách cưỡng chế sai luật. Nếu cho rằng không phải là cưỡng chế thì chỉ có thể hoặc cướp hoặc hoặc tấn công giết người trả thù. Rõ ràng dù giải thíc cách nào thì hành động của chính quyền vào ngày hôm đó cũng là một hành động phạm pháp. Dân đồng Tâm dù có giết người thì về bản chất là họ chống lại một lực lượng đang phạm pháp tấn công họ, hành động của họ mang tính phòng vệ chính đáng. Còn phía ngược lại, hành động giết người của lực lượng công an CS đối với cụ Lê Đình Kình là cố sát. Tuy nhiên, điều nghịch lý là kẻ phòng vệ chính đáng lại bị đưa ra tòa xét xử còn thế lực cố sát không ai bị truy tố. Đó là bản chất của cái gọi là “pháp quyền XHCN”.

Thực ra ĐCS là một tập đoàn chính trị không có ý thức thượng tôn pháp luật. Xã hội ổn định, đời sống người dân có bình yên hay không nó phụ thuộc vào tính nghiêm minh của pháp luật. Một nhà nước mà cố tình chà đạp luật pháp thì nó không những tạo ra một môi trường xã hội với tội phạm nảy nở, Và chính nó cũng là một sự đe dọa khủng khiếp đối với người dân lương thiện. Sống dưới chế độ CS, người dân Việt Nam phải chịu rất nhiều tầng lớp đe dọa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: