Cuộc thí nghiệm vĩ đại

Đại cử tri đoàn tiểu bang Michigan họp để bỏ phiếu vào ngày 19 Tháng Mười Hai, năm 2016 tại Lansing, Michigan. (Minh họa: Sarah Rice / Getty Images)

Theo dõi các buổi điều trần của Uỷ Ban Đặc trách Điều tra vụ Tấn công vào Quốc Hội ngày 6 Tháng Một, chúng ta thường nghe Chủ tịch Bennie Thompson nhắc đến đạo luật Electoral Count Act (ECA). Vậy, nguồn gốc của ECA và những thay đổi cần thiết trong tương lai là gì?

Giết nhau chỉ vì một chiếc ghế

Hiến Pháp Mỹ quy định mỗi đại cử tri phải bỏ hai lá phiếu cho tổng thống. (Minh họa: Getty Images)

Thuở ban đầu, Hiến Pháp Mỹ quy định mỗi đại cử tri (Elector) phải bỏ hai lá phiếu cho tổng thống, rút từ danh sách các ứng cử viên có khi lên đến cả chục người. Ai nhận được đa số phiếu (50% + 1) sẽ làm tổng thống; người nhiều phiếu thứ nhì sẽ làm phó tổng thống.

Trong hai mùa bầu cử đầu tiên, điều này không là vấn đề, vì khi ấy đảng phái chính trị chưa thực sự thành hình. Vả lại, mọi người đều ủng hộ George Washington. Nhưng ngay sau khi Washington về hưu, chuyện lộn xộn xảy ra. John Adams thuộc đảng Federalist đắc cử Tổng thống mùa 1796. Nhưng Phó tổng thống lại là Thomas Jefferson thuộc đảng đối lập, Republican-Democratic. Chính quyền vì thế gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành đất nước, đặc biệt trong vấn đề đối ngoại.

Năm 1800 không ứng viên nào có đủ đa số để thắng cử. Quốc Hội phải đứng ra dàn xếp giữa hai ứng viên được nhiều phiếu nhất là Thomas Jefferson và Aaron Burr. Sau 35 cuộc bỏ phiếu bất phân thắng bại, cuối cùng Alexander Hamilton phản đảng Federalist, nhảy qua ủng hộ Jefferson. Ghim xương mối hận bị phản bội, Tháng Bảy năm 1804, Aaron Burr thách thức Hamilton đấu súng và… bắn chết bạn mình.

Tu Chính Án 12

Chỉ vài tháng trước khi án mạng xảy ra, Quốc Hội thông qua Tu Chính Án 12 để chỉnh đốn luật bầu cử. Chiếu theo đó, Đại Cử Tri Đoàn (Electoral College) phải họp mặt vào ngày Thứ Hai đầu tiên sau ngày Thứ Tư thứ nhì của Tháng Mười Hai để bỏ phiếu. Mỗi đại cử tri chỉ được bỏ một phiếu cho tổng thống và một phiếu cho phó tổng thống. Ngoài ra, mỗi đảng chính trị chỉ được đề cử ứng viên theo hình thức liên danh như chúng ta thấy ngày nay nhằm tránh trường hợp tổng thống và người phó không cùng đảng.

Nếu không liên danh nào đủ đa số phiếu, Hạ Viện có nhiệm vụ bầu tổng thống và phó tổng thống. Chuyện này đã xảy ra một lần vào năm 1824 giữa Andrew Jackson, John Quincy Adams (con John Adams) và hai ứng cử viên khác. Mặc dù Jackson được nhiều phiếu phổ thông và nhiều phiếu đại cử tri nhất trong kỳ bầu cử toàn quốc, ông lại thua John Quincy Adams tại Hạ Viện.

Không sờn lòng, bốn năm sau Jackson ra tranh cử lần nữa và đánh bại Adams. Lạ lùng là ông lại chọn John Calhoun, Phó tổng thống của Adams, làm phó tổng thống cho mình!

Tilden vs Hayes

Trong cuộc bầu cử 1876, nước Mỹ lại rơi vào khủng hoảng một lần nữa. Ứng viên Samuel Tilden được 184 phiếu, chỉ cần thêm một đại cử tri nữa là đủ chiếm đa số. Nhưng lúc bấy giờ vẫn còn 20 phiếu của bốn tiểu bang đang tranh chấp chưa được chứng thực. Rutherford B. Hayes tuy chỉ có 165 phiếu nhưng vẫn quả quyết 20 phiếu chưa đếm ấy trước sau gì cũng về tay mình. Thay vì chờ kết quả chính thức, bên nào cũng tuyên bố mình thắng.

Không ai biết phải giải quyết ra sao. Cuối cùng Lưỡng Viện lập ra một Uỷ ban Đặc biệt gồm 10 dân biểu và nghị sĩ của hai đảng, cùng năm vị thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện để phân xử. Sau nhiều ngày bàn cãi, cuối cùng Hayes được Uỷ Ban trao toàn bộ 20 phiếu đại cử tri đang tranh chấp nhờ có sự ủng hộ của Thượng Viện do đảng của ông Hayes cầm đầu. Ông Tilden tuy bị xử thua nhưng nhất quyết chống tới cùng, thậm chí còn dọa gây chiến.

Hình vẽ một đám đàn ông bị buộc tội gian lận cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống giữa Rutherford B. Hayes và Samuel J. Tilden, đang tranh luận với các quan chức tại New York, Tháng Mười Một, năm 1876. (ảnh: theo Stock Montage / Getty Images )

Lúc bấy giờ nước Mỹ vừa thoát khỏi cơn Nội Chiến và đang trong thời kỳ “Tái Thiết” (Reconstruction). Các tiểu bang miền Nam, đa số theo đảng Dân Chủ, vô cùng ghét chương trình này vì nó bảo vệ người cựu nô lệ. Để lấy lòng các tiểu bang miền Nam, đảng Cộng Hoà thoả hiệp bằng cách chấm dứt chương trình Tái Thiết, làm ngơ cho các chính quyền miền Nam áp dụng những sắc luật Jim Crow đàn áp người da Đen. Đổi lại, đảng Dân Chủ nhắm mắt chấp nhận kết quả bầu cử, cho phép Hayes lên làm tổng thống.

Đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử một ứng viên thắng cử dù không đủ phiếu đại cử tri. Và hậu quả của nó là nạn kỳ thị chủng sắc được nuôi dưỡng và kéo dài thêm cả thế kỷ.

“Treo cổ Mike Pence!”

Để tránh những trường hợp tương tự, năm 1877 Quốc Hội ra đạo luật đếm phiếu – Electoral Count Act (ECA), được sử dụng cho tới ngày nay.

Trước hết, ngày tân tổng thống nhậm chức được dời từ Tháng Ba sang Tháng Giêng để rút ngắn thời gian bàn giao chính quyền. Sáu ngày trước khi đại cử tri họp để bỏ phiếu, các vị thống đốc có trách nhiệm chứng thực kết quả bầu cử tại tiểu bang của mình. Ngày ấy được gọi là “Safe Harbor Day”, tạm dịch là “Vịnh An Toàn”. Đúng 12 giờ đêm, danh sách các đại cử tri (Slate of Electors) được tiểu bang chứng nhận sẽ trở thành chính thức và phải được Quốc Hội công nhận. Mọi tranh chấp sau ngày ấy đều hoàn toàn vô nghĩa, và đó là lý do dẫn đến mâu thuẫn chết người giữa Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence vào ngày 6 Tháng Giêng, 2021.

Sau ngày “Vịnh An Toàn” năm 2020, 306 phiếu đại cử tri đã được chứng thực cho Joe Biden; Donald Trump được 232 phiếu. Trên nguyên tắc thì “ván đã đóng thuyền,” nhưng tại một vài tiểu bang, số người ủng hộ Donald Trump vẫn cố tình lập ra những danh sách đại cử tri giả (không được chứng nhận) để tìm cách lật kèo kết quả bầu cử. Họ hy vọng đến ngày 6 Tháng Một Mike Pence sẽ đếm số phiếu giả này và trao chiến thắng cho Donald Trump một cách bất chính và phi pháp.

Nhưng như Uỷ Ban 6Tháng Một cho thấy, dù bị áp lực nặng nề từ sếp của mình, Mike Pence nhất quyết không làm chuyện vi hiến. Khi thấy Pence vẫn ngoan cố trong lúc đám đông đã tràn vào Điện Capitol, Trump tung ra một cú tweet lên án vị phó của mình, khiến đám người cuồng loạn càng nổi điên, kêu gào đòi “Treo cổ Mike Pence! Treo cổ Mike Pence!”

Cựu Phó Tổng thống Pence. (ảnh: Getty Images)

Cuộc thí nghiệm vĩ đại

Trong lúc Phó Tổng thống Pence và gia đình được được cấp tốc đưa xuống hầm trú ẩn, những người đòi lấy mạng ông Pence đã đến gần ông chưa đầy 15 thước. Vài thành viên của nhóm Proud Boys hiện đang ngồi tù khai rằng hôm đó nếu bắt được ông Pence hay bà Chủ tịch Hạ Viện Pelosi, họ sẽ không ngần ngại xử quyết ngay tại chỗ!

Nước Mỹ rất may mắn khi Mike Pence kiên định lập trường và làm tròn nhiệm vụ vủa mình. Giả sử ngày hôm đó Mike Pence mà tuân lệnh Donald Trump, rất có thể bạo loạn đã xảy ra trên toàn quốc. Một trong những công tác của Uỷ Ban 6 Tháng Một là đề xuất những thay đổi cần thiết trong đạo luật bầu cử để không một ai, dù là phó tổng thống hay chủ tịch Thượng hoặc Hạ Viện, có thể thay đổi mấy trăm triệu lá phiếu của cử tri. Đặc điểm của chế độ dân chủ Hoa Kỳ là nó luôn luôn cần sửa đổi, điều chỉnh.

Đó là lý do tại sao nước Mỹ còn được gọi là The Great American Experiment – cuộc thí nghiệm vĩ đại.

Đọc thêm:

-Phiên điều trần thứ ba: Ông Mike Pence thoát chết trong gang tấc

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: