Làm thế nào để “vực dậy” Kamala Harris?

Phó Tổng thống Kamala Harris trong chuyến công du Pháp trung tuần Tháng Mười Một (ảnh: Albert Cara/Anadolu Agency/Getty Images)

Làm thế nào để Phó Tổng thống Kamala Harris lấy lại được uy tín trên cương vị phó tổng thống của mình để có thể đại diện đảng trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2024?

Nguyên nhân

Kể từ khi nhậm chức vào Tháng Giêng, 2021, Phó Tổng thống Kamala Harris đã phải vật lộn để khẳng định được vị trí mình trong chính quyền Joe Biden và giành được sự ủng hộ của người dân Mỹ cũng như sự ưu ái của truyền thông. Giải bài toán này không hề đơn giản mà thực tế còn cho thấy tình hình đang trở nên tồi tệ hơn trong những tuần gần đây. Thông tin rò rỉ về các cuộc đụng độ giữa đội ngũ nhân viên của bà và nhân viên của Tổng thống chỉ làm lộ rõ chiều sâu của một vấn đề chưa tìm ra cách giải quyết. Dĩ nhiên, Harris không thể bị đổ lỗi hoàn toàn.

Ba tổng thống cuối cùng của Đảng Dân Chủ trước Biden: Jimmy Carter, Bill Clinton và Barack Obama là những người tương đối mới đối với giới chính trị Washington, nên họ khôn ngoan chọn người đồng tranh cử có nhiều kinh nghiệm hơn ở Washington, DC, đặc biệt là trong quan hệ với Quốc Hội. Kinh nghiệm chính trường và nghị trường cho phép các Phó Tổng thống Walter Mondale, Al Gore và Joe Biden lần lượt trở thành cố vấn quan trọng cho tổng thống với cương vị chủ tịch Thượng Viện và chủ toạ những phiên họp chung hai viện. Nhưng giải pháp này không thấy ở Biden và kết quả là ông có một phó tổng thống không quen thuộc lắm với không khí chính trị ở thủ đô nước Mỹ. Có thể là do Biden đã có gần nửa thế kỷ kinh nghiệm ở Washington nên không cần một phó tổng thống làm cố vấn chính trường và nghị trường.

Các cuộc tấn công nhằm vào Harris thường là về những sai sót lặt vặt như việc bà mua một chiếc bánh ở Chicago hoặc cách bà phát âm từ “the” trong chuyến đi mới đây đến Pháp. Tất cả có vẻ mang đậm màu sắc đảng phái chống lại một chính trị gia có thể trở thành ứng cử viên tổng thống tương lai và là phụ nữ da màu có địa vị cao nhất trong lịch sử chính trị Mỹ. Tuy nhiên, bà Harris cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích và soi xét khác. Thực tế cho thấy, bà không hoàn toàn vô tội hoặc là nạn nhân đơn thuần của định kiến. Harris đã trả lời nhiều cuộc phỏng vấn về các vấn đề quan trọng như nhập cư, và rõ ràng là những gì bà nói không có đủ sức thuyết phục của một phó tổng thống, một nhân tố chính trong chính quyền đương nhiệm.

Các cuộc chiến vất vả và gần như bất lực của Harris để khẳng định mình và mong được cử tri chấp nhận đã tạo ra một tình thế thực sự khó xử cho Đảng Dân Chủ khi cuộc bầu cử năm 2024 chỉ còn ba năm nữa. Có rất nhiều biến động sẽ xảy ra từ nay đến 2024, nhưng cũng có một số không thay đổi. Đó là sức khỏe và tuổi tác của Biden, một đề tài quan trọng nếu ông tái tranh cử, ngay cả khi đối thủ của ông là cựu Tổng thống Donald Trump, người chỉ trẻ hơn vài tuổi. Nếu vì lý do gì đó, Biden rút lui vào năm 2024, thì với tư cách là Phó Tổng thống đương nhiệm, cũng như những phó tổng thống trước đó, Harris sẽ dẫn đầu trong quá trình đề cử của đảng. Và dù số phiếu thăm dò của bà có thấp, cạnh tranh trong cuộc bầu cử sơ bộ vẫn sẽ gây chia rẽ lớn trong đảng Dân Chủ, vì bất cứ ai muốn đánh bại bà cũng phải quyết liệt truy đuổi người phụ nữ này đến cùng.

Bà Kamala Harris đang là tâm điểm của truyền thông, trong đó có loạt phóng sự điều tra nặng ký của CNN

Giải pháp

Rõ ràng, đây là cuộc chiến mà hầu hết đảng viên Dân Chủ không mong muốn nhưng khó lòng tránh được nếu tình huống diễn ra đúng kịch bản. Cả tuổi tác của Biden và gốc gác của Harris đều không phải là vấn đề mới mà đã được nói đến trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng năm 2020. Nhiều người hiểu rằng khi đề cử Harris đứng chung liên danh, Biden muốn chọn gương mặt đại diện cho tương lai của Đảng Dân Chủ. Chưa nói đến đây là quyết định đúng hay sai, nhưng cái giá phải trả không hề nhỏ.

Có một lối thoát phía trước cho cả Phó Tổng thống lẫn chính quyền Biden nếu họ biết tạo điều kiện và hỗ trợ Harris đi vào đúng các lĩnh vực “quen thuộc và thế mạnh” của bà để “dễ thành công hơn” và được truyền thông chấp nhận hơn. Thay vì giao cho bà các trọng trách “xa lạ, mơ hồ và khó khăn” như nhập cư, Biden nên biến Phó Tổng thống thành “người đại diện” cho thành công lớn nhất của chính quyền đương nhiệm cho đến nay: Dự luật cơ sở hạ tầng (the infrastructure bill), mà ông đã ký thành luật ngày 15 Tháng Mười Một. Dự luật sẽ mở đường cho nhiều dự án mới thu hút đầu tư và việc làm trên khắp đất nước.

Cụ thể là, mỗi khi động thổ dự án mới, chẳng hạn như cầu và đường cao tốc ở bang Michigan; dự án băng thông rộng ở nông thôn bang Texas, Georgia; hoặc khánh thành đoàn tàu nhanh mới Amtrak ở hành lang Đông Bắc, Harris nên có mặt và giải thích lý do tại sao dự án lại mang lại lợi ích cho cộng đồng sở tại và cho đất nước. Lúc đó, người dân Mỹ chắc chắn sẽ bắt đầu nhớ đến Phó Tổng thống không phải là về biên giới hay “thế yếu” của bà trong Toà Bạch Ốc, mà là những thành tựu quan trọng cho cộng đồng của họ thông qua những dự án bà khởi công.

Ngoài ra, khi đến động thổ các dự án cơ sở hạ tầng, Harris còn có cơ hội xuất hiện trên các phương tiện truyền thông địa phương, vốn vẫn quan trọng ở nhiều vùng hẻo lánh của đất nước. Các cuộc phỏng vấn trên truyền thông sẽ giúp bà tìm hiểu nguyện vọng người dân và giải thích tại sao dự án mới lại tốt cho cộng đồng, cho tiểu bang thụ hưởng. Đi chu du khắp nước Mỹ theo cách này cũng sẽ cho Harris cơ hội xây dựng mối quan hệ với các tổ chức đảng Dân Chủ địa phương ở cấp tiểu bang và những người trong các tổ chức đó. Đó là những nhân tố cực kỳ quan trọng cho tương lai của bà trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Một số chuyến thăm kết hợp khánh thành dự án sẽ là dịp gây quỹ cho các tổ chức đảng địa phương, giúp tăng cường mối quan hệ giữa Harris và các tổ chức này khi bà có đóng góp thiết thực cho họ.

Bất chấp khởi đầu không êm ả so với nhiều phó tổng thống đi trước, Harris vẫn có khả năng trở thành một ứng cử viên tổng thống rất nặng ký. Thành tích tiến bộ của bà tại Thượng Viện Mỹ được tôi luyện bởi những năm bà làm công tố viên. Ngoài ra, còn một câu chuyện cá nhân và lý lịch ấn tượng. Là phụ nữ Mỹ da màu, bà có được số phiếu gần như tuyệt đối của thành phần dân số mà đảng Dân Chủ cần để chiến thắng. Có thể Harris không phải là ứng viên hoàn hảo thế chỗ cho Biden vào năm 2024, nhưng “chi phí” thay thế bà quá cao nên đảng Dân Chủ có thể không có chọn lựa nào khác ngoài việc tập trung cho bà. Ba năm còn lại vẫn đủ để chính quyền Biden giao “đúng người đúng việc” cho Harris để bà sớm khẳng định lại vai trò Phó Tổng thống đang thực thi, thu hút sự ủng hộ của công chúng và nhận được đánh giá tích cực hơn của truyền thông.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: