Vụ đắm tàu Titan, có một ‘vùng xám chưa được phơi bày’

Tàu Titan dưới độ sâu gần 2.5 dặm. (ảnh: OceanGate)

Vài mảnh vỡ từ xác tàu lặn Titan, trong đó có phần mũi tàu và một bảng điều khiển, được đưa về cảng St. John, Canada, hôm 28 Tháng Sáu.

Như vậy là trong hơn 10 ngày đêm, Pelagic Research, công ty Mỹ sở hữu robot điều khiển từ xa Odysseus được dùng trong quá trình tìm kiếm tàu Titan, đã hoàn thành nhiệm vụ. “Việc tìm kiếm và thu hồi xác tàu rất nguy hiểm, nhưng nhóm trục vớt vẫn làm việc suốt ngày đêm, họ gần như không ngủ trong khi làm việc,” phát ngôn viên Jeff Mahoney của Pelagic Research nói.

Tuy nhiên, công việc chưa thể nói là kết thúc, vì theo Jason Neubauer, trưởng nhóm điều tra về tai nạn tàu Titan, còn nhiều việc phải làm để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới thảm kịch của tàu Titan, cũng như ngăn cản một vụ thứ hai xảy ra tương tự. Các mảnh vỡ từ tàu Titan sẽ được chuyển tới Mỹ để phân tích, tuần duyên Mỹ sau đó xác nhận có thể đã thu được các mảnh thi thể của nạn nhân trên tàu trong khi trục vớt.

Tàu ngầm Titan thám hiểm xác tàu Titanic của công ty OceanGate. (Ảnh:Ocean Gate / Handout/Anadolu Agency via Getty Images)                

Tàu lặn Titan bị mất liên lạc từ hôm 18 Tháng Sáu, chỉ gần hai tiếng sau khi rời tàu mẹ Polar Prince để bắt đầu hành trình thám hiểm xác Titanic. Hôm 22 Tháng Sáu, tuần duyên Mỹ xác nhận con tàu bị ép nát dưới đáy biển, khiến năm người trong khoang thiệt mạng, vì tàu Titan bị nghiền nát do áp suất nước khổng lồ ở độ sâu gần 2.5 dặm, khiến các nạn nhân gần như chết ngay tức khắc. Các mảnh vỡ được tìm thấy ở khu vực cách mũi xác tàu Titanic chỉ khoảng 0.3 dặm.

Hiện nay chưa rõ tai nạn là do trục trặc kỹ thuật của tàu hay thao tác sai của con người.  Theo Washington Post, ước tính sơ bộ của Mark Cancian, Cố vấn cấp cao tại Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) cho thấy chiến dịch tìm kiếm tàu lặn Titan là hơn $1.2 triệu. Nhưng Cancian cho biết con số thực tế có thể cao hơn, vì ước tính này chỉ mới dựa trên chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng phương tiện và nhân lực đã được huy động tham gia chiến dịch tìm kiếm.

Chưa có câu trả lời cho thắc mắc bên nào sẽ phải trả khoản chi phí này, vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Chiến dịch tìm kiếm có liên quan các công ty tư nhân và tàu nghiên cứu mang theo phương tiện điều khiển từ xa (ROV). Có thể chính phủ Mỹ sẽ chỉ trả cho những tổ chức này nếu họ ký hợp đồng với Ngũ Giác Đài.

Cách đây 111 năm, vụ đắm tàu Titanic khiến hơn 1,500 người thiệt mạng, người ta nghĩ đến việc phải làm sao để ngăn một thảm kịch khác xảy ra. Bây giờ, sau thảm kịch tàu lặn Titan, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn những quy tắc quản lý loại hình du lịch thám hiểm cao cấp này.

Bức họa cảnh tàu Titanic chìm vào đêm 14 Tháng Tư 1912 của họa sĩ Willy Stoewer. (ảnh: Getty Images)

Tàu Titanic là tàu biển lớn nhất thế giới vào thời điểm nó được hạ thủy năm 1911, theo Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ, được chế tạo bằng những công nghệ tiên tiến đến mức nhiều người tin rằng nó không thể bị chìm, nhưng nó đã chìm. Hồi năm 2019, OceanGate, công ty vận hành Titan, từng tuyên bố chiếc tàu lặn này an toàn, chỉ là công nghệ của nó “vượt xa khả năng thẩm định của các cơ quan quản lý”.

Vấn đề ở chỗ, Titan hoạt động trong vùng biển quốc tế và không treo cờ của nước nào, nên cũng không được quốc gia nào quản lý, và theo giáo sư Sal Mercogliano, nhà sử học hàng hải tại Đại học Campbell University, North Carolina, cho biết, Titan không cần tuân thủ các quy định an toàn của một nước nhất định, và “đó là một vùng xám vừa được phơi bày ra ánh sáng.”

Dù các nhà sáng tạo và nhà thám hiểm có thể vượt qua những giới hạn hoặc thậm chí phá vỡ quy tắc để đạt được tiến bộ khoa học, nhiều chuyên gia cho rằng nên đặt ra những quy định an toàn cao hơn đối với hành khách trả tiền để thực hiện những chuyến đi như trên tàu Titan, và cần suy nghĩ lại về cách quản lý các cuộc thám hiểm như vậy bằng quy tắc quốc tế.

(tổng hợp)

Vụ nổ tàu lặn Titan và lời nguyền Titanic

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: