Afghanistan: Lo lắng Taliban lạm dụng các cơ sở dữ liệu do Hoa Kỳ xây dựng

Lực lượng Taliban đã hoàn toàn làm chủ phi trường quốc tế Hamid Karzai sau khi quân đội Mỹ chính thức rút khỏi Afghanistan từ ngày 31 Tháng Tám 2021 (ảnh: Marcus Yam/Los Angeles/Getty Images)

Trong hơn hai thập niên chiếm đóng Afghanistan, Hoa Kỳ và các đồng minh đã chi hàng trăm triệu đôla để xây dựng cơ sở dữ liệu (database) người dân cho chính phủ Afghanistan. Bây giờ những cơ sở dữ liệu kỹ thuật số quý giá đó đã rơi vào tay Taliban và có nguy cơ bị sử dụng làm công cụ để theo dõi, đàn áp người dân cũng như trả thù những người làm việc trong chính quyền cũ hoặc cộng tác với Hoa Kỳ và đồng minh.

Mục tiêu của việc xây dựng cơ sở dữ liệu là rõ ràng: Thúc đẩy luật pháp và trật tự, trách nhiệm giải trình của chính phủ và phục vụ hiện đại hóa đất nước. Nhưng việc sử dụng những dữ liệu đó đúng mục đích – như thúc đẩy giáo dục, trao quyền cho phụ nữ, chống tham nhũng – đòi hỏi một chế độ dân chủ có trách nhiệm và ổn định.

Frank Pasquale, học giả về công nghệ giám sát của Trường Luật Brooklyn nhận định: “Đó là một sự mỉa mai khủng khiếp, minh họa cho thực tế ‘Đường đến địa ngục được lát bằng những ý định tốt’”

***

Từ khi Kabul thất thủ vào ngày 15 tháng Tám, đã có các dấu hiệu cho thấy dữ liệu của chính phủ Afghanistan có thể đã được Taliban sử dụng để xác định và đe dọa những người đã cộng tác với lực lượng Hoa Kỳ.

Neesha Suarez, giám đốc dịch vụ cử tri của Dân biểu Seth Moulton ở Massachusetts – một cựu chiến binh tham gia chiến tranh Iraq, và hiện đang cố gắng giúp những người Afghanistan từng làm việc với Mỹ đang mắc kẹt tìm ra lối thoát – nói rằng nhiều người đã nhận được những cuộc điện thoại đe dọa, tin nhắn đáng sợ.

Một nhà thầu cho quân đội Mỹ, ẩn danh, 27 tuổi, ở Kabul nói với hãng tin Associated Press rằng anh đã nhận được điện thoại triệu tập đến Bộ Quốc phòng. Trước đây anh và các đồng nghiệp được người Mỹ thuê phát triển cơ sở dữ liệu dùng để quản lý lực lượng quân đội và cảnh sát. Anh ta đang lẩn trốn, thay đổi vị trí hàng ngày, và yêu cầu không đăng danh tính vì sự an toàn của anh ta.

Ali Karimi, một học giả của Đại học Pennsylvania, lo lắng các cơ sở dữ liệu sẽ cung cấp cho những người cầm quyền mới của đất nước “khả năng tương tự như một cơ quan chính phủ Hoa Kỳ trung bình khi nói đến giám sát và ngăn chặn.”

Ông Nader Nadery, thành viên đoàn đàm phán hòa bình và là người đứng đầu ủy ban dịch vụ dân sự trong chính phủ cũ đã bị giải tán nói rằng, tất cả người Afghanistan – và các đối tác quốc tế – có nghĩa vụ cùng nhau đảm bảo dữ liệu nhạy cảm của chính phủ chỉ được sử dụng cho “mục đích phát triển” chứ không phải để lập chính sách hoặc kiểm soát xã hội hay để phục vụ các chính phủ khác trong khu vực. Tuy nhiên, quan điểm của ông Nadery khó mà được Taliban chia sẻ.

***

Trong số các cơ sở dữ liệu, đáng lo ngại nhất và nhạy cảm nhất là dữ liệu nhân sự được dùng để trả lương cho binh lính và cảnh sát của chế độ cũ.

Một quan chức an ninh cấp cao của chính phủ đã sụp đổ cho biết cơ sở dữ liệu kỹ thuật số Hệ thống Nhân sự và Trả lương Afghanistan có dữ liệu về hơn 700.000 thành viên lực lượng an ninh, kéo dài suốt 40 năm. Ban đầu cơ sở dữ liệu này được hình thành để chống gian lận trong biên chế, chống kê khai “lính ma”, “lính kiểng” để lãnh lương. Hơn 40 trường dữ liệu (data field) của nó bao gồm ngày sinh, số điện thoại, tên của cha và ông nội, dấu vân tay, hình ảnh mống mắt và khuôn mặt. 

Chỉ những người dùng được ủy quyền mới có thể truy cập vào hệ thống đó, vì vậy nếu Taliban không thể tìm thấy người có trách nhiệm, họ có thể sẽ cố “phá khóa” (hack) nó, một cựu quan chức yêu cầu giấu tên cho biết vì sợ sự an toàn của những người thân ở Kabul. Cựu quan chức này cũng cho rằng cơ quan tình báo ISI của Pakistan, lâu nay là người bảo trợ của Taliban, chắc chắn sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các chiến binh Taliban. Các nhà phân tích Mỹ cho rằng tình báo Trung Quốc, Nga và Iran có thể cung cấp các dịch vụ “phá khóa” như vậy.

Một cơ sở dữ liệu nhận dạng sinh trắc học tự động dùng để kiểm tra sự trung thành của các tân binh và cảnh sát mới tuyển chứa đến 8.5 triệu hồ sơ, bao gồm cả kẻ thù của chính phủ và dân thường. Khi Kabul thất thủ, cơ sở dữ liệu này đang được nâng cấp, cùng với một cơ sở dữ liệu tương tự ở Iraq, theo một hợp đồng trị giá $75 triệu được ký vào năm 2018. 

Các quan chức Mỹ nói rằng cơ sở dữ liệu này đã được bảo mật trước khi Taliban có thể tiếp cận nó. Ông William Graves, kỹ sư trưởng tại văn phòng quản lý dự án sinh trắc học của Ngũ Giác Đài, cho biết trước khi Hoa Kỳ rút quân, toàn bộ cơ sở dữ liệu này đã bị xóa bằng phần mềm xóa dữ liệu cấp quân sự. Tương tự, 20 năm dữ liệu thu thập được từ các vụ theo dõi điện thoại và internet kể từ năm 2001 của cơ quan tình báo Afghanistan cũng đã bị xóa sạch.

Trong số các cơ sở dữ liệu quan trọng vẫn còn tồn tại là Hệ thống Thông tin Quản lý Tài chính Afghanistan, chứa nhiều thông tin chi tiết về các nhà thầu nước ngoài và một cơ sở dữ liệu của Bộ Kinh tế Afghanistan tổng hợp tất cả các nguồn tài trợ của cơ quan viện trợ và phát triển quốc tế, một cựu quan chức an ninh cho biết.

Sau đó là cơ sở dữ liệu sinh trắc học – với hình ảnh mống mắt và dấu vân tay của khoảng 9 triệu người Afghanistan – do Cơ quan Thông tin và Thống kê Quốc gia kiểm soát. Trong những năm gần đây, Afghanistan yêu cầu công dân phải quét sinh trắc học (biometric scan) khi làm hộ chiếu hoặc giấy phép lái xe, tham gia kỳ thi công chức hoặc thi vào đại học.

Các tổ chức viện trợ phương Tây do Ngân hàng Thế giới đứng đầu đã ca ngợi tiện ích của cơ sở dữ liệu kỹ thuật số trong việc trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt trong việc xác lập quyền sở hữu đất và vay vốn ngân hàng. Các cơ quan này đã làm việc để tạo ra hệ thống thẻ căn cước (ID) điện tử, được gọi là e-Tazkira, mô phỏng phần nào hệ thống thẻ căn cước quốc gia có bao gồm các dữ liệu sinh trắc học của Ấn Độ. 

Một quan chức phương Tây hỗ trợ tổ chức bầu cử ở Afghanistan nói chưa rõ liệu cơ sở dữ liệu ghi danh cử tri – hồ sơ của hơn 8 triệu người Afghanistan mà ông gọi là “chiếc rương kho báu” – có rơi vào tay Taliban hay không, quan chức này cho biết. Các bản in đầy đủ đã được sử dụng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2019, mặc dù hồ sơ sinh trắc học được sử dụng sau đó để xác minh cử tri chống gian lận đã được nhà cung cấp công nghệ Đức giữ lại. Sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2018, có 5,000 thiết bị sinh trắc học cầm tay được sử dụng để lấy dữ liệu đã bị mất mà không giải thích được.

Tuy nhiên, vẫn còn một cơ sở dữ liệu quý khác mà Taliban thừa kế được bao gồm hình ảnh mống mắt, khuôn mặt và dấu vân tay của 420.000 nhân viên chính phủ, hợp nhất với cơ sở dữ liệu về căn cước công dân e-Tazkira.

Vào ngày 3 tháng Tám, một trang web của chính phủ đã giới thiệu những thành tựu kỹ thuật số của Tổng thống Ashraf Ghani, nói rằng thông tin sinh trắc học về “tất cả công chức, từ mọi nơi trên đất nước” sẽ cho phép họ liên kết với các ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ di động để thanh toán điện tử. Các cơ quan của Liên Hợp Quốc cũng đã thu thập sinh trắc học về người Afghanistan để phân phối thực phẩm và theo dõi người tị nạn.

***

Sự tích tụ thông tin cá nhân vào những cơ sở dữ liệu kỹ thuật số như vậy là điều làm cho 37 nhóm tự do dân sự kỹ thuật số lo lắng. Họ đã gửi một lá thư ngày 25 tháng Tám cho chính phủ Hoa Kỳ và đồng minh kêu gọi đóng cửa và xóa khẩn cấp, nếu có thể, các “công cụ nhận dạng kỹ thuật số” ở Afghanistan. Bức thư cho biết các chế độ độc tài đã khai thác các dữ liệu như vậy “để nhắm mục tiêu vào những người dễ bị tổn thương” và cơ sở dữ liệu số hóa, có thể tìm kiếm dễ dàng, đang làm gia tăng các rủi ro. 

Giáo sư John Woodward, Đại học Boston và là cựu sĩ quan CIA, người đi tiên phong trong việc thu thập dữ liệu sinh trắc học của Ngũ Giác Đài, rất lo lắng về việc các cơ quan tình báo thù địch với Hoa Kỳ có quyền truy cập vào kho dữ liệu còn để lại Afghanistan. “ISI (tình báo Pakistan) muốn biết ai đã làm việc cho người Mỹ,” và Trung Quốc, Nga và Iran đều có chương trình hành động của riêng họ. Đặc vụ của họ chắc chắn có kỹ thuật để đột nhập vào cơ sở dữ liệu được bảo vệ bằng mật khẩu, ông Woodward nói.

(theo AP)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: