Trung Quốc thao túng World Bank để tăng điểm xếp hạng

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (phải) và Tổng giám đốc IMF, cựu giám đốc WB Kristalina Georgieva (trái) gặp gỡ tại Bộ Tài chính hôm 01 tháng Bảy 2021 trước khi nổ ra vụ tai tiếng ở World Bank liên quan tới bà Georgieva. Theo Bloomberg, Bộ trưởng Yellen đã không nhận điện thoại của bà Georgieva sau vụ scandal. Ảnh Anna Moneymaker/Getty Images

Trung Quốc thường xuyên lũng đoạn các định chế quốc tế để phục vụ cho lợi ích của mình. Vụ tai tiếng mới đây tại Ngân hàng Thế giới một lần nữa chứng tỏ các tổ chức quốc tế vẫn tiếp tục chiều theo các đòi hỏi của Trung Quốc mà bỏ qua các chuẩn mực khách quan.

Vụ tai tiếng bị phơi bày vào giữa tháng trước sau khi một cuộc điều tra của công ty luật WilmerHale tiết lộ rằng cựu Giám đốc Điều hành của World Bank (WB), bà Kristalina Georgieva và các nhà lãnh đạo khác đã gây áp lực buộc nhân viên của WB phải sửa đổi số liệu và tiêu chuẩn nhằm nâng vị thứ xếp hạng của Trung Quốc lên cao hơn thực tế trong báo cáo thường niên Doing Business năm 2018, theo tường thuật của báo The Wall Street Journal.

Bà Kristalina Georgieva, quốc tịch Bulgaria, đã thôi chức giám đốc điều hành WB và hiện là Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund – IMF). Ban lãnh đạo mới của WB đã thuê công ty luật WilmerHale thực hiện cuộc điều tra độc lập thẩm tra lại công việc đánh giá xếp hạng của WB sau khi có một báo cáo nội bộ vào năm ngoái cho biết có những bất thường về dữ liệu trong công việc này. 

Kết luận điều tra của công ty WilmerHale nói rằng, các nhân viên của WB biên soạn báo cáo Doing Business năm 2018 chuẩn bị hạ vị thứ của Trung Quốc trong bảng xếp hạng xuống vị trí 85 từ vị trí 78 của năm trước. Nhưng việc xếp hạng xảy ra vào thời điểm WB đang cố tăng vốn bằng cách huy động đóng góp của các cổ đông. Trung Quốc là cổ đông lớn thứ ba của WB, được cho là sẽ đóng một “vai trò quan trọng”. Cuộc điều tra cho thấy bà Georgieva “trực tiếp tham gia vào các nỗ lực cải thiện thứ hạng của Trung Quốc”, chẳng hạn như yêu cầu nhân viên thực hiện những thay đổi cụ thể đối với các điểm dữ liệu của Trung Quốc và tăng thứ hạng của nước này. Kết quả là Trung Quốc giữ nguyên vị trí của năm trước.

Báo cáo viết: “Các nhân viên xếp hạng và hồ sơ được cho biết rằng các hướng dẫn để thay đổi dữ liệu của Trung Quốc đến từ cấp quản lý cao nhất của ngân hàng.” Chủ tịch của WB khi đó là ông Jim Yong Kim, một bác sĩ người Mỹ gốc Nam Hàn. Báo cáo WilmerHale kết luận các nhân viên WB biết rằng những thay đổi như vậy là “không phù hợp” nhưng sợ bị trả thù nếu họ bày tỏ lo ngại.

Chưa rõ chính phủ Bắc Kinh tác động như thế nào tới việc bà Georgieva và ông Jim Yong Kim để nâng bậc thứ hạng về môi trường kinh doanh của Trung Quốc; nhưng ngoài việc nâng hạng cho Trung Quốc, bà Georgieva được biết cũng đã chỉ trích giám đốc quốc gia của WB tại Trung Quốc, cho rằng người này đã “quản lý sai” mối quan hệ của WB với Bắc Kinh và không đánh giá được mức độ quan trọng của “thứ hạng kinh doanh” đối với giới lãnh đạo Trung Quốc. 

Bà Georgieva nói rằng những lời buộc tội trong kết luận điều tra là “sai sự thật và giả mạo.”

***

Vấn đề không đơn giản chỉ là nâng vị thứ của Trung Quốc lên bảy bậc mà điều đó đã có tác động mạnh đến dòng chảy đầu tư của thế giới. Các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, quỹ hưu bổng thường coi các đánh giá của báo cáo Doing Business của WB như một nguồn tham khảo đáng tin cậy để quyết định sẽ rót tiền đầu tư vào đâu; các công ty sản xuất kinh doanh cũng dựa vào đó để hoạch định các kế hoạch mở rộng hoạt động, mở rộng thị trường. 

Từ năm 2002, WB bắt đầu soạn thảo và công bố báo cáo thường niên Doing Business, xếp hạng các nền kinh tế về độ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong 190 nền kinh tế. Đây được coi là công việc có ý nghĩa nhất của WB. Báo cáo đánh giá độ thuận lợi của một nền kinh tế theo nhiều khía cạnh, chẳng hạn như việc thành lập công ty dễ hay khó, xin giấy phép xây dựng như thế nào, có phải lót tay không, có dễ kết nối vào mạng lưới điện hay không, luật lệ về phá sản như thế nào v.v… Để thực hiện báo cáo đánh giá, WB đã thu thập thông tin từ hàng chục ngàn kế toán viên, luật sư và các chuyên viên khác ở 190 quốc gia. Trong báo cáo Doing Business năm 2019, New Zealand được xếp đầu bảng, thứ nhất và Somalia xếp cuối bảng, thứ 190; Hoa Kỳ xếp thứ sáu. Báo cáo năm 2021 đã bị xếp xó do có nhiều mối nghi ngờ về tính chất khách quan và chính xác trong sự đánh giá của WB sau vụ tai tiếng của các bảng xếp hạng năm 2018 và 2020.

Theo giáo sư Eswar Prasad, giáo sư về chính sách thương mại tại Đại học Cornell, báo cáo thường niên Doing Business của World Bank đã đánh mất uy tín vốn có của nó. “Trong những năm gần đây, sự chính trị hóa ngày càng tăng trong việc trình bày và phân tích dữ liệu của báo cáo đã làm giảm uy tín và giá trị của nó đối với các nhà đầu tư quốc tế,” ông Prasad nói với báo The Tribune.

Trong tình hình đó, Chủ tịch hiện thời của WB, ông David Malpass, đã đình chỉ việc phát hành các báo cáo thường niên Doing Business. Thay vì xếp hạng, WB nói họ đang “đưa ra một cách tiếp cận mới để đánh giá môi trường kinh doanh và đầu tư”, chẳng hạn như cung cấp dữ liệu thô và để các nhà đầu tư tự đưa ra kết luận. WB cho rằng đây sẽ là cách tốt nhất trong điều kiện các phán quyết của WB bị chính trị quốc gia làm hỏng.

***

Theo một quy luật bất thành văn, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF thường do Liên minh châu Âu giám sát, còn World Bank thuộc trách nhiệm của Hoa Kỳ. Vì vậy, vụ scandal tại World Bank đã thu hút sự quan tâm của các nghị sĩ trong Quốc Hội Mỹ.

Tuần này, Thượng nghị sĩ Jim Risch thuộc đảng Cộng Hòa và Thượng nghị sĩ Bob Menendez, đảng Dân Chủ, đã kêu gọi Bộ Tài chính Hoa Kỳ “đảm bảo trách nhiệm giải trình đầy đủ” về những gì đã xảy ra tại World Bank và tại sao lại như vậy. Hãng tin Bloomberg đưa tin rằng Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã từ chối các cuộc gọi điện thoại của bà Georgieva kể từ khi vụ bê bối nổ ra. 

Các nghị sĩ nêu lên một khả năng là các nhà lãnh đạo WB đã nhượng bộ Trung Quốc khi soạn thảo báo cáo Doing Business trong bối cảnh có cuộc tranh chấp về vai trò của Trung Quốc trong việc tái cấp vốn cho ngân hàng. Bắc Kinh thất vọng vì họ không được phép có tiếng nói lớn hơn trong quản trị WB và một sự nhượng bộ về xếp hạng có thể an ủi Trung Quốc và làm cho họ hài lòng hơn. 

Vụ bê bối này là một triệu chứng của một vấn đề lớn hơn cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng rất mạnh trong các định chế đa phương như World Bank hay thậm chí cả Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc có thói quen biến các định chế này phục vụ lợi ích của đảng Cộng sản. Sự trung thành của Tổ chức Y tế Thế giới đối với Bắc Kinh trong đại dịch Covid-19 là một ví dụ.

Cũng theo giáo sư Prasad, “Trung Quốc rõ ràng không ngại sử dụng ảnh hưởng ngày càng tăng của mình trong các tổ chức quốc tế để kiểm soát câu chuyện về các nền nền kinh tế và các lựa chọn chính sách của chính phủ. Đối với các tổ chức quốc tế việc giữ cho một cổ đông lớn như Trung Quốc hài lòng có khi vượt quá các cân nhắc phân tích khách quan.”

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: