“Bạch Chỉ cách mạng”

Bắc Kinh, ngày 28 Tháng Mười Một 2022 – ảnh: Kevin Frayer/Getty Images
Thời Sự
Thời Sự
“Bạch Chỉ cách mạng”
/

“Chúng tôi không muốn thấy những kẻ cai trị chúng tôi suốt đời”

“Trung Quốc không cần hoàng đế”

“Những nạn nhân đó, họ chết như thế nào, chúng ta đều rõ. Đúng không?”

“Chúng tôi muốn tự do!”

“Tập Cận Bình, hãy từ chức!”

“Đả đảo Đảng Cộng sản!”

“Nếu vì sợ bị bắt mà chúng tôi không nói, tôi tin đồng bào sẽ thất vọng về chúng tôi. Là một sinh viên Thanh Hoa, tôi sẽ hối hận cả đời (nếu không lên tiếng).”

__________

Trung Quốc: Cái giá của “zero-COVID”

__________

Hàng ngàn, có thể hàng chục ngàn, người Trung Quốc đang xuống đường tại ít nhất 16 thành phố lớn. Gần như mọi người cầm tờ giấy trắng, ám chỉ sự kiểm duyệt tuyệt đối và người dân không bao giờ có thể lên tiếng. Tuy nhiên, lần đầu tiên sau nhiều thập niên, 33 năm sau sự kiện Thiên An Môn, thanh niên Trung Quốc đã mạnh mẽ gào thét: Đả đảo Tập Cận Bình! Đả đảo đảng cộng sản! Sự kiện xảy ra chỉ vài tuần Trung Quốc tổ chức Đại hội đảng ầm ĩ và Tập Cận Bình tiếp tục đắc thắng giữ ngai hoàng đế.

Loạt cuộc biểu tình đã và tiếp tục nổ ra nhiều thành phố và trong các trường học trên khắp Trung Quốc, khi những người dân thất vọng và phẫn nộ xuống đường trong một làn sóng chống đối gây kinh ngạc và chấn động chống lại chính sách “không Covid” của chính phủ trung ương lẫn chính quyền địa phương. Hàng ngàn người dân Thượng Hải, thành phố đông dân nhất Trung Quốc, đã tụ họp vào tối thứ Bảy và đầu Chủ nhật, kêu gọi chấm dứt chính sách phong tỏa đại dịch và hô vang: “Chúng tôi muốn tự do!” và “Mở cửa Tân Cương, mở cửa toàn bộ Trung Quốc!” Cảnh ấn tượng và gây sốc nhất là người ta hô vang: “Tập Cận Bình, hãy từ chức!” và “Đảng Cộng sản, hãy thoái lui!”

Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images

Như hồi Thiên An Môn 1989, lần này sự kiện “Bạch Chỉ cách mạng” cũng bùng phát tại các trường đại học ở Bắc Kinh, Tây An và Nam Kinh. Sự thịnh nộ dư luận bùng lên sau khi xảy ra một vụ hỏa hoạn thảm thương gây chết người ở Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề), thủ phủ của Tân Cương thuộc Tây Bắc Trung Quốc, vào thứ Năm. Mười người, trong đó có ba trẻ em, đã thiệt mạng sau khi lực lượng cứu hỏa không thể dập tắt một tòa nhà chung cư chìm trong biển lửa. Người dân đổ lỗi rằng chính các biện pháp phong tỏa COVID-19 đã cản trở nỗ lực chữa cháy. Urumqi đã bị phong tỏa hơn 100 ngày, người dân không thể rời khỏi khu vực và nhiều người buộc phải ở nhà.

Phản ứng lấp liếm của giới chức địa phương lẫn trung ương càng châm dầu vào lửa. Họ nói sự việc chẳng liên quan gì đến chính sách thắt chặt phong tỏa do Covid mà do “khả năng tự chữa cháy của tòa nhà chung cư quá yếu”. Toàn cảnh, “Bạch Chỉ Cách mạng” là sự kiện chính trị lớn nhất Trung Quốc trong ba thập niên qua. Vào thứ Bảy, cư dân Thượng Hải tập trung để thắp nến cầu nguyện cho những nạn nhân chết cháy. Họ hát quốc ca Trung Quốc cũng như bài “Quốc tế ca”. Họ gào lên, “Nhân dân muôn năm!” Gần như ai cũng cầm tờ giấy trắng. Một số người giơ cao mảnh giấy có số “10” được viết bằng ký tự Duy Ngô Nhĩ và ký tự Hoa ngữ để ám chỉ 10 nạn nhân ở Urumqi.

Tại Đại học Truyền thông Trung Quốc ở Nam Kinh, các áp phích “không Covid” đã bị sinh viên tức giận gỡ xuống. Loạt video đăng trên phương tiện truyền thông xã hội vào Chủ Nhật cho thấy một đám đông sinh viên tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh giơ cao những mảnh giấy trắng và hô vang: “Dân chủ, pháp quyền, tự do ngôn luận!” Qua loa phóng thanh, một cô gái trẻ hét lên: “Nếu vì sợ bị bắt mà chúng tôi không nói, tôi tin đồng bào sẽ thất vọng về chúng tôi. Là một sinh viên Thanh Hoa, tôi sẽ hối hận cả đời (nếu không lên tiếng).”

Theo các bài đăng trên mạng xã hội, đám đông cũng tập trung tại Học viện Mỹ thuật Tây An, giơ cao điện thoại như một phần trong buổi lễ tưởng niệm những người đã chết ở Urumqi. Tại Thành Đô, một thành phố phía Tây Nam, video cho thấy mọi người tập trung trên đường phố vào cuối Chủ Nhật. “Chúng tôi không muốn thấy những kẻ cai trị chúng tôi suốt đời,” họ hét lên. “Trung Quốc không cần hoàng đế.” “Những nạn nhân đó, họ chết như thế nào, chúng ta đều rõ. Đúng không?” – một người hô to… Hàng trăm người biểu tình cũng xuống đường ở Vũ Hán, thành phố miền Trung Trung Quốc, nơi bắt nguồn đại dịch vào cuối năm 2019. Nhiều đám đông cũng tụ tập ở Thành Đô, thành phố phía Tây Nam Trung Quốc…

Sự kiện hỏa hoạn ở Urumqi xảy ra sau vụ tai nạn xe buýt hồi Tháng Chín khiến 27 người thiệt mạng khi họ được đưa đến trung tâm kiểm dịch. Vào Tháng Tư, lệnh phong tỏa đột ngột ở Thượng Hải khiến cư dân không có đủ lương thực, dẫn các cuộc “biểu tình” trên mạng xã hội lẫn ngoài đời với một số cuộc xuống đường rải rác qui mô nhỏ. Đã có nhiều cái chết bi thảm liên quan chính sách “zero-Covid”, trong đó có một đứa trẻ ba tuổi chết sau khi cha mẹ không thể đưa đến bệnh viện…

Trong khi đó, một bài viết trên tờ Nhân Dân nhật báo vào Chủ Nhật 27 Tháng Mười Một 2022 vẫn lải nhải kêu gọi “cam kết kiên định” với các chính sách Covid nghiêm ngặt hiện tại. Bắc Kinh và Thượng Hải đang nghẹt thở với sự đồng loạt “ra quân” của quân đội và cảnh sát, thực hiện việc đàn áp tàn bạo nhắm vào những người biểu tình.

Hôm nay, ngày 28 Tháng Mười Một, chính phủ Trung Quốc “chính thức” đổ lỗi cho “các thế lực có động cơ thầm kín” cố tình xuyên tạc và liên kết “một cách méo mó sai sự thật” vụ hỏa hoạn chết người ở Tân Cương với các biện pháp nghiêm ngặt chống Covid. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 28 Tháng Mười Một, Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói: “Trên mạng xã hội, có những thế lực với động cơ thầm kín liên hệ vụ hỏa hoạn với phản ứng của địa phương đối với chính sách thắt chặt phong tỏa ngăn chặn Covid-19”.

Người dân nhiều thành phố Trung Quốc xuống đường biểu tình và lập ra những điểm tưởng niệm các nạn nhân bị thiệt mạng oan ức trong vụ hỏa hoạn làm ít nhất 10 người chết ở Tân Cương. Họ cho rằng biện pháp phong tỏa “không COVID” đã khiến các nạn nhân không thể thoát ra khỏi đám cháy. Ảnh một điểm thắp nến tưởng niệm ở Bắc Kinh tối 27-11-2022. Ảnh Kevin Frayer / Getty Images

Cần nói thêm, sự gián đoạn trong cuộc sống hàng ngày đã cản trở mạnh các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng từ doanh nghiệp lớn đến nhỏ, từ công ty sản xuất iPhone đến các cửa hàng và nhà hàng ở mọi nơi. Việc “khóa cửa” một cơ sở thuộc nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, miền Trung Trung Quốc, cho thấy chính sách “zero-Covid” ảnh hưởng lây đến cả hoạt động kinh doanh đối với một số nước khác. Sau khi công nhân bị cho nghỉ việc để hạn chế dịch Covid bùng phát, sản xuất của nhà máy Foxconn (chuyên lắp ráp iPhone) giảm sút nghiêm trọng. Hãng Apple đã phải la làng vì doanh số giảm. Nhiều công ty đa quốc gia phải tìm cách mở rộng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.

Theo dữ liệu mới nhất, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3.9% trong ba tháng kết thúc vào Tháng Chín, chậm hơn nhiều so với mục tiêu 5.5% mà chính phủ đề ra cho năm 2022. Nhiều người từng mong đợi sự “mở khóa” chính sách chống Covid khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc vào Tháng Mười. Tuy nhiên, thay vào đó, Tập Cận Bình lại xiết chặt hơn. Theo ước tính từ hãng tài chính Nhật Nomura, tính đến giữa Tháng Mười Một, một phần ba dân số Trung Quốc và các khu vực tạo ra 2/5 sản lượng kinh tế của nước này đã bị phong tỏa trở lại một phần hoặc toàn bộ.

Trở lại với sự kiện “Bạch Chỉ cách mạng” chống chính phủ trên khắp Trung Quốc. Một số người biểu tình nói rằng ý nghĩa tờ giấy trắng bắt nguồn từ thời Liên Xô, khi một người bất đồng chính kiến ​​​​bị cảnh sát bắt vì tội phát tờ rơi ở một quảng trường công cộng. Đó chỉ là những mảnh giấy trắng. Khi được hỏi, người bất đồng chính kiến ​​​​trả lời rằng ông không cần viết gì vì những gì ông cần nói “ai cũng biết.” Những người biểu tình chống chính quyền ở Hong Kong cũng từng sử dụng “bạch chỉ” vào năm 2020, vài ngày sau khi luật an ninh quốc gia được thông qua.

Trong làn sóng phản đối mới ở Trung Quốc, loạt video và hình ảnh các tờ giấy trắng trắng đã lan truyền cực nhanh ra thế giới. Tag # “A4Revolution” (Cách mạng tờ giấy khổ A4) bắt đầu xuất hiện ào ạt trên Twitter vào cuối tuần qua. Trên Facebook và Instagram, người dùng đã thay đổi ảnh đại diện thành giấy trắng để ủng hộ những người biểu tình. Ai đó thậm chí phao tin rằng một trong những công ty văn phòng phẩm lớn nhất Trung Quốc thông báo rằng công ty tạm ngừng bán giấy A4 để “bảo vệ an ninh và ổn định quốc gia”. Công ty này buộc phải đính chính trên tài khoản mạng xã hội của họ rằng tin đó là bịa đặt và ai muốn mua bao nhiêu giấy A4 cũng đủ để bán!

______________________

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: