Sài Gòn dù sao cũng được thừa nhận là có nhiều điều cuốn hút, mà phải từ góc nhìn của người ngoài mới nhận ra được. Trong đó có những điều mà tôi thấy dửng dưng từ bao lâu nay, vì trong mắt tôi đó là những điều rất bình thường không có gì phải ngạc nhiên.
Đó là: Thức uống cà phê pha bằng vợt vải – Tiếng ồn ào ở tiệm nước bán bánh mì xíu mại, há cảo, mì sủi cảo – Thói quen nhắc nhở xếp chống chân khi đi xe máy – Cho người lạ thiếu số tiền nhỏ khi đến mua đồ – Chỉ đường tận tình – Vá xe miễn phí cho người tàn tật – Tặng thuốc chữa bệnh thông thường cho người nghèo… và nhiều điều khác.
“Thành phố này có những giá trị mà anh không để ý, không quan tâm!”, giống như có ai nói tôi như vậy.
Mấy năm gần đây, những giá trị vô hình đó, được truyền tụng và càng phổ biến nhờ mạng xã hội. Nó tạo nên sức hấp dẫn lớn từ Sài Gòn, một “quyền lực mềm” đối với người từ nơi xa đến hay chưa đến thành phố này. Những giá trị được đúc kết từ cái nhìn khách quan, từ bên ngoài. Nó khiến cư dân lâu đời ở đây… vỡ lẽ về nơi mình đang sống.
Thời ba má tôi còn trẻ, giống như thời bây giờ, những điều thu hút ở Sài Gòn thì chính người gốc gác ở đây chưa chắc biết được. Những người nước ngoài viết về những điều này trong vài hồi ký hay bài báo, đó là “’vóc dáng cân đối của phụ nữ”, bao hàm cái nhìn thẩm mỹ chứ không nhất thiết là sự ham muốn.
Đó là môn săn bắn, nay đã được xem là thú vui lạc hậu chứ cách nay trên nửa thế kỷ, là môn thể thao, là thú vui lành mạnh và có chút mạo hiểm của đàn ông, thu hút giới thượng lưu, kể cả một vị vua.
Hai nội dung đó được chào mời trong một tờ brochure năm 1961 về sự hấp dẫn của Việt Nam đối với công dân Mỹ, khi chính phủ của họ muốn người Mỹ dành nhiều thời gian hơn ở Đông Nam Á. Nó cung cấp cái nhìn độc đáo về sự hấp dẫn của Sài Gòn trước cuộc chiến tranh mà Mỹ tham dự trực tiếp từ 1965.
Sài Gòn trong tờ brochure đó còn được miêu tả là một thành phố hấp dẫn nhất và sạch, có “ùn tắc giao thông, không phải từ ô tô, mà là xe máy” và càng ùn tắc hơn vì các quán mì, xe bán khô bò và xe nước mía. Sài Gòn được xem là nơi nấu ăn món Pháp ngon nhất ở phương Đông và thu hút nhất là các cô gái Việt có đôi mắt nai quyến rũ mặc trang phục theo cách duyên dáng nhất.
Tạp chí Holiday năm 1957 miêu tả các bãi biển Việt Nam với thủy triều như “tiếng gầm của một con hổ” và thành phố Huế nằm trên một “dòng sông có màu sắc của men ngọc”. Vẻ đẹp của thiên nhiên càng được tô đậm thêm khi quan sát các cô gái. “Có cảm giác là các cô gái Việt Nam luôn hạnh phúc, mỉm cười và thân thiện.
Đó là ở miền Nam, người Pháp gọi là Nam kỳ. Ảnh hưởng của Pháp được thể hiện rõ nhất ở đây và Paris và Sài Gòn có nhiều điểm tương đồng”.
Theo tác giả, cuộc sống ở miền Nam là tương đối dễ dàng so với các điều kiện khắc nghiệt ở miền Trung hay miền Bắc luôn phải đối phó với ngày mai. Tác giả viết: “Những người phụ nữ dễ khiến ta yêu và họ tuyệt đối chung thủy, chung thủy lâu dài. Ba người tôi còn giữ liên lạc từ thời kỳ đó vẫn còn kết hôn. Tuy nhiên, họ dễ cáu giận. Cho dù sự tức giận đó dễ biến mất khi giành được điều mình muốn. Họ không thù dai”.
Tác giả kể chuyện có một cô vợ đối mặt với sự thiếu chung thủy của ông chồng khi anh ta trở về trong tình trạng say rượu. Đợi anh ta ngủ say, cô trói tay và chân của anh vào giường và gọi dậy, cho anh ta một trận đòn bằng một cây roi, xen kẽ với những câu thẩm vấn về chuyện bồ bịch của ông ta.
Tuy vậy, phụ nữ Việt không đòi hỏi sự bình đẳng. Ở nơi công cộng họ sẽ không bao giờ gây rắc rối cho ông chồng. Trong nhà họ lo nấu ăn, tắm rửa trẻ em cho đến khi đỡ mệt hơn nếu có thể thuê người giúp việc. Đó là một thế giới riêng của họ mà những người đàn ông không can thiệp được.
Một ký giả Anh, ông Graham Holiday viết về sự quyến rũ của Sài Gòn trên trang www.noodlepie.com và vài bài báo đọc đã lâu khiến tôi cảm thấy bất ngờ vì thú vị. Ông nhắc đến mấy món ăn mà tôi ít quan tâm nhất, vì nó bình dân, bán trong hẻm hay chợ, thường bán cho cư dân ở cùng khu phố và không tiện lắm cho đàn ông đi làm trên chiếc xe máy tấp vô thưởng thức.
Ông mô tả: “Món ăn sáng dễ gặp nhất là cháo lòng, món cháo ngon với nội tạng và huyết heo, múc từ một thùng hấp dẫn đặt bên trong một xe đẩy rỉ sét”. Ông cho là món bánh mì pa tê thịt ở Sài Gòn là “Bánh mì pate nhiều thịt nhất của Đông Nam Á, là món ăn không thể cưỡng lại vào giờ ăn trưa”.
Đến tối, ông chọn một chảo sò huyết nướng trên đường Pasteur cho bữa chiều và lấy một cây bắp hấp ngọt từ một người bán dạo đi qua như là bữa ăn nhẹ thêm. Ông khẳng định ý thích đó không hoàn toàn từ khó khăn về kinh tế, vì có thể ngồi trong nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn, có nhạc thính phòng, được trang trí công phu, món khai vị cầu kỳ và một thực đơn đa ngôn ngữ.
Ông có thể làm điều đó, nhưng sẽ không chọn vì khao khát có tiếng ồn bên ngoài, làn khói nướng đến nghẹt thở, sự thoải mái từ bồi bàn, mùi nước mắm thật gắt và cả những người bán nhếch nhác, văng nước bọt và dính tay vào món súp ngon nhất thế giới (!). Cho nên khi ông ngồi xổm ở hàng ăn, ông tưởng tượng ra “kẻ thù” là một viên chức đang ngồi tại bàn làm việc trong một căn phòng làm việc nhỏ, đang nghĩ ra một kế hoạch để dọn dẹp hàng quán, chỉnh trang hè phố Sài Gòn.
Tôi luôn luôn có cảm giác kỳ lạ, là rất muốn phóng xe ngay ra đường phố để ngắm nhìn thành phố này khi đọc những bài viết hay về Sài Gòn. Và một số bài viết của tôi viết về nơi chốn nào đó ở Sài Gòn cũng tạo cảm giác tương tự với một số độc giả, như vài người thừa nhận.
Vì sao? Phải chăng Sài Gòn là một thành phố sinh động và kỳ lạ, khiến ta cứ ngỡ hiểu được nhiều, nhưng thật sự cũng không hiểu được mấy; chỉ nhìn được vẻ đẹp hay sự quyến rũ của nó như nhìn trong kính vạn hoa, khi người khác cầm lên xem lại thấy được những khối hoa khác rất đẹp mà mắt ta không nhìn ra. Hoặc Sài Gòn như một cô gái quyến rũ thay đổi vẻ ngoài liên tục, ai cũng ngỡ là của mình nhưng không ai chinh phục và chiếm hữu được vẻ đẹp đó, nên cứ khát khao và mong hiểu được nàng, thậm chí muốn tìm cho ra những tật xấu của nàng.
Để rồi tiếp tục lên đường, tìm kiếm và lý giải câu hỏi về sự thu hút kỳ lạ từ thành phố phương Nam này.
(Trích sách SÀI GÒN ĐẸP XƯA – Công ty Phan book xuất bản Tháng 8.2023)