Chính quyền Hong Kong lén lút tháo Bức tượng Ô Nhục (Quốc Thương Chi Trụ)

Sinh viên Hong Kong tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn tại ‘Quốc Thương Chi Trụ’, năm 2015 (ảnh: Nora Tam/South China Morning Post/Getty Images)

Hành động của chính quyền Hong Kong cũng nhục như việc họ tháo dỡ Bức tượng Ô Nhục (Pillar of Shame – 國殤之柱; Quốc Thương Chi Trụ) đặt tại Đại học Hong Kong suốt gần một phần tư thế kỷ. Họ không dám thực hiện giữa thanh thiên bạch nhật mà đợi đến nửa đêm mới ra tay. Sự việc xảy ra đêm 23 Tháng Mười Hai 2021.

Quốc Thương Chi Trụ cao 26 foot (gần 8m) – tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Đan Mạch Jens Galschiøt – là nơi sinh viên Hong Kong hàng năm đến để tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân bị giết thảm trong sự kiện Thiên An Môn đại đồ sát (“天安门大屠杀”, sự kiện chấn động thế giới xảy ra từ ngày 15 Tháng Tư đến ngày 4 Tháng Sáu 1989; một sự kiện vĩnh viễn là vết ô nhục chính trị của lịch sử cộng sản Trung Quốc).

Tượng ‘Quốc Thương Chi Trụ’ được tháo gỡ giữa đêm 23 Tháng Mười Hai 2021 (ảnh: Alex Chan/SOPA Images/LightRocket/Getty Images)

Việc gỡ Quốc Thương Chi Trụ là hành động mới nhất trong loạt chiến dịch xóa sạch di sản dân chủ Hong Kong. Hôm Thứ Sáu, hai đại học khác ở Hong Kong cũng dỡ bỏ các tác phẩm nghệ thuật liên quan sự kiện Thiên An Môn: Tượng Nữ thần Dân Chủ (được sinh viên Hương Cảng Trung Văn Đại học dựng năm 2010); và bức phù điêu mô tả vụ Thiên An Môn tại Đại học Lĩnh Nam (Lingnan University).

Chen Weiming, tác giả tượng Nữ thần Dân Chủ, gọi động thái này là “một vết nhơ” trong quá trình xóa bỏ quyền tự do và pháp quyền Hong Kong. Ông nói: “Hong Kong, với hình ảnh từng tượng trưng cho xã hội dân sự hoạt động tích cực và mạnh mẽ nhất châu Á, đã nhanh chóng sụp đổ”. Trước đó, Samuel Chu, Chủ tịch Campaign for Hong Kong, cũng lên án việc dỡ bỏ Quốc Thương Chi Trụ. “Sự ra đời của nó vào năm 1997 là viên gạch nền cho tự do Hong Kong; và giờ đây, sự phá hủy nó vào năm 2021 sẽ là tấm bia mộ cho cái chết của nền tự do Hong Kong” – Samuel Chu viết trên Twitter.

Sinh viên Hong Kong bày tỏ tiếc nuối với việc tượng Nữ thần Dân Chủ tại Hương Cảng Trung Văn Đại học bị tháo bỏ ngày 24 Tháng Mười Hai 2021 (ảnh: Anthony Kwan/Getty Images)

“Pillar of Shame” là loạt tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Đan Mạch Jens Galschiøt được thực hiện nhằm tưởng nhớ những mất mát nhân mạng trong một số sự kiện cụ thể. Mỗi tác phẩm điêu khắc là một tượng cao tám mét bằng đồng hoặc bê tông. Tác phẩm đầu tiên được dựng tại Diễn đàn NGO thuộc Hội nghị thượng đỉnh FAO ở Rome vào năm 1996. Sau đó, ba tượng nữa được dựng ở Hong Kong, Mexico và Brazil. Tượng thứ năm dự tính hoàn thành năm 2002 nhưng bất thành bởi vài lý do khách quan. Với Hong Kong, Quốc Thương Chi Trụ được dựng đầu tiên ở Công viên Victoria năm 1997. Bức tượng mô tả 50 thi thể bị xé nát. Sau đó, bức tượng hai tấn được đặt trong khuôn viên Đại học Hong Kong.

Điêu khắc gia Jens Galschiøt bày tỏ cảm giác sốc và giận trước việc Quốc Thương Chi Trụ bị tháo bỏ. Trả lời phỏng vấn CNN, ông nói rằng mình hy vọng có thể mang bức tượng trở lại Đan Mạch rồi đưa qua Washington DC để có thể đặt nó trước Đại sứ quán Trung Quốc! Cần nói thêm, tất cả sự kiện liên quan Thiên An Môn đã bị xóa sổ tại Hong Kong cực nhanh thời gian gần đây.

Nhà hoạt động Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) lẫn ông trùm truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đều bị bỏ tù vì tội tham gia chương trình tưởng niệm Thiên An Môn “tổ chức trái phép” năm 2020. Một bảo tàng Hong Kong dành riêng cho các nạn nhân “Thiên An Môn đại đồ sát” cũng buộc phải đóng cửa vào đầu năm nay.

Điêu khắc gia Jens Galschiøt bên bức ‘Quốc Thương Chi Trụ’ (ảnh: Felix Wong/South China Morning Post/Getty Images)

Tuy nhiên, một số ít người Hong Kong vẫn còn cố níu kéo sự mất mát quá lớn ngày càng hiển hiện. Một số nỗ lực bảo tồn ký ức của tác phẩm điêu khắc Quốc Thương Chi Trụ đã được tiến hành, với nhóm Lady Liberty Hong Kong, bằng việc tạo ra một mô hình 3-D ghép từ hơn 900 bức ảnh chụp bức tượng này. Alex Lee, người sáng lập nhóm, cho biết ý tưởng của họ là giúp mọi người có thể in ra và đặt ở bất cứ đâu họ muốn. Lee nói thêm: “Nó (bức tượng) cho thấy rằng Hong Kong vẫn còn chỗ cho quyền tự do ngôn luận và mảnh đất này vẫn là một phần rất khác với Trung Quốc”.

‘Quốc Thương Chi Trụ’ luôn được lau chùi thật sạch trước mỗi lần sinh viên tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn (ảnh: Belinda Jilao/SOPA Images/LightRocket/Getty Images)

Hôm Chủ nhật 19 Tháng Mười Hai 2021, cuộc bầu cử lập pháp đầu tiên ở Hong Kong “chỉ dành cho những người yêu nước Trung Quốc” đã chứng kiến ​​tỷ lệ cử tri thấp kỷ lục, phản ánh sự suy giảm nghiêm trọng trong tham gia dân sự lẫn chính trị sau khi Bắc Kinh tiến hành “đại tu” các quy trình bầu cử của thành phố vào đầu năm nay. Sau cuộc bầu cử, đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã đi chầu Bắc Kinh và gặp Tập Cận Bình. Gọi cuộc bầu cử – với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ 30.2% – là một “thành công”, Tập đại vương nói rằng Hong Kong đã “đạt được tiến bộ vững chắc trong việc thúc đẩy phát triển dân chủ phù hợp với thực tế”, rằng “quyền dân chủ của đồng bào Hong Kong đã được thể hiện”.

ĐỌC THÊM:

Hong Kong lần đầu tiên bầu cử theo kiểu phi dân chủ

Một nhà hoạt động Hong Kong vừa bị xử tù, kế tiếp là những ai?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: