FBI là ‘vùng đất của Trump’?

Lịch sử cho thấy FBI là tổ chức Cơ đốc giáo da trắng truyền thống và bảo thủ nhất trong chính phủ Hoa Kỳ
Donald Trump nói chuyện với những người ủng hộ tại Trump National Golf Club sau khi trở về từ toà liên bang Miami, không nhận 37 cáo buộc tội liên quan tài liệu mật quốc gia. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Một bài phóng sự điều tra độc quyền mới nhất của Washington Post vừa trở thành đề tài nóng được thảo luận trên Twitter. Bài viết chi tiết và công phu cho biết hơn một năm sau cuộc bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng năm 2021, Cục Điều tra Liên bang FBI mới chính thức khởi sự điều tra cựu Tổng thống Donald Trump về âm mưu gian lận bầu cử.

Trong những tuần trước cuộc bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, những người ủng hộ Trump công khai khoe khoang rằng họ đã thay mặt ông gửi các “đại cử tri giả” (fake electors) tới Quốc Hội. Tuy nhiên, theo điều tra của Washington Post, mãi cho đến Tháng Tư năm 2022, gần 15 tháng sau vụ tấn công Điện Capitol, FBI mới chấp nhận nhảy vào cuộc điều tra vụ việc. Ngay cả vào lúc đó, quan chức cấp cao của FBI vẫn không dám xác định cựu tổng thống Trump là trọng tâm của cuộc điều tra, vì sợ bị đánh giá “chính trị hóa.”

Ủy ban điều tra của Hạ viện cho biết kế hoạch “đại cử tri giả” bao gồm “các cá nhân ở các bang chiến trường quan trọng” và “họ tự xưng là đại cử tri, tạo ra các chứng chỉ giả, sau đó gửi những giấy chứng nhận này tới Washington, và Quốc Hội, để được đếm trong phiên họp chung của Quốc hội vào ngày 6 tháng Giêng.”

Đối với nhiều cử tri Mỹ, hàng loạt hành động nhằm lật ngược kết quả bầu cử 2020 của Trump và đồng đảng là một cuộc tấn công vào nền dân chủ nước này. Gần 60% người Mỹ tin rằng cựu Tổng Thống Donald Trump phải bị buộc tội vì vai trò “bật đèn xanh” của ông trong cuộc bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, theo một cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos.

Tuy nhiên, bài phóng sự điều tra mới nhất của Washington Post cho thấy FBI đã gần như bỏ qua các sai phạm của Trump, nếu như không có áp lực của dư luận và Ủy Ban Điều Tra Hạ Viện. Kể từ sau khi FBI khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago thu hồi hơn 100 tài liệu mật vào Tháng Tám năm ngoái, Trump và đồng đảng đã liên tục chỉ trích FBI, cho rằng cơ quan này thiên vị Đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy FBI là tổ chức Cơ đốc giáo da trắng truyền thống và bảo thủ nhất trong chính phủ Hoa Kỳ. Đến nỗi các tổng thống của Đảng Dân Chủ chưa bao giờ cảm thấy thoải mái để đề cử một đảng viên Dân chủ làm giám đốc lãnh đạo cơ quan điều tra này.

Mỗi giám đốc của FBI đều có liên kết mật thiết với Đảnh Cộng Hoà (ĐCH) kể từ khi giám đốc đầu tiên của FBI, J. Edgar Hoover, nắm quyền từ năm 1924 tới 1972. Mặc dù FBI chính thức là một cơ quan thuộc Bộ Tư pháp, nhưng nó hoạt động gần như độc lập.

Giám đốc hiện tại của FBI, Christopher Wray, đã được chính ông Trump đề cử và có mối quan hệ thâm niên với ĐCH: Ông là người đứng đầu bộ phận tội phạm dưới thời cựu Tổng thống ĐCH, George W. Bush, là thành viên của Hiệp hội Liên bang phe bảo thủ, và là thư ký cho cựu Thẩm phán liên bang J. Michael Luttig, một biểu tượng tư pháp của ĐCH.

Trước thời của ông Wray, FBI dưới sự lãnh đạo của James Comey. Mặc dù được Tổng Thống Barack Obama đề cử, nhưng ông Comey là cựu phó tổng chưởng lý của Bộ Tư pháp dưới thời George W. Bush. Tóm lại, tất cả 8 giám đốc của FBI trong khoảng 88 năm đều là những người theo khuynh hướng bảo thủ. Tương tự, không có ai có quan hệ mật thiết với Đảng Dân chủ được bổ nhiệm vị trí công tố viên đặc biệt cho các cuộc điều tra quan trọng trong 50 năm qua.

J. Edgar Hoover đã thiết lập truyền thống bảo thủ và Kito giáo ở FBI

J. Edgar Hoover, người đã nắm giữ chức giám đốc FBI đầu tiên và lâu nhất trong 36 năm, được đánh giá là người rất trung thành với Đảng Cộng Hòa. Theo sử gia Garrett M. Graff, chủ nghĩa bảo thủ trong hàng ngũ lãnh đạo FBI bắt nguồn từ nền văn hóa mà ông Hoover đã nuôi dưỡng trong nửa thế kỷ. Ông Hoover xem vai trò của FBI là kiểm soát và bảo vệ quan điểm bảo thủ và Kito giáo của chính phủ Hoa Kỳ. Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi ¾ lực lượng đặc vụ của FBI là da trắng, với nam giới chiếm đa số.

Năm 1919, Hoover bắt đầu sự nghiệp tại Bộ Tư pháp với tư cách là người đứng đầu bộ phận “chống cấp tiến.” Trong nhiều thập kỷ, giám đốc đầu tiên của FBI đã coi các nhà văn và nghệ sĩ Da đen là những kẻ phá hoại, lật đổ.

J. Edgar Hoover (1895 – 1972) người đã nắm giữ chức giám đốc FBI đầu tiên và lâu nhất trong 36 năm, được đánh giá là người rất trung thành với Đảng Cộng Hòa. (Ảnh: American Stock/Getty Images)

Theo những hồ sơ đã được giải mật, FBI dưới sự lãnh đạo của Hoover đã bí mật theo dõi, nghe lén, và thậm chí kiểm duyệt các tác phẩm của nhà văn da đen nổi tiếng, James Baldwin, do ông tham gia vào các phong trào dân quyền cho người da Đen. Không chỉ dừng lại ở đó, FBI thời Hoover còn biên soạn một bản báo cáo dài 1.884 trang về nhà văn Baldwin, từ 1958 đến 1974. Đây được cho là hồ sơ lớn nhất được FBI biên soạn về một nghệ sĩ Da đen trong thời kỳ dân quyền. Biểu tượng động dân quyền Martin Luther King Jr cũng nằm trong ‘tầm ngắm’ của FBI vào thời điểm đó.

Jon Wiener là giáo sư lịch sử tại Đại học California đã dành 14 năm “chiến đấu” với FBI để có thể dành được quyền truy cập vào các tài liệu bí mật của cơ quan này về cố ca sĩ nổi tiếng John Lennon của nhóm nhạc lừng danh ‘The Beatles’. Lúc đầu, FBI đã từ chối cung cấp các tài liệu, nói rằng việc tiết lộ sẽ tổn hại an ninh quốc gia. Tuy nhiên, sử gia Jon Wiener đã kiện FBI về Quyền tự do Thông tin và cuối cùng FBI đã phải nhượng bộ lượng cung cấp tài liệu theo yêu cầu.

Theo giáo sư Wiener, FBI đã đưa John Lennon vào “tầm ngắm” theo dõi vì cố ca sĩ huyền thoại này đã có những bài hát phản chiến. Chính vì vậy, FBI đã đề xuất rằng “Lennon nên bị bắt, nếu có thể, vì tội tàng trữ ma túy” theo tài liệu mà FBI công bố.

Trump và “đồng minh” liên tục bôi nhọ và miệt thị FBI, kể từ khi cơ quan này điều tra các sai phạm liên quan đến Trump. Nhưng chính họ đã hoàn toàn im lặng, khi FBI điều tra cựu Ngoại trưởng và ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, Hillary Clinton, vào Tháng Mười năm 2016. Theo nhiều nguồn tin vào thời điểm bầu cử tổng thống 2016, phần lớn đặc vụ FBI có “ác cảm sâu sắc” với bà Clinton, thúc đẩy một loạt các rò rỉ gây tổn hại cho chiến dịch tranh cử của bà chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử.

Một đặc vụ FBI nói với tạp chí Guardian trong những ngày trước cuộc bầu cử 2016 rằng, FBI là “vùng đất của Trump.” Đặc vụ này còn cho biết đã công khai chia sẻ với một số đặc viên khác về việc bỏ phiếu cho Donald Trump, là người đã cam kết sẽ bỏ tù Clinton nếu đắc cử.

Giáo sư luật Đại học Luật New York, Andrew Weissmann, cho rằng sự chậm trễ điều tra của Bộ Tư pháp và FBI đối với các sai phạm của Trump về gian lận bầu cử và vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng “là không thể tha thứ được.” Rõ ràng, những gì đã và đang diễn ra trong cơ quan điều tra quyền lực nhất Hoa Kỳ chứng minh được sự ưu ái nếu có của FBI chắc chắn không phải dành cho Đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, bất luận là FBI thiên vị cho chính đảng nào cũng là mối nguy đối với nền dân chủ Hoa Kỳ. Bởi sự thiên vị với bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào sẽ tạo ra điểm mù và bóp nát tính công bằng pháp luật. Sự liêm minh của FBI là tối quan trọng để củng cố niềm tin của cử tri với dân chủ và pháp quyền.

ĐỌC THÊM:

5 điểm quan trọng từ báo cáo của Ủy ban 6/1

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: