Khi đồng tiền bẻ gãy đạo đức một Thẩm phán TCPV

Lẽ nào, thế hệ chính trị gia biết xấu hổ ở Hoa Kỳ chỉ còn là quá khứ?
Ngày 19 Tháng Tư tại Washington DC, các nhà đấu tranh giơ Bảng đòi Thẩm phán TCPV Clarence Thomas phải từ chức ngay lập tức. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Vào giữa Tháng Tư, tạp chí chuyên điều tra các bê bối chính trị Mỹ, ProPublica, đã có bản tin chấn động dư luận: Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Clarence Thomas đã và đang nhận vô số quà tặng trị giá hàng triệu USD trong nhiều năm từ tỷ phú Harlan Crow. Điểm nổi bật về tỷ phú này là vô số nỗ lực hậu trường của ông ta để bẻ cán cân quyền lực ở Tối Cao Pháp Viện (TCPV) theo hướng bảo thủ.

Theo ProPublica, tỷ phú Crow đã tài trợ cho Thẩm phán Thomas và vợ hàng loạt chuyến du lịch sang trọng và đắt giá bằng du thuyền và máy bay riêng trong hơn hai thập kỷ. Nổi bật là chuyến du ngoại một tuần rưỡi khắp các đảo ở Indonesia trên siêu du thuyền của tỷ phú Crow. Vợ chồng thẩm phán Thomas sẽ phải trả tới nửa triệu USD nếu du lịch tự túc. Tuy nhiên, bản tin chấn động đó giờ đây đã được thay thế bằng hàng loạt thông tin khác kinh hoàng hơn, tố cáo các vi phạm đạo đức của Thẩm phán Tối cao Clarence Thomas.

Ngày 19 Tháng Tư tại Washington DC, các nhà đấu tranh giơ Bảng đòi Thẩm phán TCPV Clarence Thomas phải từ chức ngay lập tức. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Hàng loạt vi phạm đạo đức của Thẩm phán Thomas     

Vào ngày 13 Tháng Tư, một điều tra khác của ProPublica cho biết ông trùm bất động sản Harlan Crow đã mua ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của mẹ ông Thomas cũng như hai lô đất trống. Điều đáng nói, Thomas đã giấu kín các giao dịch hời này, vốn vi phạm đạo đức trong Đạo luật Chính phủ. Hiện tại, mẹ của ông Thomas vẫn sống tại ngôi nhà này mà không phải trả bất kỳ đồng tiền nào cho việc thuê nhà. Tất nhiên, dư luận rất bất bình với bản tin này và yêu cầu ông Thomas nên từ chức. Tuy nhiên, ông ta chỉ nói rằng sẽ thêm các giao dịch này vào bản khai báo đạo đức mà ông đã khai trước đó.

Sau đó, một bản tin độc quyền và không kém phần chấn động của Washington Post vào ngày 16 Tháng Tư cho biết, ông Thomas đã nhận thu nhập từ một công ty bất động sản không còn tồn tại trong gần hai thập kỷ. Ông Thomas đã báo cáo trên các biểu mẫu tiết lộ tài chính bắt buộc rằng gia đình ông đã nhận được thu nhập cho thuê với tổng trị giá hàng trăm nghìn USD từ một công ty có tên là Ginger, Ltd., Partnership. Nhưng trớ trêu thay, công ty này đã không còn tồn tại kể từ năm 2006.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, Clarence Thomas vẫn tiếp tục báo cáo thu nhập $50.000 đến $100.000 USD từ công ty không tồn tại này. Cứ cho đây là một sai sót về giấy tờ. Tuy nhiên, theo Washington Post, nó lại là một trong số hàng loạt sai sót và thiếu sót mà Thomas đã mắc phải đối với các biểu mẫu công khai tài chính hàng năm bắt buộc trong vài thập kỷ qua. Vì thế, câu hỏi đặt ra là ông Thomas có xem trọng trách nhiệm trong việc báo cáo chính xác các chi tiết về tài chính cho công chúng.

Vào ngày 4 Tháng Năm, một báo cáo mới nhất của ProPublica cho biết tỷ phú Crow đã trả hàng nghìn USD mỗi tháng tiền học phí trường nội trú tư thục cho cháu trai của Thẩm phán Thomas. Virginia Canter, trưởng cố vấn đạo đức của Tổ chức Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức, lưu ý rằng khoản thanh toán thực sự cấu thành một món quà cho Thomas và lẽ ra phải được tiết lộ cho công chúng. Tuy nhiên, món quà hời này cũng được ông Thomas giữ kín, khiến nó có khả năng vi phạm Đạo luật Đạo đức.

Thẩm phán TCPV Clarence Thomas (da màu, hàng ngồi, thứ hai từ bên trái) trong đội ngũ 9 quan tòa của TCPV Hoa Kỳ. Ảnh Jabin Botsford/The Washington Post via Getty Images

Cùng ngày, một báo cáo thứ hai của Washington Post cho biết luật gia bảo thủ Leonard Leo đã trả $25.000 USD cho vợ của ông Thomas, bà Ginni Thomas, vào đầu năm 2012 và đã yêu cầu không được nhắc đến tên của bà ta trong giao dịch. Khoản thanh toán ít nhất $80.000 USD đã được chuyển đến công ty thuộc sở hữu của cựu cố vấn của Donald J. Trump, Kellyanne Conway, và sau đó được chuyển đến bà vợ ông Thomas. Ngay sau khi khoản thanh toán được thực hiện, trong năm 2012, một tổ chức mà Leonard Leo quản lý đã có vụ kiện về quyền bầu cử ở Tòa án Tối cao. Mặc dù hành động nhận tiền tư vấn này của bà Thomas dường như không vi phạm đạo đức, nhưng nó đặt ra câu hỏi về xung đột lợi ích của chồng bà, Thẩm phán Clarence Thomas.

Văn hóa từ chức

Các vi phạm đạo đức của Thẩm phán Thomas là nghiêm trọng, vì nó cho thấy ông không tôn trọng độc lập và liêm chính tư pháp. Từ mối quan hệ thân thiết với một tỷ phú bảo thủ quyền lực, cử tri có quyền nghi ngờ ông Thomas đang thực thi nhiệm vụ tối quan trọng của một Thẩm phán Tối cao không phải với tư cách là trọng tài pháp luật công bằng, mà là đối tác và đồng minh thân thiết của những kẻ có tiền.

Dư luận đã rất bất bình trước các vi phạm đạo đức của Thẩm phán Tối cao Clarence Thomas, đồng thanh yêu cầu TCPV phải có trách nhiệm giải trình. Đáng tiếc, trong thực tế, các thẩm phán của Tối cao Pháp viện gần như không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy tắc đạo đức nào, cũng như không có cơ quan nội bộ để điều tra hành vi sai trái.

David Janovsky, một nhà phân tích chính sách tại Dự án Giám sát Chính phủ, cho biết: “Các Thẩm phán Tòa án Tối cao là một số quan chức quyền lực nhất Hoa Kỳ. Trong khi những người cấp dưới phải chịu trách nhiệm về những vi phạm tương tự, thì những người quyền lực hơn không phải chịu trách nhiệm.

Tất nhiên, Quốc hội Hoa Kỳ có khả năng giám sát Tối cao Pháp viện, nhánh Thứ Ba trong Tam quyền Phân lập, bằng cách điều tra, hoặc bỏ phiếu luận tội, và thậm chí truất phế thẩm phán liên bang. Tuy nhiên, với sự phân cực chính trị vào thời điểm hiện tại và quyền kiểm soát Hạ viện đang thuộc Đảng Cộng hòa, thì khả năng bỏ phiếu luận tội là không có. Bởi thế, nhiều Dân biểu và Thượng Nghị sĩ của Đảng Dân chủ đã yêu cầu ông Thomas nên từ chức ngay lập tức. Tuy nhiên, Thẩm phán Thomas vẫn “bình chân như vại.”

Thẩm phán TCPV Clarence Thomas đã nhận các chuyến du lịch sang trọng và đắt giá bằng du thuyền và máy bay riêng của ông Crow trong hơn hai thập kỷ. (Ảnh: Erin Schaff-Pool/Getty Images)

Cách đây không lâu, kiểu người mà vi phạm nghiêm trọng như ông Thomas ở chính trường Mỹ đã từ chức. Trước đây, việc các chính trị gia Mỹ từ chức vẫn thường xảy ra. Ví dụ, cựu phó tổng thống Spiro Agnew, đã bị tố cáo sai phạm về tài chính và ông đã từ chức. Hoặc như cựu tổng thống Richard Nixon cũng phải từ chức năm 1974, sau vụ bê bối chính trị và đối mặt với khả năng bị quốc hội luận tội. Gần đây, cựu thống đốc bang New York, ông Eliot Spitzer, cũng đã phải từ chức khi tại vị chưa đến hai năm sau khi bị bắt quả tang ngoại tình.

Khi một viên chức vi phạm pháp luật hoặc sai phạm đạo đức, có người sẽ chọn tiếp tục tại vị, nhưng có người sẽ chọn từ chức. Một người chọn con đường từ chức là người biết nhận sai và ý thức mình đã làm sai. Ngược lại, người không biết xấu hổ sẽ tìm mọi cách bạo biện cái sai để bám víu quyền lực. Sự xấu hổ không phải là cảm giác và cách ứng xử độc quyền của bất kỳ thành phần đảng phải nào. Nhưng cảm giác xấu hổ có mặt ở hầu hết các nền văn hóa trên thế giới. Biết xấu hổ và từ chức luôn là một yếu tố quan trọng của chính trường Mỹ, nhưng giờ đây nó ngày càng trở nên xa xỉ. Lẽ nào, thế hệ chính trị gia biết xấu hổ ở Hoa Kỳ chỉ còn là quá khứ?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: