Đường về nhà – một ký ức u ám không thể quên

Minh họa: Helmar Baechle/Unsplash

Đây là câu chuyện một người kẹt ở Mỹ thời COVID-19 và phải trải qua bao nhiêu nhiêu khê mới có thể trở về lại Việt Nam… Và dù muốn hay không, người ta cũng thấy nhiều điều không thể nào hiểu nổi…

Người đàn ông bức bối đưa tay ra phía sau lưng xé toạc một đường của bộ đồ bảo hộ màu xanh, làu bàu: Cái con mẹ nó, cả phi trường quốc tế có mỗi nhúm người Việt là bị bắt làm màu, lạch bạch tới lui như mấy con chim cánh cụt lạc xứ. 5K nỗi gì mà không chừa một cái chỗ trống trên máy bay, ăn uống, vệ sinh có phải tháo ra không, hay thiệt…

Vài tiếng cười nhẹ như tán thành, như động viên. Số đông còn đang loay hoay tìm cách yên vị dễ chịu nhất. Chuyến bay đưa công dân về nước của Lãnh sự quán (LSQ) Việt Nam tại San Francisco (SFO) phải đăng ký trước vài tháng, có người đã ở quá hạn visa cả năm, nhận được email của LSQ là mừng. Có người từ tiểu bang khác chỉ được báo trước ba ngày. Vừa đặt lịch xét nghiệm, vừa bay về phi trường SFO, những ai được thư của LSQ cũng không muốn bỏ lỡ, cố gắng có mặt từ đêm hôm trước. Người ta thì thào hỏi nhau chi phí chuyến bay, những con số khác nhau – $2,000, $4,000, $5,000… Không ai biết tại sao. Cần về thì về. Phải về thì về. Tiếc của và hoang mang, không biết cái gì chờ đợi suốt hành trình nhọc nhằn này…

30 tiếng để về đến Vân Đồn. Địa điểm cách ly tập trung thay đổi. Đám đông xáo trộn và ồn ào trong bộ đồ bảo hộ phần nhiều đã tơi tả. Mùi khử khuẩn nồng nặc. Cái va li vải ngấm hóa chất tới ướt. Cũng không nghĩ ngợi gì nhiều được, phải xếp hàng chờ lên chuyến xe gần 100 cây số giữa đêm nữa. Không ai còn đủ sức pha trò. Tiếng người phụ xe: 600 ngàn một người, ai không có tiền Việt thì đưa đô, tính giá “22” (22,000 VND/USD, thời giá ngày 23 Tháng Năm – ghi chú của người viết). Nhiều người thắc mắc, có người đòi hóa đơn, người không muốn tranh cãi thì nhắm mắt ngủ. Thu đủ tiền của tất cả hành khách xe mới chạy. Người ta sợ gì nhỉ, khi điểm đến là khu cách ly tập trung, là một doanh trại quân đội, trốn đi đâu được.

Rồi cũng về được khu cách ly lúc 2h sáng. Ai cũng cần một cái giường để ngả lưng, ngày mai ra sao cũng kệ. Trẻ con khóc, người già bực bội trút vào đứa con đi cùng… Rồi cũng chìm vào im ắng cho tới 5h sáng bị thức dậy bởi loa phóng thanh và những bài hát chèo đã nghe từ những ngày sau “giải phóng”. Bỗng dưng hoảng hốt, mình đang ở đâu đây, đang ở năm nào? Nhìn ra cửa sổ thấy vài gương mặt quen thuộc cùng chuyến bay, thực trạng lại quay về…

Những ngày cách ly với đủ thứ bất tiện rồi cũng qua nhanh. Một phần cũng nhờ hai bạn trẻ cùng chuyến đi, chắc dân học nhạc viện, hàng đêm ra ban công, bên nam bên nữ hát như kiểu đối đáp lẫn nhường nhịn nhau, rất hay và cũng thật dễ thương. Những bản sonata quen thuộc, những bài tình ca tiền chiến… trong những đêm lạc lõng và bức bối ấy mới thật sự mang lại chút yên bình trong lòng. Nhưng sự mong chờ được nhanh chóng về nhà đã bị dập tắt khi không có đường bay nội địa nào. Những nhóm trên mạng xã hội được lập ra để gởi đơn khắp nơi, từ LSQ VN ở Mỹ tới các hãng hàng không, cơ quan chính phủ trong nước, yêu cầu được bay, kể cả bay charter, vì không ai được báo trước việc này, nhưng hy vọng rồi vô vọng. Cuối cùng, toàn bộ đều phải đăng ký về xe do doanh trại quân đội sắp xếp, nếu không có người nhà tới đón. Mọi thủ tục tự đưa đón rất nhiêu khê, nên cũng rất ít người chọn cách này. Một hành trình nhọc nhằn khác lại bắt đầu…

Tôi không biết những người trên các chuyến bay chính phủ đón công dân về nước khác nghĩ gì, có thấy ấm lòng hay mừng vui như những gì trên truyền thông? Nhưng chuyến đi của một ngày giữa Tháng Chín 2021 ấy đã có rất nhiều điều khó mà kể lại cho tường tận, vì không chỉ là hành trình của riêng mình…

Tôi đã thấy:

Từ Bắc vô Nam phố xá chết lặng. Những khúc đường xuyên qua làng mạc ruộng đồng chỉ thấy tan hoang, cỏ lác thay lúa khoai. Rừng và biển gầm gào. Chiếc xe cố chạy xuyên qua màn mưa dữ dội tìm một trạm xăng tránh cơn bão đang tới gần. Chỉ có các trạm xăng là còn hoạt động. Không một bóng người trên đường, ngoài những chiếc xe được phép chạy. Nghe những người già nói, thời chiến tranh cũng chưa từng thấy cảnh này. Ngang qua Vũng Áng lúc hoàng hôn nhập nhoạng, trời tạnh được một lúc,  thấy các cột lửa dần đỏ rực lên cả một vùng, chẳng hiểu chúng là gì nhưng cứ như ở một hành tinh khác…

Những chiếc xe hơi phải quay đầu khi không qua được qua một trạm kiểm soát, dù trạm trước đó đã cho qua. Nước mắt của một cô gái áp mặt vào kính xe nhìn vô vọng ra ngoài chắc đã từng hy vọng về kịp với người mẹ ở quê. Không ai biết được câu chuyện của người khác trong thời ngăn đường ngăn người khủng khiếp này. Từ Bắc vô Nam phải đi qua không biết bao nhiêu trạm, mỗi nơi mỗi kiểu, ngay cả nhân viên trạm thu phí giao thông cũng có thể đòi coi toàn bộ giấy tờ của khách.

Bên vệ đường những nhóm nhỏ hồi hương bằng xe máy từ trong Nam ra, túm tụm lại với nhau, tơi tả, rách nát, mặt người không còn thần sắc, chiếc áo mưa bị gió xé toạc không che được cơn ướt lạnh. Nghỉ rồi lại đi, hành trình đau thương này sẽ khắc sâu vĩnh viễn trong ký ức của họ. Không có thước phim nào, bộ ảnh nào có thể ghi lại hết những gương mặt người lúc này, trên dặm trường này. Nhìn họ, việc cố tìm một chuyến bay charter mới ngày hôm qua thôi bỗng thành điều để mình áy náy…

Những “nhân viên công vụ” cũng mang đủ nhân diện của một thời tàn bạo. Có người chép miệng cho qua trạm, có kẻ hùng hổ bắt quay đầu. Có người chỉ cần đưa app khai báo trên điện thoại ra trình là xong, lại có kẻ bắt phải khai vào giấy… Người ta nhìn nhau bằng “những đôi mắt mang hình viên đạn”, dù có người cũng chẳng biết tại sao, khi mới hôm qua còn là người quen, là hàng xóm tốt.

Những chính sách khiến hàng vạn người chết, có bao nhiêu cái chết oan ức, tức tưởi? Cả cha mẹ của một người bạn tôi chết trong khu cách ly chỉ cách nhau ba ngày, khi gia đình còn chưa kịp tìm ra cách vào chăm sóc. Cho đến bây giờ, sau một lễ cầu siêu hoành tráng trên mặt báo (linh hồn họ có thoát được hay không?) chẳng ai nhận trách nhiệm. Người ta đang ồn ào chuyện xử một lũ người cấu kết nhau làm tiền, lấy tiền dân man rợ từ kit test, kể ra bao nhiêu ngàn tỷ, nhưng còn mạng dân?

Dân có thấy được an ủi chút nào không? Những câu hỏi vô vọng… Người đàn ông cùng chuyến bay vẫn luôn miệng bà mẹ nó. Anh phải về vì chỉ sang Mỹ thăm con đi học và bị kẹt lại, lo lắng cho ba mẹ già ở quê không biết rồi có bị đưa đi cách ly không… Chửi đổng cho hả tức chớ bà mẹ nào mà đẻ ra những thằng người hay những chính sách tàn ác đó. Giờ thì chính sách đang thay đổi mang lại những hy vọng về một cuộc sống bình thường. Người ta nhận ra sai lầm hay thời gian đã đủ để họ thay cách khác? Thay đổi chính sách như thay áo cũng chẳng có một lời giải thích. Người dân phải học cách cởi ra mặc vô tấm áo rách nát của mình.

Dù muốn nhìn hay không bạn cũng thấy nhiều điều không thể nào hiểu nổi…

Đường về, hãy chắc chắn bạn đã biết tất cả và… vẫn muốn về, ngay lúc này, khi các chuyến bay thương mại bình thường đang được hứa hẹn…

Sài Gòn, những ngày cuối năm 2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: