Hết tiền, HBC đề nghị dùng bất động sản trả cho nhà thầu phụ

Không chỉ kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu HBC cũng “bay màu” hơn 73.7% thị giá trong năm 2022 – Ảnh: Nhịp Cầu Đầu Tư

Bị nhiều nhà thầu phụ đòi tiền, tập đoàn xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) đề nghị thanh toán bằng…bất động sản.

Tình trạng này cho thấy các công ty bất động sản Việt đang rơi vào suy thoái trầm trọng, càng nắm giữ nhiều bất động sản và càng có nhiều dự án dở dang thì càng chết. HBC là tập đoàn xây dựng số 1 Việt Nam hiện nay, nhưng năm 2022 công bố bị lỗ (sau thuế) lên tới hơn 953 tỷ đồng ($40,4 triệu).

Không chỉ kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu HBC cũng “bay màu” hơn 73.7% thị giá trong năm 2022.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp ngày 15 Tháng Ba, trong văn bản gửi các nhà thầu phụ, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch hội đồng quản trị HBC cho biết lý do chưa trả được tiền là… tình hình thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, một số khách hàng đang nợ tiền HBC cũng dùng bất động sản để gán nợ, nên ông mong muốn các nhà thầu phụ xem xét nhận thanh toán bằng bất động sản để cấn trừ nợ.

Ông còn đề nghị,  Hòa Bình cũng còn một số thiết bị xây dựng tồn kho, nếu nhà thầu nào nhận thấy phù hợp với nhu cầu, có thể thỏa thuận với Hòa Bình để gán trừ công nợ theo giá phù hợp được hai bên thống nhất.

Tờ báo này dẫn lời ông Hải cam kết: “Hòa Bình sẵn sàng xác nhận công nợ đối với các nhà thầu phụ để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc các nhà thầu phụ vay vốn ngân hàng. Bằng tất cả thiện chí và với những nỗ lực cao nhất, chúng tôi hy vọng có thể giải quyết mọi vấn đề theo hướng tốt nhất cho các nhà thầu phụ”.

HBC là tập đoàn xây dựng lớn nhất Việt Nam nay cũng đã hết tiền, đề nghị cấn nợ bằng bất động sản hoặc thiết bị xây dựng – Ảnh: Kinh Tế Sài Gòn

Trước đó, một nhóm bảy nhà thầu phụ đã gửi văn bản cho Hòa Bình và một số chủ đầu tư về việc sẽ tạm ngừng thi công tại một số dự án do Hòa Bình làm tổng thầu, lý do là HBC chậm thanh toán công nợ cho họ từ Tháng Bảy 2022 đến nay. Do đó, các nhà thầu phụ sẽ tạm dừng toàn bộ dịch vụ bảo hành, bảo trì đối với các dự án đã bàn giao từ ngày 3 Tháng Ba và tạm dừng thi công các dự án đang xây dựng từ ngày 15 Tháng Ba.

Trong văn bản gửi đến Hòa Bình, các nhà thầu phụ cho biết, họ đã phải cầm cố tài sản, vay lãi, thế chấp để có tiền chi trả một phần sinh hoạt phí cho công nhân và để duy trì hoạt động của công ty. Tuy nhiên, đến nay các nhà thầu phụ đã hết năng lực chi trả khiến công nhân đình công, nghỉ việc, gây áp lực lớn cho việc quản lý và điều hành trên công trường xây dựng.

Kinh tế Sài Gòn Online hôm 15 Tháng Ba cũng cho biết tên các nhà thầu phụ đòi tiền HBC là Công ty Bách Việt, Hoàng Anh, Mạnh Tiến, Phú Đức, Cơ điện KDG Việt Nam, Long Giang, ICD Việt Nam… Các công ty này đang thầu phụ thi công cơ điện cho một loạt dự án lớn của HBC tại Hà Nội, Hưng Yên, Lào Cai.

Điều đáng nói là trước đó, các nhà thầu phụ đã gửi văn bản đòi tiền HBC nhiều lần song vẫn chưa được thanh toán và HBC cũng không trả lời, khiến các công ty rơi vào tình trạng khốn đốn đến không thể im lặng được nữa, họ buộc phải thông tin ngay cho báo chí.

Vào lúc thị trường bất động sản có thanh khoản tốt, việc nhận gán nợ bằng bất động sản hay thiết bị xây dựng thì cũng được, vì cũng có cái để bán lấy tiền. Thế nhưng, giờ bất động sản ế ẩm khắp nơi, bán ai mua; thêm nữa nhiều dự án phải dừng thi công thì thiết bị xây dựng đem về cũng chỉ chất vào kho! Đem của ế gán nợ thì hoặc là HBC quá khôn, hoặc là HBC đã rơi vào đường cùng, dù thế nào cũng là mất mặt “ông lớn” ngành xây dựng!

Từ cuối năm 2022, nhà cầm quyền Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc họp với các công ty bất động sản nhằm cứu vãn thị trường bất động sản đang “ngủ đông”. Các công ty đều đề đạt nhiều chính sách để mong được cứu… nhưng đến nay vẫn chưa có gì biến chuyển.

Nếu cần sụp đổ để thị trường bất động sản trở về với giá thật của nó, phù hợp với nhu cầu của rất nhiều người lao động nhập cư chưa có nhà ở thì có lẽ cũng không cần phải cứu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: